Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều tình yêu và sáng kiến. Từ kinh nghiệm nhân sinh này, chúng ta hướng về Thiên Chúa. Sau khi tạo dựng vũ trụ này, hoặc sau khi cho chúng ta vào đời, Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Ngược lại, Chúa ân cần chăm sóc con người với quyền năng và tình yêu của mình. Bằng cách nào?
Bài Tin mừng Chúa Nhật 4 phục sinh hôm nay (Ga 10,11-18) cho chúng ta câu trả lời. Số là Chúa Giêsu tự nhận mình là mục tử nhân lành. Mục tử nghĩa là người chăm sóc con chiên. Nhân lành nói lên tính cách và đường lối chăm sóc của Chúa Giêsu. Nhân lành nghĩa là Chúa yêu thương từng con chiên. Hình ảnh con chiên và mục tử rất đời thường này giúp chúng ta hiểu tình Chúa thật bao la. Nhất là khi sói dữ đến, mục tử sẵn sàng bảo vệ đoàn chiên. Thú vị hơn nữa, mục tử biết từng con chiên của mình. Con nào khỏe mạnh, ốm đau hoặc lười biếng, Chúa đều biết rõ. Chúa biết để giúp con người được sống và sống dồi dào.
Để được như thế, Tin mừng cho chúng ta một động từ quan trọng: “biết”. Biết khác với quen biết. Tiếng Việt thật hay khi dịch động từ “γιγνώσκω- gīnṓskō” là “biết”. Từ này có ý nói về người, vật hoặc điều gì đó, để có thể nhận ra được hoặc có thể khẳng định được sự tồn tại của người, vật hoặc điều ấy. Hơn nữa, quen biết thì chưa đủ, nhưng là biết rõ để thấy được tương quan thân mật giữa hai người. Tôi biết bạn và bạn cũng biết tôi. Càng gặp gỡ, trò chuyện và ở với, người ta càng biết rõ nhau. Sau khi biết, chúng ta sẽ bước sang giai đoạn hiểu nhau và cùng nhau ở lại trong tình yêu. Ở đây, Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Chúa biết từng người.” Chúa Giêsu còn hy sinh mạng sống của mình cho đoàn chiên được sống. Đây là mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh mà Giáo hội luôn ghi nhớ. Hơn nữa, “Chúa Giêsu Kitô yêu Hội Thánh như chàng rể yêu cô dâu. Người liên kết với Hội Thánh bằng một giao ước vĩnh cửu, hiến mình cho Hội Thánh và không ngừng chăm sóc Hội Thánh như chính Thân Thể mình (x. Ep 5,29).” (Youcat 127). Trong sự hiến tế này, Chúa Giêsu chính là Mục Tử Nhân Lành. (Ga 10,14)
Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa. Cả về quan niệm triết học, thần học và bình dân, điều nhìn nhận Thiên Chúa có năng lực hiểu biết này. Không chỉ biết, Chúa là mục tử còn “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Một Thiên Chúa lạ lùng và táo bạo. Chúng ta còn ngạc nhiên hơn khi thấy mục tử Giêsu còn rảo bước đến các làng mạc khác để tìm nhiều con chiên đang lạc đường lỡ bước. Chúa là mục tử đi tìm. Trên hành trình này, tình yêu Thiên Chúa, trái tim người mục tử không biết mệt mỏi, dù công cuộc tìm kiếm này lắm chông gai. Dù trả giá bằng cái chết như Chúa Giêsu đã chịu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng Chúa Giêsu vẫn có “quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Với mầu nhiệm phục sinh, Mục Tử Giêsu vẫn tiếp tục lên đường tìm và kiếm từng người chúng ta. Thiên Chúa luôn đi tìm những con chiên lạc trở về (Lc 15,1–7). Ngài mời gọi tất cả những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ngài để được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Chính Đức Giêsu thường lui tới với người tội lỗi, quân thu thuế để giúp họ sống tốt hơn (Lc 7,36–50). Đặc biệt, chính Đức Giêsu phải chịu chết để cứu độ con người.
Nếu chưa nghe tiếng gọi của mục tử Giêsu, bạn và tôi hãy thử rút vào nơi thanh vắng. Đây là bối cảnh của cầu nguyện. Chính mảnh đất tâm hồn, chúng ta sẽ nhận ra tiếng Chúa gọi, nhận ra lời yêu thương. Khi bắt được “sóng”, nối kết được với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc bình an.
Chúng ta không cô đơn, tuyệt đối là không! Chúng ta có được một mục tử tốt lành luôn quan phòng chăm sóc chúng ta. Mục tử Giêsu vẫn đang gửi thật nhiều điều tốt lành, thật nhiều người nhân hậu đến cuộc đời của ta. Thử nhìn vào gia đình mình, còn đó những người muốn yêu thương ta. Thử nhìn vào giáo xứ, còn đó nhiều mục tử, nhiều cha xứ đang phục vụ với rất nhiều tình yêu. Thử nhìn vào mối tương quan của mình, tuy có nhiều điều chưa tốt, nhưng đâu thiếu những điều tốt đẹp. Giả như ai có gặp khó khăn trăm bề trong mọi mối tương quan, thì người ấy vẫn còn Chúa Giêsu.
Để kết thúc, tôi mời gọi quý độc giả hướng đến cha xứ của mình. Các ngài tuy còn nhiều khuyết điểm, nhưng Mục Tử Giêsu vẫn đang trao trọng trách cho họ: chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Nhất là trong Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh hằng năm, chúng ta cử hành Ngày Thế giới Ơn gọi Linh mục, Lễ Chúa Chiên Lành. Đây là thời điểm các tín hữu trên toàn thế giới cầu nguyện cho các linh mục của mình và cho các ơn gọi linh mục mới trong thánh lễ. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục, vì qua Mục Tử Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, các ngài cũng là những mục tử của chúng ta, những tôi tớ được Thiên Chúa tuyển chọn để sống chết với đoàn chiên.
Kinh cầu cho các linh mục
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
xin nhìn đến Đức Kitô Con Chúa
là vị Linh mục Thượng phẩm đời đời
và vì yêu quý Người,
mà thương xót giữ gìn các linh mục của Chúa.
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót,
xin nhớ đến các linh mục
bởi các ngài cũng chỉ là tạo vật yếu đuối thấp hèn.
Xin Chúa hằng khơi dậy nơi tâm hồn các ngài
hồng ân đã lãnh nhận trong ngày chịu chức thánh.
Xin gìn giữ các ngài thật gần Chúa
để kẻ thù không lấn át được
và cũng để các ngài biết bảo vệ toàn vẹn
sự trong sáng của ơn gọi cao cả trong chức linh mục.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con khẩn cầu cho các linh mục
là những vị trung tín và nhiệt tâm,
cũng như những vị bất tín và nguội lạnh;
những vị đang làm việc nơi đây
vì Danh Chúa và lợi ích các linh hồn,
cũng như những vị đang miệt mài
trong vùng đất truyền giáo xa xôi;
những vị đang bị tấn công bởi cám dỗ
nỗi buồn chán cô đơn và đau đớn ê chề,
những vị trẻ tuổi và già cả,
những vị đau yếu và đang hấp hối;
cách riêng chúng con nhớ đến
những vị đã góp phần đào tạo chúng con
và những vị đã cử hành các bí tích cho chúng con hưởng nhờ;
xin cho các ngài được tràn đầy sức mạnh Chúa Thánh Thần
nhờ đó ơn Chúa được trao ban
cho con người trong thế giới hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu dịu hiền khiêm nhường,
xin gìn giữ các linh mục gần Thánh Tâm Chúa
và xin chúc phúc dồi dào cho các ngài
bây giờ và mãi mãi. Amen.
(Theo ĐHY Mudelin, TGM Chicago (1872-1939)
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