LÒNG TRẮC ẨN - DẤU CHỈ CỦA HY VỌNG

Thứ tư - 28/05/2025 09:56
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha Leo XIV về chủ đề: Đức Kitô - niềm hy vọng của chúng ta dựa trên tin Mừng Lc 10, 30 - 37.
Đức Thánh Cha Leo XIV: Yết kiến chung, thứ Tư ngày 28.05.2025
Đức Thánh Cha Leo XIV: Yết kiến chung, thứ Tư ngày 28.05.2025
Kỳ Giáo Lý – Năm Thánh 2025. Đức Kitô, niềm hy vọng của chúng ta. II. Cuộc đời của Chúa Giêsu. Những dụ ngôn. 7. Người Samaritano. Đến gần, thấy và động lòng trắc ẩn (Lc 10,33b).

Anh chị em thân mến,
Chúng ta cùng nhau suy niệm về những dụ ngôn của Chúa Giêsu. Những dụ ngôn cho chúng ta những cơ hội để thay đổi cách nhìn và mở ra cho chúng ta niềm hy vọng. Thiếu niềm hy vọng nhiều khi đến từ cách chúng ta nhìn mọi thứ cứng nhắc và khép kín trước mọi điều. Các dụ ngôn giúp chúng ta nhìn mọi sự từ một điểm nhìn khác.

Hôm nay, tôi muốn nói với các bạn về một chuyên gia, một người được huấn luyện tốt: một nhà thông luật, tuy nhiên, người ấy cần thay đổi cái nhìn, bởi vì ông tập trung vào chính mình và không nhận thấy người khác (x. Lc 10, 25 – 37). Thật vậy, ông ấy hỏi Chúa Giêsu cách để thừa hưởng sự sống đời đời, biểu cảm được sử dụng muốn nói đó là một luật hiển nhiên. Nhưng đằng sau câu hỏi đó có lẽ ẩn nấp một nhu cầu đáng bận tâm. Thuật ngữ duy nhất ông muốn Chúa Giêsu giải thích là từ “người thân cận”, hiểu theo nghĩa đen là “người ở gần mình”.

Bởi đó, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn. Dụ ngôn này là hành trình để chuyển đổi câu hỏi ấy, chuyển từ “ai yêu tôi?” sang “ai cần tình yêu?”. Câu hỏi trước là câu hỏi chưa trưởng thành, câu hỏi sau là câu hỏi của người trưởng thành, nó bao hàm ý nghĩa cuộc đời của người ấy. Câu hỏi đầu là câu hỏi chúng ta công bố khi chúng ta nấp vào một góc và chờ đợi; câu hỏi sau là câu hỏi thúc đẩy chúng ta và đặt chúng ta vào hành động.

Thật vậy, dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể ở trong bối cảnh của con đường, một con đường khó khăn và khô cằn, như cuộc sống vậy. Là con đường mà trên đó một người đang đi từ Giêrusalem, một thành phố trên núi đến Giêricô, một thành phố biển. Một cảnh tượng đã xảy ra như được nói ở đầu: người ấy bị tấn công, bị đánh đập, bị cướp và bị bỏ rơi gần chết. Kinh nghiệm này xảy ra khi những hoàn cảnh, những con người, thậm chí nhiều khi là những người được chúng ta tin cậy, họ lột sạch chúng ta và bỏ mặc chúng ta giữa đường.

Tuy nhiên, cuộc sống được làm nên từ những cuộc gặp gỡ và trong những cuộc gặp gỡ này phơi bày những gì chúng ta là. Chúng ta thấy mình khi đối diện với người khác, trước sự mỏng dòn và sự yếu đuối của họ và chúng ta có thể quyết định điều mình phải làm: chăm sóc người ấy hoặc giả lơ như không biết gì. Một thầy Lêvi và một tư tế cũng đi trên con đường ấy. Họ là những người phục vụ trong Đền thờ Giêrusalem, sống trong nơi thánh. Tuy nhiên, thực hành việc thờ phượng không tự nhiên mang lại lòng trắc ẩn. Thực vậy, trước khi là yếu tố tâm linh, lòng trắc ẩn là yếu tố nhân văn. Trước khi là một tín hữu, chúng ta được mời gọi là một con người.

Chúng ta có thể tưởng tượng rằng sau một thời gian dài ở Giêrusalem, thầy Lêvi và thầy tư tế ấy vội vã trở về nhà. Chính sự vội vã hiện diện trong cuộc sống chúng ta như thế nên nhiều lần cản trở lòng trắc ẩn của chúng ta. Ai đặt hành trình của mình ở vị trí ưu tiên thì người ấy không sẵn sàng dừng lại vì người khác.

Nhưng đây, một người đến, người ấy thực sự có khả năng dừng lại: một người Samaritano, ông thuộc về một dân tộc bị coi thường (x., 2V 17). Trong trường hợp của ông, bản văn không nói ông đến từ đâu, nhưng chỉ nói là đang trên đường đi. Lòng mộ đạo không liên quan gì ở đây. Người Samaritano dừng lại chỉ với lý do đơn giản vì một người đứng trước một người khác, mà người ấy đang cần sự giúp đỡ.

Lòng trắc ẩn thể hiện qua những hành động cụ thể. Thánh sử Luca cô đọng những hành động của người Samaritano, chúng ta gọi người ấy “nhân hậu”, nhưng trong bản văn đơn giản đó là một người: người Samaritano đến gần, vì muốn giúp một ai đó thì không thể giữ khoảng cách, bạn phải đặt mình liên can với người ấy, bị dơ bẩn, có thể bị ô uế, băng bó vết thương cho người ấy sau khi rửa sạch với dầu và rượu; đưa người ấy lên ngựa, nghĩa là phải vác người ấy lên vai, một người thực sự giúp đỡ người khác sẽ cảm thấy sức nặng của đau khổ nơi tha nhân; ông mang người ấy đến khách sạn ở đó phải trả tiền; “hai đồng”, nhiều hoặc ít hơn tiền của hai ngày công; ông còn hứa quay trở lại để trả tiền thêm nữa, vì người khác không phải là một kiện hàng để giao, nhưng là một người cần được chăm sóc.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng vậy, khi nào thì chúng ta có khả năng dừng lại hành trình của mình và sống lòng trắc ẩn? Khi chúng ta hiểu rằng người bị thương dọc đường là hình ảnh mỗi người chúng ta. Và vì vậy, hãy nhớ lại tất cả những lần Chúa Giêsu dừng lại chăm sóc mỗi người chúng ta, sẽ làm cho chúng ta có khả năng trắc ẩn hơn.

Vậy, hãy cầu xin cho tính nhân văn luôn lớn lên hơn nữa trong chúng ta, để những tương quan của chúng ta trở nên thật hơn và giàu lòng trắc ẩn hơn. Chúng ta cầu xin với Thánh Tâm Chúa Giêsu ân phúc luôn luôn có nhiều hơn nữa những tình cảm của chính Chúa.
  cq5dam web 800 800 (1)cq5dam web 800 800 (2)cq5dam web 800 800 (3)
cq5dam web 800 800 (6)
cq5dam web 800 800 (8)cq5dam web 800 800 (11)

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ

Nguồn tin: www.vatican.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 49
  • Hôm nay 9,408
  • Tháng hiện tại 64,339
  • Tổng lượt truy cập 14,313,467
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây