THIÊN CHÚA TÌNH YÊU
Lễ Thánh Catarina Siena
Người Công Giáo Việt Nam chúng ta có thói quen kết thúc các buổi cầu kinh bằng Kinh Cám Ơn: “Tôi cám ơn Đức Chúa Trời...” Trước hết, chúng ta cám ơn Thiên Chúa vì Ngài đã cho chúng ta làm người. Làm người là một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa. Lời kinh kế tiếp: “Hằng gìn giữ tôi, hằng che chở, lại cho Ngôi Hai...” càng cho thấy tình thương bao la của Thiên Chúa được biểu lộ một cách rõ rệt qua mầu nhiệm cứu độ. Chỉ hai điều này: “Được làm người và được cứu chuộc“ cũng đủ để chúng ta tạ ơn Chúa suốt đời.
Nhưng bài Phúc Âm hôm nay còn đề cập đến một chân lý mới, mầu nhiệm mới, làm mạnh thêm lý do tạ ơn Chúa của chúng ta. Đó là việc Chúa đến ở trong chúng ta. Không có một tôn giáo nào, một đấng sáng lập đảng phái nào lại có thể làm được như vậy. Chúa không những yêu thương mà còn tỏ mình ra cho chúng ta, ở với chúng ta một cách trọn vẹn nữa.
Trong anh em chúng con đây, dù quý mến nhau lắm, cũng chẳng có ai dám bộc lộ hết tâm sự đời mình cho người khác. Mỗi người đều có một bí nhiệm, một mầu nhiệm riêng và không ai có thể biết được mầu nhiệm ấy. Còn đối với Thiên Chúa, khi chúng ta tin vào Đức Giêsu, Chúa Cha sẽ tỏ hết mọi sự ra cho chúng ta. Và càng hiểu biết Ngài, chúng ta càng yêu mến Ngài, bởi vì chúng ta nhận ra được Thiên Chúa chính là tình yêu. Và tình yêu này thật cao cả, vì mặc dù chúng ta chỉ là tạo vật thấp hèn, Thiên Chúa toàn năng lại muốn chia sẻ trọn vẹn với chúng ta.
Tình yêu chia sẻ của Thiên Chúa dành cho kẻ bé mọn được bộc lộ rõ rệt nơi cuộc đời của Thánh Cata-ri-na thành Siena mà chúng ta mừng kính hôm nay. Bà Ca-ta-ri-na chỉ là một người giáo dân bình thường, ít học. Lớn lên Bà gia nhập Dòng Ba Đaminh và sống một cuộc đời âm thầm. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã dùng Bà Ca-ta-rina để làm những chuyện lớn trong Giáo Hội. Có thể nói đây là một thời kỳ đen tối trong lịch sử của Giáo Hội. Cùng một lúc, trong Giáo Hội có đến ba bốn vị Giáo Hoàng. Chẳng biết ai là vị Giáo Hoàng chính thức. Một vị Giáo Hoàng có tiếng hơn cả lại đóng đô tại Avignon ở Pháp, chứ không phải ở Roma. Và vị nào cũng có những chính quyền, thế lực đứng đàng sau giúp đỡ và gây ảnh hưởng. Trong khi người nào cũng thấy việc Đức Giáo Hoàng phải trở về lại Roma là hợp lý, chẳng có Hồng Y, Giám Mục, linh mục nào dám quyết tâm đẩy mạnh vấn đề này. Và cuối cùng, Chúa đã dùng Bà Ca-ta-ri-na để khuyên bảo được Đức Giáo Hoàng tại Avignon trở về Roma, thống nhất Giáo Hội hoàn vũ.
Tại sao Bà Ca-ta-ri-na đã làm được việc lớn lao và quan trọng như vậy? Thưa bởi vì Ca-ta-ri-na đã được Thiên Chúa chọn cho biết thánh ý của Ngài. Chúng ta băn khoăn tự hỏi: “Có phải Chúa chỉ tỏ mình cho các Thánh, Giáo Hoàng và các Giám Mục thôi sao?“ Không phải. Ngài là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Dù sang, hèn, nam, nữ, có chức phận hay không... Ngài đều có thể tỏ cho biết như lời Thánh Phanxicô de Sale đã viết trong cuốn: “Tập đàng nhân đức trọn lành”. Mặc dầu đây là cuốn sách đơn sơ, nhưng đều được mọi đấng bậc trong Giáo Hội tín nhiệm. Ngay trong phần mở đầu của cuốn sách đã thấy chứa đựng một nền thần học thâm sâu được Công Đồng Vatican II đề cập đến. Ngài viết: “Trong thời đại này, nếu ai không đem cuộc sống tình yêu của Chúa vào trại lính, vào trong cung vua, vào các gia đình, vào các đôi vợ chồng... thì kể là chưa sống đạo“.
Quả là những lời táo bạo. Nếu đây không phải là lời của Ngài thì chắc rằng không ai trong chúng ta dám nói như thế. Trong trại lính: anh em nào đã đi lính thì biết rõ cuộc sống trong đó như thế nào... Trong cung vua: nơi xa hoa lộng lẫy, ăn chơi, đồi trụy... Vậy mà Ngài lại bảo đem cuộc sống tình yêu của Chúa đến những nơi đó. Nhưng thật ra, Tin Mừng của Chúa phải được đem vào, đem đến, đem đi mọi nơi, cho mọi hạng người không kể giàu hèn, nam hay nữ... vì ơn cứu độ của Chúa là ơn phổ quát, cho hết mọi người.
Các Thánh dạy: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và Ngài đã đến ở trong chúng ta. Đây là một mầu nhiệm cao cả mà trí khôn loài người không thể hiểu hết được. Chúa thương yêu và đến ở trong chúng ta càng làm cho chúng ta thêm lòng yêu mến Ngài như lời Thánh Augustinô bộc lộ: “Chúa sinh ra con và con thao thức cho đến khi nào được trở về trong nơi an nghỉ của Chúa”. Tất cả vì lợi ích cho chúng ta. Thánh nữ Ca-ta-ri-na đã cảm nghiệm được tình thương của Chúa nên càng yêu mến Chúa nhiều hơn và quyết tâm thực hiện ý Chúa. Đó chính là động lực thôi thúc Thánh Nữ kiên nhẫn nài nỉ Đức Giáo Hoàng trở về lại Roma để Giáo Hội được hiệp nhất và không còn bị các chính quyền, thế lực thao túng.
Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết hướng về tình yêu tuyệt vời của Ngài, ngay trong cuộc sống ở chủng viện bây giờ. Để nhờ sự liên kết mật thiết với Chúa, như Thánh Nữ Cata-ri-na thành Siena, chúng ta cũng biết yêu thương nhau một cách chân thành và yêu mến Giáo Hội cách thiết tha. Amen.