NGÔN HÀNH SÁNH ĐÔI

Thứ tư - 27/09/2023 20:15
NGÔN HÀNH SÁNH ĐÔI
Chuyện kể rằng: Một hôm, vợ thầy Tăng Tử đi chợ; đứa con nhỏ khóc đòi đi theo. Nghe thế, để khỏi phiền hà dỗ dành mất thời gian, người mẹ liền bảo:
  • Con ở nhà, mẹ đi chợ một lát rồi về làm thịt heo/lợn cho con ăn!
Đứa bé thích ăn thịt heo/lợn, nên nín khóc và đến chỗ bố chơi.

Song lúc về, chẳng thấy vợ làm gì, Tăng Tử bèn đi bắt heo/lợn làm thịt, thì vợ can ngăn:
  • Tôi chỉ nói vậy để cho nó hết khóc ấy mà. Ông tưởng thật sao!!!!
Tăng Tử đáp lời:
  • Nói đùa là thế nào! Đừng cho rằng con trẻ không biết và không nhớ gì. Cha mẹ làm gì nó đều bắt chước đấy. Nay mình nói dối nó, chẳng phải mình đang dạy con trẻ nói dối sao?

Tăng Tử nói xong, liền làm thịt heo/lợn cho con ăn…

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Chỉ vì một lời hứa của người vợ để con không khóc nữa thôi, mà Tăng Tử phải quyết định mổ heo/lợn làm thịt cho con ăn. Kẻ sĩ là vậy! Quân tử là thế! Người có nhân cách hành xử là vậy! Một lời nói không đi đôi với việc làm là lời nói vô giá trị. Ngôn hành bất nhất kéo theo biết bao nhiêu hệ quả khôn lường.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta về điều này. Người con thứ nhất sau khi nghe người cha mời gọi đi làm vườn nho, thoạt tiên nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng suy nghĩ lại, nó hối hận nên lại đi (x. Mt 21, 29). Tuy nhiên, đứa con thứ hai có lẽ vì sợ cha buồn hoặc giữ thể diện cho cha nên thưa cho xong: “Con đây!”, nhưng lại không đi (x. Mt 21, 30). Danh ngôn có câu: Hành động hùng hồn hơn lời nói (actions speak louder than words). Ở đây, chúng ta không đánh giá thấp lời nói hơn hành động, hoặc hành động quan trọng hơn lời nói; song, nói mà không làm thì thật đáng buồn và cứ thế sẽ dần già mất đi niềm tin nơi người nghe. Đôi khi, vì cả nể, không muốn làm phật ý người nghe, hay để giữ thể diện, nên nói cho xong, cho có, cho qua, nhưng lại không động tay chân vào.

Về điểm này, thánh Phao-lô Tông đồ nêu rõ: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình…” (Pl 2, 3). Áp dụng vào thực tế, chúng ta nên thành thật với chính mình, chân thành với tha nhân. Căn bệnh giả dối, thói đời tìm hư danh, quyền bính, chỉ nói cái miệng mà không làm, vô hình chung dẫn tới những xói mòn đạo đức, đánh mất lòng tin nơi con người, từ đó phát sinh suy thoái về giá trị tinh thần, khiến lương tâm lu mờ. Bậc thang giá trị đảo ngược, cán công lý bị điều chỉnh bằng tiền-quyền. Lúc ấy, gian dối trở nên bình thường, thật thà lại trở thành bất thường. Vì thế, ai đó mỉa mai nói: “Chân lý, chân giò cùng một giá; Lương thực, lương tháng, lương tâm há bằng nhau”!!!!! Trong khi kẻ bất tài, thất đức, mồm mép, xu nịnh tâng bốc lên như diều gặp gió, còn người sống liêm chính phải chịu cảnh “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt; lươn lẹo lém lỉnh lại lên lon”.

Ước gì, là con cái Chúa, chúng ta không sống hào nhoáng bên ngoài, bên trong trống rỗng, hoặc chỉ nói hay mà không làm, hoặc ‘dẻo mồm dẻo miệng, nhưng chẳng động tay chân’, hoặc ‘làm láo, báo cáo hay’ hoặc chạy theo thành tích dởm! Vì nếu như thế, chúng ta chẳng hơn hạng người: “Khác nào quạ mượn lông công. Ngoài hình xinh đẹp, trong lòng xấu xa” (ca dao) và sớm muộn gì cũng bị đặt nghi vấn: “Trông anh/chị như thể sao mai, biết rằng trong có như ngoài hay chăng?” (ca dao).

Là người Ki-tô hữu, chúng ta không thể sống theo kiểu ‘gió chiều nào che chiều nấy’, để làm trái, đi ngược lại với đạo lý giá trị Tin Mừng, và nghịch với lương tâm ngay thẳng. Hơn nữa, câu nói dường như ai cũng biết cần được nằm lòng và áp dụng: “Mất tiền là mất ít, mất người là mất nhiều, nhưng mất niềm tin là mất tất cả!”

Lạy Chúa,
Xin cho con ý thức rằng:
‘Ngôn hành bất nhất’ đánh mất niềm tin
Gian dối vô lối ‘lên hình’
Giao diện trông đẹp, trong lòng xấu xa.
Coi thường liêm chính, nết na
Luân thường, đạo lý bỏ qua tình người.
Cho con hoán cải cuộc đời
Việc làm-lời nói đi đôi thật thà. Amen!

Tác giả bài viết: Lm. Xuân Hy Vọng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 75
  • Hôm nay 21,836
  • Tháng hiện tại 109,441
  • Tổng lượt truy cập 12,421,830
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây