Tương truyền vào thời Hy Lạp cổ đại, một bữa nọ có người tới gặp nhà hiền triết vĩ đại Socrates và bảo: “Ngài có biết tôi mới nghe được một chuyện rất xấu về người bạn của ngài không?”. Sau một thoáng trầm ngâm, Socrates từ tốn đáp: “Trước khi nghe ngài kể, tôi muốn ngài tham dự một phép thử nhỏ mà tôi gọi là phép thử lọc ba lớp”. “Lọc ba lớp” – Người muốn báo tin hỏi lại.
“Đúng thế” – Socrates trả lời - “Tôi cho rằng sẽ là một ý tưởng hay nếu trước khi ngài kể điều đó về bạn tôi, ngài vui lòng dành chút thời gian để lọc lựa những gì ngài định nói. Tôi gọi đó là phép thử lọc ba lớp. Lớp thứ nhất lọc tìm SỰ THẬT. Ngài có tin tuyệt đối rằng những điều ngài định kể cho tôi nghe là sự thật không? “Không, thực ra tôi chỉ nghe người ta kể lại thôi…”. – Rõ rồi. Chính vì thế ngài không thể biết những điều ngài định nói có phải là sự thật hay không? Socrates nói: “Nào, bây giờ chúng ta qua lớp lọc thứ 2, được dùng để kiểm tra thiện ý. Ngài có khẳng định rằng ngài hoàn toàn xuất phát từ THIỆN Ý khi định kể cho tôi nghe những chuyện xấu của bạn tôi?”. – “Không, ngược lại”. Vị khách của Socrates trả lời. “Thế nên những chuyện xấu của bạn tôi có thật hay không còn là câu hỏi”, nhà hiền triết Hy Lạp ngắt lời – “Xin ngài chớ vội buồn” – Socrates tiếp lời – Có thể ngài sẽ qua được lớp lọc còn lại. Xin ngài cho biết: chuyện mà ngài sắp kể đây CÓ ÍCH cho tôi không?”. Người kia đáp: “Không”.
Socrates nhìn vào mắt của vị khách và nói: “Nếu câu chuyện ngài định kể cho tôi nghe chưa chắc đã là sự thật và cũng không xuất phát từ thiện ý và chẳng có lợi cho tôi, thì ngài định kể làm gì, và liệu tôi sẽ nghe và tin ngài chăng?”.