Sáng thứ Sáu ngày 19/4/2024, 6.000 học sinh và giáo viên của 137 Trường Hòa bình, đến từ 94 thành phố của 18 miền của Ý đã quy tụ tại đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican để yết kiến Đức Thánh Cha. Sự kiện có chủ đề “Chúng ta biến đổi tương lai. Hướng đến hòa bình bằng sự quan tâm”, nhắm đào tạo một thế hệ những người kiến tạo hòa bình.
Những nhân vật chính của tương lai
Từ chủ đề của sự kiện, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các học sinh sinh viên rằng “các con được mời gọi trở thành những nhân vật chính chứ không phải là các khán giả của tương lai”. Ngài giải thích: “Tất cả chúng ta đều được thách thức xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và trên hết là chúng ta phải cùng nhau xây dựng nó! Chúng ta không thể chỉ giao phó mối quan tâm về ‘thế giới sắp tới’ và việc giải quyết các vấn đề của nó cho các tổ chức được chỉ định và cho những người có trách nhiệm chính trị và xã hội”. Ngài nói rằng những thách đố này đòi mỗi người chúng ta tham gia cách tích cực và có sự dấn thân của cá nhân; cần liên kết với nhau, hợp lực và hợp ý làm việc với nhau. Không phải là “tôi làm việc cho lợi ích của tôi”, nhưng “chúng ta làm việc vì thiện ích chung, vì lợi ích của tất cả”.
Giấc mơ tập thể
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc rằng những thách đố đe dọa tương lai của tất cả chúng ta, đòi hỏi cộng đồng có sự can đảm và sáng tạo của một giấc mơ tập thể thúc đẩy một cam kết liên tục cùng nhau đối mặt với các cuộc khủng hoảng môi trường, kinh tế, chính trị và xã hội mà hành tinh chúng ta đang trải qua. Giấc mơ này đòi chúng ta tỉnh thức, không mê ngủ, bước đi trên đường, không nằm dài trên giường, sử dụng tốt phương tiện thông tin nhưng không mất thời giờ trên các mạng xã hội. Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng “loại giấc mơ này được thực hiện bằng cách cầu nguyện, nghĩa là cùng với Chúa, không chỉ bằng sức riêng của chúng ta”.
Hòa bình không chỉ là sự im tiếng vũ khí
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hòa bình và sự quan tâm là hai thực tại liên kết với nhau: “hòa bình không chỉ là sự im lặng của vũ khí và không có chiến tranh; đó là một bầu khí nhân từ, tin tưởng và yêu thương có thể trưởng thành trong một xã hội được xây dựng trên các mối quan hệ quan tâm, trong đó chủ nghĩa cá nhân, sự xao lãng và thờ ơ nhường chỗ cho khả năng chú ý đến người khác, lắng nghe họ trong những nhu cầu cơ bản của họ, chữa lành những vết thương của họ, trở thành khí cụ của lòng trắc ẩn và chữa lành cho họ”. Ngài nhận định: “Đây là sự quan tâm mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại, đặc biệt là những người mong manh nhất, và là điều mà Tin Mừng thường nói với chúng ta”. (CSR_1672_2024)
Nguồn: https://www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn