THÁNH GIÁ - CON ĐƯỜNG DUY NHẤT CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG

Thứ tư - 13/09/2023 12:01
2
2
Ngày 07.10.2022, trong Thư Chung của khóa họp lần thứ XV, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đưa ra Định hướng sống trong năm 2023 cho Giáo Hội Việt Nam với chủ đề: “Củng cố sự hiệp thông”. Trong gần suốt một năm qua, tinh thần này là chủ đề chính của các cuộc hội thảo, suy tư, nghiên cứu, cầu nguyện và hồi tâm của mọi thành phần trong Giáo Hội. Qua đó, có lẽ mỗi người, mỗi cộng đoàn cũng đã khám phá ra phương thế thích đáng để củng cố và nuôi dưỡng tình hiệp thông. Một trong những kinh nghiệm quý giá trong hành trình này có lẽ là: củng cố và nuôi dưỡng tình hiệp thông trong cộng đoàn là một hành trình cheo leo, đòi nhiều nỗ lực và hy sinh. Thật vậy, trong khi sống căn tính và sứ mạng hiệp thông của mình suốt dòng lịch sử đã qua, Giáo Hội khẳng định không có con đường nào khác để xây dựng sự hiệp thông ngoài con đường thập giá của Đức Kitô.

Hiệp thông – một thái độ sống
Ý nghĩa của hạn từ “Hiệp thông” và lịch sử phát triển của hạn từ này đã được nghiên cứu, suy tư, phân tích sâu rộng trong nhiều bài viết và bài tham thuận nổi tiếng. Tuy nhiên, hiệp thông không phải là khái niệm nằm trong sách vở nhưng là thái độ sống của con người. Thái độ đó là hoa quả của ý thức thuộc về một nhóm, một cộng đoàn, trong đó các cá nhân tuy khác biệt nhau nhưng yêu thương, gắn kết, chia sẻ, nhẫn nại, cảm thông, dấn thân, hiệp nhất nên một trong cùng một niềm tin, lý tưởng, ý chí và hành động…
Công đồng Vatican II khẳng định: “Trong Đức Kitô, Giáo Hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người” (LG 1). Sự hiệp thông bắt nguồn từ thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi.  Sự hiệp thông là hoa quả và là sự tỏ bày tình yêu, một tình yêu phát xuất từ lòng Thiên Chúa Cha vĩnh hằng và được đổ tràn xuống trên chúng ta nhờ Thần Khí Chúa Giêsu ban cho chúng ta, làm cho chúng ta nên một lòng một ý[1].
Như thế, sự hiệp thông diễn ra trên hai bình diện thể lý và thiêng liêng. Trên bình diện thể lý các cá nhân quy tụ, hiện diện cùng nhau như lời Thánh Vịnh “Ngọt ngào tốt đẹp thắm thay, anh em vui vẻ sum vầy bên nhau” (Tv 133,1). Trên bình diện thiêng liêng, “sự hiệp thông là sự kết hợp nội tâm, vô hình, bí nhiệm và siêu nhiên liên kết tất cả các Kitô hữu với Đức Kitô và với nhau trong Người”[2]. Đây cũng là kiểu hiệp thông xa mặt nhưng không cách lòng. Bình diện hiệp thông thứ hai làm nên mục đích, ý nghĩa và hồn sống cho hiệp thông ở bình diện thứ nhất.
Hiệp thông thật sự làm cho con người hạnh phúc. Thật vậy, khi tạo dựng con người là hình ảnh và giống Thiên Chúa, Thiên Chúa đã ban cho họ hồng ân hiệp thông. Vì thế, tự căn tính họ sống kết hiệp và tương quan với người khác, chỉ khi đi vào trong tương quan với người khác, con người mới là chính mình. Hiệp thông trở nên bản chất của con người, bản chất và sứ mạng của Giáo Hội. Thế nhưng, “biến Giáo Hội thành nhà và trường hiệp thông: đó là thách đố lớn mà chúng ta phải đối mặt trong ngàn năm mới đang bắt đầu”[3].    

Củng cố sự hiệp thông – một hành trình cheo leo
Ngày 03.10.2020, Đức Thánh Cha Phanxico đã công bố thông điệp Fratelli tutti – Tất cả là anh em, để cổ võ tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội. Trong thông điệp này, khi mô tả về đường hướng phát triển toàn cầu của thế giới ngày nay, Đức Thánh Cha viết: “Thứ văn hóa này hợp nhất thế giới, nhưng phân rẽ các cá nhân và các dân tộc, vì khi xã hội trở nên toàn cầu hơn, nó làm cho chúng ta trở thành những người hàng xóm, nhưng không làm cho chúng ta trở thành anh em. Chúng ta trở nên cô đơn hơn bao giờ hết trong một thế giới ngày càng đồng nhất đại trà cổ võ những ích lợi cá nhân và làm suy yếu chiều kích đời sống cộng đồng”[4].
Thực tế này cho thấy hành trình xây dựng và duy trì sự hiệp thông trong một nhóm nhỏ, trong cộng đoàn, trong Giáo Hội hay trong nhân loại này là một hành trình cheo leo. Vì lẽ, bất cứ một nhóm hay một cộng đoàn nào cũng bao gồm những cá nhân khác biệt nhau về tuổi tác, giới tính, tính tình, văn hóa, lối sống nếp nghĩ, quan điểm, nhận thức… Họ là những con người khao khát sự hoàn thiện nhưng lại giới hạn và bất toàn; mong muốn sự hiệp nhất nhưng cũng đầy ích kỷ và nhỏ nhen. Bởi đó, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định việc những người khác nhau về chủng tộc, văn hóa, lối sống, nếp suy nghĩ cùng nhau trở nên anh chị em trong một gia đình thánh hiến là một huyền nhiệm[5]. Huyền nhiệm này được thực hiện qua mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Với sự lựa chọn tự do của mình con người đã phá vỡ mối hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Bằng mầu nhiệm thập giá Người đã nối kết lại ân sủng hiệp thông ban đầu Thiên Chúa ban cho con người. Người đã trở nên nguồn mạch, là mẫu mực và thước đo của giới luật yêu thương mà nhờ đó con người có thể xây dựng và nuôi dưỡng tình hiệp thông huynh đệ.

Thánh giá - Con đường duy nhất củng cố sự hiệp thông
Từ những kinh nghiệm của cuộc sống thường ngày, người ta có thể rút ra bài học quý giá rằng sự hiệp thông thật sự chỉ có thể khi con người biết hy sinh và bỏ mình.
Thật vậy, Giáo Hội đã khẳng định rằng “Sự hiệp nhất mà chúng ta phải xây dựng là sự hiệp nhất được thiết lập bằng cái giá của sự hòa giải”[6]. Giáo Hội còn khẳng định thêm “Để sống với nhau như anh em và chị em, cần phải có một cuộc hành trình giải phóng nội tâm đích thực. […] một cộng đoàn được tháp nhập vào Giáo Hội như là dân Thiên Chúa phải được xây dựng bằng những con người mà Chúa Kitô đã giải thoát và làm cho có khả năng yêu thương như Người đã yêu thương”[7]. Tình yêu ấy làm cho chúng ta có khả năng đón nhận nhau như quà tặng Thiên Chúa ban. “Tình yêu Chúa Kitô đổ tràn lòng chúng ta, thôi thúc chúng ta yêu thương anh em và chị em mình đến độ nhận lấy những yếu đuối, những vấn đề và những khó khăn của họ. Tắt một lời: yêu đến trao ban chính mình”[8]. Nỗ lực xây dựng tình hiệp thông cũng đòi hỏi mỗi cá nhân lắm khi cũng phải hy sinh những gì mình cho là tốt là hay để nhìn nhận điều hay điều tốt nơi người khác.
Theo gương Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội trong suốt hơn hai ngàn năm qua cũng đã đi con đường này để bảo vệ và duy trì tình hiệp thông với Chúa và với nhau. Điều này thể hiện qua những lần cùng nhau cầu nguyện, phân định tìm ý Chúa để luôn đi trong đường lối của Ngài. Điều này thể hiện qua những lần đón nhận những chống đối, chỉ trích để bảo vệ nhân phẩm con người. Điều này thể hiện qua những lần thú nhận thiếu sót và sai lầm. Điều này còn thể hiện qua những lần bỏ qua, tha thứ cho những xúc phạm, vu khống; những lần làm một lựa chọn đầy đau khổ ẩn mình đi vì một lợi ích nào đó cho cộng đoàn, cho người khác.
Thật vậy, nhiều sự cần thiết cho hành trình của Giáo Hội qua dòng lịch sử, nhưng không có tình yêu Agape, mọi sự sẽ hóa ra vô ích[9]. Hiệp thông là quà tặng của Thiên Chúa. Hành trình củng cố sự hiệp thông có thể cheo leo nhưng nó được nâng đỡ bởi tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, miễn là con cái Ngài kiên nhẫn đi trên con đường Ngài đã đi.
 

[1] ĐTC Gioan Phaolo II, Tông thư Khởi đầu thiên niên kỷ mới – Nono Milennio Inuente, s. 42.
[2] Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, Bí tích Thánh Thể: Suối nguồn hiệp thông, trong Hiệp Thông. Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 135, tr. 60.
[3] Tông thư Khởi đầu thiên niên kỷ mới, s. 43.
[4] ĐTC Phanxico, Thông điệp Fratelli Tutti – Thông điệp về tình huynh đệ và tình thân hữu trong xã hội, Lm. Lê Công Đức (chuyển ngữ từ tiếng Anh), NXB Tôn Giáo, Tp. HCM 2020, s. 12, tr. 17.
[5] X., José Cristo Rey – Gracia Padredes, Đời tu: Hiệp thông và cộng đoàn, Giuse Đỗ Ngọc Bảo OP (chuyển ngữ), tr. 5. 
[6] Thánh Bộ Các Hội Dòng Sống Đời Thánh hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, s. 26.
[7] Như trên, s. 21.
[8] Như trên.
[9] X., Tông thư Khởi đầu thiên niên kỷ mới, s. 42.

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 180
  • Hôm nay 36,944
  • Tháng hiện tại 686,522
  • Tổng lượt truy cập 5,471,790
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây