Ngày nay, người ta thường đồng hóa con giận với hành vi bạo lực, từ đó, đã tạo nên những luận điệu bất công đối với những người đang tập kiểm soát những cơn giận của mình. Một khi lên án những người có hành vi bạo lực, vô tình chúng ta “ném đá” những người đang đối diện với cơn giận thường ngày. Bài viết như một cố gắng lấy lại góc nhìn thiết thực và “công bằng” cho cảm xúc nóng giận dưới nhãn quan tâm lý học.
Có thể nói, cơn giận là một loại cảm xúc lành mạnh đáng được chúng ta trân trọng. Vấn đề là chúng ta cần hiểu lành mạnh theo nghĩa nào? Lành mạnh, vì cơn tức giận giúp chủ thể biểu hiện một thái độ dứt khoát không khoan nhường với những gì bản thân xem là sai trái. Nói cách khác, họ nhân danh sự thật mà diễn tả sự nóng giận hầu ngăn chặn sự bất công lay lan. Có người sẽ cho rằng tên ấy lấy mục đích mà biện minh cho phương tiện. Thật ra, nếu phương tiện ở đây, là sự tức giận hiểu theo nghĩa xấu thì quả là điều đáng loại trừ; còn nếu cơn nóng giận lại là biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn một tình trạng có nguy cơ xấu đi thì đây là một cảm xúc đáng được trân trọng.
Quan sát trong gia đình, từ việc người mẹ giáo dục con cái, chúng ta có thể nhận ra phần nào mặt tích cực của cảm xúc này. Một người mẹ kia nóng giận la lối lớn tiếng đến mức cuối cùng đòi đuổi đứa con trai mới lớn ra khỏi nhà. Phản ứng của đứa bé thế nào? Nó quay lại và nhìn thẳng vào mắt mẹ nó hồi lâu, rồi chạy đến xà vào lòng mẹ và nói: Con xin lỗi mẹ. Phải chăng sự nóng giận của người mẹ đã được đứa con đón nhận? Thật ra, đứa bé ấy đã nhận thấy một thông điệp nằm sâu dưới lớp vỏ nóng giận của người mẹ là một lời trách yêu.
Một trường hợp khác, có người mẹ nóng giận đánh đứa con một trận no đòn, bà lấy làm lạ, mọi khi nó khóc ré lên thật to vì đau quá nhưng hôm nay, không thấy nó có phản ứng gì. Một lát sau, đứa bé lớn tiếng phân trần: Sao mẹ đánh con mà không cho con giải thích? Sau đó, bé giải thích sự việc, bà mẹ mới nhận ra rằng mình vội vàng kết án đứa bé khi chỉ nghe thông tin một chiều. Như thế, phản ứng nóng giận của đứa bé, phải chăng là dấu chỉ của đứa con bất hiếu? Chắc hẳn là không, vì sự thật sẽ biện minh cho tất cả.
Ở cấp độ cao hơn và trên bình diện rộng hơn, chúng ta cũng có thể quan sát và đánh giá cơn tức giận của Chúa Giêsu được tường thuật trong Tin Mừng. Quả thật, Người đã tức giận mà lật tung những đồ đạc đang được bày bán khi các vị lãnh đạo cho phép những người này “hành nghề” trong khuân viên đền thờ khiến nơi cầu nguyện biến thành nơi buôn bán. Rõ ràng, sự nóng giận ấy không hề bị những người có mặt phản kháng; trái lại, họ càng ngạc nhiên vì hành động mang tính cách mạng của Người. Với một truyền thống sai lạc từ thời cha ông, Chúa Giêsu chủ động áp dụng biện pháp mạnh, tất nhiên, không phải để dẹp ngay tình trạng lạm dụng đó nhưng là truyền tải một thông điệp quan trọng: “Đền thờ đích thực là nơi cầu nguyện cho muôn dân”. Ngoài ra, chúng ta còn có thể giải thích theo nghĩa biểu tượng nhưng không thuộc phạm vi bài viết. Ở đây, chúng ta muốn khẳng định rằng cảm xúc tức giận không hề xấu, trái lại, nó còn mang tính xây dựng. Điều quan trọng là sự tức giận cần được hợp lý hóa nhờ biết áp dụng đúng người, đúng việc và đúng chỗ nữa ! Có thể nói, qua việc Tin Mừng tường thuật cho chúng ta cơn nóng giận của Chúa Giêsu, cách nào đó, tác giả Tin Mừng thứ tư muốn giúp ta nhận ra trọn vẹn nhân tính của Người, cả trong cảm xúc nóng giận rất đời thường của một con người.
Từ đó, chúng ta suy ra một thực tế khác: cơn giận là cần thiết cho cuộc đối thoại lành mạnh. Thật vậy, cơn giận hợp lý thường tạo ra mâu thuẫn và mâu thuẫn hợp lý lại không tránh khỏi trong tương quan lành mạnh. Có thể, xem ra cuộc đối thoại trở nên căng thẳng và nặng nề do một cá nhân nổi giận nhưng lại là “cú thắng” cần thiết giúp vận hành một tập thể đang có vấn đề mà chỉ có đương sự mới khám phá ra. Cuối cùng, người nổi giận ấy được gắn cho một danh: người cá tính.
Như thế, tính lành mạnh của cảm xúc này không hệ tại ở hiện tượng bên ngoài nhưng tùy thuộc vào ý hướng ngay lành của chủ thể. Điều này đòi hỏi đương sự phải thực sự ý thức và chịu trách nhiệm về hậu quả đi kèm. Nói cách khác, họ cần chủ động và lượng giá tùy tình hình, nhưng không phải lúc nào cũng thành công vì còn tùy thuộc vào phản ứng của đối tượng khi đứng trước hiện tượng này. Để đạt được ý hướng muốn thay đổi tình thế, chủ thể cần khôn ngoan và tinh tế hầu kiến tạo tinh thần thẳng thắn khi tương tác với nhau và tái tạo bầu khí lành mạnh trong cộng đồng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần xác tín rằng cảm xúc nóng giận là phần bản năng Chúa đặt để trong con người. Chắc hẳn, nó có một ý nghĩa nào đó trong tiến trình phát triển bản thân. Trong tác phẩm Cộng đoàn đời sống thánh hiến, cha Felix Podimattam đã khẳng định rằng sự nóng giận bao hàm một phán đoán theo cảm tính nhằm giành lại giá trị của tôi, bảo vệ và tái khẳng định giá trị của tôi (tr. 123). Như thế, nóng giận một lần nữa được giải thích là một cảm xúc lành mạnh khi chủ thể dùng để bảo vệ và củng cố hình ảnh bản thân. Nói cách khác, nóng giận là một phản ứng cần thiết giúp bản thân tồn tại và phát triển trên bình diện thể lý và cảm xúc (X. tr. 127).
Trái lại, chúng ta cũng thấy trường hợp người nổi giận vô lý. Chẳng hạn, một ông bố bực mình vì bị xếp la mắng, ông về nhà đổ hết lên đầu bà vợ vì những chuyện không đâu. Đến lượt bà vợ lại tức mình la lối và đánh đập đứa con hư. Thằng bé cũng uất ức chẳng biết sao chạy ra đá thật mạnh vào con chó đang nằm ngủ. Con chó lại đau quá kêu la inh ỏi và chạy xông ra đường cắn phải một thằng bé con bà hàng xóm. Thế là bà hàng xóm lại có cớ mắng vốn ông chủ. Cuối cùng, ông lại phải tốn tiền chở thằng bé đi chích ngừa. Nhưng cái giá của sự nóng giận vô cớ ấy không dừng lại ở những loại thuốc chích ngừa được qui ra bằng tiền, nó còn ảnh hưởng đến danh dự và cả tính mạng người khác nữa.
Đó là những cơn giận quá đáng thiếu kiểm soát dẫn đến những hành vi bạo lực mang tính hủy hoại. Tức giận sinh ra tức mình,tức mình sinh ra bực mình, và bực mình sinh ra tự hủy hoại chính mình. Bạn dồn hết sức bình sinh và cơn nóng giận mà đá quả bóng vào tường, bóng bật ra va vào đầu bạn. Thế là gậy ông lại đập lưng ông ! Đó là dấu hiệu của sự thiếu kiên nhẫn bản thân.
Sự tức giận ấy có thể là một dạng vi rút cực mạnh đang hoạt động trong máu khiến bạn mất đi khả năng miễn nhiễm với mọi cảnh huống cuộc đời. Nó có thể là căn bệnh di truyền trong một gia đình vốn càm ràm kêu ca hay đấm đá bạo tàn. Hạt giống mang tên tức giận cũng có thể được tưới tắm bởi những cơn nóng giận nho nhỏ khi: bị trễ một chuyến đò, làm bể một vật dụng…Người ta dễ nóng giận và đổ lỗi cho người hay vật nào đó như thể mình vô tội. Chính những cảm xúc thiếu kiểm soát của chủ thể xem ra nhỏ nhặt ấy lại kéo theo một hậu quả to lớn và lâu dài.
Nếu như cơn tức giận quá đáng khiến dẫn đến những hành vi bạo lực mang tính hủy hoại thì cũng có những cơn giận dồn nén đến mức sinh ra sát hại bản thân và tha nhân.
Có thể ví người dồn nén cơn giận như kẻ ngậm pháo trong bụng chờ một ngày ngòi nổ sẽ phá tan bản thân bằng những hành động mang tính hủy hoại. Ở cấp độ nhẹ, chúng ta có thể nhận ra người dồn nén cơn giận qua cách xử lý tình huống mang tính khắc nghiệt thiếu khoan nhượng, và qua những hành động kỳ quặc mang tính phá phách, giễu cợt, khiếm nhã... Ở cấp độ cao hơn, sự dồn nén có thể dẫn đến mưu sát. Chẳng hạn một cậu học sinh vốn trầm tính ít nói lại là cớ cho bạn bè châm chọc, anh tỏ ra lạnh lùng với những đòn trêu chọc của chúng bạn. Tuy nhiên, đến một ngày “chó cùng cắn càn” anh tra tay đâm một người bạn ngay trước mặt đám đông.
Quả thật, người ta thường dồn nén cảm xúc tức giận vì sợ người khác chê là thô lỗ, sợ mất thể diện; vì tôi là một người đứng đắn, tri thức trổi vượt, đạo đức cùng mình…chỉ vì họ nhận thức sai về cảm xúc tức giận. Thế nên, họ câm miệng cả những gì bất công trong cuộc sống hay chấp nhận yên thân để bảo vệ cái danh dự ảo của mình. Để tránh tình trạng đáng tiếc này xảy ra, mỗi người cần khoan dung khi xét đoán, cần thận trọng khi lên án ai đó đang nóng giận như thể họ là một kẻ xấu xa.
Chúng ta thường gán nhãn quan luân lý cho một cơn giận khi xét đoán cảm xúc ấy là xấu, và từ đó, chính bản thân dồn nén cảm xúc này mà sinh ra những hậu quả tác hại khôn lường. Thật ra, theo các nhà tâm lý học, cảm xúc chỉ được đánh giá ở mức độ lành mạnh hay không, tiêu cực hay tích cực; điều này còn tùy thuộc vào ý hướng và động lực của chủ thể. Còn việc qui về tội của một cảm xúc tức giận khi chúng biểu lộ thái quá khiến chủ thể không thể kiểm soát được, từ đó, sinh ra hành vi bạo lực, chính hành vi sát hại làm tổn thương người khác này mới cấu thành tội.
Như thế, xét chính tại cơn giận thông thường là điều được các nhà tâm lý học khuyến khích đương sự bộc lộ (hơn là dồn nén phát sinh tâm bệnh), nghĩa là cần thiết cho một người phát triển nhân cách lành mạnh. Điều này còn tùy thuộc vào khả năng đương đầu với cơn giận và kiểm soát của chủ thể. Đó là ý nghĩa của việc chịu trách nhiệm về đời sống của mình. Và đó là lý do mà cha Martin H. Padovani trong tác phẩm Chữa lành cảm xúc bị tổn thương, đã không ngừng khẳng định cơn giận là một nhân đức (tr.71). Thật vậy, có những người “cá tính mạnh”, họ cảm nhận bản thân chỉ thực sự sống thật với chính mình khi nóng giận cách hợp lý vì sự thật và sự thiện ở đời; còn hơn là im lặng, một sự im lặng đáng sợ của người tốt khi đứng trước tình trạng bất công hằng ngày như lời mục sư Martin Luther King đã cảnh báo.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, việc ai đó có cảm xúc nóng giận lại là cách diễn tả sự bất lực. Đôi khi, do thiếu sự quan tâm và đồng tình của người khác mà họ tỏ ra tức giận như cách để lôi kéo sự chú ý của tha nhân. Chính điểm này đã minh chứng cho tình trạng kém tự trọng nơi người nổi giận. Cách hạ hỏa nhanh nhất là cho họ một lời khen ngợi nào đó.
Từ đó, chúng ta có thể suy ra gốc rễ của vấn đề là do đương sự quá đặt nặng vào cái tôi của mình khiến hay thổi phồng thực tại, quan trọng hóa vấn đề…Một khi không còn làm chủ được tình hình thì đồng nghĩa với việc họ mất dần khả năng kiểm soát bản thân. Và một khi mất dần khả năng kiểm soát bản thân cũng là lúc để cho cơn giận hoành hành, tác oai tác quái.
Nhìn chung, chúng ta đã phần nào có một hướng nhìn “quân bình” hơn với những ai có phản ứng nóng giận khi nhận ra rằng có một hình thức cảm xúc nóng giận được các nhà tâm lý coi là lành mạnh, nhưng không vì thế, chúng ta không tìm cách kiểm soát tình trạng này. Lời khuyên của thánh Phaolô thật chí lý: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26).
Để khắc phục tình trạng mất kiểm soát này, chúng ta cần những giây phút ngồi tĩnh lặng, trở về với lòng mình hầu tìm ra những manh mối tạo nên cái cảm xúc ấy. Bạn cứ để mặc cho trí tưởng tượng vẽ vời trong cái tiểu vũ trụ của bạn, cơn giận có thể khuếch trương đến mức khiến bạn muốn giết hại tha nhân nhưng bạn đừng manh động; thay vì chạy theo để tìm cách áp chế chúng, bạn chỉ cần quan sát toàn bộ cơ chế hoạt động của chúng, rồi phơi bày chúng lên bề mặt ý thức, cơn giận từ đó cũng rơi rụng khi bạn cảm nhận sự vô thường của chúng. Cơn giận vỡ vụn chỉ còn lại những giọt nước mắt của lòng sám hối. Chính khi bản thân ý thức mình có phần lỗi trong sự việc ấy khi bạn trở nên mềm lòng mà vội vã kết án ai đó rồi nổi cơn thịnh nộ. Và khi lượng giá về những hậu quả kinh khủng mà cơn giận có thể gây nên, chúng sẽ giúp bạn tập chịu trách nhiệm cho chính cảm xúc của mình. Chính cái nhìn bao dung như biển cả giúp bạn ôm trọn những gì là rác rưởi để gởi lại vào bờ làm màu mỡ cho đất phù sa và chính bạn cũng bắt đầu thực hiện một cuộc thanh luyện cần thiết giúp chữa lành.
Đôi khi cảm thấy mệt mỏi, chúng ta buông xuôi không muốn tập kiểm soát nữa và thốt lên: Giá chi tôi bị tê liệt phần nóng giận luôn cho rồi! Bác sĩ thần kinh Scott Peck và cũng là nhà tâm lý học, người đã được nhiều người biết đến qua tác phẩm best seller: “Con đường chẳng mấy ai đi”, đã đưa ra một thí nghiệm thú vị rằng khi chích một luồng điện làm tê liệt phần trung ương nóng giận này đứa bé sẽ trở nên ù lì và hoàn toàn chịu sự sai khiến của người khác. Chắc hẳn, chúng ta không thể chấp nhận tình trạng lệ thuộc ấy mà cần kiên nhẫn với chính mình.
Trong lúc vất vả cố tìm cho mình một cách hóa giải tình huống, nghĩa là tập kiểm soát và dần buông bỏ cái tôi để thảnh thơi rảo bước trong cõi vô thường, bạn hãy quan sát và lượng giá về cách các bậc thánh nhân đã vượt qua thế nào.
Đức Phật là bậc chân tu đã được giác ngộ, một ngày kia đối mặt với một kẻ tiểu nhân, trong lúc ngài ở trong phòng, hắn gõ cửa, ngài vừa mở ra, hắn bộc lộ cơn tức giận bằng những lời nói thô tục với đấng thánh một cách không thương tiếc như thể những đợt nước lũ cuồn cuộn hầu toan vỡ bờ nhưng đối lại, ngài không nói lời nào. Sau khi hắn đã mệt vì uổng công phí sức. Đức Phật từ tốn nói:
-Nếu một người muốn cho người khác một thứ gì đó mà người kia không nhận, thứ ấy sẽ là của ai?
-Sẽ trả về lại người cho thứ đó. Chàng thanh niên trả lời.
-Vậy những gì anh đã cho tôi, tôi không nhận, tôi trả lại anh.
Người thanh niên bỏ đi và không bao giờ quay lại nữa!
Quả thật, một bậc giác ngộ không gì ở thế gian khả dĩ xoay chuyển họ.
Hay truyện kể về thánh Clementê thuộc dòng Chúa Cứu Thế. Có lần ngài đi khất thực, đúng hơn ngài rảo quanh khắp thành phố để xin tiền giúp trẻ em mồ côi. Thánh nhân dừng lại ở một quán nhậu. Ngài đến gần bên những chàng thanh niên đang say sưa bên ly rượu và chuyện trò rôm rả, ngài nói:
-Chào các anh, tôi là một linh mục được sai đi giúp trẻ em mồ côi ở thành phố này, các anh có thể quảng đại gom góp chút gì cho những trẻ em mồ côi không?
Vừa nói xong, cha nhận nơi chàng thanh niên một bãi nước bọt vào mặt. Cha bình tĩnh lấy khăn tay ra lau sơ sài trên khuôn mặt rồi từ tốn nói:
-Phần ấy anh dành cho tôi, còn phần của các em mồ côi thì sao?
Cả bọn thanh niên ngỡ ngàng trước vẻ bình thản của cha. Chúng xin lỗi cha ríu rít, nghe nói sau đó chàng thanh niên có cử chỉ khiếm nhã với ngài đã tình nguyện theo ngài.
Có thể nói, một người với ý thức từ bỏ chính mình để phục vụ cho lợi ích và phần rỗi nhân loại thì sự sỉ nhục và xúc phạm ấy chỉ là cơ hội giúp họ thể hiện lòng quảng đại đích thực mà thôi. Thật vậy, những tác động, kích động từ bên ngoài không đủ mạnh làm các bậc thánh nhân nổi giận. Một khi các ngài đã sống với những lý tưởng cao đẹp thì không gì ở thế gian có thể làm dao động thân tâm; quả thích hợp với câu nói: “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.