Thuộc về Chúa Kitô: Chứng tá niềm vui và hiệp thông qua ngôn ngữ vâng phục

Thứ ba - 01/04/2025 21:25
Kỳ cuối: Tình thương luôn ươm "mầm thương"
Giờ huấn đức, ngày 09.03.2025
Giờ huấn đức, ngày 09.03.2025
THUỘC VỀ CHÚA KITÔ: CHỨNG TÁ NIỀM VUI VÀ HIỆP THÔNG QUA NGÔN NGỮ VÂNG PHỤC
3. Tình Thương, Luôn Ươm “Mầm Thương”
3.1 Keo kiệt, làm thiệt
Một cách nào đó, con người ngày nay có xu hướng đang sống một cách keo kiệt với nhau: keo kiệt vật chất tiền bạc, keo kiệt thời giờ, keo kiệt giúp đỡ, keo kiệt công sức. Ngoài ra còn có sự keo kiệt trong lời khen, keo kiệt trong việc nhìn nhận cái tốt, cái hay, cái giỏi giang nơi người khác…

Keo kiệt có lẽ vì do ganh tỵ, và nhất là tại vì thiếu tình thương. Nên nhớ rằng, «không hề có cái gọi là yêu thương quá nhiều. Nhưng chỉ có yêu sai cách. Vậy nên chúng ta mới cho rằng, thật không tốt để đánh giá cao ai đó, không tốt khi khẳng định điều tốt đẹp người khác làm, thật không tốt khi khen ngợi quá nhiều. Tại sao vậy? Sự xu nịnh giả dối thì quả thật là quá sai trái. Nhưng biết nhìn nhận mặt tốt của anh chị em, biết tạ ơn, biết trao đi những lời ngợi khen và khẳng định điều tốt người khác làm thì đâu phải là xu nịnh. Lời tâng bốc, nịnh hót thì khác xa sự thật, nhưng sự ngưỡng mộ, khẳng định, đánh giá cao và những lời khen ngợi người khác lại chính là lời loan báo chân thật rằng người ấy đã làm quá tốt và xứng đáng được ngợi khen» (TGm. Socrates B. Villegas).

Theo Thánh Tôma Aquinô, không chấp nhận ngưỡng mộ người khác khi họ xứng đáng được khen ngợi, là một sai sót, một lỗi phạm, ích kỷ, nhỏ nhen và thiếu trưởng thành. Ngược lại, khen ngợi ai đó khi họ xứng đáng, là một đức hạnh và trưởng thành. Khi kìm nén lại lời khen là ta đang tước đoạt của người ấy của ăn mà người ấy cần để sống.

Thật vậy, «khi tiếp nhận những điều tốt đẹp về chính mình, khi được nhìn nhận về những điều tốt đẹp chính chúng ta làm thì linh hồn chúng ta cũng được nuôi dưỡng. Điều này có nghĩa rằng: Khi chúng ta nhìn nhận điều tốt đẹp người khác làm, chúng ta đang thật sự nuôi nấng linh hồn người đó bởi sự thấu hiểu, những lời khen ngợi; một lời nói tốt hoặc tán dương là của ăn cho linh hồn. Nó thậm chí khích lệ người ta sống tốt lành.

Chúng ta quá tiết kiệm lời khen. Chúng ta quá keo kiệt để thấu hiểu người khác và chúng ta giữ nó lại cho riêng mình. Tại sao, tại sao lại phải keo kiệt một sự nhìn nhận khi ai đó làm điều tốt? Không có lý do nào cả. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Ngài và bởi vì lẽ đó mà thôi. Có một sức mạnh bên trong chúng ta, cho chúng ta khả năng trao hiến sự sống cho anh em mình và khả năng đó chính là biết nhìn nhận sự tốt lành nơi anh em mình…

Tại sao chúng ta kiệm lời khen? Tại sao ta thường rất mau mắn khi khiển trách hoặc chỉ trích nhưng lại có vẻ quá miễn cưỡng khi khen ngợi anh em chị mình? Một số cha mẹ có thể sẽ cho rằng không nên khen con quá nhiều vì chúng có thể trở nên tự cao tự đại. “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Vậy nên chúng ta cho rằng roi vọt thì tốt hơn. Chỉ trích thì hay hơn. Đe dọa lại ổn hơn. Khi con không học hành đàng hoàng thì cha mẹ sẽ bỏ con. Nhưng khi chúng làm điều tốt, chúng ta lại im lặng. Vài người trong chúng ta còn lo sợ rằng mình phải trao yêu thương quá nhiều…

Khi cho đi lời khen, chúng ta không chỉ đang phục vụ những người mình yêu quý. Chúng ta không những đang phục vụ người khác mà còn đang phục vụ chính mình. Bởi vì, những ai biết nhìn vào mặt tốt của anh em, những ai rộng lượng với sự thán phục dành cho người khác thì đã tự sinh lợi cho chính mình, và cũng bởi vì, chúng ta sẽ trở nên những người trao ban sức sống khi chúng ta biết đánh giá cao anh em mình. Ta trao ban sức sống khi ta biết thừa nhận những điều tốt đẹp người khác làm, ta trao ban sức sống khi ta biết động viên nhau». (TGm. Socrates B. Villegas).

Khi ý thức rằng Chúa Giêsu đang hiện diện nơi người khác, người nữ tu không dè sẻn, nhỏ nhen trong lời khen; và cung không khen theo cách làm người khác “té hen”.

3.2 Quảng đại, đem lại hoa trái
Chúng ta cần trở nên người gieo giống tốt, không dè sẻn. Những hạt giống tốt như những ý nghĩ về sự thương yêu, chia sẻ, cảm thông, lòng vị tha,… rồi sẽ chắc chắn sẽ nở hoa, sẽ sinh trái tốt trong cuộc sống chúng ta.

Nhớ rằng “mỗi người hãy cho tùy theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7). Hãy cho điều xem ra dễ dàng nhất đó là lời khen chân thành. Lời khen tặng chân thành luôn xuất phát từ tình thương và thấu hiểu. Nơi tình yêu không có đố kỵ, ganh ghét, ích kỷ, chê bai.

Mỗi lần ta biết cảm thông nỗi khổ đau của người khác, hoặc chân thành chia sẻ niềm vui của một người bạn, khen tặng và nhịn nhận cái hay cái tốt, sự thành công của người khác chính là ta đang gieo hạt giống tốt. “Anh em đừng làm gì vì cạnh tranh hoặc háo danh, nhưng mỗi người với tất cả sự khiêm tốn, hãy coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích của người khác nữa” (Pl 2,1-4). Đó là những hạt giống tốt cần được ươm và gieo vãi không dè sẻn.

Thường ta có khuynh hướng tìm kiếm và đòi hỏi những điều tuyệt vời, ấn tượng, hoàn hảo và nghĩ rằng nhờ đó sẽ được niềm vui, nổi tiếng giỏi giang. Tuy nhiên, nguồn dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng đời sống chung hạnh phúc và niềm vui, làm mới con người và mở rộng con tim chính là từ hạt những hạt giống nhỏ bé được trung tín ươm mầm: tế nhị khen tặng, lời nói dịu dàng, khiêm tốn đón nhận, tha thứ lỗi lầm, bỏ qua sai sót, nhạy bén với hoàn cảnh, kín đáo trợ giúp, ánh mắt cảm thông, nụ cười khích lệ, đón nhận giới hạn năng lực, vui lòng tiếp nhận kết quả công việc... Những hạt giống tốt âm thầm ấy mọc lên trong mảnh đất cộng đoàn và nhờ đó chúng ta nhận biết được tình yêu vì nó chạm đến trái tim ta và biểu lộ những ân huệ mà Thiên Chúa qua ta trao ban cho nhau.

Gieo hạt giống niềm vui cho nhau đặc biệt với người trong cộng đoàn. “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”= “Một tu sĩ buồn là một tu sĩ đáng buồn”. Tìm mọi dịp, dù nhỏ nhặt, để đem niềm vui cho người khác. Không cau có khó thương. Đừng để những bực bội vì sức khẻo, áp lực nặng nề của công việc làm mất niềm vui của mình và mất cơ hội đem niềm vui cho người khác. Niềm vui thực sự khi mình chấp nhận thiệt thòi và tự nguyện làm việc hy sinh vì tha nhân.

Thường nở nụ cười chân thành. Người trung hoa “Một người không biết mỉm cười thì không nên mở cửa hàng”; “nụ cười chỉ trong khoảnh khắc, nhưng âm hưởng của nó trải dài cả đời người”. Việt
Nam: “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Tránh hết sức: cười nhạo, cười mỉa mai; cười để che dấu tâm hồn, cười hoài nghi, cười gượng, cười đểu…

Bốn hạt giống tốt: Trong đời sống hằng ngày, cần gieo luôn mãi ít là 4 hạt giống luôn luôn tốt gọi là “4 luôn”: luôn mỉm cười, luôn giúp đỡ, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu.

Một điều thực tế, để gieo hạt giống tốt và nuôi dưỡng chúng, đó là biết nhìn nhận cái tốt nơi người khác và biết khen tặng, biết nhìn nhau bằng “đôi mắt thánh thiện” và “nở nụ cười thánh thiện” với nhau. Khi ta nhìn với cặp mắt yêu thương và thánh thiện ta sẽ thấy những điều hay điều tốt nơi người khác và thấy cuộc đời tràn ngập tình thương Chúa. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương ngay cả khi ta chưa “tròn” theo như mình muốn, hoặc khi người khác chưa tròn theo ý ta. Nếu ta cảm nghiệm Chúa thương ta dù ta không “tròn” trong mắt ai, thì ta cũng thương người khác dù họ không “tròn” trong mắt ta.

Cuộc sống quanh ta có biết bao nhiêu điều tốt đẹp đáng quý và cần trân trọng. Chỉ ta biết nhạy bén nhận ra và chọn lọc ta sẽ không thiếu những hạt giống tốt đẹp ươm, để gieo trồng. Khi gieo hạt giống tốt, chính bản thân chúng ta trước tiên được hưởng lợi, niềm vui, thanh thản, gần gũi thân thương… Hoa trái từ những hạt giống tốt ấy, chúng ta có thể không trực tiếp thấy và đón nhận, nhưng những người khác sẽ thu lượm với lòng biết ơn và sẽ tiếp tục gieo trồng cho thế hệ sau.

3.3 Chúa Giêsu khen tặng và nhìn nhận điều tốt nơi mỗi người
Khi đọc các Tin mừng, bạn thử nhớ lại và đếm xem Chúa Giêsu đã có bao lần khen tặng và nhìn nhận điều tốt nơi người khác. Người đã làm bằng những cách như thế nào, trực tiếp hoặc gián tiếp và dành cho những hạng người nào?

Đối với người đương thời con trẻ chẳng được coi trọng, nhưng đối với Chúa Giêsu: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng” (Mt 19, 14).

Phận người “ba trong một” vừa là đàn bà, vừa là góa vừa là nghèo, người đời thời Chúa Giêsu và ngay cả thời đại chúng ta nữa thường coi thường họ. Nên nhớ Chúa Giêsu đã khen bà góa nghèo đóng góp những đồng xu nhỏ bé trong Đền thờ: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43).

Chúa Giêsu khen người trong nhóm luật sĩ khi “thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu” (Mc 12, 34).

Chúa Giêsu khen Giakêu, một người thủ lãnh của những người thu thuế và là người giàu có: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham” (Lc 19,9).

Chúa Giêsu khen Phêrô là người có phúc “vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời” (Mt 16, 17).

Chúa Giêsu khen Nathanaen: “Đây đích thực là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối.” (Ga 1,47).

Đối với Tôma, Chúa Giêsu không khiển trách nhưng khen tặng và khích lệ: “vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!” (Ga 20,29).
Chúa Giêsu khen Gioan Tẩy giả và người bé nhỏ: “Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông” (Mt 11,11).

Đối với viên sĩ quan đại đội trưởng có đức tin mạnh mẽ và lòng khiêm nhường khi xin Chúa Giêsu chữa cho người dầy tớ bị bệnh nặng. Đức Giêsu thán phục ông ta: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7,9).

Chúa Giêsu khen người phụ nữ xứ Canaan có đứa con bị quỷ ám, xin Chúa Chữa lành với lòng khiêm tốn và tin tưởng vì ví mình như chó con cũng được ăn mảnh bánh vụn rơi xuống từ bàn ăn của chủ. “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15,28).

Chúa Giêsu khen lòng yêu mến nồng nàn của người phụ nữ tội lỗi xức dầu thơm chân Ngài: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47).

Đối với chàng thanh niên giàu có: “Ðức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 1021).

Chúa Giêsu cũng khen Nicôđêmô là con người rất có thiện chí và có cơ hội gần với Nước Thiên Chúa.

