CHÚA LÊN TRỜI

Thứ bảy - 11/05/2024 04:50
CHÚA LÊN TRỜI


Bài đọc sách Tông Đồ Công Vụ mà chúng ta vừa nghe kể lại rất chi tiết việc Chúa lên trời với sự chứng kiến của hàng ngàn người. Sự kiện này làm chúng ta liên tưởng đến chuyện khoa học không gian. Rõ hơn, chuyện Liên Xô và Mỹ phóng phi thuyền vào vũ trụ. Từ năm 1957 đến nay, hai nước thi nhau phóng phi thuyền. Lúc đầu không có người đi theo. Nhưng tính đến bây giờ thì không biết bao nhiêu phi thuyền có người lái đã được phóng đi. Và mỗi lần phóng phi thuyền, thiên hạ đều đổ dồn đến xem.
Con người cảm thấy tự hào với thành quả này vì việc phóng phi thuyền vào không gian để khám phá vũ trụ nói lên được khả năng “vượt bực“ của con người. Nhưng thật ra, chuyện khám phá này càng cho thấy kiến thức nhỏ bé của con người trước vũ trụ bao la. Những hiểu biết con người khám phá được, nghĩa là đã có sẵn rồi, còn quá ít ỏi. Không biết phải mất thêm bao nhiêu ngàn năm con người mới khám phá hết những hành tinh, thái dương hệ ở gần mình.
Còn chuyện Chúa lên trời lại mang một ý nghĩa siêu việt, nói lên quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Chúa Giêsu xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại, không cần phải dùng phi thuyền nào cả. Và Ngài về lại “Trời“ cũng chẳng cần hỏa tiển nào đưa đi. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Sự khôn ngoan của con người, dù có “vượt bực“ đến đâu, cũng chỉ phản ảnh một phần nào sự khôn ngoan siêu việt của Thiên Chúa. Và sự kiện Chúa lên trời không chỉ nói lên quyền năng vô biên thật sự của Thiên Chúa, nhưng còn biểu lộ tình yêu bao la Ngài dành cho con người nữa. Đó chính là sứ điệp lớn nhất mà Thiên Chúa muốn nói với nhân loại: sứ điệp yêu thương. Sứ điệp này đã được Ngài gởi gấm cho các môn đệ trong khi Ngài còn sống, và đặc biệt trước khi giã từ các ông: “Các con hãy làm chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem và cho đến tận cùng trái đất”. Làm chứng nhân điều gì nếu không phải là chứng nhân của tình yêu. Vì thế, sự kiện Chúa lên trời nói lên ba khía cạnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
Trước hết: Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng cứu chuộc nhân loại mà Thiên Chúa Cha giao phó vì yêu thương con người. Ngài đã xuống thế làm người, giảng dạy, chịu nạn và sống lại để hoàn tất công cuộc cứu chuộc. Sau đó, Ngài tiếp tục hiện ra với các tông đồ và một số giáo dân để trấn an và dặn dò những điều cần thiết. Và cuối cùng, Ngài lên trời.
Điểm thứ hai: Chúa Giêsu trao lại cho các Tông Đồ sứ mạng của Ngài. Ngài truyền lệnh cho các ông: “Chúng con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ai tin thì sẽ được cứu độ, ai không tin thì sẽ bị luận phạt”. Nói cách khác, Ngài giao cho các Tông Đồ và những ai tin theo Ngài nhiệm vụ làm chứng nhân, để tiếp tục mang tình yêu và ơn cứu chuộc của Thiên Chúa đến với mọi người. Phúc Âm kể lại, trong khi các ông còn bỡ ngỡ nhìn trời, thiên thần của Chúa xuất hiện và bảo các ông hãy trở về với cuộc sống thường ngày để làm chứng nhân cho Chúa.
Điểm thứ ba: hy vọng vào cuộc sống hạnh phúc với Chúa. Lời thiên thần: “Đức Giêsu cũng sẽ ngự đến như các ông đã thấy Người lên trời“ muốn nhắc nhở với các ông rằng một ngày nào đó các ông cũng sẽ được lên trời như Ngài vì Ngài đã hứa: “Ta ở đâu thì những kẻ tin Ta cũng sẽ ở đó“ và “Thầy đi để dọn chỗ cho các con“. Đây cũng là một lời hứa thương yêu. Ngài muốn tất cả những ai người tin vào Ngài, làm chứng nhân cho Ngài ở trần thế, đều được hưởng cuộc sống hạnh phúc muôn đời với Ngài. Sự kiện này nói lên niềm vui mừng và hy vọng của người Kitô Hữu. Mà không hy vọng, không vui sao được khi biết chắc mình đã được Chúa hứa một chỗ trên Nước Trời. Và niềm vui mừng và hy vọng này chính là động lực giúp chúng ta sẵn sàng chấp nhận cũng như đứng vững trước mọi gian lao, thử thách, vì biết chắc rằng sau cuộc sống trần thế này, chúng ta sẽ được chung sống hạnh phúc muôn đời với Chúa. Cha Thánh Maximilie Kolbe là một mẫu gương sống niềm vui và hy vọng này. Cuộc thế chiến thứ hai bắt đầu bằng việc quân Đức tràn chiếm Ba-lan, quê hương của Ngài. Để bảo đảm an toàn cho anh em, Ngài khuyên họ rời nhà dòng trở về với gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn một số anh em xin ở lại với Ngài. Tối hôm đó, Ngài thân tình bộc lộ với những anh em còn lại: “Đức Mẹ nói cho Cha biết là Cha được cứu rỗi“. Và những người chứng kiến kể lại, lúc ấy, khuôn mặt Ngài sáng láng lạ thường. Ngài đã cảm động rơi lệ khi thốt lên những lời ấy. Thánh Maximilia Kolbe đã vui mừng đến rơi lệ vì nghe được lời Đức Mẹ báo cho biết sẽ được cứu rỗi. Và niềm vui này đã giúp Ngài can đảm chấp nhận mọi thử thách, hy sinh, kể cả việc chấp nhận chết thay cho người bạn trong tù. Đó cũng phải là tâm tình của mỗi người chúng ta, vì Chúa Giêsu đã hứa Nước Trời cho những ai tin theo Ngài: “Ai tin thì sẽ được cứu rỗi”. Hơn ai hết, cuộc sống của chúng ta phải là cuộc sống của những người đầy hy vọng và tràn trào niềm vui, nhất là khi gặp thử thách, để những người chung quanh nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa qua chúng ta. Và đó cũng là cách làm chứng nhân cho Chúa.
Hôm nay, Lễ Chúa Lên Trời, chúng ta hợp ý cũng toàn thể Giáo Hội xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết hướng về trời trong niềm vui mừng và hy vọng, cùng với tâm tình tạ ơn, vì Thiên Chúa đã yêu thương con người, yêu thương tất cả chúng ta một cách lạ lùng. Và chúng ta cũng cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết đáp trả tình yêu của Ngài bằng chính cuộc sống chứng nhân của chúng ta, ngay trong những công việc bổn phận thường ngày, với những người anh em đang sống kề cận chung quanh. Amen.

 
ĐHY. P.x Nguyễn Văn Thuận
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 70
  • Hôm nay 22,177
  • Tháng hiện tại 109,782
  • Tổng lượt truy cập 12,422,171
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây