Trong tiếng Do Thái ADAMAH có nghĩa là BỤI ĐẤT. Và từ “bụi đất” Thiên Chúa đã làm nên con người ADAM. Vì thế, hai chữ ADAMAH (bụi đất) và ADAM (con người, người đàn ông) là hai chữ đồng âm. Có lẽ tác giả Kinh Thánh đã dùng kiểu chơi chữ đặc biệt nầy để nhắc nhở cho chúng sinh về cái hữu hạn, phù vân, tầm thường của kiếp người. “Con người vốn đến từ bụi tro rồi sẽ trở về tro bụi”. Cũng chính trong ý nghĩa nầy, hôm nay Giáo Hội đã khai mạc một thời gian Phụng Vụ đặc biệt, Mùa Chay, bằng một ngày đặc biệt “NGÀY TRO BỤI” hay “THỨ TƯ TRO BỤI” (tiếng Anh là DAY of ASHES hay ASH Wednesday), và Phụng vụ LỄ TRO luôn là một lễ quan trọng đối với mọi người Kitô hữu.
Chính trong ngày lễ nầy, chút nữa đây, chúng ta sẽ đón nhận chút tro trên đầu hay trên trán trong khi Lời Chúa trong Sách Sáng Thế âm vang như một điệp khúc: “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro...”
Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh, tro được dùng làm biểu tượng nói lên một cõi lòng buồn đau tan nát, một cõi lòng thống hối ăn năn vì tội lỗi. Trong lịch sử Israel, những lúc nước mất nhà tan, những lúc Thiên Chúa đánh phạt Dân Ngài bằng tai ương hoạn nạn, người ta rủ nhau rắc tro lên đầu, mặc đồ vải thô, mặt mũi sầu buồn ủ rũ, dâng lên những lời kinh ảo não để cầu xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót thứ tha.
Trong Cựu Ước, khi dân Do Thái muốn xin Chúa thứ tha thì họ ngồi trên đống tro và xức tro lên đầu. Khi Giôna báo cho dân thành Ninivê rằng Thiên Chúa sẽ hủy diệt thành phố của họ nếu họ không hoán cải, vị vua đã hành động như sau: “Ông rời khỏi ngai vàng, cởi áo choàng, khoác áo vải thô và ngồi trên tro.” (Giô-na 3,6). Và cả thành phố đều làm như thế. Về phần Gióp, ông gặp mọi điều bất hạnh: mất hết của cải, con cái chết đi, thân ông bệnh hoạn. Ông nghĩ rằng Chúa trừng phạt ông vì ông không đủ tốt lành, vì thế ‘ông ngồi trên đống tro’ (G 2,8).
Thưa Anh Chị Em,
Hôm nay cũng thế, Mẹ Giáo Hội rắc tro lên đầu con cái mình để mời gọi chúng ta mở đầu một mùa ăn năn thống hối. Một lời kinh tôi thú nhận, một cử chỉ đấm ngực ăn năn mà thôi không đủ, cần cả một mùa ăn năn thống hối, thống hối tội lỗi bản thân, tội lỗi của Dân Chúa và tội lỗi của toàn thể nhân loại. Để từ cuộc hoán cải, ăn năn hối tội, một con người mới được hồi sinh, một cuộc sống mới được tác thành trong Đức Kitô Tử nạn-Phục sinh.
Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cắt nghĩa một cách sâu sắc ý nghĩa nầy trong bài giảng Lễ Tro năm 2003: “Khi ghi dấu tro trên trán tín hữu, người chủ tế lặp lại câu: “Hỡi người, hãy nhớ rằng mình là tro bụi, và sẽ trở về với bụi tro”. Trở về với bụi tro, ấy là vận mệnh của mọi người và mọi vật. Tuy nhiên, con người không chỉ là thân xác, mà còn là thần khí. Nếu xác thịt buộc phải trở về với cát bụi, thì thần khí mãi mãi là bất diệt. Ngoài ra, tín hữu biết rằng Chúa Kitô đã sống lại, và qua đó, xác thân Ngài đã chiến thắng tử thần. Chính Ngài cũng bước đi trong hy vọng theo viễn ảnh đó.
Như thế, nhận tro trên trán có nghĩa là tự nhận mình là loài thọ tạo, được dựng nên từ bùn đất và sẽ trở về bùn đất (x. St 3,19); điều này cũng có nghĩa là tự cáo mình là tội nhân, cần được Chúa thứ tha để có thể sống theo Tin Mừng (x. Mc 1,15); cuối cùng, điều ấy có nghĩa là khơi dậy niềm hy vọng vào một cuộc gặp gỡ viên mãn với Chúa Kitô trong vinh quang và trong bình an của Nước Trời”.
Và như thế, cho dù được mời gọi dấn thân vào một “mùa hy sinh khắc khổ”, chúng ta vẫn hân hoan tuyên xưng rằng: Tro bụi cuộc đời vẫn ươm mầm hy vọng vinh quang. Hay cụ thể hơn, khi ý thức thân phận bụi tro của chính mình, chúng ta sẽ sẽ bắt đầu một cuộc đời mới, cuộc đời không bám rễ nơi trần gian hữu hạn nầy, nhưng vươn tới niềm hy vọng phục sinh trong quê trời hằng sống.
Anh chị em thân mến, với lễ Tro hôm nay, Phụng vụ nhắc chúng ta rằng: “cuộc hành trình của kiếp sống con người tại thế rồi sẽ trở về tro bụi”. Tuy nhiên, cũng chính hôm nay, niềm tin lại nhắc chúng ta rằng “xác loài người ngày sau sẽ sống lại”.
Chính vì thế, trong cuộc hành trình 40 ngày chay tịnh nầy, ước gì chúng ta cũng biết để cho Lửa Thánh Thần thiêu rụi con người cũ thành tro bụi, rồi mạch nước Thánh Thần lại dùng chính tro tàn ấy mà dưỡng nuôi cho ta trở nên con người mới, đó là con người mà giáo huấn của Đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay vừa nhắn gởi chúng ta:
- Hãy làm việc bác ái trong khiêm hạ và kín đáo, không phô trương.
- Hãy cầu nguyện trong thái độ chân tình với Thiên Chúa như cuộc tâm sự của cha con.
- Hãy ăn chay trong thái độ vui tươi, bình an như là một cử hành của tình yêu và ân sủng.
Như thế việc ăn chay của chúng ta, Mùa Chay của người Kitô hữu không phải giới hạn hay dừng lại với những việc làm thể chất bên ngoài (nhịn ăn một bữa, không ăn vặt, kiêng thịt...) mà cốt yếu đó là nỗ lực hoán cải và canh tân cuộc sống, trở về với Thiên Chúa trong con đường thiện hảo như Lời Chúa trong sách Giona hôm nay: “Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (Bđ1); hay như lời cầu nguyện của tác giả TV 50: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy...” (ĐC).
Và như thế, như sứ điệp Mùa Chay 2024 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi cho Dân Chúa, Mùa Chay trở thành một cuộc “xuyên qua sa mạc để Thiên Chúa dẫn chúng ta vào đất hứa tự do”; và đây là một cuộc “vượt qua mang tính hiệp hành”: “Dạng thức hiệp hành của Giáo hội, mà trong những năm này chúng ta đang tái khám phá và phát huy, gợi ý rằng Mùa Chay cũng là thời gian của những quyết định mang tính cộng đoàn” (SĐMC 2024). Chắc chắn khi thực hành chay tịnh với cung cách và tinh thần đó, cộng đoàn chúng ta sẽ, như lời Đức thánh cha Phanxicô khẳng quyết, làm cho: “người khác nhìn thấy khuôn mặt vui tươi của mình, thưởng ngoạn hương thơm của tự do và cảm nhận được thứ tình yêu làm cho mọi sự trở nên mới mẻ, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và gần gũi nhất với chúng ta. Điều này có thể xảy ra nơi mọi cộng đoàn Kitô hữu chúng ta” (SĐMC 2024).
Và như thế, “40 ngày chay tịnh” sẽ là cuộc “xuất hành” đông vui của toàn thể anh chị em trong gia đình con cái Chúa; cuộc xuất hành vượt qua những thác ghềnh tăm tối của tội lỗi, yếu hèn, những hoang mạc của khô khan ích kỷ, những “biển đỏ” của đam mê dục vọng và ghen ghét hận thù… để dõi theo dấu bước của Chúa Giêsu trong niềm vui và xác tín rằng: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (Bđ2). Amen.