“Ngươi cứ nghe họ!”.
Trên xe lửa, một tu sĩ già vô tình phạm một lỗi nhỏ về luật hành lý; một nhân viên mắng thầy không thương xót. Tu sĩ trẻ ngồi bên nói, “Thầy cho anh ta một bài học!”. Thầy cười, “Ồ! Nếu một người như thế chịu đựng được bản thân cả đời, tôi lại không chịu đựng nổi anh ta vài phút sao? Chúa chịu đựng cả đời. Để biến đổi ai, Ngài thường lặng thinh!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Để biến đổi ai, Ngài thường lặng thinh!”. Đúng như vị tu sĩ già nhận định. Lời Chúa hôm nay cho thấy, để biến đổi một ai đó, một điều gì đó, Thiên Chúa thường áp dụng cho mình lối sư phạm ‘chịu đựng!’.
Bài đọc Samuel cho biết, dân đòi một vị vua, Chúa bảo Samuel, “Ngươi cứ nghe họ!”. Đòi một vị vua là một loại hình yêu sách chưa từng có trong Israel. Là một người chống chế độ bảo hoàng, Samuel nhẫn nại phân trần. Ông đưa ra các mối nguy. Bởi lẽ, tôn giáo của Israel là tôn giáo độc thần; chỉ Thiên Chúa là Vua, là Chúa của họ. Vì thế, ý tưởng về một vị vua loài người, đồng nghĩa với sự phạm thượng tày đình. Thiên Chúa cắn răng bảo Samuel, “Ngươi cứ nghe họ!”. Ngài chiều dân, Ngài ‘chịu đựng’ dân để biến đổi họ. Cả những sai lầm cũng có thể trở thành những khoảnh khắc của ân sủng và sự giác ngộ! Và một khi cảm nhận hồng ân được biến đổi, Israel cũng như bất cứ ai rồi sẽ thưa, “Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng!” - Thánh Vịnh đáp ca.
Với bài Tin Mừng, nhiều người tuôn đến với Chúa Giêsu. “Người ta đem đến một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao đến gần Ngài được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Ngài ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống”. Sự tê liệt của người này là biểu tượng của một tội lỗi nào đó; và với bất cứ một tội lỗi nào, mẫu số của nó vẫn luôn là một điều gì đó mà Thiên Chúa phải ‘chịu đựng’. Đó là một tội lỗi mà ‘ai đó’ mong được tha thứ nhưng không thể quay về với Chúa bằng nỗ lực riêng. Họ cần sự giúp đỡ của người khác, họ cần sự ‘chịu đựng’ của người khác hầu có thể trở về để được Chúa cứu chữa.
Chúa Giêsu đã chữa lành; và đặc biệt, Ngài tha tội cho anh. Chúng ta có thể làm sống lại phép lạ này khá thường xuyên cho mình nhờ việc xưng tội; đồng thời, làm sống lại phép lạ này thường xuyên hơn khi đưa những người khác đến toà giải tội. Với những lời của thừa tác viên Hội Thánh, “Ta tha tội cho con nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, Chúa Giêsu tha tội cho chúng ta và cho tất cả những ai chúng ta dun dủi đến với Ngài.
Anh Chị em,
“Ngươi cứ nghe họ!”. Thiên Chúa muốn cứu tất cả mọi người. Ngài muốn mang lại sự chữa lành thực sự cho cuộc sống của bất cứ ai; nhưng Ngài muốn chữa lành họ ngang qua sự kiên nhẫn và ‘chịu đựng’ của bạn và tôi. Chúa Giêsu có thể đã tìm thấy người bại liệt, hoặc có thể chữa lành anh ấy từ xa; nhưng Ngài lại chọn để một số người mang anh ta đến cho Ngài. Ngài muốn chữa lành anh, nhưng nếu không có lòng bác ái của bốn người kia, việc chữa lành có thể không bao giờ xảy ra. Vậy Chúa Giêsu muốn gặp ai qua bạn và tôi? Làm thế nào tôi có thể trở thành một công cụ tốt hơn cho tình yêu Ngài?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa ‘chịu đựng’ con gần như cả đời. Cho con biết ‘chịu đựng’ anh chị em con một đôi khi!”, Amen.