NIỀM HY VỌNG ĐẶT NỀN TRÊN ĐÁ TẢNG CỦA SỰ HÀO PHÓNG VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Thứ tư - 21/05/2025 09:11
Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Leo XIV trong buổi tiếp kiến chung đầu tiên, ngày 21.05.2025. Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài Giáo lý về Năm Thánh với chủ đề: Đức Kitô niềm hy vọng của chúng ta mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi sự.
Buổi yết kiến chung đầu tiên của Đức Thánh Cha Leo XIV, ngày 21.05.2025
Buổi yết kiến chung đầu tiên của Đức Thánh Cha Leo XIV, ngày 21.05.2025
Anh chị em thân mến,
Tôi vui mừng đón chào anh chị em đến với buổi tiếp kiến chung đầu tiên của tôi. Hôm nay, chúng ta tiếp tục bài Giáo lý về Năm Thánh với chủ đề Đức Kitô niềm hy vọng của chúng ta mà Đức Thánh Cha Phanxico đã bắt đầu.

Hôm nay chúng ta tiếp tục suy tư về các dụ ngôn của Chúa Giêsu, những dụ ngôn giúp chúng ta tìm thấy niềm hy vọng, bởi vì những dụ ngôn chỉ cho chúng ta thấy cách Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Hôm nay, tôi muốn dừng lại ở một dụ ngôn đặc biệt một chút, bởi vì dụ ngôn này trình bày một kiểu dẫn nhập cho tất các dụ ngôn. Tôi muốn nói đến dụ ngôn người gieo giống (x. Mt 13, 1 – 17). Ở một hướng nào đó, trong câu chuyện này chúng ta nhận thấy cách truyền thông của Chúa Giêsu, có nhiều điều dạy chúng ta để loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

Mỗi dụ ngôn kể một câu chuyện lấy từ cuộc sống thường ngày của chúng ta, tuy nhiên những dụ ngôn muốn nói với chúng ta điều gì đó hơn nữa, dẫn chúng ta đến một ý nghĩa sâu xa hơn. Dụ ngôn làm nảy sinh trong chúng ta những câu hỏi, mời gọi chúng ta không dừng lại vẻ bên ngoài. Trước câu chuyện được kể và trước những hình ảnh được họa nên, tôi tự hỏi: tôi ở đâu trong câu chuyện này. Hình ảnh này nói gì với đời sống của tôi. Thực vậy, khái niệm “dụ ngôn” đến từ Hy Lạp “paraballein” muốn nói “ném về phía trước”. Dụ ngôn đặt tôi trước một lời, lời ấy khơi gợi và thôi thúc tôi tự vấn chính mình.

Dụ ngôn người gieo giống nói đến năng động của lời Thiên Chúa và hiệu quả mà lời mang lại. Thật vậy, lời Thiên Chúa như hạt giống được gieo vào mảnh đất của cuộc đời chúng ta. Nhiều lần Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt giống, với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong chương 13 của Tin Mừng Mattheu, dụ ngôn người gieo giống dẫn nhập vào một loạt dụ ngôn nhỏ khác. Một vài dụ ngôn đó đề cập đến đến những thứ đến từ đất: hạt giống, cỏ lùng, kho tàng được giấu trong ruộng. Thế nhưng, đất ở đây là gì, là tâm hồn của chúng ta mà cũng là thế giới, là cộng đoàn, là Giáo Hội. Thật vậy, Lời Chúa sinh sôi, nảy nở nơi mỗi thực tại.

Đầu tiên, chúng ta thấy Chúa Giêsu ra khỏi nhà và quy tụ quanh Ngài là đám đông dân chúng (x. Mt 13,1). Lời của Chúa hấp dẫn và lôi cuốn. Rõ ràng giữa đám đông có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Lời của Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người, nhưng hoạt động trong mỗi chúng ta cách khác nhau. Bối cảnh này cho chúng ta hiểu tốt hơn ý nghĩa dụ ngôn.

Tự ban đầu, người gieo giống ra đi gieo hạt mà chẳng lo lắng về nơi hạt giống sẽ rơi. Gieo hạt giống ngay cả những nơi có thể khó mang lại hoa trái: trên vệ đường, giữa sỏi đá, giữa bụi gai. Hành động này gây ngỡ ngàng những người nghe và làm thắc mắc, sao lại như vậy?

Chúng ta quen tính toán mọi thứ. Điều này đôi khi cần thiết, nhưng không ý nghĩa gì trong tình yêu! Cách mà người gieo giống lãng phí vung vãi những hạt giống là hình ảnh về cách Thiên Chúa yêu chúng ta. Quả vậy, định mệnh của hạt giống còn tùy thuộc vào cách mảnh đất đón nhận hạt giống và tùy thuộc vào hoàn cảnh của nó, nhưng trên hết, trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Thiên Chúa gieo hạt giống lời Ngài vào trong mỗi loại đất, nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào của chúng ta: nhiều khi chúng ta sao lãng, nhiều khi chúng ta để mình cuốn theo sự nhiệt tình, đôi khi chúng ta choáng ngợp vì những lo lắng của cuộc sống… nhưng cũng có những khoảnh khắc chúng ta sẵn sàng và nồng hậu. Thiên Chúa tin tưởng và hy vọng trước hoặc sau hạt giống sẽ trổ sinh hoa trái. Ngài yêu chúng ta thế này: Ngài không đợi chúng ta trở thành những mảnh đất tốt, Ngài luôn trao ban cho chúng ta cách hào phóng lời của Ngài. Có lẽ chính khi thấy Thiên Chúa tin tưởng chúng ta, sẽ nảy sinh nơi chúng ta mong ước là mảnh đất tốt hơn. Đây là niềm hy vọng đặt nền trên đá tảng của sự hào phóng và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Kể về cách hạt giống nảy sinh hoa trái, Chúa Giêsu cũng nói về chính đời sống của Ngài. Chúa Giêsu là Lời, là Hạt Giống. Và Hạt Giống, để nảy sinh hoa trái cần phải chết đi. Vì thế, dụ ngôn này nói rằng Thiên Chúa sẵn sàng “phung phí” vì chúng ta và nói rằng Giêsu sẵn sàng chết đi để biến đổi cuộc sống chúng ta.

Đến trong tâm trí tôi một bức họa tuyệt đẹp của Van Gogh: Người gieo hạt lúc hoàng hôn. Hình ảnh về người gieo giống dưới ánh mặt trời thiêu đốt ấy cũng nói với tôi về sự vất vả của người nông phu. Van Gogh mô tả hạt giống đã chín mùi trên đôi vai của người gieo giống, và hình ảnh này đánh động tôi. Dường như đó là hình ảnh của niềm hy vọng: cách này hay cách khác, hạt giống đã mang lại hoa trái. Chúng ta không biết chắc chắn thế nào, nhưng là như thế. Tuy nhiên, người gieo giống không ở trọng tâm của bức hình, nhưng ở một bên, toàn bộ bức tranh toát lên ánh mặt trời, có lẽ để nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa lay chuyển lịch sử, ngay cả những lúc dường như Ngài vắng mặt và xa cách chúng ta. Chính mặt trời làm nóng mảnh đất làm cho hạt giống chín mùi.

Anh chị em thân mến, trong hoàn cảnh nào của cuộc sống hôm nay lời Chúa đến với chúng ta? Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta ơn đón nhận hạt giống Lời Ngài. Và nếu chúng ta nhận thấy mình không phải là mảnh đất màu mỡ, đừng nản lòng, nhưng xin Ngài hãy hoạt động hơn nữa trong chúng ta, để làm chúng ta trở nên mảnh đất tốt.

cq5dam web 800 800 (1)
cq5dam web 800 800 (2)
cq5dam web 800 800 (3)cq5dam web 800 800 (4)cq5dam web 800 800 (5)
cq5dam web 800 800 (6)

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ

Nguồn tin: www.vatican.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 54
  • Máy chủ tìm kiếm 14
  • Khách viếng thăm 40
  • Hôm nay 8,807
  • Tháng hiện tại 63,738
  • Tổng lượt truy cập 14,312,866
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây