THẬP GIÁ VÀ LỜI KINH CỨU ĐỘ

Chủ nhật - 24/03/2024 22:17
THẬP GIÁ VÀ LỜI KINH CỨU ĐỘ

40 ngày chay tịnh qua đi, chúng ta dần tiến đến đỉnh điểm trong hành trình thiêng liêng của Mùa Chay đó là cuộc thương khó, tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô.

Càng tiến trên con đường này chúng ta càng cảm nghiệm ngày một rõ hơn giá trị và ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm Thập Giá, mà người đời cho là ô nhục và điên rồ, nhưng chính Thiên Chúa đã dùng để cứu những người tin (x. 1Cr 1,17-25). Mầu nhiệm cứu độ được Đức Kitô thực hiện ngay trong chính cuộc sống của Ngài và hoàn tất trong cuộc vượt qua từ đỉnh đồi Calve cho đến vinh quang Phục Sinh. Thánh Phêrô nhắc nhở rằng: “Không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm, do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô” (1Pr 1,18-19). Chính vì thế, ngày nay Giáo Hội ca hát rằng: “Kính chào Thánh Giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng con!” (GLHTCG s. 617) và Thánh Giá trở nên lời kinh cứu độ mà Giáo Hội khẩn cầu cho chính mình và cho toàn thể nhân loại. Cách riêng đối với các chị em Mến Thánh Giá, Thập Giá – lời kinh cứu độ không chỉ là kinh nguyện hằng ngày nhưng còn là phương châm và là mục đích sống được kết nên gia sản thiêng liêng mà Đấng Sáng Lập – Đức Cha Pierre Lambert de la Motte trao lại cho họ.

Trong Bức Tâm Thư gởi cho hai nữ tu đầu tiên, Đức Cha đã căn dặn những người con thiêng liêng vừa mới chào đời rằng: Hãy năng khắc sâu vào tâm khảm của những tập sinh thân yêu điều này: “Mục đích chính của Tu Hội các con là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu Kitô và hằng ngày dâng việc suy gẫm cầu nguyện của các con, nước mắt của các con, các việc làm của các con và hy sinh của các con, để cầu xin Người ban cho lương dân và những Kitô hữu bất hảo được ơn ăn năn trở lại” [1]. Lời nhắn nhủ này làm nên đặc tính rất quan trọng của đặc sủng và linh đạo Mến Thánh Giá, là tham dự vào vai trò trung gian của Đức Kitô trong việc chuyển cầu với thái độ nài xin tha thiết của người nữ tu Mến Thánh Giá [2]. Việc tham dự này là ơn Thiên Chúa ban cho con người và cũng là lời mời gọi dành cho mọi người.

Quả vậy, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: «Thánh Giá là hy tế duy nhất của Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Nhưng bởi vì, trong Ngôi Vị Thiên Chúa Nhập Thể của Người, một cách nào đó Người đã tự kết hợp với toàn thể mọi người, nên Người đã “ban cho mọi người một khả năng để theo cách Thiên Chúa biết, họ được kết hợp vào mầu nhiệm vượt qua”. Người kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người, bởi vì Người đã chịu khổ nạn vì chúng ta, để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người. Quả thật, Người cũng muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu chuộc của Người được kết hợp vào hy tế ấy» (GLHTCG, s. 618). Giáo Hội khẳng định thêm rằng Thiên Chúa đã thực hiện điều đó một cách cao cả nhất nơi Mẹ Người, Mẹ được kết hợp vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người một cách mật thiết hơn bất cứ ai khác (GLHTCG, s. 618).

Như thế, người nữ tu Mến Thánh Giá thông dự vào ơn Thiên Chúa ban cho người Cha thiêng liêng của mình sống vai trò trung gian của Đức Kitô. Người cha ấy suốt cuộc đời trong dòng lịch sử đầy xáo trộn, đã luôn lắng nghe tiếng mời gọi khẽ khàng của Thiên Chúa và sống theo ân sủng được tác động nơi mình. Ơn ấy chính Thiên Chúa đã gieo mầm ngay trong thuở thiếu thời, để rồi cậu bé Lambert đã ôm ấp trong lòng niềm khao khát trở nên một trong số những người ít ỏi mà sách Gương Phước đề nghị: «Nhiều người yêu mến Chúa Giêsu cho đến lúc bẻ bánh nhưng ít ai đi cho tới khi uống chén đắng khổ nạn của Người. Nhiều người tung hô các phép lạ của Chúa, nhưng ít ai sẵn sàng đón nhận sự ô nhục của Thập Giá […] Những người này yêu Chúa Giêsu vì Chúa chứ không phải vì những niềm an ủi riêng, họ chúc tụng Người trong mọi cơn thử thách và nỗi buồn tâm trí cũng như trong mọi niềm an ủi lớn lao. Và ngay cả khi Chúa không ban cho họ ơn an ủi nào, họ cũng không ngừng khen ngợi tạ ơn Người» [3]. Và dường như trong lịch sử tu đức thiêng liêng của Giáo Hội, Đức Cha Lambert đã trở nên người tiên phong sống khả năng Thiên Chúa ban, kết hợp với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô và đi theo con đường ấy cho đến cùng. Trong hành trình tìm kiếm cách sống cụ thể ân sủng Thiên Chúa soi sáng nơi mình, Đức Cha tìm thấy chức năng tông đồ của việc đền tội trong việc bác ái, ý nghĩa của khổ nạn, sự từ bỏ, khó nghèo và hãm mình, làm “vì tội mình và tội người khác, kết hợp mật thiết với Chúa Kitô Cứu Thế” [4]. Đức Cha Lambert – Vị Đại Diện Tông Tòa đã từng “lòng đau như cắt, mắt đẫm lệ”, trước cảnh huống đầy đau thương nơi miền đất truyền giáo, mà ngài gọi đó là thập giá lớn nhất đời tôi [5] để củng cố, đặt nền tảng cho Giáo Hội địa phương Việt Nam lớn lên và trưởng thành như hôm nay.

Thập giá và lời kinh trở nên một trong những điều làm nên căn tính của người nữ tu Mến Thánh Giá trong sứ mạng chuyển cầu cho lương dân, cho những tín hữu sống xa lìa Thiên Chúa được ơn trở lại và cho nhu cầu của Giáo Hội địa phương[6] trong kinh nguyện hằng ngày, bằng những việc làm, bằng hy sinh và nước mắt. Vì thế, đối với chị em Mến Thánh Giá, để lời kinh trở thành lời kinh cứu độ, chúng ta cần học cách đón nhận thập giá mỗi ngày, để làm bằng chứng tình yêu lớn nhất dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và anh chị em đồng loại. Sống đỉnh cao của Mùa Chay đi lại cùng Đức Giêsu trên con đường thương khó, chị em Mến Thánh Giá xác tín hơn ơn gọi và căn tính Mến Thánh Giá trong việc thông phần vào hy tế thập giá của Ngài, để sống sứ mạng chuyển cầu. Chính khi chúng ta yêu Thiên Chúa và yêu con người với tình yêu trao ban đến cùng, như chính Thiên Chúa đã yêu trên đồi Calve, thì lời kinh của chúng ta mới trở nên lời kinh cứu độ. Tình yêu không hy sinh, không đau khổ và từ bỏ là một tình yêu trống rỗng và vô nghĩa. Lời kinh không tình yêu chỉ là tiếng kêu vang của một tâm hồn trống rỗng rơi rớt vào thinh không.

[1] Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Bức Tâm Thư, trong Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Di Cảo. Tuyển tập bút tích của Đức Cha Lambert de la Motte, c. 8, tr. 41.
[2] X. Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang, Hiến Chương 2000, điều. 54, tr. 54.
[3] Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, tr. 51.
[4] Như trên, tr. 142.
[5] X., như trên, tr. 293.
[6] Hiến Chương 2000, điều 63, tr. 61.

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 394
  • Hôm nay 41,647
  • Tháng hiện tại 1,303,677
  • Tổng lượt truy cập 4,703,754
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây