ĐỂ PHÁT HUY ĐỜI SỐNG TÂM LINH TRONG CỘNG ĐOÀN TU SĨ

Thứ bảy - 22/07/2023 03:07
ĐỂ PHÁT HUY ĐỜI SỐNG TÂM LINH TRONG CỘNG ĐOÀN TU SĨ
"Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay.
Anh em được sống vui vầy bên nhau"

Sống cộng đoàn là một đặc ân của đời thánh hiến phát sinh từ Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nghe tiếng gọi của Thiên Chúa Cha, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, người tu sĩ chọn bước theo Chúa Kitô “Sequela Christi” với một con tim không chia sẻ. Đời sống cộng đoàn được quy tụ vì tiếng gọi tình yêu thiêng liêng của Thiên Chúa: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16); “Không ai đến với Cha nếu Cha Thầy không kêu gọi” (Ga 6,44). Đo đó, ơn thánh hiến còn được gọi là ơn Thiên Triệu. Ơn Thiên Triệu này phát xuất từ Tình Yêu Thiên Chúa được mô tả như một dấu chỉ cảu Hôn lễ huyền nhiệm giữa Thiên Chúa và con người: Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con để cho Ngài quyến rũ (Gr 25,7).
Trước tiếng gọi của Tân Lang, người được gọi từ bỏ mọi sự để dấn bước theo Ngài:

Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào,
Đưa mắt nhìn và hãy lắng tai,
Quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ,
Sắc nước hương trời quân vương sủng ái.
                              (Hôn lễ Quân Vương, Tv 44)

Nhưng được Ngài quyến rũ không chỉ là một hồng ân hay hạnh phúc riêng tư mà với nhiều người khác được Chúa hấp dẫn, cùng nhau đoàn tụ, kết hiệp với nhau thành những cộng đoàn dâng hiến để xây dựng NhiệmThể Chúa Giêsu Kitô là Vương quốc của Tình Yêu, của Nước Trời tại thế.
Do đó, ơn thánh hiến là một Đoàn sủng, là điểm hội ngộ để làm nên một mái nhà chung, nơi mà mỗi phần tử được động viên, hướng dẫn, để cùng nhau đồng tâm nhất trí xây dựng một cộng đoàn, với những chiều kích tâm linh nòng cốt sau đây:
 
1. Cộng đoàn đức tin
Là nơi tập hợp những ai được Thần Khí hướng dẫn, đã chọn Tình Yêu Thiên Chúa là lẽ sống duy nhất và cống hiến toàn bộ cuộc sống để loan báo Tình Yêu cứu độ, theo gương Đức Giêsu, sống Khiết tịnh, Nghèo khó và Tuân phục Thánh Ý Cha nhờ ánh sáng và động lực của Thánh Thần.
Đó là mẫu số chung cơ bản tập họp những con người thánh hiến nên một cộng đoàn, một cộng đoàn vì đã chọn Chúa chứ không phải chọn nhau. Do đó, cộng đoàn tu sĩ tuy cùng một định hướng siêu nhiên nhưng lại gồm những bộ mặt hoàn toàn xa lạ với nhau, khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, quốc tịch, tuổi tác, tính tình… Được lớn lên qua những nền giáo dục, môi trường gia đình, xã hội khác nhau, nhưng vì lý tưởng tận hiến là đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa, nên đồng hành tiến bước theo gương Đức Giêsu, dựa vào sức cộng lực của Chúa Thánh Thần, xây dựng Vương Quốc Tình Yêu vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại.
Đây chính là duyên nợ của ơn gọi tình yêu thánh hiến (mọi tình yêu đều có duyên và nợ).
Duyên: Đời tu là một mối tình, một cuộc giao duyên huyền nhiệm kết hiệp con người với Đấng là Tình Yêu vĩnh cửu, là một cuộc Thiên tình sử.
Nợ: Tiếng gọi thì vô biên, bất tận mà kẻ được gọi là một thụ tạo mỏng giòn, hữu hạn, mong manh, yếu đuối. Đời thánh hiến là một cuộc phiêu lưu vì Tình Yêu. Cộng đoàn tu sĩ là một thao trường luyện võ Đức tin vì biết rằng mỗi thành viên là một hòn ngọc mà Thiên Chúa đã lựa chọn nhưng là một hòn ngọc mỏng manh, dễ vỡ, dính bén với các thứ bụi trần, cần được trau chuốt, mài rửa suốt hành trình dương thế. Do đó, sống cộng đoàn là một cuộc chiến đấu liên lỉ, một cuộc vượt qua, từ vị kỷ đến vị tha, từ tự cao đến tự hạ, từ cái tôi chiếm hữu đến cái tôi dâng hiến, từ cộng đoàn cho tôi đến tôi cho cộng đoàn. Đó là một cuộc vượt qua hằng ngày, vượt qua đức tin được Chúa chọn đến đức mến chọn anh em để cộng đoàn trở nên một cộng đoàn huynh đệ.
 
2. Cộng đoàn huynh đệ
Anh em chớ mắc đọ nhau điều gì trừ ra tình thương mến, vì Tình Yêu là luật Chúa thiện toàn.
Mặc dầu mỗi cộng đoàn tu sĩ có những luật sống riêng tùy theo linh đạo, đặc sủng và hiến chương của mỗi Hội Dòng (như dòng hoạt động tông đồ có những điểm riêng biệt khác với dòng chiêm tu), nhưng mẫu số chung cơ bản của mọi đời tu và cộng đoàn tu sĩ vẫn là hiến mình trọn vẹn cho tình yêu duy nhất để xây dựng Nước Trời. “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12), “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 16 – 17).
Để hàng ngày thực hiện Tình yêu này trong đời sống cộng đoàn, chúng ta phải đón nhận sự khác biệt của các thành viên đa năng, đa dạng, không ai giống ai… Ngôi nhà Tình Yêu huynh đệ này muốn được “hiệp nhất trong đa dạng” cần được thiết kế với những chất liệu khác nhau: cát, gạch, vôi, sỏi đá, sắt thép… Tất cả phải được phối hợp cahựt chẽ, ăn khớp với nhau nhờ chất xi măng là Đức ái làm nên một cơ thể thống nhất như Thánh Phaolo mô tả:
“Sống theo sự thật và lòng bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, chúng ta cũng thuộc về nhau. Đã thuộc về nhau thì tất cả đều là của chung, không phải chỉ chung một mái nhà, chung của cải vật chất mà chung cả ưu khuyết điểm của nhau, thành công cũng như thất bại. Anh chị làm việc nặng nhọc trong lúc tôi cầu nguyện, tôi xác tín rằng kết quả lao động của anh, của chị cũng như của tôi, khi tôi cầu nguyện cũng là anh chị cầu nguyện. Những thành công hay thất bại của cá nhân cũng là của cộng đoàn. Đó là tham gia vào mầu nhiệm “Các thánh thông công”: qua các bình nối kết thông giao với nhau, nếu chúng ta đổ nước vào một bình thì nước sẽ chảy qua các bình kia. Mực nước một bình cao ngang đâu thì trong các bình kia mực nước cũng cao ngang đó (principe des vases communiquants). “Không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vinh dự thì mọi bộ phận cùng vui chung” (1Cr 25 – 26).
Một cộng đoàn hiệp nhất trong những nét đa năng đa dạng là một cộng thể phong phú. Sẽ mất vui và nghèo nàn đi nếu ai cũng giống ai. Một ca khúc chỉ gồm vài nốt nhạc giống nhau thì nghèo nàn chẳng ai muốn nghe. Ngược lại, nếu gồm cả thang âm trầm bổng có nhiều cung điệu, với những bán âm, dièse và bémol quyện lẫn vào nhau làm nên một bản giao hưởng của tình huynh đệ phong nhiêu, hấp dẫn. Vậy trong bản nhạc cũng như trong đời sống cộng đoàn, sự hòa âm, hòa điệu, hòa nhịp là then chốt của hạnh phúc chung, xóa bỏ cái nghèo nàn của bản đơn ca hay độc tấu, vượt qua cái tôi đơn hèn và đơn độc để thông giao và thông hiệp với nhau cậy nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần hiện diện trong trái tim mỗi con người.
Đời thánh hiến trở nên điểm phát xuất của mối tình vĩnh cửu, đặc biệt là theo sát Đức Giêsu qua ba lời khuyên Phúc Âm: Khó nghèo, Khiết tịnh, Vâng phục.
                                                                                                      
3. Sống triệt để ba lời khuyên Phúc Âm
 
a. Nghèo khó
“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,1). Đây là mối Phúc đứng đầu trong Hiến Chương Nước Trời và là lời kêu mời từ bỏ sở hữu riêng tư để theo Thầy Giêsu: “Nếu con muốn hoàn hảo, hãy bán hết của cải phân phát cho người nghèo rồi đến theo Thầy” (Mt 19,21).
Nghèo khó trước hết là từ giã quyền chiếm hữu mọi vốn liếng, của cải, không phải vì khinh chê sở hữu nhưng để có tâm hồn thanh thoát thực hiện Đức ái, để yêu thương mọi người đặc biệt người cùng khổ, bất hạnh. Xung quanh chúng ta, cái nghèo rất đa dạng: không chỉ nghèo của cải mà con nghèo văn hóa, nghèo tình thương, nghèo nhân phẩm (dốt nát, bị bỏ rơi, đàn áp, khinh miệt…).
Nhưng sống nghèo lại có hai dạng: 1. Sống tình cảnh ngào nàn vì áp đặt; 2. Sống nghèo tự nguyện để chia sẻ những gì mình có, vì hạnh phúc tha nhân.

Đức Nghèo tự nguyện phát xuất từ nguồn gốc tối cao là mầu nhiệm Nhập Thể:
“Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ… Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập Tự” (Pl 2, 6 - 8).
Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã sống cái nghèo cực độ để xóa tận căn gốc rễ của mọi cái nghèo là tội lỗi. Từ bất toại, bất túc, Đức Kitô đã tự lột xác để chúng ta trở nên con người bất tử.
Noi gương Ngài, người tu sĩ tự nguyện sống khổ chế, hy sinh, từ bỏ mọi quyền lợi để chia sẻ thân phận của người nghèo muôn mặt, nhận ra nơi họ bộ mặt của Đức Kitô không còn giữ lại cái gì cho mình mà còn tự hạ và tự hủy qua cái chết trên Thập Giá.
 
b. Khiết tịnh
Như đã gợi ý ở phần trên, đời tu phát xuất từ mầu nhiệm Nhập Thể là cuộc giao duyên kỳ diệu giữa Thiên Chúa và loài người mà Đức Giêsu là Đấng Lang Quân tuyệt hảo kết duyên với thục nữ là con người, là tất cả mọi người trở nên Một với Ngài, vào ngày cánh chung của lịch sử khi xuất hiện Trời mới, Đất mới, không còn ai là chồng là vợ của riêng ai.
Cũng thế, người thục nữ thánh hiến sống tình yêu phổ quát, không vướng bận tình yêu với riêng ai để sẵn sàng xả thân mang hạnh phúc cho nhiều người.
Nhưng khi một người đã trao quyền sở hữu đời mình cho Con Thiên Chúa thì Ngài không giữ lại người đó cho mình mà gửi họ đến với anh chị em Ngài, với nhân loại, với thế giới. Duc in altum, hãy ra khơi thả lưới!
Ơn thừa sai nằm trong bản chất đời tu, dù thuộc dòng tông đồ hay chiêm niệm, với những phương thức thể hiện khác nhau nhưng cùng một đích điểm: sống tình yêu phổ quát, vô biên giới, với ước nguyện “đi khắp muôn dân loan báo Tin Mừng cho thiên hạ”.
Nhưng sứ vụ tông đồ không chỉ thực hiện ở đâu có người bất hạnh, già yếu cô đơn ở bên ngoài cộng đoàn mà ngay trong cộng đoàn chúng ta đang sống hàng ngày, có những thành viên và chính chúng ta cũng là người nghèo, với những yếu đuối về thể lý, tâm lý hay tâm linh, cần được cảm thông, nâng đỡ nhau.
 
c. Vâng phục
Ba lời khấn: Nghèo khó, Khiết tịnh, Vâng phục liên kết hữu cơ và tương tác trên nhau, nhưng Vâng phục là trọng tâm và là nền tảng, điều khiển toàn bộ cuộc đời hiến tế mà đỉnh cao phát xuất từ mầu nhiệm Vượt Qua của Con Thiên Chúa:
“Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục: và chính khi bản thân đã đạt mức thập toàn, Người trở nên nguồn cứu độ cho những ai tùng phục Người” (Dt 5, 8 – 9).
“Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34); “Vì tôi đã từ Trời xuống không phải để làm theo ý tôi mà theo ý của Đấng đã ai tôi” (Ga 5,30).
Dù khổ nạn, đau thương, quằn quại nhưng Ngài vẫn tuân phục đến cùng: “Abba Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự, xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36).
Bước theo Đức Kitô, vâng phục là mở rộng tâm hồn, trái tim để Tình yêu Đức Kitô chiếm hữu, để sống cho Cháu và cho anh chị em, để có thể nói như Thánh Phaolo: “Tôi sống nhưng không còn là tôi mà Chúa Kitô sống trong tôi”.
 
4. Một cộng đoàn cùng nhau tự luyện
Trong tiến trình vượt qua của đời thánh hiến, không chỉ mỗi tu sĩ là tác viên trong việc huấn luyện mình mà tất cả cộng đoàn đều góp phần vào quá trình huấn luyện nhau, biến đổi nhau qua mối tương quan hằng ngày, trao cho nhau tình yêu của Đức Kitô.
Nhưng trên hết, người phu trách dưới sự hướng dẫn và kết hiệp với Chúa Thánh Thần, được soi sáng để lãnh đạo cộng đoàn như một gương mẫu và một chứng nhân.
Người phụ trách cũng lắng nghe anh chị em mình để cùng nhau phân định ý Chúa, cả hai bên đều huấn luyện nhau vì trong những trường hợp nhiêu khê, không ai có sẵn giải đáp trong tay.
Nhờ đồng hành và đồng cảm, mối tương quan huynh đệ ở các cấp càng dễ mở rộng trái tim đón Thần Khí là nguồn hiệp thông và hoan lạc phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Do đó cộng đoàn thánh hiến phải là một cộng đoàn hiệp nhất trong cầu nguyện, tạ ơn, một cộng đoàn hiệp thông.
 
5. Cộng đoàn cầu nguyện, hiệp thông và hiến thân
Cầu nguyện là kết hiệp với tình yêu và sức sống của Thiên Chúa vì “không có Thầy, các con không thể làm gì được”. Cầu nguyện là tiếp nhận huyết thanh vào bộ mấy tuần hoàn đem sức sống cho toàn cơ thể. Theo mẹ Têrêsa Caltutta, Chúa là nguồn điện, chúng ta là những sợi dây sắt thép cùn mòn nhưng nếu ghép vào nguồn điện tình yêu và sức sống của Thiên Chúa nhập thể thì chúng ta chuyển cả dòng ánh sáng và nhiệt lượng, trở thành điện lực và dây dẫn điện với chiều dài, chiều cao và chiều rộng ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.
Nhưng cầu nguyện không chỉ là xin ơn mà còn là chiêm ngắm, thờ lạy và ngợi ca. Quy tụ xung quanh Lời Chúa, qua giờ kinh phụng vụ, đặc biệt là qua Thánh Lễ, được hiện tại hóa để trở nên lương thực trường sinh cho chúng ta. Đón nhận Thánh Thể vào tâm hồn và thể xác, mỗi chúng ta là một Nhà Tạm di động, mang Chúa đến với tha nhân, với tất cả những ai chúng ta gặp gỡ và phục vụ, đặc biệt với những người bất hạnh đang cần được yêu thương nâng đỡ. “Bạn sẽ không thấy Chúa Giêsu trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài trong Thánh Thể” (Mẹ Têrêsa Calcutta).
Sau khi nhận tình yêu và sức sống vĩnh cửu từ Thánh Thể là Tấm Bánh bẻ ra cho chúng ta, chúng ta cũng trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh chị em đồng bào đồng loại:

Tình yêu là Thánh Thể
Bạn đón nhận trong tim
Cháy như ngọn lửa thiêng,
Chứa Tình Yêu bất tử
Của Ngôi Lời Thiên Chúa
Hiến tế thịt máu mình,
Trở nên bánh trường sinh
Bẻ ra thành muôn mảnh
Bánh nuôi sống trần gian,
Ngày qua ngày hiện diện
Cho đến giờ viên mãn
Của lịch sử trần ai.
Kết hợp với Mình Ngài,
Bạn là bánh bẻ ra
Là kho báu ngọc ngà,
Xây Nước Trời vĩnh cửu.
     (Trích dịch Le moment présent của Lm. Louis Marie Parent, OMI)

Để sống linh đạo Thánh Thể, chúng ta không chỉ hiệp với một số người gần gũi, với cộng đoàn, với Giáo Hội là Nhiệm Thể của Đức Kitô mà cả thế giới và toàn thể vũ trụ, xây dựng Trời mới Đất mới, xây dựng Nước Trời vĩnh cửu nơi mà mọi người nên Một với Đức Kitô, trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.
Từ viễn cảnh cánh chung vinh quang Nước Cha, cuộc đời thánh hiến quy tụ bên nhau là một bản hoan ca báo hiệu bản khải hoàn ca của Thiên Quốc đã được tập dượt mỗi ngày trong mỗi cộng đoàn trần thế.
 
6. Cộng đoàn, bản giao hưởng hoan ca
Bản hợp ca cảu cộng đoàn thánh hiến là hoa quả của ĐỨC VUI TƯƠI do Thần Khí ban tặng cho những kẻ yêu và đón nhận tình yêu như thánh Âu Tinh, Tiến sĩ tình yêu xác tín: Người đang yêu thì không nhừng ca hát. Ai hát Alleluia trên đường lữ thứ trần gian thì sẽ tiếp tục vang hát Alleluia trên Thiên Quốc.
Đời sống cộng đoàn thánh hiến là vườn ươm bình an và hoan lạc, là cố gắng của mỗi thành viên rung lên nốt nhạc vui của mình để tất cả hợp lại làm nên bản giao hưởng của Nước Trời, của tình yêu chiến thắng.
Đức vui tươi là quà tặng của Thần Khí cho những ai sống và rao giảng Tin Mừng, với nụ cười trên môi: «Nở một nụ cười là đã loan báo Tin Mừng» (Mẹ Têrêsa Calcutta). «Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Thầy nói điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con được trọn vẹn» (Ga 15,11).

Kết

Chúa đã gọi con giữa những người bé mọn
Tôi bước sang ngang tìm tay Chúa,
Một bàn tay đinh nhọn đã đâm xuyên,
Bàn tay hiền muôn thuở chứa đau thương,
Làm nhân thế đã nhiều phen xáo động,
Bàn tay đẹp đã từng gieo lẽ sống,
Từng dang to, mở lớn đón bạn đời,
Từng khiêm nhường đi gõ cửa muôn nơi,
Mời mỗi tâm hồn cùng song bước.
 
Tôi đảm nhận lời mời hôm trước
Khi người dịu dàng hỏi tôi muốn theo chân?
Rồi thật thà Người căn dặn muôn lần:
“Đây là đường đi châm gai nhọn!”
Người gọi tôi giữa những người bé mọn
Không so đo, tôi lãnh ý nhận lời.
Tuổi thanh xuân sáng rực những mộng đời,
Tôi dâng hết, và tin tưởng vượt muôn ngàn trở ngại
Bằng từ bỏ, cho đi không lấy lại,
Quên riêng mình và phó gửi toàn thân,
Đã tự do lựa Chúa vượt thế trần,
Còn e thẹn làm chi quyền sở hữu!
 
Hạnh phúc riêng từ nay không thành tựu,
Biến tan dần trong hy lễ huyền linh,
Để mắt trần nhắm lại với niềm tin
Rằng Đức Kitô chết đi cho mọi người được sống,
Và tha nhân là món quà Chúa tặng,
Cho những ai đón nhận trong trình yêu,
Đời bao la khi lòng rộng phiêu diêu,
Và hạnh phúc, vườn hoa không biên giới.
 
Với Đấng trồng cây, mỗi ngày tôi vun xới,
Nhận ra tay Người trong hương sắc từng hoa.
Dù mưa dầm, nắng bỏg hay sương sa,
Hoa vẫn thắm một màu tươi bất tử,
Bởi máu người đã nhuộm tô cành lá,
Và tôi hiểu, tôi tin
Rằng bao hy sinh, hiến lễ giữa thế trần
Của muôn người góp lại, một mùa xuân
Ngày mai đây nở rộ, tình yêu thơm ngát,
Xin cảm tạ Người, vì lời mời hôm trước!

              
Nt. Mai Thành, Dòng Đức Bà
Trích trong CHIA SẺ - Nội san Thần học - Mục vụ - Tu đức của Liên tu sĩ thành phố số 63/tháng 08 năm 2011

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 157
  • Máy chủ tìm kiếm 29
  • Khách viếng thăm 128
  • Hôm nay 25,075
  • Tháng hiện tại 633,311
  • Tổng lượt truy cập 5,418,579
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây