Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Hôm nay chúng ta học hỏi mối phúc đầu tiên trong tám mối phúc của Tin Mừng Matthêu. Chúa Giêsu khởi sự công bố con đường dẫn đến hạnh phúc với một lời loan báo đầy nghịch lý: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Một con đường đầy ngạc nhiên và một đối tượng kỳ lạ của mối phúc đó là sự nghèo khó.
Chúng ta tự hỏi: “nghèo khó” ở đây được hiểu là gì? Nếu thánh Matthêu chỉ sử dụng từ này thì ý nghĩa có thể đơn giản nói đến kinh tế, nghĩa là có thể nó chỉ những người có rất ít hoặc không có lấy một phương tiện chống đỡ và những điều thiết yếu để giúp đỡ người khác.
Nhưng Tin Mừng Thánh Matthêu, khác với Luca, nói về “tinh thần nghèo khó”. Điều đó muốn nói gì? Tinh thần theo Kinh Thánh là hơi thở của sự sống mà Thiên Chúa đã trao ban cho Ađam, là chiều kích sâu kín nhất của chúng ta, chúng ta nói đó là chiều kích thiêng liêng, chiều kích sâu kín, là chiều kích làm cho chúng ta trở nên người, là hạt nhân sâu thẳm của căn tính chúng ta. Chúa Giêsu công bố các mối phúc cho họ, để họ thuộc về Nước Thiên Chúa.
Nhiều khi chúng ta được nghe nói ngược lại! Cần phải làm một điều gì đó trong cuộc sống, làm một ai đó…. Cần phải làm một cái tên… Từ đó phát sinh ra sự đơn độc và bất hạnh: nếu tôi là “một ai đó”, tôi cạnh tranh với những người khác và sống trong sự ám ảnh về cái tôi của chính mình. Nếu tôi không đón nhận mình nghèo khó, tôi căm ghét tất cả những gì làm tôi nhớ lại sự mỏng giòn của chính mình. Bởi vì sự mỏng giòn này cản trở tôi trở thành một con người quan trọng, một người giàu có không chỉ giàu về tiền bạc, nhưng còn giàu về danh tiếng, giàu về tất cả.
Mỗi người, đứng trước chính mình, luôn biết rất rõ rằng, người ta làm biết bao nhiêu điều, cuối cùng luôn còn lại là sự không hoàn thiện và dễ tổn thương. Không có sự trang điểm nào có thể giấu đi tính dễ tổn thương này. Tận bên trong, mỗi chúng ta dễ bị tổn thương. Cần phải biết ở nó ở đâu. Làm sao người ta có thể sống được nếu người ta từ chối những giới hạn của chính mình. Người ấy sống rất tệ. Người ta không thể tiêu hóa những giới hạn. Những người kiêu ngạo không xin sự giúp đỡ, không thể kêu xin sự giúp đỡ, và không đến kêu xin sự giúp đỡ bởi vì họ đã tự lấy mình là đủ. Họ cần biết bao sự giúp đỡ, nhưng sự kiêu ngạo cản trở họ. Và họ thật khó thừa nhận một lỗi lầm và xin sự tha thứ! Tôi đưa ra những lời khuyên cho các đôi vợ chồng mới, khi họ nói với tôi rằng làm thế nào để có thể đưa cuộc hôn nhân của họ tiến về phía trước cách tốt đẹp: “Có 3 từ kỳ diệu: xin phép, cám ơn, xin lỗi”. Chúng là những từ xuất phát từ tinh thần nghèo khó. Không cần sự quấy rầy, mà là xin phép: “Bạn thấy làm điều này tốt không?”, như vậy sẽ có sự đối thoại trong gia đình, vợ chồng đối thoại với nhau. “Em làm điều này cho tôi, cám ơn em, tôi cần nó”. Rồi, người ta luôn làm điều lỗi với nhau, hãy nói: “Xin lỗi”. Thông thường những đôi vợ chồng, những cặp hôn nhân mới, những người đang ở đây và nhiều người khác nữa, họ nói với tôi rằng: Lời thứ ba thật khó, đó là xin sự tha thứ, xin sự thứ lỗi. Vì sự kiêu ngạo nên không thể làm điều đó. Không thể xin sự tha thứ, điều này luôn có lý. Nhưng đó là không nghèo khó trong tinh thần. Trái lại Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ, chẳng may là chính chúng ta mệt mỏi kêu xin sự tha thứ (x. Kinh Truyền Tin, ngày 13 tháng 3 năm 2013). Mệt mỏi kêu xin sự tha thứ: đó là một bệnh xấu!
Tại sao xin sự tha thứ lại khó đến như vậy? Bởi vì, xin sự tha thứ sẽ làm bẽ mặt khuôn mặt đạo đức giả của chúng ta. Cũng vậy, sống tìm cách che giấu những thiếu xót của mình thì rất vất vả và bồn chồn lo âu. Đức Kitô nói với chúng ta rằng: nghèo khó là một cơ hội của ân phúc và Ngài chỉ cho chúng ta con đường ra khỏi sự vất vả này. Ngài trao cho chúng ta quyền lợi của một người có tinh thần nghèo khó, đó là đường của Nước Thiên Chúa.
Nhưng có một điều căn bản phải được bén rễ sâu trong chúng ta là: chúng ta không tự biến mình trở nên nghèo khó trong tinh thần, chúng ta không phải làm bất cứ sự biến đổi nào bởi vì chúng ta đã là nghèo khó rồi! Chúng ta nghèo khó… hoặc rõ ràng hơn chúng ta nghèo về tinh thần! Chúng ta cần tất cả. Tất cả chúng ta nghèo về tinh thần, chúng ta là những người ăn mày. Đó là thể trạng của con người.
Nước Thiên Chúa là của những người có tinh thần nghèo khó. Có những người họ có những vương quốc tại trần thế này. Họ có những sản nghiệp và có những tiện nghi. Nhưng những vương quốc ấy sẽ kết thúc. Quyền lực của những con người, ngay cả những đế chế vĩ đại cũng qua đi và biến mất. Nhiều khi chúng ta thấy trên đài truyền hình và trên báo chí tường thuật về những chính phủ này thật mạnh, quyền lực hoặc chính phủ kia hôm nay có đó, nhưng ngày mai không còn nữa, đã thất bại. Sự giàu có của thế giới này qua đi và tiền bạc cũng vậy. Người xưa dạy chúng ta rằng tấm vải liệm không có trong túi. Thật như vậy. Tôi không bao giờ thấy một xe tải đi theo sau xe tang: không một ai mang theo thứ gì cả. Sự giàu sang ở lại đây.
Nước Thiên Chúa là của những ai có tinh thần nghèo khó. Có những người họ có vương quốc trên trần thế này. Nhưng chúng ta biết chúng kết thúc thế nào. Ai yêu mến điều tốt đích thực hơn chính mình thì họ thực sự trị vì. Đây là sức mạnh của Thiên Chúa.
Đức Kitô biểu dương sức mạnh trong điều gì? Ngài đã làm điều mà các vua trên trái đất này không làm: Ngài trao ban sự sống cho con người. Đây là sức mạnh thực sự. Sức mạnh của tình huynh đệ, của đức ái, sức mạnh của tình yêu, của sự khiêm nhường. Đức Kitô đã làm các điều này.
Trong những điều này có sự tự do đích thực: ai có sức mạnh của sự khiêm nhường, của phục, vụ, của tình huynh đệ thì tự do. Phục vụ cho sự tự do này là sự nghèo khó được ca tụng bởi các mối phúc.
Bởi vì, có một sự nghèo khó mà chúng ta cần phải chấp nhận, sự nghèo khó thuộc về căn tính của chúng ta và trái lại sự nghèo khó mà chúng ta phải tìm kiếm, sự nghèo khó cụ thể từ những điều bình thường trong cuộc sống này, để được tự do và có thể yêu mến. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm sự tự do của trái tim, sự tự do có cội rễ trong sự nghèo khó của chính chúng ta.
Vatican, ngày 05 tháng 02 năm 2020
Đức Thánh Cha Phanxico