Kỳ Giáo Lý – Năm Thánh 2025: Đức Kitô niềm hy vọng của chúng ta. II. Cuộc đời của Chúa Giêsu. Những dụ ngôn. 8. Những người thợ vườn nho. Ngài nói với họ: “Các ngươi cũng vậy, vãy đi làm vườn nho cho ta” (Mt 20,4).
Thứ Tư, ngày 04.06.2025, Đức Thánh Cha Leo XIV tiếp tục loạt bài Giáo Lý với chủ đề Đức Kitô niềm hy vọng của chúng ta qua suy ngắm các dụ ngôn. Tuần này, ngài suy ngắm dụ ngôn ông chủ vườn nho và những người làm vườn nho: Mt 20, 1 - 15.
Anh chị em thân mến,
Tôi còn muốn dừng lại ở những dụ ngôn của Chúa Giêsu, trong trường hợp này cũng nói về một dụ ngôn. Dụ ngôn ấy nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta. Thật vậy, nhiều lần chúng ta có cảm tưởng rằng mình không thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta cảm thấy mình vô ích, không xứng đáng, như những người công nhân đứng ở công trường chợ chờ ai đó đến thuê mình làm việc. Nhưng nhiều khi, thời gian dần trôi, cuộc sống qua đi, chúng ta cảm thấy mình không được biết đến và không được đánh giá cao. Có lẽ chúng ta đến không đúng lúc, người khác đã đến trước chúng ta rồi, hoặc có thể những lo lắng đã giữ chúng ta ở lại nơi khác.
Hình ảnh ẩn dụ về công trường chợ rất thích hợp với thời đại chúng ta, bởi vì chợ là nơi kinh doanh, chẳng may ở đó người ta mua và bán ngay cả tình cảm và nhân phẩm, cố kiếm cho được lợi nhuận từ đó. Và khi người ta cảm thấy mình không được đánh giá cao, không được nhận biết, thậm chí người ta có nguy cơ bán chính mình cho người ra giá đầu tiên. Trái lại, Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta rằng sự sống của chúng ta thật cao quý và Ngài khao khát giúp chúng ta khám phá ra điều đó.
Cũng vậy, trong dụ ngôn mà chúng ta bàn đến hôm nay, có những người công nhân đang chờ một ai đó đến thuê họ làm việc trong ngày. Chúng ta đang ở chương 20 của Tin Mừng Mattheu. Ở đây, chúng ta cũng bắt gặp một nhân vật có cách hành xử lạ thường, gây ngạc nhiên và tra vấn. Người đó là ông chủ vườn nho. Chính ông đi tìm công nhân của mình. Rõ ràng ông muốn thiết lập mối tương quan cá vị với họ.
Như tôi đã nói, chúng ta bàn về một dụ ngôn đem lại niềm hy vọng, bởi vì Tin Mừng kể là ông chủ vườn nho đi ra rất nhiều lần tìm kiếm những người đang chờ đợi để mang lại ý nghĩa cho cuộc đời họ. Tức thì ông chủ đi ra từ sáng sớm và sau đó cứ ba giờ ông lại đi ra tìm công nhân để đưa vào làm vườn nho cho ông. Sau lần tìm kiếm vào khoảng 3 giờ chiều, dường như không còn lý do nào để lại đi ra, vì ngày làm việc kết thúc lúc 6 giờ.
Ông chủ này không mệt mỏi, bằng mọi giá ông muốn mang lại giá trị cho cuộc sống của mỗi người chúng ta, ông lại đi ra vào lúc 5 giờ chiều. Những công nhân còn lại ở công trường chợ mất đi niềm hy vọng. Ngày hôm đó trôi qua lãng phí. Thế nhưng, có một ai đó còn tin tưởng nơi họ. Việc thuê người làm công vào giờ cuối cùng trong ngày có ý nghĩa gì? Chỉ làm một giờ trong ngày thôi có nghĩa gì? Tuy nhiên, ngay khi dường như chúng ta có thể làm rất ít cho cuộc sống này, điều đó luôn luôn đáng giá. Luôn luôn có một khả năng tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, vì Thiên Chúa yêu cuộc sống của chúng ta.
Và đây tính độc đáo của ông chủ này được thấy ở khoảnh khắc cuối ngày làm việc, ở lúc trả tiền công. Với những công nhân làm giờ đầu tiên, những người làm từ sáng sớm, ông chủ thỏa thuận trả một đồng, đó là tiền công của một ngày làm việc. Với những người khác ông nói ông sẽ trả cho họ cách công bằng. Và chính ở điểm này, dụ ngôn gây thắc mắc chúng ta: công bằng là gì? Đối với ông chủ vườn nho, tức là đối với Thiên Chúa, công bằng nghĩa là mỗi người sở hữu những gì cần thiết để sống. Ngài mời gọi mỗi người lao động cách cá vị, nhận biết phẩm giá của họ, trả cho họ đúng với gì họ là. Và Ngài trao cho họ một đồng.
Chuyện kể là những người làm công giờ đầu tiên cảm thấy thất vọng, họ không có khả năng cảm nghiệm cử chỉ đẹp của ông chủ, đó không là bất công, nhưng một cách đơn giản là sự hào phóng, ông không chỉ nhìn thấy công lao mà nhìn thấy cả những gì họ cần. Thiên Chúa muốn trao ban cho tất cả chúng ta Vương Quốc của Ngài, nghĩa là một cuộc sống tròn đầy, vĩnh cửu và hạnh phúc. Và Chúa Giêsu đã làm như thế với chúng ta: Ngài không xếp thứ hạng, những ai mở rộng trái tim Ngài trao ban cả chính mình.
Ở ánh sáng của dụ ngôn này, kitô hữu ngày nay bị cám dỗ nghĩ rằng: “Tại sao phải bắt tay làm việc ngay? Nếu mức thù lao là như nhau, tại sao chúng ta phải làm việc nhiều hơn?”. Ở điểm nghi vấn này, Thánh Augustino trả lời rằng: “Vậy tại sao bạn trì hoãn theo Đấng gọi bạn, trong khi bạn biết chắc về phần thưởng vào ngày bạn không rõ. Hãy nhớ đừng vì trì hoãn mà hủy hoại nơi chính mình những gì Thiên Chúa hứa ban cho bạn như lời Ngài đã hứa”[1].
Cha muốn nói, đặc biệt với các bạn trẻ, đừng chờ, nhưng hãy đáp trả lời mời gọi của Chúa với lòng nhiệt huyết, Ngài gọi các con vào làm vườn nho của Ngài, đừng chần chừ, hãy xắn tay áo lên vì Thiên Chúa hào phóng và sẽ không thất vọng. Làm việc trong vườn nho của Chúa, các con sẽ tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi sâu thẳm chất chứa trong tâm hồn các con:
Đời sống tôi có ý nghĩa gì?
Anh chị em thân mến, đừng nhát đảm! Ngay cả trong những tối tăm của cuộc đời, khi thời gian trôi qua không trả lời cho những gì chúng ta tìm kiếm, chúng ta cầu xin Chúa hãy còn tiếp tục đi ra và đến với chúng ta nơi chúng ta đang chờ Ngài. Thiên Chúa hào phóng, Ngài sẽ đến sớm thôi!
[1] Discorso 87, 6, 8.