Các nữ tu Dòng Bác ái ở Nigeria giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn người

Chủ nhật - 09/06/2024 20:33
Sơ Justina Nelson sau buổi huấn luyện với nhân viên và các nạn nhân nạn buôn người ở Lagos, Nigeria
Sơ Justina Nelson sau buổi huấn luyện với nhân viên và các nạn nhân nạn buôn người ở Lagos, Nigeria


Sr. Oluwakemi Akinleye, fsp


Chống nạn buôn người là ưu tiên hàng đầu của các Nữ tu Dòng Bác ái ở Nigeria, những người thường cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các nạn nhân. Sơ Justina Suekime Nelson kể câu chuyện đồng hành cùng các nạn nhân buôn người tìm đến tự do.

 

Các Nữ tu Dòng Bác ái ở Nigeria nhấn mạnh vào cuộc chiến chống nạn buôn người. Hội dòng yêu cầu mọi Miền và Tỉnh dòng phải có lập trường tích cực về vấn đề buôn người.

Sơ Justina Suekime Nelson được bổ nhiệm đảm nhận vai trò Điều phối viên chống buôn người ở Khu vực Nigeria và trong Nhóm chống buôn người của hội dòng

Sơ Justina gia nhập Dòng Nữ tu Bác ái ở Nigeria vào năm 1985 và khấn lần đầu vào năm 1988, sau đó sơ được bổ nhiệm làm nhiều công việc mục vụ khác nhau. Sơ làm việc tại các giáo xứ, dạy giáo lý và thăm viếng từng nhà, điều thuộc về đặc sủng của các Nữ tu Bác ái.
 

Một bức ảnh đang kêu cứu
 

Kể từ năm 2008, Sơ Justina đã làm việc không mệt mỏi trong việc giúp đỡ các cô gái trẻ bị bán và lên tiếng cho các nạn nhân bị lạm dụng. Với tư cách là thành viên của một nhóm quốc tế, sơ ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với tệ nạn buôn người ở nhiều quốc gia khác nhau.

Sơ nhớ lại: “Một lần, khi tôi đến Úc tham gia chương trình chống buôn người, tôi nhìn thấy bức ảnh của một cô gái Nigeria bị bán ở đó. Ngay lập tức tôi nghĩ đến quãng đường rất xa mà cô ấy phải đi để đến được nơi đó và chi phí cho chuyến đi như vậy. Tôi bị thách đố phải làm điều gì đó cho cô ấy và cho nhiều cô gái khác bị bán”.
 

Ra tòa để bảo vệ nạn nhân bị bạo hành
 

Trong một số trường hợp, Sơ Justina đã phải ra tòa để lên tiếng bênh vực cho các nạn nhân bị lạm dụng.

Sơ chia sẻ hai trường hợp cụ thể. Đầu tiên là câu chuyện về cô bé Ethla (không phải tên thật), 15 tuổi, được một gia đình thuê giúp việc nhà. Cô bé là trẻ mồ côi và được một người họ hàng đưa lên thành phố. Ethla thường xuyên bị đánh đập, bị gọi bằng những cái tên lăng mạ và không được bà chủ cho ăn uống tử tế. Khi Ethla không thể chịu đựng được nữa, cô đã bỏ trốn khỏi gia đình đó để đến với các nữ tu. Sơ Justina đi cùng cô đến cảnh sát để kể lại câu chuyện của cô. Sau khi xác minh câu chuyện của cô, người chủ của cô đã bị bắt và bị buộc tội trước tòa.

Sau đó, luật sư gọi cho Sơ Justina và hỏi: "Sơ Justina, sơ có đứng ra làm nhân chứng để bảo vệ cô gái nếu được yêu cầu làm như vậy không?" Sơ xin luật sư cho mình một chút thời gian để trả lời.

Việc một nữ tu xuất hiện tại tòa án là một điều khá bất thường ở Nigeria. Sơ Justina chia sẻ: “Tôi đã nói chuyện với bề trên của mình và sau khi cầu nguyện cũng như suy tư về ý nghĩa của điều đó đối với cuộc sống của nạn nhân bị lạm dụng, tôi đã quyết định làm điều đó. Bề trên của tôi rất ủng hộ”.

Sơ Justina thuật lại thử thách của cô gái trước tòa. Cuối cùng, cô gái được giải thoát khỏi nhà của người phụ nữ đó và được đưa đến nơi tạm trú của chính phủ một thời gian trước khi được đoàn tụ với những người họ hàng trong làng.

Câu chuyện thứ hai là một câu chuyện rất đáng lo ngại về một người cha lạm dụng tính dục các con gái của ông. Cuối cùng, khi các cô gái lấy hết can đảm để kể với giáo viên ở trường của mình, giáo viên nghĩ tốt nhất nên kể câu chuyện của họ với Sơ Justina. Sơ nhớ lại: “Trái tim tôi rỉ máu vì những cô gái đó. Chúng ta phải làm gì đó cho họ ngay lập tức!”.

Cha của họ đã bị bắt nhưng ông phủ nhận cáo buộc. Sơ Justina kể lại rằng mạng sống của sơ đã bị đe dọa nhiều lần. Sơ kể: “Người đàn ông đó có những người có quyền lực đứng về phía ông và họ muốn chúng tôi hủy bỏ vụ án. Tôi đã nhận được nhiều lời đe dọa và có lúc tôi sợ nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều”. Sau nhiều tháng xét xử, cuối cùng người đàn ông này bị kết án tù chung thân.
 

Tiến bước với niềm đam mê và lòng dũng cảm
 

Các Nữ tu Bác ái tiếp tục thực hiện các chương trình giáo dục người dân ở nhiều vùng khác nhau của Nigeria.

Sơ Justina Nelson vui mừng tìm kiếm công lý và tự do cho các nạn nhân bị lạm dụng. Sơ kết luận: “Lòng say mê công lý và lòng căm thù áp bức đã khơi dậy trong tôi ngọn lửa nỗ lực bất chấp rủi ro để giáo dục mọi người về tội ác buôn người. Tôi tin rằng tốt hơn hết là giáo dục mọi người và giúp họ hiểu rõ để họ không trở thành nạn nhân”.
 

Nguồn: vaticannews

 Tags: TIN GIÁO HỘI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 32
  • Hôm nay 5,775
  • Tháng hiện tại 118,948
  • Tổng lượt truy cập 10,863,209
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây