“Ta không nên coi mình là cây cổ thụ giữa rừng lau nhưng ta chớ cho mình là cây lau giữa rừng cổ thụ”.
Phước Long
Nếu phải nói cho bạn nghe một điều hối hận nhất của tâm hồn tôi thì tôi xin nói thật bạn một điều này. Là tôi rất hối tiếc mấy năm về trước trong cảnh sống hằng ngày, tôi đã rất ít tin tưởng nơi tôi. Không biết tại sao tôi cứ thấy mình bé yếu, vụng về, dở dang, xấu xa, đáng ghét. Và nhất là hễ bắt tay làm một việc gì, hay chuẩn bị điều chi là tôi cảm thấy công việc thất bại, câu chuyện dang dở. Hồi còn bé ở gia đình không mấy khi tôi dám đi chơi một mình. Đi đến một cây cầu là tôi nghe trống ngực đánh và đòi cho kỳ được có người cầm tay dắt qua. Lúc đến trường chứng bệnh đó cũng vẫn còn. Nhiều lần tôi đầu hàng trước một bài luận hay một bài toán vì cảm thấy mình không đủ khả năng làm được. Cũng nhiều lần tôi thất bại khi thi vấn đáp. Trước những câu hỏi của thầy giáo, tôi thấy bối rối, nghe trái tim đập mạnh, mắt mờ đi, lỗ tai nghe ù và trí não nghe tê liệt, bất lực. Đến lúc bước chân ra đời, tinh thần tự ti mặc cảm vẫn còn chìm đắm trong cốt tủy tôi. Tôi phải thất bại bao lần trong cuộc thực hiện lý tưởng, Hiện giờ nhìn về dĩ vãng tôi rất bực mình không hiểu sao tôi phải một thời gian mắc chứng bệnh về tinh thần ấy. Và bạn à, không phải riêng gì tôi, có lẽ vì bạn nữa, có lẽ nhiều người chung quanh tôi phải bị nó dày vò cách đáng thương hại. Vì nó, chúng ta thấy mình xấu hổ, bất tài, vô duyên, khốn nạn rồi tự trong tâm tình, tư tưởng đến những lời nói, cử chỉ, thái độ, hành vi tỏ ra bất lực. Ta thấy ta không có thể hay không bao giờ đáng cho người đời ca tụng. Bao nhiêu mộng thành công ở tương lai cũng bị tàn úa đi vì tâm tình bạc nhược này. Trên đường đời ta phải thất bại liên tiếp. Có rất nhiều trường hợp nếu được chút tự tin là ta sẽ là nên chuyện rành rẽ. Khi cần nói đôi lời trước công chúng, nếu không khi rẻ tài mình, ta có thể đem kết quả tươi đẹp cho mình và người chung quanh. Thế mà ta phải bỏ mất cơ hội chỉ vì không có can đảm thi thố khẩu tài để rồi phải hối hận cách đáng ghét. Nếu suy nghĩ kỹ ta phải thấy mình mắc chứng bệnh vô cùng tai hại trong việc làm người của ta. Tuy biết rằng là người thì không ai hoàn hảo, không đủ các tài năng nhưng Tạo Hóa đã cho từng cá nhân những khả năng đặc biệt. Bạn có thể dám quả quyết với tôi rằng bạn bất tài về mọi phương diện không. Nếu quả bạn không dối lương tâm thì bạn sẽ thấy rằng bạn có một số tài mà lắm người khác không có. Trước đây tôi có thành kiến, tất cả tài năng đều là của Trời cho riêng một số người nào đó mà thôi. Vì thế, tôi đâm ra khinh rẻ mình, khinh người, những người mà tôi xem mặt ngoài không có gì là đặc sắc. Nhưng dần dần lớn khôn nhờ kinh nghiệm tôi nhận thấy rằng không phải tài nào cũng do Trời giao phú cho từ lúc lọt lòng mẹ, mà phần nhiều do sự tự tin rèn luyện lâu ngày. Một nhà thông thái nọ nói rất đúng: “Thiên tài là một sự kiên nhẫn lâu dài”. Xin bạn đừng có quan điểm như tôi trong thuở thiếu thời. Bạn nên tự tin. Đã đành đang khi bao nhiêu kẻ khác hãnh diện với kỳ tài xuất chúng của mình thì bạn và những kẻ ấy có rất nhiều cái hay nào đó có thể dùng mưu ích cho xã hội lắm. Ngoài những cái hay hay ấy ra nếu cương quyết, cố gắng, sáng suốt, tìm mọi phương pháp, phương thế thì những việc thông thường kẻ khác thành công, bạn cũng thành công chút ít vậy. Người ta dùng một giờ, một ngày, chúng ta nếu có tệ thì mười giờ, mười ngày rồi sau cùng cũng thành công như ai. Nói vậy không phải tôi bảo bạn rằng chúng ta nên có óc tự phụ quá khích. Không, ở đời có những công việc người khác làm được mà ta làm không được. Đó là những vĩ công, kết quả của những kỳ tài, chúng gặp thời thế phương tiện thuận lợi. Chúng ta nếu không đủ điều kiện này thì chẳng làm nên như họ. Song tôi muốn nói là chúng ta đừng tự ti coi thường mình thái quá trong những công việc thông thường. Chúng ta hãy tin tưởng ở khả năng tư biệt của mình.
Để tự tin không phải chúng ta muốn tự tin thôi là đủ, chúng ta phải thực tập, phải khởi sự bằng những công việc thường nhật. Luyện tập bằng những cố gắng liên lỉ, can đảm chịu trách nhiệm từ những việc nhỏ nhất. Rèn luyện để có thói quen không bỏ dang dỡ công việc mình đang làm và kiên trì trong trau dồi kiến thức và nâng cao kỹ năng.
Ghi nhớ câu này: Dè dặt trong suy nghĩ, nói năng, hành động song đừng quên mình có thể làm nên một cái gì đó cho đời.
Trích trong tập sách NGƯỜI DỄ THƯƠNG của Hoàng Xuân Việt