Thuộc về Chúa Kitô: Chứng tá niềm vui và hiệp thông qua ngôn ngữ vâng phục

Chủ nhật - 09/03/2025 20:10
Kỳ I: Vâng phục và ngôn ngữ
Giờ huấn đức, ngày 09.03.2025
Giờ huấn đức, ngày 09.03.2025
THUỘC VỀ CHÚA KITÔ - CHỨNG TA NIỀM VUI VÀ HIỆP THÔNG QUA NGÔN NGỮ VÂNG PHỤC
Kỳ I: vâng phục và ngôn ngữ

 
+Gm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ

Dẫn nhập
Người ta thấy rằng con người có ba mối tương quan hoặc ba lĩnh vực căn bản thể hiện phẩm giá ngôi vị của mình và là cách để duy trì sự hiện hữu của mình[1]
:

- Thân xác: nhờ đó người ta khám phá ra các thực tại trong thế giới và tương quan với người khác.
- Ngôn ngữ: nhờ đó người ta có thể có những mối tiếp xúc để trao đổi thông tin và bày tỏ tâm tình cho nhau, ngôn ngữ được diễn tả dưới nhiều thể thức biểu tượng.
- Lao động dưới mọi hình thức: nhờ đó, con người làm ra sản phẩm để trao đổi với người khác.
Trong đời sống tu trì ba tương quan đó hoặc ba lĩnh vực đó tương ứng với ba lời khấn: khiết tịnh (thân xác), vâng phục (ngôn ngữ) và khó nghèo (lao động). Ba lời khấn này tóm lược giáo huấn Tin mừng: Sống tương quan với người khác mà không tấn công hay phủ nhận ngôi vị của họ, tôn trọng phẩm giá làm nên ngôi vị của nhau[2]. Có thể nói rằng ba lời khấn là ơn riêng Chúa ban để người tu sĩ làm chứng cho mối tương quan cần phải có giữa con người với nhau. Chúng ta có thể xem xét việc sống ba lời khấn Phúc âm dưới khía cạnh này, tức trong tương quan với người khác, không tấn công nhưng biết nhìn nhận và tôn trọng ngôi vị của tha nhân một cách thích đáng.
Ơn gọi tu trì là một đặc sủng Chúa ban cho cá nhân người tu sĩ để họ dễ sống nên thánh, đồng thời để phục vụ cho tha nhân. Khi tuyên khấn và trung thành tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm, người tu sĩ thể hiện rõ nét mối tương quan với Đức Kitô là thuộc trọn về Đức Kitô. Một trong những hoa trái của việc trọn về Đức Kitô được thể hiện qua việc sống chứng từ niềm vui và hiệp thông của người tu sĩ đối với mọi người[3].
Như đã nói, ba lời khuyên bổ túc cho nhau và không thể tách rời nhau, giúp người tu sĩ nên thánh, dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, thuộc trọn về Đức Kitô và dấn thân phục vụ tha nhân theo gương Đức Kitô. Cách riêng, người tu sĩ sống lời khấn vâng phục trong mối trong tương quan với người khác qua sử dụng ngôn ngữ[4]. Vâng phục thể hiện qua ngôn ngữ là một khía cạnh nhỏ nhưng rất thực tế và quan trọng trong đời sống tu trì.
Thật vậy, trong cuộc sống hàng ngày người ta sử dụng ngôn ngữ với nhiều biểu tượng. Ngôn ngữ luôn luôn là một phương tiện hết sức quan trọng và không thể thiếu trong các mối tương quan. Thiên Chúa cũng dùng ngôn ngữ để mạc khải cho con người, mà đặc biệt qua “Ngôi lời” Nhập thể. Có một vấn đề rất thực tế và có tính thời sự thiết nghĩ đáng chúng ta quan tâm trong đời sống tu trì: Trong chiều kích của lời khấn vâng phục, người nữ tu sử dụng ngôn ngữ như thế nào để vừa thể hiện vừa đem lại niềm vui và hiệp thông trong tương quan với người khác như là hoa trái của một cuộc đời thuộc trọn về Đức Kitô? [5]
1. vâng phục và ngôn ngữ
1.1. Vâng phục và lắng nghe
Lời tuyên khấn vâng phục có nhiều ý nghĩa:
- Đảm nhận mọi sự trong tinh thần đức tin và đức ái để theo bước Đức Kitô là Đấng đã vâng phục cho đến chết.  
- Đòi buộc ý chí một sự tùng phục các Bề Trên hợp pháp, khi các ngài đại diện Thiên Chúa ban lệnh hợp theo hiến pháp riêng.
Người ta không thể sống một cách toàn vẹn sự thánh hiến cho Thiên Chúa mà không có sự tuân phục. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô nói: “Tìm kiếm Thiên Chúa ở ngoài sự vâng phục, có nghĩa là chẳng được gì” .
Ttrong Thông điệp “chứng tá phúc âm” (Evangelica Testificatio), số 25, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định: “Để phục vụ lợi ích chung thì quyền bính và đức tuân phục là hai phương tiện bổ túc cho sự tham gia vào hiến lễ của Đức Kitô: người có quyền bính thì phải phục vụ trong anh chị em mình kế hoạch yêu thương của Đức Chúa Cha; còn các tu sĩ chấp nhận những lời chỉ giáo của bề trên thể theo gương thầy chí thánh chúng ta và hợp tác vào công cuộc cứu độ”.
Nói chung, lời khấn vâng phục có hai mục đích chính: Một là hy lễ dâng lên Thiên Chúa, theo gương Đức Kitô Đấng hoàn toàn vâng phục Chúa Cha. Hai là để giữ gìn trật tự, ổn định trong Hội dòng. Nói cách khác, lời khấn vâng phục đòi hỏi người tu sĩ vâng lời thánh ý Thiên Chúa, mà bề trên là người chuyển tải cụ thể ý Chúa.
Ở đây, chúng ta xét sự vâng phục theo chiều kích tương quan với người khác, mà đặc biệt là liên hệ tới ngôn ngữ. Thật vậy, hạn từ vâng phục, trong tiếng Latinh là Oboedientia, gồm hai yếu tố: Ob nghĩa là phía bên kia, và audire nghĩa là nghe. Có ba cấp độ của lắng nghe: 1) Nghe ý định của người kia, 2) nghe ý Chúa qua ý định của người kia và 3) nghe âm vang trong lòng của người đang đối thoại. Cả ba ý nghĩa của việc lắng nghe đó đặt người tu sĩ trong tương quan với một ngôi vị ở phía bên kia (ob) ngôn ngữ (audire). Như vậy có thể nói rằng, sử dụng ngôn ngữ, với những hình thức biểu tượng khác nhau, thuộc phạm vi lời khấn vâng phục và có một tương quan với ngôi vị.
Vâng phục không chỉ là tuân giữ những lề luật trong Hiến Chương và Nội quy, cùng như những luật lệ khác của Hội dòng chỉ để nhằm tới việc xây dựng cộng đoàn êm ả, sứ vụ cộng đoàn được thực thi tốt, mọi hoạt động mục vụ đều đạt kết quả hoàn hảo. Nhưng trên hết vâng phục đó là cách thức giúp người ta gặp gỡ được một ngôi vị đích thực.
1.2 Vâng phục và tương quan
Ngôn ngữ và tôn trọng
 Người tu sĩ là phải hết sức đắn đo, thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ, không phải chỉ nói theo ý thích, nhưng còn phân định hậu quả nơi người nghe. Trong tương quan con người, ý nghĩa lời khấn vâng phục còn là việc sử dụng ngôn ngữ với ý hướng tôn trọng nhân vị của nhau.
Một trong những cách thể hiện sự tôn trọng nhau đó là giữ nề nếp tôn ti trật tự, và qua cách xưng hô chào hỏi trong giao tiếp. Tuy nhiên đây là một thực trạng xem ra đang bị xem nhẹ. Thât vậy, trong Hội dòng chúng ta “một thực tế đáng lo ngại ngày nay là chị em đã vô tình du nhập vào trong cách giao tiếp và xưng hô hằng ngày những lời nói thiếu lịch thiệp và tế nhị. Dường như những từ “chị em”, “dạ thưa”, “xin phép”, “xin lỗi”, “cám ơn” đang dần mất đi”[6]. Việc ứng xử lịch thiệp, giữ gìn tôn ti trật tự, xưng hô lễ phép bắt đầu từ trong gia đình, đến trường học và ngoài xã hội vốn rất đẹp theo truyền thống văn hóa Việt Nam. Trong đời sống cộng đoàn, “đi thưa về trình”, trong đó bao hàm việc chào hỏi và xin phép, giờ đây nhiều khi bị coi là “xa xỉ”, có khi coi như thủ tục hình thức bề ngoài, hoặc coi như việc trẻ con.
Với người ngoài, chúng ta ứng xử rất lịch thiệp, lễ phép và dễ thương, nhưng với những người trong gia đình, hay trong một cộng đoàn nhiều khi ta đóng “mặt lạnh như tiền”. Trở lại với truyền thống gia đình Việt Nam, hàng ngày trong cộng đoàn chúng ta hãy năng nhớ thực hiện thói quen tốt 4 xin”: xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn. Đó là một việc đơn sơ, ngôn ngữ bình dị nhưng đem lại tương giao gần gũi, góp phần xóa tan những ngăn cách. Dù không cùng quan điểm hay sở thích, dù khác địa vị hay vai trò, nhưng chúng ta cần tôn trọng ngôi vị của nhau, cách riêng qua cách ứng xử lịch thiệp, lễ phép và đúng tôn ti trật tự.
Ngôn ngữ và tin tưởng
Trong tương quan với nhau, ngôn ngữ phải được tôn trọng. Người tu sĩ phải làm chứng tá cho sứ điệp đó. Khi khấn vâng phục, người tu sĩ có quyền tin rằng những chỉ dẫn của bề trên mình là biểu lộ ý Chúa, thể hiện qua việc đem lại lợi ích cho cộng đoàn, chứ không che đậy ẩn ý một sự tấn công hoặc một sự trả thù nào. Ngược lại, bề trên cũng có quyền tin rằng những gì mà người cấp dưới của mình trình bày hoàn toàn là chân thực.
Điều này dễ thấy trong việc phân chia công việc, bố trí nhân sự và ra quyết định trong Hội dòng hay trong cộng đoàn. Trong những dịp phân chia sứ vụ, thường cũng có người cho rằng mình bị ghét nên “bị đày”, hoặc khi so sánh với ai đó thì lại cho rằng vì họ đã lấy lòng bề trên nên được ưu ái hơn. Có khi nhận bài sai không ưng ý, lòng bất mãn và chản nản, không còn tin tưởng bề trên nữa. Có thể nói rằng lời đoan hứa vâng phục là quan trọng nhất và chi phối rất lớn đến những lời hứa khác cũng như ảnh hưởng đến ứng xử, cách lắng nghe, cách đón nhận sứ vụ, mối tương quan với nhau trong cộng đoàn.
Đức Thánh cha Phanxicô từng có lần nhận xét rằng, vâng phục nói ở đây không phải là “một thuộc tính kỷ luật” nhưng là dấu hiệu sâu xa của mối dây liên kết chúng ta trong sự hiệp thông. Vâng phục là học cách lắng nghe, để nhớ rằng không ai “sở hữu” độc quyền ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn này chỉ được hiểu thông qua sự phân định. Vâng phục là chú ý lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn ấy được nhận biết một cách chính xác trong mối quan hệ, cụ thể là mối quan hệ với người khác, trong trường hợp tu sĩ là với bề trên của mình.
Trong sự vâng phục, người ta có những hành vi, cử chỉ và việc làm được thể hiện một cách cụ thể và tích cực qua:
+ Lời nói: nói tốt, không xúc phạm nhau, giữa bề trên với bề dưới, bề dưới với bề trên và giữa chị em với nhau;
- Ủng hộ và nhiệt tâm thi hành các chương trình của Hội dòng và của cộng đoàn;
- Chân thành và sẵn sàng đón nhận bài sai, không những “bằng lòng mà còn vui lòng nữa”;
 - Cộng tác trong tiến trình bổ nhiệm và sai đi, chân thành lắng nghe nguyện vọng và góp ý.
Ngôn ngữ và vũ khí
Thực trạng gian dối đang lan tràn trong đời sống càng làm trầm trọng thêm tình trạng người ta mất tin tưởng với nhau. Và điều này không phải là ngoại lệ trong cộng đoàn tu trì. Đôi khi do “ngôn từ bất nhất” hoặc “nói một đường làm một nẻo” của người nào đó, nhất là của bề trên, khiến người ta thất vọng. Bề dưới có khi không dám nói ra vì sợ bị trả đũa hoặc bị bề trên có ác cảm với mình. Bề trên nghe bề dưới trình bày vấn đề đôi khi qua lăng kính “thiện cảm” hay “ác cảm” hoặc với “cái xà trong mắt”. Nhiều khi Bề trên chỉ nghe qua trung gian của người khác, thiếu trao đổi trực tiếp.
Khi khấn vâng phục, người ta lập mối tương quan với người khác. Người khấn vâng phục làm chứng về một khả năng đối thoại mà không sợ tấn công bởi ngôn ngữ. Ngôn ngữ với những biểu tượng phong phú như là một phương tiện thiết lập và xây dựng tương quan tốt đẹp chứ không phải là vũ khí để đe dọa, để tấn công làm tan vỡ các mối tương quan. Con người có xu hướng rất mạnh nếu không muốn nói là bản năng như những con vật đó là tự vệ và tấn công bằng nhiều cách khác nhau.
Nhiều khi người ta dùng ngôn ngữ làm vũ khí để tấn công nhau một cách thầm lặng và lén lút, chẳng khác nào ma quỷ lén lút, âm thầm gieo hạt cỏ lùng vào ruộng lúa. Ở đâu có nói xấu, ở đó có ma quỷ. Thay vì “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”, chúng ta lại dễ rơi vào cảnh “ở đâu có tu sĩ, ở đó có nói xấu”; đó là cách nói khác của câu “ở đâu có hai ba tu sĩ họp lại, có ma quỷ ở giữa họ”. Chính vì vậy Hội dòng chúng ta đã “khuyến cáo chị em về sự tò mò, đưa chuyện và bàn tán về những yếu đuối của chị em và người khác… Vì việc bới móc, nói xấu để thoả mãn cho tính thích đưa chuyện và sự bực tức của mình, chẳng giúp giải quyết được điều gì, mà còn làm cho các mối tương quan giữa chị em càng thêm xấu hơn, và cộng đoàn càng thêm chia rẽ hơn mà thôi”[7].
Ngoài ra, người ta còn dùng ngôn ngữ như loại vũ khí biến thể đa dạng để tấn công người khác: bằng lời, bằng cử chỉ, ánh mắt, bằng hình ảnh, bằng âm thanh, bằng tin nhắn... Tấn công bằng vũ khí ngôn ngữ ngày càng tinh vi cũng gây những hậu quả sát thương chẳng khác gì tấn công bằng bạo lực, bằng vũ khí sát thương thể lý, và còn có khi gây tổn thương mà không thể chữa lành.  
Con người vốn có nhiều cảm xúc. Cảm xúc chỉ là cảm xúc. Chúng không tốt và cũng không xấu. Cái xấu hay cái đức hạnh nằm ở chỗ chúng ta làm gì với cảm xúc của mình. Nhiều khi con người để những cảm xúc mạnh mẽ chiếm hữu và làm chủ mình. Từ đó, trong bình diện ngôn ngữ, tùy cảm xúc mà xuất hiện những lời “khó nghe” hay dịu dàng “lọt tai”; những lời mang tính gây hấn và tấn công; hay những lời dịu ngọt và thõa hiệp…
Giữa những thực tại đó, người nữ tu càng phải ý thức rằng ngôn ngữ dưới mọi hình thức, lời nói, cử chỉ, biểu tượng, ánh mắt, ngôn từ,... phải được sử dụng như cách thức thăng tiến cuộc sống con người, để nối kết hiệp thông và đem lại niềm vui, chứ không phải để kết án đem lại phiền muộn và tấn công làm tổn thương nhau. Khi mỗi ngày cố gắng để trở nên thuộc về Chúa Giêsu hơn, chúng ta khám phá ra rằng cả cuộc đời của Chúa Giêsu, bản thân Người chính là ngôn ngữ của tình thương và với tình thương Người mời gọi chúng ta không gieo cỏ lùng vì tình thương luôn ươm “mầm thương”.
Nên nhớ ràng, trong lời rao giảng của mình, Chúa Giêsu không chiều theo tình cảm đầy cảm tính của người nghe. Người nói về Thiên Chúa cách trong sáng, không áp đặt. Người dùng những dụ ngôn và hình ảnh trình bày về Thiên Chúa, để người nghe tự do mở lòng ra với Thiên Chúa. Đó cũng là mẫu gương cho chúng ta trong việc sử dụng “ngôn ngữ” của mình khi trình bày ý kiến và sự việc.
(còn tiếp)
********
[1] X. ERIC FUCHS, Comment faire pour bien faire, Labor et Fides, Genève 1996, p. 22.
[2] Phần này xin tham khảo: GIUSE NGÔ SĨ ĐÌNH, Tu sĩ Việt Nam hôm nay trước các thách đố về ơn gọi và sứ vụ, trong Hiệp Thông, số 122 (1&2-2021) tr. 53-55.
[3] Đây là chủ đề của Nghị quyết của Hội dòng MTG Nha Trang Tổng Tu nghị lần IX, năm 2023.
[4] Một cách tương tự, lời khấn khiết tịnh và khó nghèo cũng được xem xét, đào sâu dưới khía cạnh này.
[5] Đây là điều Hội dòng MTG Nha Trang đặt ra trong Nghị quyết của Tổng Tu nghị Hội dòng MTG Nha Trang lần IX, năm 2023, đặc biệt đọc các số 24, 25 và 26 để biết rõ hơn.
[6] Nghị quyết của Tổng Tu nghị MTGNT lần IX, 2023, số 24.
[7] Nghị quyết của Tổng Tu nghị MTGNT lần IX, 2023, số 26.

2

 
 

Tác giả bài viết: +Gm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 27
  • Hôm nay 9,471
  • Tháng hiện tại 180,181
  • Tổng lượt truy cập 13,692,186
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây