Huyền Nhiệm Tình Yêu

Thứ năm - 02/05/2024 05:24
Huyền Nhiệm Tình Yêu
 


Một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người là yêu và được yêu.Thiếu tình yêu, người ta không thể lớn lên được, không thể quân bình và không thể sống tròn đầy.
Tình yêu là điều cần thiết, tự nhiên như khí trời; biết bao nhiêu thi nhân đã định nghĩa về tình yêu, bao nhiêu giấy mực đã tốn kém để nghiên cứu, nhưng chúng ta vẫn chưa có được một định nghĩa nào trọn vẹn cả. Tình yêu xưa như trái đất, nhưng vẫn mới tinh khôi làm rung động vạn vạn trái tim con người.
Bạn có thể không định nghĩa được tình yêu, nhưng cảm được tình yêu là điều rất thật. Tuy nhiên, có những biểu hiện người ta cứ tưởng đó là tình yêu, nhưng kỳ thực lại không phải; có khi cứ ngỡ mình đang yêu, nhưng thực ra lại đang làm khổ người khác... Tình yêu có muôn mặt, rất nhiều khi ta lầm tưởng và chẳng hiểu tình yêu là gì nữa. Và đây là vấn đề chúng ta cần đặt ra.

TÌNH YÊU LÀ GÌ ?
Có lẽ không có gì bí ẩn hơn tình yêu. Tình yêu là một huyền nhiệm ! Tình yêu là hồn của âm nhạc, của thi ca, của văn chương nghệ thuật ..., nói tóm lại, tình yêu là hồn của cuộc sống. Vì tình yêu, người ta có thể điên cuồng, lăn lộn với cuộc sống, hy sinh quên mình, và có khi chấp nhận cả cái chết. Tình yêu chỉ là một, nhưng có muôn ngàn hình thái và cách thế thể hiện khác nhau, chẳng khác nào mỗi loài hoa toả ra cho đời những sắc hương riêng biệt.

Hương sắc mỗi loài hoa
Có thứ tình yêu nồng nàn say đắm, lãng mạn đợi chờ; có thứ tình yêu thâm trầm sâu lắng, lo toan và trách nhiệm; có thứ tình yêu chia sớt cảm thông, đồng hành trong cuộc sống; có thứ tình yêu bao la lồng lộng, chẳng đắp xây chi cho cá nhân mình; có thứ tình yêu dốc cạn hành trình, từ bỏ, hy sinh, dâng mình cho Thượng Đế ... Bạn muốn gọi tên tình yêu đó là gì cũng được : là tình yêu đôi lứa, là tình máu mủ gia đình, là tình bạn thân tình, là tình yêu đất nước quê hương, là tình yêu của đời tận hiến. Tình yêu nào cũng đẹp, cũng cao khiết, cũng phản ánh một tình yêu vĩ đại là mối tình Thiên Chúa dành cho con người. Chúng ta hãy phân tích sau những tình yêu hương sắc của cuộc đời, có lẽ chúng ta nên tìm về suối nguồn tình yêu trước đã.
Suối nguồn tình yêu
Thánh Gioan chỉ dẫn cho chúng ta thấy tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (1Ga 4,7), “Tình yêu cốt ở điều này, là Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,10). Tình yêu là trọng tâm ý nghĩa của lối sống Kitô giáo. Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhưng không, vô điều kiện, nhưng chúng ta chẳng tự nhiên hay dễ dàng yêu thương Thiên Chúa, yêu thương anh chị em mình. Đối với con người, yêu thương là một thách đố, là sự chọn lựa liên lỷ, quyết liệt. Cả đời sống người Kitô hữu là một chọn lựa yêu thương. Yêu thương là lời mời gọi tự do, nhưng cũng là luật sống căn bản của mỗi Kitô hữu.
Luật yêu thương
Một vị kinh sư lên tiếng hỏi Đức Giêsu : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều nào đứng đầu ?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là ... ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác hơn các các điều răn đó”. (Mc 12, 29 - 31).
Câu trả lời của Đức Giêsu không vòng vo, nhưng đi thẳng vào trọng tâm, tình yêu là lề luật duy nhất. Đức Giêsu chính là hiện thân của tình yêu này, Người đã yêu thương đến cùng và chết cho người mình yêu. “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Kitô giáo là đạo của tình yêu. Trọng tâm sứ điệp Tin mừng cũng chẳng là gì khác hơn sứ điệp yêu thương. Tình yêu thương luôn luôn mới mẻ : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Khi biết yêu thương nhau thực sự là chúng ta chu toàn lề luật vậy (X. Rm 14,10).
Thiên Chúa là tình yêu
Trong thư thứ nhất, thánh Gioan đã định nghĩa cho chúng ta :
“Thiên Chúa là tình yêu : ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy ... Nếu ai nói : ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (4, 16 - 20).
Tất cả truyền thống Kitô giáo đều sáng lên điều này là không thể tách rời tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người được. Yêu thương con người không phải là phương tiện để yêu mến Thiên Chúa nhưng đó là thành phần không thể thiếu của một tình yêu hoàn hảo.
Tất cả là vô nghĩa nếu không có tình yêu
Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, đã nhấn mạnh giá trị tuyệt vời của tình yêu; tình yêu có giá trị tuyệt đối, đến nỗi nếu thiếu tình yêu, thì tất cả đều trở nên vô nghĩa: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của Thiên Thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng có ích gì cho tôi” (13, 1 - 3).
Còn thánh nữ Têrêsa thì nói : “Nếu không có tình yêu, các thánh tử đạo sẽ không dám đổ máu mình nữa, các nhà truyền giáo sẽ thôi rao giảng, sẽ chẳng còn thánh hiển tu, chẳng còn thánh tiến sĩ, và cũng chẳng còn thánh trinh nữ...”. Như vậy, nếu thiếu vắng tình yêu, thì tất cả đều trở nên vô nghĩa.
Và trong đời thường, có lẽ hơn một lần chúng ta cũng đã cảm nghiệm được điều này, nếu không có tình yêu, thì làm sao bà mẹ có thể thức khuya dậy sớm, còng lưng tần tảo để kiếm tiền nuôi con; làm sao người cha dám hy sinh hạnh phúc của mình chỉ vì tương lai của con cái; làm sao người ta có thể dấn thân phục vụ mà hy sinh lợi ích của bản thân mình ... Tình yêu kỳ diệu là thế đấy bạn ạ !
Đi tìm định nghĩa cho tình yêu
Bạn đã thấy được tình yêu là thế nào, bây giờ chúng ta thử đưa ra một định nghĩa cho tình yêu nhằm định hướng cho con người trong cuộc sống. Karl Kock định nghĩa : “Yêu thương chính là tìm kiếm và thăng tiến những điều thiện hảo nơi tha nhân trong những tình trạng riêng biệt của họ”. Có thể định nghĩa này hơi khô khan, không lãng mạn, nhưng khả dĩ cung cấp cho chúng ta những chỉ dẫn thiết thực trong cuộc sống.
Tìm kiếm và thăng tiến
Trước tiên, yêu thương có nghĩa là tìm kiếm và thăng tiến. Tình yêu luôn năng động. Tìm kiếm và thăng tiến không phải là điều gì thụ động, nhưng là những hành vi tích cực yêu thương. Người yêu thương đích thực là người ra khỏi chính mình, nhìn thấy nhu cầu của anh em. Đó có thể là nhu cầu về vật chất, nhưng quan trọng hơn là nhu cầu của tâm hồn, là sự cảm thông, lòng tôn trọng, sự tha thứ, sự lắng nghe ...
Rất thường khi, chúng ta chỉ biết yêu mình, chỉ tìm hạnh phúc cho riêng mình; và tệ hại hơn, còn dùng người khác như một phương tiện thể thỏa mãn tham vọng của chúng ta. Nói một cách lãng mạn : “yêu là chết ở trong lòng một ít” là như vậy; và những ai muốn yêu cho đến tận cùng, thì không phải chỉ là“chết một ít”, mà là chết tất cả, cho tất cả, hy sinh tất cả.
Những điều thiện hảo nơi tha nhân
Kế đến, bản chất yêu thương là không hướng về mình, không tìm lợi ích cho bản thân, nhưng là hướng về người khác, làm cho họ được thăng tiến, và mưu cầu hạnh phúc cho họ. Sile, một nhà văn người Đức, đã định nghĩa : “Tình yêu là niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc”. Hạnh phúc, những điều thiện hảo nơi tha nhân, cũng như chính hạnh phúc, những điều thiện hảo mà chúng ta khao khát tìm kiếm cho bản thân mình. Đức Giêsu đã dạy chúng ta rất rõ điều này : “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Mc 12, 31). Ai trong chúng chúng ta cũng muốn được yêu thương, muốn được kính trọng, muốn thấy người khác thán phục sự thành công của mình ..., tại sao chúng ta lại không yêu thương người khác, không kính trọng họ, không chấp nhận, không tán dương sự thành công của họ ? Chúng ta thấy mình bị xúc phạm, bị hạ giá, bị lép vế khi người khác thành công hơn chúng ta ư ? Có ai trong chúng ta thích người khác bàn tán, bới móc về những tật xấu của mình không ? Thế thì tại sao chúng ta lại thích đem lỗi lầm của anh em mình ra bàn tán để làm trò tiêu khiển ? 
Bạn ơi, yêu thương thật dễ và cũng quá khó phải không bạn ? Có lẽ khi nào chúng ta hoàn toàn chấp nhận được tha nhân với trọn vẹn con người của họ, trong tình trạng riêng biệt của họ, khi ấy chúng ta mới biết thế nào là yêu thương đích thực.
Những tình trạng riêng biệt
Yêu thương đích thực là yêu thương vô điều kiện. Thiên Chúa không chờ chúng ta phải thật tốt lành, thật thánh thiện, rồi Người mới yêu chúng ta ! Yêu thương là đón nhận người khác như chính con người của họ. Mỗi người đều được Chúa tạo dựng và có một phẩm giá cao quý, bất khả thay thế, và phải được mọi người tôn trọng, dù bản thân con người đó có như thế nào đi chăng nữa. Con người vốn “nhân vô thập toàn”, nhưng “nhân chi sơ tính bản thiện”, không ai tự bản chất là xấu xa cả. Đón nhận và tin tưởng con người là khởi đầu cho một hành trình yêu thương. Và chỉ có yêu thương một cách vô điều kiện, khi ấy chúng ta mới có thể làm cho người khác nhận ra chính giá trị của bản thân họ, từ đó có thể giúp họ thăng tiến hơn.
Tình yêu theo lối nhìn của thánh Phaolô Thánh Phaolô đã tóm tắt nhiều nét đặc trưng của tình yêu trong những lời khuyên nhủ ngài gởi cho giáo đoàn Côrintô :
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”. (1Cr 13, 4-7).
Tình yêu luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Tình yêu là vô biên. Nói như thánh Bênađô : “Giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn”. Thế mà trong thế giới của chúng ta hôm nay, người ta lại thích đi tìm những giải pháp tức thời, những kinh nghiệm ngay tức khắc, những mối tương quan đễ dãi chiều chuộng, những kiểu yêu vội sống cuồng ... Tất cả những hình thức trên đều không thoả mãn khát vọng yêu thương sâu thẳm của lòng người; con người ngày nay vẫn khát khao những chứng tá của một tình yêu sâu thẳm.
Tình yêu cứu độ thế giới
Rất nhiều khi con người bị thúc bách bởi một thứ tình yêu hạ đẳng. Yêu thương được xem như một cách thức để lấp đầy những khoảng trống, những nhu cầu của tâm hồn. Càng cô đơn, càng trống vắng, người ta càng có nhu cầu bù đắp; lúc này nhiều khi yêu thương bị đồng hoá với sự thoả mãn ích kỷ, hay đơn giản như một thứ rượu bia, xì ke, ma tuý kích thích ru ngủ con người. Tình yêu đích thực không thể nào là một thứ bù đắp như thế.
Tình yêu đích thực có sức cứu độ. Đức Giêsu yêu thương bạn hữu của mình là anh Ladarô, Người đã kéo anh ra khỏi huyệt mộ và cho trở về với cuộc sống (X. Ga 11). Trong thời đại chúng ta hôm nay, tình yêu vẫn có sức phục sinh kẻ chết, đó là những người chết về mặt tinh thần, xã hội, tôn giáo ... Bao bạn trẻ lầm lạc rơi vào con đường sai trái, nào là nghiện ngập, chơi bời, trộm cắp ... rồi chán nản thất vọng, tìm cách quyên sinh ... Phần lớn do các bạn ấy thiếu thốn tình yêu, hay được yêu không đúng cách. Chỉ có tình yêu đích thực mới có thể làm cho họ trở về, tình yêu có sức cứu độ là vậy.
Đức Gioan XXIII căn dặn chúng ta : “Bất cứ đi đến đâu, bạn hãy mang trái tim theo đó”. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn, tương quan giữa người với người sẽ thân thiện, nồng thắm hơn nếu mỗi người đều biết cho đi, đều yêu thương đích thực. Nói như thánh Phaolô, nếu không có tình yêu, đời sống chúng ta sẽ vô nghĩa, và bản thân chúng ta cũng chẳng nói lên được giá trị gì.
TÌNH YÊU MUÔN VẺ
Như muôn nhánh sông đều chảy ra từ thượng nguồn, muôn cách thế khác biệt nhưng cũng chỉ diễn tả một tình yêu duy nhất. Trước tiên, yêu thương thể hiện qua chính việc yêu mình.
Yêu mình
Yêu thương chính mình là điều cần thiết trước khi chúng ta có thể yêu thương tha nhân. Đức Giêsu đã chẳng dạy chúng ta “hãy yêu thương người thân cận như chính mình” (Mc 12,31) đó sao. Theo cách nhìn này, có thể nói, bạn chỉ yêu thương người thân cận một khi bạn biết yêu thương chính bản thân mình. Yêu mình cũng có nghĩa là phải biết mình, biết những sở trường, sở đoản; không biết mình, không hiểu mình, thì chúng ta cũng khó biết và hiểu được người khác.
Yêu mình khởi đi từ việc biết chấp nhận và tôn trọng bản thân, biết khám phá và thăng tiến những giá trị của chính mình. Tuy nhiên, bậc thang giá trị của mỗi người rất khác nhau, đâu là quy chuẩn để mỗi người chọn lựa và thăng tiến ? Đâu là giá trị đích thực của bản thân tôi ? Rất nhiều khi chúng ta lầm tưởng điều này.
Chúng ta có thể sai lầm khi chọn lựa những bậc thang giá trị. Yêu mình là tốt, nhưng có người chỉ biết yêu mình, đến nỗi trở thành ích kỷ, chẳng còn biết quan tâm đến ai khác nữa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này có lẽ do tác động của nền văn hóa chúng ta đang sống : nền văn hóa tiêu thụ, hưởng thụ, khoái lạc, đề cao tự do cá nhân ... Theo đó, thước đo giá trị của mỗi con người được tính trên những gì họ sở hữu, những điều họ được hưởng thụ, hiệu năng công việc, vị thế trong xã hội, quyền hành xử trên người khác; hay cụ thể hơn, giá trị con người được đánh giá theo bộ đồ người đó mặc, chiếc xe người đó đi, thứ nước hoa đắt tiền người đó xài, hoặc đánh giá trên sức khỏe, sắc đẹp ... Toàn những thứ bên ngoài, nay còn mai mất. Giá trị của con người không hệ tại ở những điều chóng qua đó. Thiên Chúa sáng tạo và yêu thương mỗi người chúng ta như chúng ta đang là. Đó là giá trị đích thực của mỗi con người. Và như vậy mọi người dù sang hay hèn, đẹp hay xấu ... đều có giá trị như nhau.
Tình bạn
Ta đã nói đến những kiểu tình yêu ích kỷ, tình bạn không phải là thứ tình yêu ấy. Bạn đã nghe nói đến tình bạn của Bá Nha và Tử Kỳ trong văn học Trung Quốc, tình bạn của Nazis và Golmund trong “Đôi bạn chân tình” của Hermann Hesse, hay Lưu Bình và Dương Lễ trong văn học Việt Nam ... ? Ta gặp một điểm chung nơi những tình bạn này là sự trung thành, cảm thông và chia sẻ. Tình bạn đích thực sẽ không ích kỷ, không tìm cách loại trừ nhau, nhưng chia sớt với nhau những nỗi niềm trong cuộc sống và giúp nhau cùng thăng tiến.
Thiên Chúa thích làm bạn với con người, Đức Giêsu gọi các môn đệ là bạn hữu (Ga 15,15), thế sao con người lại không thể là bạn của nhau ? Chỉ khi nào là bạn, chúng ta mới có thể bộc lộ hết nỗi niềm, mới không đeo mặt nạ, mới có thể cảm thông cả những yếu đuối, sai lầm của nhau trong cuộc sống. Có thể nói tình bạn là nền tảng căn bản của mọi thứ tình yêu trong cuộc sống.
Chúng ta tìm hiểu một thứ tình yêu khác, nhẹ nhàng, quyến rũ hơn.
Tình yêu đôi lứa
Rất nhiều điều phải bàn đến trong khía cạnh tình yêu đôi lứa này. Ở đây chỉ xin đề cập đến sự hoà hợp giữa hai thân xác, hai tâm hồn. Đến tuổi trưởng thành, người nam và người nữ có khuynh hướng thu hút nhau, hấp dẫn lẫn nhau, và rồi nên vợ nên chồng, nên một thân xác, một tâm hồn. Những tương quan giới tính làm cho hai người phát triển sung mãn, và làm nảy sinh sự sống mới.
Thường người ta hay e ngại, hoặc đánh giá thấp những hành vi ân ái vợ chồng; trong đời sống lứa đôi, hành vi đó không có gì là xấu xa, nhưng là thánh thiện, tốt đẹp. Chính vì thế trong bài giáo huấn về đời sống gia đình, thánh Phaolô đã nhắc lại đoạn văn trong sách Sáng Thế : “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (Ep 5,31).
Tuy nhiên, con người ta vì tội lỗi làm suy yếu, nên rất khó vượt qua những đòi hỏi của bản năng, nên nhiều khi tình yêu trong hôn nhân bị lạm dụng, bị xúc phạm. Hành vi ân ái không còn là việc thiêng liêng giữa vợ và chồng, mà nhiều khi chỉ là việc làm thoả mãn bản năng bên ngoài phạm vi hôn nhân. Và như thế, đây không phải là tình yêu đích thực nữa, mà là một sự biến thái, lạm dụng, mua bán hay trao đổi thân xác.
Tình yêu lãng mạn
Khi nói đến tình yêu, có lẽ trong đầu bạn nghĩ ngay đến loại tình yêu này. Hơn bất cứ loại đề tài nào, tình yêu lãng mạn là đề tài muôn thuở của tiểu thuyết, thi ca, và nhiều loại hình nghệ thuật khác nữa.
Người ta thích nói đến tiếng sét ái tình, đến những cảm giác tuyệt vời khó tả của kẻ đang yêu, và cả đến những chuyển biến tâm lý khác thường của họ nữa. Sau đây là tâm trạng của một cô gái đang yêu được thổ lộ :
“Anh yêu, giờ đây em mới hiểu thế nào là tiếng sét ái tình. Em đã yêu anh ngay từ cái buổi gặp gỡ ban đầu ấy. Tất cả những gì em có thể làm lúc này là nhớ về anh. Bóng hình anh đã chiếm trọn trái tim em đến nỗi dường như em nghẹt thở ! Em nghĩ rằng có lẽ chẳng có phút giây nào mà anh không hướng về em, có phải thế không anh ? Chỉ cần nghĩ đến anh thôi là trái tim em rộn rã, ruột gan em bồi hồi thổn thức. Em làm sao sống được nếu không có anh ! Anh là lý tưởng của em, là sức sống của em, là tình yêu của em. Em yêu anh mãi mãi”.
Rất có thể tình yêu đôi lứa khởi đi từ sự rung cảm đầu đời, từ tiếng sét ái tình như thế. Những cảm xúc của cô gái kể trên là điều rất thực, nhưng thường không bền. Tình yêu lãng mạn chợt đến rồi chợt đi, đó không phải là điều tất yếu để tình yêu lứa đôi nên bền chặt. Một chút lãng mạn làm cho cuộc sống uyển chuyển, nhẹ nhàng, nhưng không hẳn phải lúc nào cũng có.
Chúng ta cần lưu ý những cạm bẫy của sự lãng mạn, nhiều khi lãng mạn quá, sẽ làm cho cuộc sống trở nên không thực tế, và sau một phút choáng ngợp, người ta có thể sẽ thất vọng ê chề. Chúng ta chứng kiến bao cảnh thất tình hoá nên điên dại là như vậy. Cuộc sống không chỉ có bánh mì nhưng còn có hoa hồng nữa, nhưng nếu chỉ toàn hoa hồng thì đó cũng chẳng còn là cuộc sống. Cạm bẫy đầu tiên đó là :
Sự say đắm
Sự say đắm nhiều khi làm chúng ta trở nên mù quáng, mất đi sự nhận thức rõ ràng và khả năng phán đoán đúng đắn. Khi yêu, thấy cái gì cũng đẹp, cũng hợp nhãn, nhưng nếu một tình yêu không được lý trí hướng dẫn, sẽ là tình yêu mù loà, nông nổi. Sống trong tình yêu lãng mạn say đắm, có thể ví tựa như bạn đang ngồi trên toa xe lao vun vút trên con đường siêu tốc trải dài từ đỉnh xuống triền núi, mọi vật xung quanh bạn trở nên mờ nhạt, và bạn chỉ còn một cảm giác chóng mặt, choáng váng. Sự say đắm có thể đem lại cho bạn những giây phúc xúc động, nhưng bạn lúc nào cũng như kẻ đang đi trên dây, từng nỗi hồi hộp run run nằm ngay dưới bàn chân của mình.
Cạm bẫy thứ hai của tình yêu lãng mạn đó là dễ làm cho bạn thần tượng hoá người khác.
Thần tượng hóa
Có bao giờ bạn đã coi ai khác như một thần tượng ? Một khi bạn đã thần tượng hóa một ai, thì trong mắt bạn, người ấy là tuyệt hảo, tuyệt vời, là câu trả lời cho mọi thắc mắc, mọi ước mơ đời bạn. Và nhiều khi bạn còn thấy đời mình chẳng có ý nghĩa gì nếu không có người ấy, không trở nên giống người ấy. Bạn từ từ thay đổi mình theo khuôn mẫu người ấy nhưng bạn không hề ý thức mình đang thay đổi. Bạn nghĩ rằng mình yêu thương người ấy thực sự, nhưng thực ra bạn chỉ yêu hình ảnh của bạn có trong người ấy mà thôi.
Bỗng một ngày kia, bạn phát hiện ra những khuyết điểm của thần tượng, thế là thần tượng sụp đổ. Những điều trước đây bạn từng yêu quý trân trọng, giờ đây như một gánh nặng, như một điều gì giả dối đối với bạn. Bạn cảm thấy mình bị xúc phạm, bị tổn thương. Lúc này bạn mới thấy rằng tình trường quả lắm nhiêu khê, nhiều trắc trở, nào đâu có thuận gió suôi buồm như bạn vẫn ước mơ. Và bạn cũng ngộ ra rằng tình yêu lãng mạn phải chăng cũng chỉ như chút hương gởi gió.
Tình yêu gia đình
Trước khi bạn biết yêu mình, biết thế nào là tình bằng hữu, tình yêu đôi lứa, tình yêu lãng mạn ... thì bạn đã được sinh ra, được nuôi dưỡng, và cảm nhận tình yêu của gia đình trước hết. Chỉ trong gia đình, bạn mới hiểu được thế nào là một tình yêu vô điều kiện. Dù bạn là ai, là một con người như thế nào đi chăng nữa, thì cha mẹ vẫn đón nhận bạn một cách vô điều kiện. Có nhiều cha mẹ lên tiếng từ chối những đứa con hư hỏng, không chấp nhận những đứa con này như thành viên trong gia đình, thế nhưng khi chúng gặp hoạn nạn, hoặc tù đầy, thì chính cha mẹ lại là người đầu tiên xách giỏ đi thăm nuôi !
Trong gia đình, bạn cảm nhận được mầu nhiệm tình yêu một cách rõ nét hơn cả : người ta không so đo tính toán, không tìm tư lợi; đặc biệt hình ảnh người mẹ, người cha, suốt đời lam lũ lo cho con cái từng miếng cơm manh áo, coi sự thành đạt và hạnh phúc của con là hạnh phúc của mình. Những ai được sinh ra, được nuôi dưỡng trong một bầu khí gia đình yêu thương như thế, nhân cách của người đó sẽ phát triển sung mãn và thành toàn. Và cũng từ gia đình, người ta học được bài học yêu thương trắc ẩn. Tình yêu được nuôi dưỡng và lớn lên từ chính thái độ biết quan tâm đến người khác, nhất là những người bất hạnh. Từ phạm vi một gia đình máu mủ ruột thịt, người ta có thể mở rộng ra những gia đình lớn hơn, gia đình thiêng liêng, đoàn thể, giáo xứ, quê hương ... và mở ra với cả gia đình nhân loại. Segundo Galilea, một thần học gia châu Mỹ Latinh đã nói :
“Kitô giáo chỉ trở thành một tôn giáo khi người ta tìm thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, nhất là những con người nghèo khổ, yếu đuối, bị bỏ rơi ... Không có Kitô giáo, thì cũng không tìm thấy ý nghĩa nào của sự nghèo khổ” . (Following Jesus, p. 31).
Tình yêu thiên nhiên
Những ai đã tìm hiểu về văn hóa Đông phương, chắc hẳn không xa lạ gì với cách sống của những bậc hiền nhân quân tử, những con người thích giao du sơn thuỷ, thơ túi rượu bầu, cả chốn dương gian hết thảy đều là nhà, tất cả đều là anh em, “tứ hải giai huynh đệ”.
Quả thực trái đất này là ngôi nhà để con người trú ngụ. Trong ngôi nhà ấy, muông thú, cỏ cây, cá biển, chim trời ... là anh em, là bạn hữu của con người. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngôn sứ Đanien mời gọi muôn loài muôn vật cùng ca tụng Thiên Chúa :
Chúc tụng Chúa đi mọi công trình của Chúa
Chúc tụng Chúa đi nguồn nước tận cao xanh
Chúc tụng Chúa đi, mọi cơ binh thượng giới,
Chúc tụng Chúa đi, mặt trời với mặt trăng,
Chúc tụng Chúa đi, hỡi tinh tú muôn ngàn ... (Đn 3,57-88.56)
Thánh Phanxicô Atxidi đã gọi mặt trời là anh, mặt trăng là chị, ... Còn Raymond Hamilton thì có bài thơ tuyệt vời nói về mối quan hệ khắng khít giữa mình với thiên nhiên :
Trái đất là mẹ của tôi
Mẹ sát bên tôi từ hồi thơ ấu
Mặt trời là cha tôi đấy.
Bộ dạng bề ngoài ...,
ấy vậy hiền khô.
Ngôi sao tôi gọi là cô.
Mặt trăng là chị tha hồ dung dăng... (Carl Koch, p. 135).

Chúa không dựng nên con người một mình trơ trọi, nhưng Người đặt thụ tạo cao quý của mình vào vườn Êđen, trao cho con người quyền cai quản thiên nhiên, bá chủ chim trời cá biển. Có thể nói, trong chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa, thiên nhiên và muôn vật là những người em nhỏ bé của chúng ta, chúng cũng đang chờ ngày Thiên Chúa cứu độ như chúng ta.
Vì vậy, khi yêu thương và bảo vệ thiên nhiên, là chúng ta đang yêu thương và bảo vệ chính mình. Con người không thể sống tách rời khỏi thiên nhiên, cho dẫu người ta có thể sinh ra trong lồng kiếng. Con người ngày càng trở nên cằn cỗi, thô kệnh, nóng nảy, vì con người không sống hoà điệu với thiên nhiên, đã trở nên thù địch với thiên nhiên. Một khi con người sống thuận, sống hoà điệu với thiên nhiên, con người mới là mình trọn vẹn.
Tình yêu Thiên Chúa
Chúng ta chỉ có thể nói được mình yêu Thiên Chúa khi chúng ta biết yêu thương chính mình, yêu thương đồng loại, và yêu thương công trình sáng tạo của Người. Như thánh Gioan đã nói : “Ai không yêu thương người anh chị em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy được” (1Ga 4,20). Vì vậy, tìm kiếm và thăng tiến những điều thiện hảo nơi tha nhân và nơi công trình sáng tạo, là trường học dạy ta biết yêu mến Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn vật muôn loài. Chúng ta cùng đi vào nẻo đường khám phá này.
Hành trình khám phá
Tình yêu là điều rất tự nhiên nơi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chính là tình yêu. Thiên Chúa còn như một người bạn, người yêu, người cha, người mẹ, là Đấng Tạo Hoá, và hơn thế nữa, chúng ta không thể hình dung hết về Người được, Người vượt xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra và gán cho Người.
Muốn yêu mến Thiên Chúa, mỗi người phải lên đường khám phá, phải tìm ra một cách thế riêng cho mình. Nẻo đường đó vạn dặm, chẳng ai giống ai, mỗi người mỗi cảm nhận khác nhau, mỗi kiếm tìm độc đáo.
Có người khởi đi từ những nẻo đường trần thế, từ đó khám phá ra Thiên Chúa và yêu mến Người (Đại diện cho nẻo đường khám phá này là thánh Tôma Aquinô); có người khởi đi từ căn nhà nội tâm, từ đó khám phá Thiên Chúa hiện diện và yêu mến Người (Có thể coi đây là con đường của thánh Âutinh). Điểm xuất phát của mỗi người mỗi khác, nhưng tất cả họ đều gặp nhau ở điểm khám phá ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người, và một khi đã cảm nhận được tình yêu này, con người không thể không đáp trả.
Một cách thức đáp trả : hiện diện và lắng nghe. Như hai người yêu nhau, những phút giây hiện diện bên nhau, lắng nghe nhau, làm cho tình yêu của họ càng thêm bền chặt. Càng đi vào mối thâm giao, họ càng dành nhiều thì giờ cho nhau hơn. Thiên Chúa cũng vậy, Người luôn hiện diện với chúng ta, và Người mời gọi chúng ta đi vào mối tương quan thâm giao với Người.
Mối tương quan này thể hiện trong cả cuộc sống, nhất là những phút giây chúng ta hiện diện và lắng nghe Ngài, đó là những phút cầu nguyện, những giờ khắc chúng ta sống thân tình với Chúa. Thiếu đời sống cầu nguyện đích thực, khó lòng chúng ta có thể nói mình đang sống trong mối tương quan tình yêu. Có thể nói, cầu nguyện là ngôn ngữ của tình yêu (rất nhiều khi chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ cầu nguyện như một việc xin ơn), chỉ có ai biết yêu, đang yêu, mới hiểu tình yêu là thế nào; cũng vậy, chỉ những ai đang yêu mới biết cầu nguyện đích thực, và những ai biết cầu nguyện đích thực mới chứng tỏ mình đang yêu thực sự.
TÌNH YÊU LÀ MỘT THỬ THÁCH
Quả thực, nẻo đường tình yêu vạn dặm, và diệu vợi vô cùng. Tình yêu là một thử thách. Trên lộ trình này, chúng ta phải vận dụng tất cả mọi tài năng của mình để thi thố tình thương, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, sự nâng đỡ, sự thứ tha... Nhưng rất thường, ngôn ngữ yêu bị lạm dụng, bị hiểu sai. Chướng ngại thử thách đã mở ra ...
Khi chữ yêu được dùng như một ngôn ngữ rẻ tiền
Trước khi tìm hiểu sâu xa những thử thách của tình yêu, chúng ta thử nhìn lại xem trong văn hóa, ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta, từ ngữ này bị lạm dụng như thế nào. Nhiều khi từ ngữ “yêu” bị mất đi tính trong sáng và người ta không hiểu hết được ý nghĩa của từ ngữ này. Hằng ngày, trong giao tiếp, trên các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình ... đặc biệt các trang mục quảng cáo, nhiều khi chúng ta thấy tình yêu bị hạ giá, bị rao bán, trở thành món đồ trang sức cho những kẻ cho mình là sành điệu ... Xin nêu vài ví dụ điển hình :
Có bao giờ tình yêu thiêng liêng, riêng tư giữa hai người lại đưa lên loa phát thanh mà gào thét không ? Thế mà ta vẫn nghe : “Ế ồ ồ ế ô, yêu em nhất trên đời ... Chỉ một mình em thôi ...” Đó là thứ tình yêu nào vậy ? Có lẽ đây là loại “tình yêu đến anh không mong đợi gì, tình yêu đi anh không hề hối tiếc ...” ?
Và có bao giờ bạn nghe nói có những kẻ yêu xe, yêu tiền, yêu bóng đá ... ? Không biết người ta hiểu “yêu” là như thế nào nhỉ ? Thực ra, ý nghĩa tròn đầy của tình yêu có một sức mạnh phi thường, tình yêu không phải như những điều chúng ta vừa kể. Nên thận trọng khi sử dụng từ “yêu” này, tình yêu chẳng bao giờ là một trò giải trí hay là một chuyện đùa cả.
Khi tình yêu bị chối từ
Nền tảng căn bản nhất của thách đố trong tình yêu là chọn lựa hay chối từ, điều này diễn ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Mặc dù trọng tâm đời sống của người Kitô hữu là yêu thương, nhưng rất nhiều khi chúng ta đã chọn lựa ngược lại. Từng phút giây, xung quanh chúng ta vẫn diễn ra bao nỗi bất hòa, bạo động, loại trừ nhau ... nói tóm lại, chúng ta từ khước yêu thương, chúng ta phạm tội.
Tội chính là chúng ta quay đầu lại với Thiên Chúa, khước từ tình yêu, mà Thiên Chúa là tình yêu. Nếu yêu thương là tìm kiếm và thăng tiến những điều thiện hảo nơi tha nhân, thì tội lỗi chính là làm tổn hại, tổn thương người khác. Tuy nhiên, tội lỗi không chỉ đến từ những yếu đuối, từ những hoàn cảnh, nhưng quan trọng là ta đã không sử dụng tự do để chọn lựa yêu thương.
Tội lỗi có khi đến từ những việc làm sai trái gây thiệt hại và tổn thương người khác, nhưng tội lỗi cũng còn đến từ những việc chúng ta sao nhãng, thiếu quan tâm, không biết chia sẻ cho người khác. Tin mừng Mátthêu chương 25 nói rõ cho chúng ta điều này. Tình yêu không chỉ dừng lại ở sự công bằng, mà còn vươn lên tới đức ái nữa.
Trong từng khoảnh khắc, với vô số những chọn lựa hằng ngày của đời thường, làm sao để mỗi chọn lựa ấy đều là những chọn lựa yêu thương. Đó là một thách đố không nhỏ đối với mỗi người chúng ta.
Chọn lựa từng cử chỉ yêu thương
Dẫu cho chúng ta có nỗ lực hết sức, có thể xây dựng được mối tương quan yêu thương, nhưng chẳng bao giờ chúng ta có thể đạt được mối tương quan yêu thương hoàn hảo. Thế nhưng Đức Giêsu vẫn mời gọi chúng ta mỗi ngày phải trở nên hoàn hảo như Cha ở trên trời là Đấng hoàn hảo. Chính điều này thúc bách chúng ta phải chọn lựa từng nghĩa cử yêu thương trong cuộc sống. Những nghĩa cử đó là:
- Nỗ lực để hiểu người khác: nếu chúng ta không thấu hiểu sâu xa được nỗi lòng của nhau, thì mãi mãi chúng ta cũng chỉ là những con người hời hợt, khó lòng cảm thông, khó có thể đáp ứng được nhu cầu thực sự của họ. Muốn hiểu biết được người khác, chúng ta phải :
- So dây lòng mình với dây lòng người: hiểu biết còn là bắt gặp sự rung cảm, hoà điệu giữa hai tâm hồn, biết cách làm cho mình trở nên hữu dụng đối với người khác. Chính sự hiểu biết này làm cho hai tâm hồn thấu cảm nhau, bớt đối xử với nhau bằng những nguyên tắc cứng nhắc, nhưng:
- Biết linh động và uyển chuyển: linh động sẽ làm cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và sinh động hơn. Tâm hồn con người không phải là cái gì xơ cứng, nhưng rất nhạy cảm; chính sự nhạy cảm này dệt nên giai điệu của tình yêu.
- Gỡ mình ra khỏi những xung đột: một điều rất thật là dù hai người có hiểu nhau mấy đi chăng nữa, thì mỗi người đều có những khác biệt căn bản. Những khác biệt này không làm rạn nứt mối tương quan, nhưng bổ túc và làm cho cuộc sống phong phú hơn. Tuy nhiên sự khác biệt cũng là nguyên cớ gây xung đột; điều quan trọng là chúng ta phải gỡ mình ra khỏi mối xung đột đó và nhận ra giá trị đích thực của nhau. Hành trình này rất dài, và không thể thiếu vắng một điều quan trọng, đó là :
- Biết kiên nhẫn : kiên nhẫn là người thầy giúp ta giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Để tiến đến sự hoàn thiện, mỗi người đều cần có thời gian, cần một tiến trình liên tục, tiệm tiến. Chúng ta không được phép đốt giai đoạn, điều quan trọng là kiên nhẫn chờ cái phút giây thành toàn ấy.
- Sống thực : bạn không cố tình sống giả dối, nhưng nếu muốn sống thực sự con người bạn, không phòng vệ, không mặt nạ, không tô màu chét phấn ... bạn phải trả giá đắt đấy. Tuy nhiên, chỉ có sự trung thực mới có thể làm cho mối tương quan trở nên bền vững. Chắc hẳn chẳng bao giờ bạn muốn xây dựng mối tương quan giả tạo và ngày một ngày hai là tan vỡ ? Tương quan thực sự rất cần có điều này :
- Tin tưởng lẫn nhau : nếu không tin người khác, làm sao bạn có thể tiến xa hơn trong mối tương quan được. Bất cứ mối quan hệ nào : cha mẹ, con cái, vợ chồng, bạn hữu, nghề nghiệp ... chữ tín vẫn phải coi trọng. Tin tưởng là người bạn thân thiện của yêu thương đấy. Thế nhưng muốn tin tưởng nhau được, chính bản thân chúng ta phải tỏ ra thiện ý trước.
- Tỏ ra mình đáng tín nhiệm : người xưa từng nói : “Một lần bất tín, vạn lần không tin”. Muốn tạo được mối tín nhiệm lẫn nhau, chính bản thân mình phải tỏ ra cho người khác thấy là họ có thể tin chúng ta được. Giữa một xã hội vàng - thau lẫn lộn, sự tín nhiệm đang bị nghi ngại nặng nề. Bao nhiêu kẻ bị mắc lừa chỉ vì dễ tin người khác. Trong bối cảnh này để tỏ ra rằng mình đáng tín nhiệm, thật khó khăn
bội phần.
- Thái độ khiêm tốn : khiêm tốn không có nghĩa là phủ nhận những khả năng của mình, không dám lãnh nhận trách nhiệm, lúc nào cũng “dạ, em không dám, em chẳng biết gì, em nhỏ bé ...” Khiêm tốn là nhìn nhận khả năng thực sự của mình, biết sở trường sở đoản của mình; đồng thời biết chân nhận khả năng của kẻ khác. Ngược với thái độ khiêm tốn là tự cao tự đại, không biết mình, và cũng
không biết tôn trọng người khác. Kẻ tự cao chẳng bao giờ là mẫu người lý tưởng để chúng ta học hỏi cả.
- Sống hy vọng : kẻ thù nguy hiểm nhất của con người là thất vọng. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người, và con người cũng không bao giờ có quyền thất vọng về nhau, không có quyền thất vọng về chính mình. Dẫu biết rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng như mình tưởng, nhưng nếu chúng ta có tâm hồn lạc quan, cuộc sống sẽ tươi sáng hơn. Cuộc sống như một tấm gương, nếu ta cười với nó, nó sẽ cười với ta; nếu ta mếu với nó, nó cũng sẽ mếu với ta. Sống hy vọng, lạc quan, chúng ta sẽ tiến bước đến những chân trời mới.
- Sống can đảm : bạn không được khuyến khích để chùn chân, thối lui, hay hoảng loạn khi đối diện với những bất trắc trong cuộc sống. Can đảm chính là chúng ta mạnh dạn đối diện với thực tại, cho dù thực tại ấy phũ phàng. Đặc biệt trong tương quan yêu thương, không có chỗ dành cho bạn sợ sệt. Chúng ta không lãnh nhận được Thần Khí để thành nô lệ, nhưng trở nên tự do, một thứ tự do tuyệt vời của con cái Chúa.
- Thứ tha : có thể nói yêu thương và tha thứ là hai mặt của một thực tại. Không thể có yêu thương thật nếu không có tha thứ. Trong cuộc sống, ai cũng có lầm lỗi. Chúng ta chỉ có thể yêu thương thực sự khi biết tha thứ cho chính mình và tha thứ cho người khác nữa. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau.
KẾT LUẬN
Chỉ cần một phút dừng chân để chiêm ngắm cuộc sống, bạn sẽ khám phá ra muôn điều kỳ diệu; và có lẽ điều kỳ diệu nhất chính là huyền nhiệm tình yêu. Vì yêu, Thiên Chúa sáng tạo thế giới này; vì yêu, chúng ta được hiện hữu; vì yêu, Thiên Chúa đã làm người, đã chịu chết nhục nhã để cứu độ chúng ta; vì yêu, con người tiến lại gần nhau, hy sinh cho nhau... Tóm lại, tình yêu là sự sống, là sự sáng tạo, là ý nghĩa của kiếp nhân sinh này. Tình yêu có sức phục sinh con người và cứu độ thế giới.
Thiếu vắng tình yêu, trần gian sẽ là hoả ngục, con người sẽ trở thành lang sói của nhau. Kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, mong sao từng khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc sống ấy sẽ là những khoảnh khắc yêu thương. Giai điệu yêu thương chỉ có được, khi từng nốt nhạc yêu thương được tấu lên; mỗi chúng ta phải là một nốt nhạc yêu thương trong bản trường ca cuộc sống mến thương này.
Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, OP.
 
 Tags: SUY TƯ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 29
  • Hôm nay 5,315
  • Tháng hiện tại 114,666
  • Tổng lượt truy cập 10,858,927
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây