Với trí tuệ nhân tạo, sự đổi mới cũng có thể giết chết

Thứ năm - 13/06/2024 20:18
Với trí tuệ nhân tạo, sự đổi mới cũng có thể giết chết
Vatican News

Trong cái nhìn hướng đến hội nghị thượng đỉnh về Trí tuệ nhân tạo (AI) của bảy cường quốc kinh tế (G7) mà Đức Thánh Cha sẽ tham dự, diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/6/2024, Báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh đưa ra một số suy tư về việc áp dụng bi thảm các chương trình Trí tuệ nhân tạo nguy hiểm trong các cuộc chiến, giết hại nhiều nạn nhân, đặc biệt dân thường.

 

Thực tế, khi bàn về Trí tuệ nhân tạo, vấn đề không chỉ liên quan đến đặc điểm nội tại của nó và những câu hỏi mở ra sự phát triển trong tương lai, các hình thức giao tiếp và các mối quan hệ, nhưng còn liên quan đến các lĩnh vực ứng dụng, và cũng như trong nhiều đổi mới khoa học và công nghệ khác trước đây, lĩnh vực quân sự dường như luôn được ưu tiên.

Vì vậy, những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu hiện đang diễn ra ở Gaza là một cảnh báo đầy bi thảm. Thực tế, theo các cơ quan truyền thông uy tín, như nhật báo Anh “The Guardian”, các báo trực tuyến “tạp chí +972” và “Tạp chí Local call” ở Tel Aviv, những người lính Israel chiến đấu ở Gaza sau ngày 07/10 được hướng dẫn, nếu không muốn nói là “chỉ huy”, bởi hai chương trình Trí tuệ nhân tạo, và những chương trình khác, đã khiến cho nhiều thường dân thiệt mạng trong các vụ đánh bom của Israel ở Dải Gaza.

Theo ba cơ quan truyền thông thu thập thông tin trực tiếp từ các sĩ quan tình báo Israel, thực tế lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã sử dụng, đặc biệt trong những tháng đầu cuộc xung đột, một phần mềm Trí tuệ nhân tạo có tên Lavender, chứa cơ sở dữ liệu khoảng 37.000 mục tiêu tiềm năng, được xác định trên cơ sở được cho là có mối liên hệ với những kẻ khủng bố Hamas. Do đó, cơ cấu chỉ huy của quân đội Israel sẽ ưu tiên các chỉ dẫn lạnh lùng của AI hơn là quan sát và đánh giá của binh sĩ trên thực địa khi xác định mục tiêu cần tấn công. Chỉ trong 20 giây, chương trình có thể nhận ra mục tiêu đã được đưa vào cơ sở dữ liệu, xác định mục tiêu đó thông qua nhận dạng khuôn mặt và ra lệnh thực hiện mục tiêu bằng cách cung cấp tọa độ. Việc những thường dân vô tội khác ở trong cùng tòa nhà cũng không có gì quan trọng. Theo các nguồn tin của Israel, số thương vong cao, tức là số nạn nhân thường dân của các vụ đánh bom, chính xác là do việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cách bừa bãi.

Một cuộc xung đột lớn khác trong thời điểm khó khăn này cũng chứng kiến sự ra mắt của trí tuệ nhân tạo trên chiến trường. Các lực lượng vũ trang Ucraina đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái được dẫn đường bằng trí tuệ nhân tạo. Đối với người Ucraina, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo là công cụ quyết định để bù đắp cho sự mất cân bằng về quân số của lực lượng trên chiến trường.

Người Nga cũng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện các cuộc tấn công, nhưng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xâm nhập mạng, để tự động ứng phó với các cuộc tấn công của kẻ thù và xác định các lỗ hổng tiềm ẩn trong mạng.

Theo Báo quan sát viên Roma, điều quan trọng là hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo phải bắt đầu thảo luận về những thực tế này và nghĩ về một công ước quốc tế - như đã từng xảy ra trước đây đối với các kho vũ khí hạt nhân - đặt ra các giới hạn đối với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự. Ngày nay có vẻ đã khó khăn để có thể điều chỉnh một hiện tượng vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, trong khi cuộc đua đang diễn ra để xem ai có thể là người đầu tiên sản xuất ra những loại vũ khí sát thương mạnh nhất.

Nguồn: Vatican News

 Tags: TIN GIÁO HỘI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 94
  • Hôm nay 15,575
  • Tháng hiện tại 83,841
  • Tổng lượt truy cập 11,047,626
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây