Bất cứ ai trong lần gặp đầu tiên với một tu sĩ, thì câu hỏi thường được đặt ra sẽ là: “Sơ hoặc Thầy thuộc Dòng nào và Linh đạo của Dòng là gì”?. Thật vậy, tên Dòng và Linh đạo Dòng là bản chất và căn tính, là con đường thiêng liêng rất riêng của từng Dòng, qua đó Đấng Sáng Lập với kinh nghiệm thiêng liêng và ơn soi sáng cách cá vị, muốn con cái bước theo để đến với Thiên Chúa, khi quy tụ những người nam nữ khao khát hiến thân cho Ngài qua ba lời khuyên Phúc Âm. Linh đạo Mến Thánh Giá hay còn gọi Linh đạo Lâm Bích[1] cũng vậy, đó là hoa trái của những kinh nghiệm thiêng liêng và quan niệm tu đức của Đức Cha Pierre Lambert – Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá[2]. Con đường dẫn đến đức ái hoàn hảo này đã được vạch ra cách cụ thể và rõ ràng trên quê hương Việt Nam từ năm 1670 (ngày 19.02.1670), khi Đức Cha nhận lời khấn của hai nữ tu đầu tiên Ane và Paula và trao cho hai chị Bản Luật Dòng Mến Thánh Giá. Cho đến nay Linh đạo ấy đã trở thành bài trường ca bất hủ, bài trường ca Mến Thánh Giá được hòa âm ba bè: chiêm niệm – khổ chế - tông đồ. Ba chiều kích này được Hội Thánh dạy là ba trong những yếu tố cốt yếu của đời tu[3].
Tiếng Thiên Chúa mời gọi: Nguồn linh hứng của bài trường ca Mến Thánh Giá Trong Bức Luân Thư viết cho các chị em đã khấn giữ đức Khiết Tịnh và đang sống với nhau từ nhiều năm nay tại Đàng Ngoài năm 1670, Đức Cha Pierre Lambert đã viết như sau: “Cha có thể quả quyết với các con rằng, trước khi được biết hay nghe nói về các con, thì từ lâu cha đã nghe được lời mời gọi khẩn thiết trong nội tâm phải viết lối sống đó ra, để làm ích cho một số tâm hồn được Thiên Chúa yêu dấu cách phi thường. Nay được biết các con, cha càng thêm tin tưởng để dạy cho các con lối sống đó. Vậy xin các con hãy nhận lấy lối sống này như từ Thiên Chúa mà đến, hơn là tự cha”[4]. Qua những lời lẽ rất thân thương trên, Đức Cha Pierre Lambert đã xác định tiếng gọi của Thiên Chúa về ơn gọi Mến Thánh Giá. Tiếng gọi này xuất hiện từ lúc ngài lên chín tuổi, rồi càng ngày càng xác tín rõ ràng trong tâm hồn nhạy bén và một trực giác thiêng liêng mạnh mẽ. Có lẽ cũng nên nói rằng Đức Cha Lambert được Thiên Chúa phú bẩm sự nhạy bén với những gì thuộc về Thiên Chúa. Ngài thường diễn tả thái độ nội tâm của tâm hồn lắng nghe tiếng Chúa nơi ngài như: nghe được lời mời gọi khẩn thiết trong nội tâm[5], dường như Thiên Chúa toàn năng làm chủ nội tâm và các hoạt động của chúng ta[6], chúng con cảm thấy bị thúc bách[7]… Quả vậy, chính Thiên Chúa đã viết trong tâm hồn và cuộc đời của Đức Cha Pierre Lambert lối sống của những người mến yêu Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và muốn bước theo Người trên con đường thập giá. Theo Đức Cha, «Nếu có một phương tiện tốt hơn hoặc hay hơn để cứu độ nhân loại thay vì chịu đau khổ, thì hẳn Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta và chính Người đã thi hành. Người nói nếu kẻ nào muốn đến với Ta, kẻ ấy hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Ta (Mt 16,24)»[8]. Chính vì thế tình yêu cứu độ trở nên tiết tấu và giai điệu của bài trường ca Mến Thánh Giá. Qua chiêm niệm – khổ chế - tông đồ, tình yêu cứu độ được thực hiện, đó chính là căn tính, mục đích và sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá. Ba chiều kích ấy làm nên căn tính duy nhất của người nữ tu Mến Thánh Giá.
Chiêm niệm, khổ chế và tông đồ Chiêm niệm Cầu nguyện đóng vai trò trọng tâm của cuộc đời người nữ tu Mến Thánh Giá. Thậm chí cầu nguyện là mục đích của Dòng. Đấng Sáng Lập đã khẳng định điều này trong Bức Tâm Thư gởi cho hai nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên: “Mục đích chính của Tu Hội các con là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu Kitô và hằng ngày dâng việc suy gẫm cầu nguyện của các con, nước mắt của các con, các việc làm của các con và các hy sinh của các con, để cầu xin Người ban cho lương dân và những Kitô hữu bất hảo được ơn ăn năn trở lại”[9]. Vì thế, cầu nguyện là điều phải làm đầu tiên, trước nhất và xuyên suốt trong mọi hoạt động. Đức Cha đã căn dặn những người con của mình rằng: Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, hãy dùng lời cầu nguyện để làm sa xuống từ trời làn sương tuyệt diệu của Thiên Chúa[10]. Khổ chế Đối với người nữ tu Mến Thánh Giá, khổ chế biểu hiện tình yêu lớn nhất dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và cho anh chị em đồng loại. Khổ chế mang tính cách tự nguyện nhằm thông phần Thập Giá của Đức Kitô bằng đón nhận những vất vả bên ngoài và tâm tình vâng phục bên trong (HC đ.65). Chính qua những vất vả và khổ hạnh, người môn đệ của Đức Kitô được trưởng thành và gắn bó hơn với Người. Vì «Cả cuộc đời người Kitô hữu là một cuộc tử đạo liên lỉ, bởi không là một môn đệ hoàn hảo của Đức Giêsu Kitô, nếu không từ bỏ mình và chết đi trong mọi hoàn cảnh đối với những ước muốn của bản thân và cái tôi của mình»[11]. Tông đồ Chính cảm nghiệm “tình yêu lớn nhất” Thiên Chúa dành cho con người, người nữ tu Mến Thánh Giá được thúc đẩy đáp trả cùng một tình yêu như vậy khi dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng. Sống chiều kích tông đồ, người nữ tu Mến Thánh Giá trở thành cánh tay hữu hình và trung gian của Đức Kitô. Điều này Đấng Sáng Lập đã khắc sâu vào tâm khảm các nữ tu Mến Thánh Giá từ ngày đầu tiên thành lập Dòng: «Điều hết sức quan trọng là phải thực hành mọi việc thay cho Chúa Giêsu Kitô, Người muốn đích thân làm những việc đó mà không thể được, nên dùng một số người do Người tuyển chọn và ban đầy tinh thần của Người là tinh thần trung gian, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người cho đến tận thế»[12].
Linh đạo Mến Thánh Giá - Ca khúc hòa âm ba bè Chiêm niệm – khổ chế - tông đồ hình thành nên tính thống nhất và duy nhất của Linh đạo Mến Thánh Giá trong việc trở nên cánh tay nối dài của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh của người nữ tu Mến Thánh Giá. Điều này làm nền tảng, động lực và tạo hiệu năng cho điều kia. Đây chính là kinh nghiệm thiêng liêng và thực tế của Đấng Sáng Lập trên miền truyền giáo Á Đông. Ngài rằng «Người thừa sai tìm thấy trong tinh thần khổ chế và cầu nguyện một phương cách hoàn thiện cho chính mình, thì cũng chính nhưng phương thức ấy sẽ giúp ngài làm việc có hiệu quả hơn trong việc cứu rỗi và thánh hóa kẻ khác»[13]. Và «Mọi thứ đều thuận lợi cho những ai truyền giáo bằng đời sống khổ chế và cầu nguyện»[14]. Vì thế, ngài đã khẳng định «Đời sống khổ chế và cầu nguyện là nền tảng chính yếu của việc truyền giáo»[15]. Linh đạo Mến Thánh Giá như bài trường ca được viết ba bè: Chiêm niệm – khổ chế - tông đồ. Cũng như tất cả các bài trường ca bất hủ khác, để nhạc sĩ có thể gật gù và mỉm cười với tác phẩm của mình, bài trường ca Mến Thánh Giá phải được trình tấu cách hài hòa trong tiết tấu và giai điệu của riêng nó.
[1] Lâm Bích: Phiên âm tiếng Việt tên của Đức Cha Lambert – Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá.
[2]Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang, Linh đạo Lâm Bích, lưu hành nội bộ, tr. 3.
[3] X. Bộ Tu Sĩ, Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Hội Thánh về đời tu, s. 4, trong Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, O.P (chủ biên), Theo Chúa Kitô. Những văn kiện đời tu (tập I), Nhà xuất bản Tôn Giáo, Tp. HCM 2015, tr. 465 – 466.
[4]Đức Cha Pierre Lambert de La Motte, Thư gửi các chị em đã khấn giữ đức Khiết Tịnh và đang sống với nhau từ nhiều năm tại Đàng Ngoài năm 1670, c. 6 – 8, trong Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá (chuyển ngữ), Di cảo. Tuyển tập bút tích của Đức Cha Pierre Lambert, tr. 23.
[7]Thư gởi cha Halle, c. 26, tr. 111. Đức Cha nói về việc lựa chọn con đường và phương thế để đến Đàng Trong, vùng truyền giáo ngài được sai đến.
[8]Francoise Fauconnet-Buzelin, Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại – Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Lucien Hoàng Gia Quảng (chuyển ngữ), Nhà xuất bản Phương Đông, Tp. HCM 2015, tr. 52.
[10] X. Đc. Pierre Lambert và Đc. Francoise Pallu, Tâm thư gởi các thừa sai, tiết 2, trong Lm. Giuse Trương Đình Hiền, Bình vẫn chưa hề cũ, Nxb Tủ Sách Antôn và Đuốc Sáng, 2021, tr. 195.
[11]Đức Cha Pierre Lambert, Hiệu quả của tình yêu tinh tuyền trong tâm hồn một thừa sai tông tòa đích thực, c.10, trong Di cảo, tr. 156.