Kính thưa quý bà và anh chị em rất thân mến! Sống trong xã hội đầy dãy lời mời gọi này, lời kêu mời kia, chúng ta dường như bị cuốn vào dòng xoáy của biết bao quảng cáo, giới thiệu, quảng bá, kể cả khẩu ngữ tuyên truyền sáo rỗng. Với xa lộ thông tin thật thật giả giả tràn lan, khiến chúng ta bối rối, hoang mang, và đôi lúc chẳng thể nào đưa ra nhận định đúng đắn!
Chắc chắn, thời Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng không có những chương trình chiến lược quảng bá, khuyến mãi, giới thiệu như bây giờ. Cho nên, phương tiện kêu mời, thu hút sự chú ý của người nghe chủ yếu là lời nói, ngôn từ kèm theo cử chỉ, động tác cơ thể; hoặc sai người nào đại diện thay thế để mời gọi.
Chính vì vậy, khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã đưa ra lời mời căn nguyên và trọng yếu trước khi kêu mời những môn đệ bước theo Ngài: “Thời giờ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Lời kêu mời tuy ngắn ngủi, vắn tắt, nhưng chứa đựng toàn bộ lời mời gọi của Thiên Chúa đối với dân Is-ra-el trong thời Cựu ước, cũng như trong thời Tân ước, đặc biệt được đề cập trong các thư của Thánh Phao-lô. Như xưa, Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Giô-na gọi mời dân thành Ni-ni-vê ăn năn, hoán cải, trở về với Chúa. Thú vị thay, Ni-ni-vê chẳng phải là dân Is-ra-el (hoặc Ni-ni-vê thường được gọi dân ngoại), và tiên tri Gio-na là người Is-ra-el, không ưa gì dân ngoại. Dĩ nhiên, vì chẳng ưa gì dân Ni-ni-vê, nên thoạt đầu, ông từ chối đến thông truyền lời kêu mời của Thiên Chúa cho dân ấy, và càng không muốn dân này được Thiên Chúa tha thứ. Tuy nhiên, sau sự kiện trọng đại, trên đường chốn Chúa, ông vẫn phải quay trở lại thành và kêu mời dân Ni-ni-vê ăn năn sám hối. Chuyện tiên tri Gio-na không mong muốn, không trông chờ lại diễn ra, đó là: “dân ngoại Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (x. Gn 3, 5). Hơn thế, Thiên Chúa thấy việc họ bỏ đường gian ác mà trở về, Ngài đã bao dung tha thứ.
Tương tự, lời nhắn nhủ tha thiết, thúc giục giáo đoàn Cô-rin-tô của Thánh Phao-lô cũng vậy “thời giờ vắn vỏi…những kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi” (x. 1Cr 7, 29.31). Có lẽ ở đời này, những hành động: lấy vợ gã chồng, khóc than, hân hoan, mua sắm, tận hưởng cuộc sống…như được đề cập là cần thiết và quan trọng, tuy nhiên, nếu so với lời kêu mời ăn năn, hoán cải, trở về với Thiên Chúa thì tất cả những việc trên chẳng nghĩa lý gì, đặc biệt, trong thời điểm quyết định “thời gian chẳng còn bao lâu nữa” (1Cr 7, 29), nên thánh nhân đã khuyên: hãy chú tâm đến lời mời gọi ăn năn, quay trở về với Chúa, hơn những gì được xem là trọng yếu và cần thiết trên, “từ nay ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng…” (x. 1Cr 7, 29-30).
Một cách rõ ràng hơn, lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su không lời nào khác ngoài sự kêu mời: “thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Ngài không nói: “hãy tin vào Tin Mừng và ăn năn sám hối!”. Hơn nữa, việc “ăn năn hoán cải, và tin vào Tin Mừng” phải được thực hiện ngay bây giờ và ngay lúc này, chứ không lần lựa, do dự, trì hoãn. Tâm tình nhận lỗi, thú nhận thiếu xót khiến chúng ta bước tới hành động quay về với Chúa, quay về với chân lý. Tâm hồn ngay thẳng đưa đôi chân chúng ta tiến tới thái độ muốn hoà giải, mong được thứ tha. Tâm tư xót xa lỗi tội khiến chúng ta hối cải, hoán đổi và sám hối. Những hành vi này đã là một tin vui, tin hân hoan, và tin thánh ân. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa đủ, chưa trọn vẹn; mà hơn thế, đón nhận, tin vào và sống Tin Mừng nữa. Trong đời sống thường nhật, chúng ta rất nhanh nhẹn đáp lời mời của bạn bè, của xã hội, của mọi nhu cầu của gia đình và bản thân; ngược lại, chúng ta lại trì hoãn, do dự đáp trả lời mời gọi của Chúa qua Giáo hội, qua cộng đoàn, qua các thừa tác viên có chức Thánh, qua các biến cố, qua người này người kia. Chúng ta có xu thế coi trọng mọi điều khác, nhưng lại xem nhẹ lời kêu mời của Chúa. Đôi lúc, chúng ta cũng như ngôn sứ Gio-na không vui, không muốn người khác được Chúa tha thứ, bỏ qua và tệ hơn chẳng chịu hoán cải trở về như dân thành Ni-ni-vê đã lắng nghe, trở về.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta thật sự xét mình, nhìn lại quảng đường đã qua, cũng như kiên quyết đáp lại lời kêu mời của Chúa mỗi ngày “hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” với tinh thần nhanh nhẹn, không trì hoãn như cặp đôi anh em Thánh Phê-rô và Thánh Gia-cô-bê đã sẵn sàng bước theo tiếng Chúa mời gọi.
Lạy Chúa, xin đừng để con trì hoãn
Nhưng luôn kiên vững chứa chan sẵn sàng.
Đừng để con biện minh với (sự) bất toàn
Nhưng hằng hăng hái, bình an tâm hồn.
Ăn năn sám hối, tin vào Phúc Âm
Dù cho ngày tháng thăng trầm trôi qua
Vẫn luôn son sắt một đời thiết tha
Thực thi Lời Chúa, câu ca ân tình. Amen!