Trong cuộc đời này, chắc hẳn mỗi người ai ai cũng có một người để nhớ, để nhắc đến, hơn nữa là để tự hào và để ghi ơn. Đối với chị em Mến Thánh Giá, người ấy không ai khác hơn là Đức Cha Pierre Lambert de la Motte. Bởi lẽ, Dòng Mến Thánh Giá được khai sinh trên mảnh đất của miền truyền giáo Á Đông không chỉ đơn giản là sáng kiến của Đức Cha nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ, nhưng hơn thế, đó là hoa trái của kinh nghiệm thiêng liêng: say mến, gắn bó và muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Đó là ơn soi sáng mà Ngài đã đón nhận được từ lúc 9 tuổi. Vì thế, câu chuyện cuộc đời của Đức Cha Lambert hay hình trình thiêng liêng của nhà truyền giáo cùng Viễn Đông và những trang sử đầy đau thương nhưng rất đẹp của Dòng Mến Thánh Giá chỉ là một – một câu chuyện tình Thập Giá. Cha tôi – một người con thuộc thế kỷ vĩ đại của nước Pháp – Thế kỷ các tâm hồn Nếu ngày nay có ai đó đặt chân đến Lisieux, vùng Normandi nước Pháp và hỏi về Đức Cha Lambert de la Motte, chắc chắn chẳng ai biết. Điều đó sẽ gây ngạc nhiên, vì lẽ người Châu Âu rất quý trọng, thậm chí tự hào về lịch sử của quê hương và đất nước mình. Dó đó, họ nhớ rất rõ từng vị tướng lãnh, vua chúa, các thánh và những nhà truyền giáo vĩ đại qua các thế kỷ, lẽ nào họ không biết một người con của nước Pháp đã dâng hiến trọn cuộc đời của mình để củng cố và xây dựng một Giáo Hội ở tận miền Á Châu xa xôi!? Lý do đơn giản là Đức Cha Lambert đã bị lãng quên trong một giai đoạn lịch sử mà ngài đã thuộc về, một giai đoạn đầy xáo trộn và mâu thuẫn cả ngoài xã hội lẫn bên trong Giáo Hội. Thật vậy, sử gia Françoise Fauconnet – Buzelin đã viết rằng «Mặc dầu lịch sử tôn giáo Pháp hầu như không để ý tới ngài, cả con người của Đức Cha Lambert de la Motte thuộc về “Thế kỷ vĩ đại của các tâm hồn”, thế kỷ XVII của Pháp được mệnh danh là “Thế kỷ của các Thánh”»[1]. Ngài sinh ngày 28.01.1624, tại miền Normandi, Pháp. Vì là con của một gia đình quý tộc nên ngài thừa hưởng danh giá và vị trí xã hội do dòng họ để lại. «Năm 1461, ông cố tổ của ngài là Guilliamme Lambert, người hầu cận của Charlotte de Savoie, được vua Louis XI ban cho chức hầu tước vùng Auge và một ngôi nhà ở Lisieux. Con cháu trong năm thế hệ sau leo dần lên bậc thang danh vọng và Pierre Lambert sẽ đạt đến chức Thẩm Phán tại Tòa Thượng Phẩm, địa vị cao nhất mà các viên chức dân sự có thể nhắm tới»[2]. Chức Thẩm Phán là vị trí xã hội sẵn có mà Lambert đã thừa hưởng từ dòng tộc mình. Thế nhưng cuộc đời và con người của ngài không chỉ được thừa hưởng quyền cao chức trọng để thăng tiến một cách dễ dàng. Ngược lại chính điều đó lại làm ngài chán ngán, dày vò bởi một tâm hồn được Thiên Chúa khuấy động. «Lambert luôn ôm ấp niềm khát khao đời sống trọn lành, Pierre Lambert không hài lòng với cuộc sống bình thường của một nhân sĩ đạo đức, ông còn muốn duy trì trong đời sống hoạt động kỷ luật tôn giáo đã học được trên ghế nhà trường»[3]. Bên cạnh đó, ngài được thừa hưởng bởi một luồng sống khác của thế kỷ XVII được sử gia Buzelin mô tả như sau[4]: Các đỉnh cao của thần bí hòa tan vào những hành động đầy tràn bác ái; thế kỷ có nhiều sáng kiến đổi mới, giáo sĩ và giáo dân, nam giới và nữ giới, những nhà thông thái và những người kém học thức kết hợp niềm say mê và lòng nhiệt thành của họ thành một sự sôi động tôn giáo lạ thường. Những người trong số họ có Françoise de Sales, Vincent de Paul, Jean Eudes... những người đã góp phần phục hưng Giáo Hội Pháp bằng lời cầu nguyện và lòng tận tụy. Ngay trong thời điểm khắp nơi trong Giáo Hội Pháp nở rộ lên những Dòng mới được thành lập, những linh đạo mới được khai sinh thì Lambert đã khám phá ra con đường thiêng liêng của tiêng mình: con đường yêu mến Thánh Giá Chúa. Con đường thiêng liêng này đã thúc đẩy ngài rời bỏ chiến trường của danh vọng và địa vị xã hội để đi vào cuộc chiến nội tâm, cuối cùng mang ngài đến tận miền đất Viễn Đông xa xôi với cương vị là Đại Diện Tông Tòa tiên khởi của miền truyền giáo Đàng Trong. Cha tôi – một tông đồ nhiệt thành của vùng Viễn Đông Với đoản sắc Super Cathedram được Đức Thánh Cha Alexander VII phê chuẩn ngày 09.09.1659, kèm với Huấn Thị của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte đã được sai đi Châu Á làm Đại Diện Tông Tòa Đàng Trong Việt Nam[5]. Đức Cha Pierre Lambert đến xứ truyền giáo với ý thức rằng người tông đồ là cánh tay hữu hình của Chúa Kitô; mọi hoạt động và công trình của vị thừa sai sẽ không có giá trị nào đáng kể nếu họ không kết hợp với Chúa Kitô[6]. Vì thế, đối với ngài “trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống trên cánh đồng” (Ts. 31). Ý thức này được cụ thể hóa một cách rõ ràng và sâu sắc trong lối sống của Đức Cha Lambert: ăn chay, cầu nguyện và nguyện ngắm lâu giờ để tìm thánh ý Thiên Chúa. Chính điều này đã nuôi dưỡng và làm cho ngài thêm kiên cường giữa muôn vàn khó khăn và thử thách nơi miền truyền giáo. Bức thư do chính ngài viết cho Thánh Bộ đã nói lên lòng trung thành, sự tận tụy và trách nhiệm cao cả của một vị thừa sai đang ra sức củng cố và xây dựng Giáo Hội nơi ngài được sai đến: “Nếu bây giờ, vì lòng yêu mến Chúa Giêsu và để vâng lệnh Tòa Thánh, chúng con bắt tay vào việc thi hành những gì đã được Đức Hồng Y chỉ dạy và nếu xảy ra sự gì không hay, chúng con sẵn sàng gánh chịu, với một tâm hồn bất di bất dịch”[7]. Với lòng nhiệt thành, tận tụy và không sợ khó khăn ấy, Đức Cha Lambert – Đại Diện Tông Tòa tiên khởi Đàng Trong đã viết nên những nét đầu của lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Ngài đã cắm thật sâu vào lòng đất Việt Nam tình yêu thập giá của Đức Kitô. Con đường tình yêu thập giá mà ngài chợt nhận ra khi vừa lên chín tuổi đã đưa ngài đến với con người và quê hương Việt Nam và đã trổ sinh hoa trái.
Cha tôi – người Cha khả kính của nữ tu Mến Thánh Giá Đức Cha Lambert đã nhận lời khấn của hai nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên và khai sinh Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài năm 1670. Tại Kiên Lao, trong chuyến kinh lý Đàng Ngoài thay cho Đức Cha Pallu – Người đã được Thánh Bộ Truyền Giáo bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa miền này. Một năm sau, ngài thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong năm 1671, tại An Chỉ. Nhìn lại dòng lịch sử, việc thành lập Dòng Mến Thánh Giá được người ta đọc thấy đó như một ý định đã được sắp sẵn chờ ngày thuận tiện để thi hành. Thiên Chúa luôn thực hiện những điều kỳ diệu mà con người chỉ có thể ngỡ ngàng khi chiêm ngắm nó. Thật vậy, những người nữ đạo đức Đàng Ngoài như mảnh đất đã được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn và thao thức qui tụ những người yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô của Đức Cha Lambert như hạt giống chờ ngày được gieo vãi và đâm bông. Đức Cha Lambert đã trao cho hai nữ tu đầu tiên Bản Luật do chính tay Ngài soạn thảo và bức tâm thư đầy cảm động, Ngài viết trước chuyến trở về vội vàng. Di sản thiêng liêng Đấng Sáng Lập để lại cho con cái ngài là con đường Mến Thánh Giá Chúa Kitô với ba chiều kích căn bản: Chiêm Niệm, Khổ Chế và Tông Đồ. Linh đạo ấy như sợi chỉ đỏ mong manh nhiệm mầu Thiên Chúa đã se và dệt nên giữa những gian nan thử thách lắm lúc tưởng chừng như bị cắt đứt giữa những phong ba trần thế. Cha tôi – người Cha thiêng liêng của các nữ tu Mến Thánh Giá. Càng đọc câu chuyện của cuộc đời ngài càng thấy khâm phục, kính trọng và yêu mến. Dẫu cho người khác có nói ngài là ai và như thế nào đi nữa, thì kinh nghiệm thiêng liêng ngài để lại cho những người con ngài sinh ra trong linh đạo Mến Thánh Giá vẫn là kho tàng quý giá vô tận. Ngài là Cha, là khuôn mẫu, là thần tượng, là người tiên phong trong hành trình theo sát Đức Kitô trên con đường dấn thân phụng sự Thiên Chúa. Như ngài đã khuyên rằng[8]: Cuộc đời dẫu có thế nào nhưng cuối cùng cũng cần xác tín rằng, nếu người ta trung thành đón nhận mọi sự quan phòng hay đúng hơn mọi tác động của Thiên Chúa chắc chắn sẽ xảy đến trên đường đi của họ, Thiên Chúa tốt lành vô cùng, sẽ cho họ khám phá ra mọi bí ẩn cao siêu của Kitô giáo, ít nhiều được giấu kín tùy theo mức độ người ta từ bỏ mọi sự và chính mình mà theo Chúa, với những lời giáo huấn tốt đẹp và chắc chắn nhất trong Phúc Âm của Người.
[1]Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, tr. 44.
[2]Françoise Fauconnet-Buzelin, Tìm về nguồn gốc Hội Thừa Sai hải ngoại, Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng (chuyển ngữ), Nxb Phương Đông, Tp. HCM 2015, tr. 27.
[3]Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, tr. 70.