THUỘC VỀ CHÚA KITÔ: CHỨNG TÁ NIỀM VUI VÀ HIỆP THÔNG QUA NGÔN NGỮ VÂNG PHỤC
Kỳ II: Tình thương, không ươm cỏ lùng
2.1 Tin giả, mất cả niềm tin
Trong Mt 13,24-30.36-43, sau khi kể dụ ngôn lúa tốt - cỏ lùng và giải thích, Chúa Giêsu khẳng định: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ”. Đức Thánh Cha Phanxicô so sánh người nói xấu, người rao tin giả như người gieo rắc cỏ lùng, cỏ dại như Satan.
Lời nói xấu, giả dối và các tư tưởng xấu xa chẳng khác nào như hạt giống cỏ lùng. Lời khen tặng chân tình và những ý nghĩ tốt đẹp như hạt giống lúa tốt. “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời” (Gl 6,6-8).
Trong sứ điệp ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 52-2018, có đề cập vấn đề về tin giả. Theo Kinh Thánh trong sách Sáng thế (St 2), ma quỷ dưới hình dạng con rắn đã dùng lý luận để cám dỗ bà Evà. Tên cám dỗ có vẻ đáng tín nhiệm và nhắm tới một sự quyến rũ đi thẳng vào tâm hồn con người, với những lý lẽ giả tạo nhưng có sức thu hút. Con rắn giả vờ là bạn tốt của Evà, hết sức quan tâm đến lợi ích của bà, và bắt đầu câu chuyện bằng cách nói lên một điều chỉ mang một phần sự thật: “Thiên Chúa bảo rằng ông bà không được ăn bất kỳ trái cây nào trong vườn phải không?”. “Thực ra Thiên Chúa chỉ cấm không được ăn trái của cây cho biết điều lành điều dữ mà thôi; nếu ăn vào sẽ bị chết”. Bà không đồng tình với con rắn song cũng thay đổi những lời của Thiên Chúa, khiến cho lệnh cấm quan trọng hơn món quà tặng, được ăn hết mọi thứ trái cây, trừ một cây thôi.
Eva đã sửa sai con rắn như thế, nhưng lại để cho mình bị thua trước sự trấn an và khiêu khích của nó: “Chẳng chết chóc gì đâu, nhưng ăn vào ông bà sẽ trở nên giống như thần thánh - biết lành biết dữ”. Câu trả lời này có một chút sự thật khi nhắc đến yếu tố “biết lành biết dữ”, nhưng nó đã khiến Evà nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa.
Điều này cho thấy chẳng hề có một thông tin sai lạc nào mà không tác hại. Tin vào sự giả dối có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Một sự thật bị méo mó - dù méo mó một chút thôi- cũng có thể có những hậu quả nghiêm trọng.
Điều nguy hiểm là tin giả, tin xấu thường không thể dừng lại, có thể núp bóng dưới từ ngữ khá hay ho là “cảm thức muốn được chia sẻ”, nó khơi dậy lòng tham không đáy về quyền lực, sở hữu và thích thú, làm tê liệt tự do nội tâm của con người. Có ba điều cần lưu ý để nhận diện lời nói xấu, tin giả:
- Giống như thật hoặc có một phần sự thật, nhấn mạnh khía cạnh tiêu cực (cỏ lùng và lúa tốt giống nhau hình thức).
- Mau chóng lan truyền, ngấm ngầm hay công khai, (cỏ lùng và lúa tốt cùng phát triển trên cánh đồng).
- Gây hậu quả: chia rẽ, tranh cãi, ghét bỏ, xa lánh, gây nghi ngờ, bất an, mất danh dự, tổn thương, (tốn công nhỏ bỏ, nhổ cỏ lùng thì lúa tốt bị vạ lây, làm giảm sút hoa trái,…).
Chúa Giêsu nói rằng «hễ “có thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ma quỷ» (Mt 5,37).
Kẻ thù gieo cỏ lùng chính là ma quỷ, rất tinh vi lôi kéo và quyến rủ con người gieo cỏ lùng vào lòng chính mình và vào người khác để làm phát triển ngấm ngầm khó nhận ra ngay. Những hình ảnh, tư tưởng, hành động, lời nói như những hạt giống trong tâm hồn chúng ta, đôi khi nó ngủ yên trong lòng đất, đợi lúc thuận tiện để nảy mầm, mọc lên mạnh mẽ và gây ra những mầm mống khác vì nó rất dễ lây lan và có thể bùng phát, không thể kiểm soát.
Khi tức giận thường người ta sẽ bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ ra bên ngoài bằng lời nói, hành động, vẻ mặt, cử chỉ và nảy sinh hạt mầm giận dữ. Từ những hạt mầm này, những cơn giận sẽ ngày càng nhiều hơn chứ không bớt đi. Cũng thế, nếu ta tham lam, nghi ngờ, ganh tị, tất cả cảm xúc ấy đều để lại những mầm mống nơi tâm hồn ta và dù ta ngủ hay thức, đêm hay ngày, những mầm “cỏ lùng” này sẽ lớn lên.
Những suy nghĩ không tốt, những mưu toan, ý nghĩ không lành mạnh đều có thể là những hạt cỏ lùng. Khi có ý nghĩ được nung nấu trong lòng thù ghét, ganh tỵ trong lòng là ta đang tiếp tay gieo cỏ lùng và chờ ngày không sớm thì muộn sẽ nhú mầm mọc lên, tức là bộc phát ra bằng hành động, lời nói, cử chỉ.
Những suy nghĩ xấu xa ganh tỵ, gian dối, ghét... đang làm hại mảnh đất tâm hồn khi ta nuôi dưỡng chúng, dần sẽ nảy mầm, âm thầm dù ta thức hay ngủ. Rồi khi có điều gì không vừa ý hoặc bất đồng, ta thường hay nhắc đến chúng, tuông ra những phê bình chỉ trích, những lời nói xấu tinh vi làm tổn hại chính ta và tha nhân, gây ra tổn thương khó có thể lành lặn. Đó là một sự xúc phạm đến ngôi vị người khác và làm tan rã mối tương quan.
2.2 Nói xấu, đầu gấu
Như đã nói, ngày nay, rất phổ biến, người ta không chỉ coi ngôn ngữ là phương tiện phục vụ cuộc sống nhưng nó còn là vũ khí để tấn công người khác vô tội vạ, nhất là trên mạng xã hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc rằng “sử dụng lời nói cách đúng đắn là điều quan trọng. Lời nói có thể là những nụ hôn, sự âu yếm, liều thuốc, nhưng chúng cũng có thể là những con dao, thanh kiếm hoặc viên đạn.” Lời nói có thể được dùng để chúc lành hay nguyền rủa, “chúng có thể là những bức tường đóng kín hay những cánh cửa sổ mở.” Những người ném “bom” tin đồn và vu khống giống như những “kẻ khủng bố” gieo rắc sự hủy diệt. Những kẻ nói xấu là “đầu gấu” thực sự.
Thánh Bonaventura chỉ ra bốn cách cho thấy ta đang rơi vào nói hành nói xấu, trở thành người gieo cỏ lùng và nuôi cho chúng lớn lên:
- Một là khi người khác có sự tốt còn kín, tôi tìm cách che dấu đi, kẻo có ai biết mà khen.
- Hai là khi người khác có sự tốt đã trống, tôi tìm cách dèm pha, để người ta nghi ngờ mà bớt khen.
- Ba là khi người khác có sự xấu còn kín, tôi tìm cách khui ra để người ta biết mà chê.
- Bốn là khi người khác có sự xấu đã trống, tôi tìm cách tuyên truyền rộng ra, để người ta càng thêm biết để mà chê.
Cách nào cũng xấu hết. Không một lý do nào biện minh được cho việc nói xấu đó. Con người trở thành đầu gấu khi nói xấu như thế lúc nào không hay biết.
Thánh Augustinô nói rằng: “Nếu bạn thinh lặng, hãy thinh lặng vì tình yêu; nếu bạn nói, hãy nói vì yêu thương”.
(Còn tiếp)