Bạn là người được Chúa khen nhiều nhất đấy!
Người nữ tu sống vâng phục và nếp sống nghèo khó, thì càng ý thức rằng: “Người giàu tặng của, người thân tặng lời” (tục ngữ Việt Nam). Yêu nhau, hãy trao nhau lời khen ngợi. Lời khen sẽ nuôi dưỡng tình thương và làm nó sinh hoa trái. Tình thương đi liền với lời khen tặng, ghét ghen đi liền với lời cay đắng. Ai yêu thương, dù gặp thương đau, vẫn mãi nói lời thương nhau.

 
*****
Thay Cho Lời Kết
 Thánh Phaolô quả quyết rằng: “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi phải chết, và chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Cuộc đời của Chúa Giêsu, hay nói cách khác chính bản thân Người là “Ngôi lời”, là “ngôn ngữ” để mạc khải về Thiên Chúa toàn năng, một người Cha đầy lòng thương xót, tha thứ, nhân hậu, yêu thương, thường ban khen con cái mình…

Trong đời tu, trung tín lắng nghe là cách nói khác của lời khấn vâng phục. Bên kia ngôn ngữ mà chúng ta lắng nghe với nhiều biểu tượng, chúng ta sẽ gặp gỡ một ngôi vị. Mỗi người có những khả năng ngôn ngữ riêng và khác nhau. Khi lắng nghe nhau là chúng ta tôn trọng và khám phá nét đẹp ngôi vị của nhau.

Ngôn ngữ của người nữ tu Mến Thánh Giá là ngôn ngữ của Thập giá. Ngôn ngữ của Thập giá không phải là lời cay đắng, nguyền rủa vì thất bại và đau khổ. Thập giá, nơi treo Đấng chịu đóng đinh vì yêu, là ngôn ngữ có tính biểu tượng cao độ, nơi đó nối kết chặc chẽ không rời giữa sự vâng phục và tình yêu. Một khi chăm chú lắng nghe, chúng ta sẽ khám phá “ngôn ngữ” của Chúa Giêsu với những biểu tượng cực kỳ ý nghĩa và phong phú. Chúng ta khám phá không chỉ bằng khối óc mà còn bằng một trái tim và tâm hồn con trẻ. Nhờ đó chúng ta sẽ gặp gỡ được một ngôi vị, Chúa Giêsu, “Ngôi lời” của Thiên Chúa.

Khi thực sự thuộc về Chúa Kitô, thuộc về Đấng chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí mình, chúng ta có thể chuyển tải sứ điệp đem lại niềm vui và hiệp thông qua “ngôn ngữ sống động” độc đáo đời mình. Qua ngôn ngữ, bên kia ngôn ngữ mà chúng ta đón nhận và lắng nghe nơi người khác, với một sự tôn trọng, chúng ta gặp gỡ Chúa, gặp gỡ nhau, gặp gỡ một ngôi vị.
*****
Đề Nghị Suy Nghĩ Kỹ Hơn
1. Hồi tâm: Theo lời Thánh Bonaventura về nói xấu, bạn thấy mình thường rơi vào trường hơp nào? Chân thành xin Chúa soi sáng để biết rõ lý do vì sao mình làm như vậy.
2. Suy tư: Sống đời vâng phục theo Ngôi Lời Nhập Thể. Lời đem lại sức sống- tình yêu- hạnh phúc. Lời đem lại Niềm vuiHiệp thông.
Cách riêng, theo gương Chúa Giêsu, bạn hãy vận dụng mọi “ngôn ngữ” độc đáo của riêng mình, dưới nhiều dạng thức, để khen tặng chân thành và tế nhị đối với người mà bạn ác cảm, xa lánh, giận hờn, bề trên, bề dưới…. Bạn sẽ có niềm vui và nhận một quà tặng cao quý chính là một ngôi vị mà Chúa gửi đến cho bạn.
3. Quyết tâm:
- “4 xin”: Xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn.
- “4 luôn”: Luôn mỉm cười, luôn giúp đỡ, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu.

 
Ai yêu thương,
luôn gieo tình thương,
trên mọi đồi nương,
trên khắp nẻo đường.
Hạt giống nào bạn gieo nhiều nhất trong ngày sống?
 

Tác giả bài viết: +Gm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 14
  • Hôm nay 5,610
  • Tháng hiện tại 259,173
  • Tổng lượt truy cập 14,064,967
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây