“Ngài băng qua giữa họ mà đi!”. Thần học gia, triết gia Jan Hus tin rằng, Lời Chúa là quyền lực tối cao, không thể sai lầm. Ông đã chết vì niềm tin đó vào sinh nhật 40 của mình tại ở Constance, Đức. Trước khi tắt hơi, Jan Hus nói lớn, “Những gì tôi dạy bằng môi, tôi sẽ đóng dấu bằng máu!”. Kính thưa Anh Chị em, Tin Mừng hôm nay không nói đến việc chối từ Lời Chúa, nhưng nói đến việc từ chối “Ngôi Lời Thiên Chúa” khi Ngài về lại cố hương. Tin Mừng tường thuật sự ‘bẽ bàng’ của Chúa Giêsu khi những người cùng quê không nhận biết Con Thiên Chúa và sứ điệp của Ngài. Thật dễ hiểu, một anh hàng xóm mới ra khỏi làng một thời gian, nay trở về ‘lên lớp’ giảng dạy! Không lạ, họ tẩy chay; tệ hơn, muốn giết Ngài! Vậy mà việc Ngài trở lại quê nhà đích thực là một cuộc ‘hiển linh’, ‘epiphany’; đúng hơn, một cuộc viếng thăm uy nghi của Thiên Chúa đến với dân Ngài như Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Chúa ngự tới cai quản địa cầu!”. Sự thật ‘bẽ bàng’ này nhiều lúc cũng là trải nghiệm của bạn và tôi. Chúng ta cảm thấy việc nói về Chúa với một người lạ lại dễ dàng hơn khi nói về Ngài với một người thân. Ngược lại, sẽ khó hơn nhiều, khi bản thân chúng ta để cho ai đó truyền cảm hứng bởi niềm tin và lòng đạo đức của họ; đặc biệt, khi người ấy lại là một người thân quen! Thế nhưng, điều quan trọng ở đây chính là cách thức chúng ta đón nhận phản ứng từ những người khác. Họ có thể tẩy chay, dèm pha và những gì ‘bẽ bàng’ hơn thế. Đây là lúc mức độ khiêm tốn của chúng ta được tỏ hiện, nhất là khi phải “băng qua giữa họ mà đi”. Về phía người nhận, phải chăng chúng ta đã không nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những người gần gũi nhất. Sự thật là chúng ta dễ nhìn thấy những lỗi lầm của họ hơn là nhận ra những nhân đức và những gì tốt lành nơi họ. Vậy mà, việc của chúng ta không phải là tập trung vào những thiếu sót của họ nhưng là nhìn thấy Đấng Toàn Năng trong họ; và dẫu họ thế nào, họ vẫn là sứ giả Chúa gửi đến! Họ phản ánh sự hiện diện của Ngài nếu chúng ta sẵn lòng nhận biết; và như thế, mục tiêu của chúng ta, là không chỉ nhìn thấy Thiên Chúa trong họ mà còn phải tìm kiếm sự hiện diện của Ngài trong họ nữa. Con Thiên Chúa làm người, đón nhận bao ‘bẽ bàng’ từ người thân. Thế nhưng, Ngài khiêm tốn “băng qua giữa họ mà đi”; mục đích của Ngài không phải để hơn thua, nhưng là để cứu độ. Thiên Chúa đã đến một cách quá đỗi bình thường, nếu không nói là tầm thường; nhưng chính trong sự tầm thường đó, Ngài đã làm những việc phi thường! Anh Chị em, “Ngài băng qua giữa họ mà đi!”. Chớ gì bạn và tôi không để Chúa Giêsu phải “băng qua mà đi” khi Ngài viếng thăm linh hồn chúng ta mỗi ngày! Ngài đang đến, đang ‘hiển linh’ và vào ngày sau hết, sẽ đón chúng ta để “được ở cùng Chúa mãi mãi” như thư Thessalônica hôm nay nhắc nhở. Không chỉ đến trong Thánh Thể, trong Lời, Ngài còn đến trong những ‘nhà tạm di động’ chung quanh chúng ta. Vấn đề là bạn và tôi có nhận ra Ngài không; có nghe được Ngài không; và nhất là có để Ngài biến đổi không? Đây là còn việc của tương tác, của cầu nguyện, khẩn xin với Chúa Thánh Thần, Đấng có thể biến đổi mọi sự, ngay cả những gì ‘bẽ bàng’ nhất, và có thể đến từ bất cứ phía nào! Chúng ta có thể cầu nguyện, “Lạy Chúa, đừng để con khiến Chúa phải ‘bẽ bàng’ băng qua lối khác mà đi mỗi lần Chúa viếng thăm con… qua từng Thánh Lễ, qua từng biến cố, từng con người!”, Amen.