ĐỂ “BIẾT THẬT CON CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI”

Thứ bảy - 23/12/2023 08:33
Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng B
Annunckiation of the Lord 770x393 1
Annunckiation of the Lord 770x393 1
Chúng ta đang họp nhau cử hành phụng vụ Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, mùa “Trông Đợi, Dọn Đường” để sẵn sàng bước vào cử hành Mầu Nhiệm Giáng Sinh.
Để nêu bật ý nghĩa đặc biệt nầy, Lời Chúa hôm nay gọi mời chúng ta luôn biết mở lòng đón nhận “mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời của Thiên Chúa”; mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít là Chúa Giêsu, đang đến, đang có mặt, đang đồng hành với chúng ta bằng thái độ “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố truyền Tin.
          Như vậy có thể nói được rằng: nội dung sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật cuối cùng Mùa Vọng này tập chú vào 3 nhân vật: Đavít, Giêsu và Maria..
          Về nhân vật Đavít thì qua Bài đọc I với trích đoạn của sách Samuel quyển hai tường thuật việc thánh vương Đavít muốn “xây nhà cho Thiên Chúa” sau khi đã ổn định giang sơn và yên vị tại Giêrusalem. Tuy nhiên, qua ý định của Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Nathan, Thiên Chúa không muốn Đavít xây nhà cho mình, nhưng chính Ngài sẽ đích thân “xây nhà”, tức thiết lập và củng cố “Triều Đại của Đavít”: “Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.
          Đây chính là một lời tiên báo rõ nét nhất, kể từ “biến cố sa ngã”: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15); và cũng là một khẳng định dứt khoát sau nhiều lần hứa hẹn ước giao…
          Thật ra, Đavít và bao nhiêu vị vua kế tục ngai vàng của ông cũng chẳng là gì xét theo khía cạnh nhân loại. Tất cả rồi cũng điêu tàn, khuất bóng; mà trong số “các miêu duệ của ông”, có nhiều người đã bất trung, yếu hèn, tội lỗi; như chính Đavít cũng đã hơn một lần phạm tội tày trời: ngoại tình, sát nhân! Thế nhưng, điều mà Lời Chúa muốn chuyển tải ở đây chính là sự trung tín của lòng xót thương và quyền năng vững bền của chương trình cứu độ! Bởi vì, chính trên cái phông nền nhân lọai “Dòng tộc Đavít” tối tăm, tội lỗi đó (như Bản Gia phả của Tin mừng Matthêô minh chứng), Thiên Chúa đã “xây nhà” và kiến tạo “một triều đại “vững chắc đến muôn đời” qua nhân vật Giêsu, như lời truyền tin của thiên sứ Gabriel trong Tin mừng Luca: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
          Thì ra hai nhân vật “Đavít”, “Maria” và câu chuyện “Thiên Chúa xây nhà cho Đavít” hay “Truyền Tin cho Đức Maria” chỉ là tấm phông nền (background) mà Lời Chúa muốn “dựng lên” để “chiếu sáng” một nhân vật chính: Chúa Giêsu, không phải chỉ là một “miêu duệ bình thường của dòng tộc Đavít”, nhưng, như định nghĩa của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma (BĐ 2), là một mầu nhiệm vĩ đại “được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày”.
          Với ba tuần Mùa Vọng vừa trôi qua, Dân Chúa được gọi mời “dọn đường đón Chúa đến” qua những lời hiệu triệu của ngôn sứ Isaia, qua sứ điệp và con người của Gioan Tẩy Giả, qua thái độ công chính vâng phục của Thánh Giuse…, thì với Chúa Nhật cuối cùng nầy, Lời Chúa thông báo cách rõ ràng và đầy tính gấp rút: Chúa đã đến sát cửa đây rồi. Đây không còn là lúc phải bận tâm những câu chuyện thuộc cái tôi, chuyện mang tính trần tục thuộc loài người (như chuyện xây nhà của Đavít), mà là biết mau mắn mở lòng ra đón nhận Thánh ý của Thiên Chúa như Đức Trinh Nữ Maria: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”.
          Vâng, Đức Mẹ Maria cùng với huyền nhiệm Truyền Tin, nhất là với hai tiếng “Xin Vâng” của Mẹ, được Phụng vụ chọn như là chân dung đẹp nhất, sự kiện hoàn hảo nhất của Mùa Vọng, để qua đó, Dân Chúa làm cuộc chuẩn bị cuối cùng, sắp sẵn, để đón mừng Con Chúa giáng trần. Vâng, tiếng “xin vâng huyền diệu” như lời của nhạc sĩ Trầm Hương: kể “từ lúc Mẹ nói lời xin vâng, Mẹ trở nên Thánh Mẫu tuyệt vời… kỷ nguyên mới đã đến trong đời… Ngôi Lời Thiên Chúa đến với nhân loại… Huyền diệu quá muôn đời tiếng Xin Vâng” !
Bởi vì, không thể có Giáng Sinh nếu không có biến cố Truyền Tin cùng với tiếng “Xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria. Hài Nhi Giêsu không thể sinh ra mà không đi ngang qua chín tháng trong bụng Mẹ; và giây phút khởi đầu của huyền nhiệm “NHẬP THỂ-LÀM NGƯỜI” đó chính là phút giây cô Trinh Nữ làng Nadarét đã đáp lại sứ thần Gabriel bằng hai tiếng “Xin vâng”.
          Sau lời “Xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria, Ngôi Lời đã trở thành một thai nhi. Con Thiên Chúa mang lấy thân phận và cuộc sống loài người. Và kể từ đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã bắt đầu chọn đi trên nẻo bấp bênh của kiếp phận con người: lớn lên chín tháng trong lòng mẹ như bao vạn triệu con người để rồi cất tiếng khóc oa oa chào đời giữa hang súc vật. Ngài đã không chọn cách kiểu vào đời oai phong lẫm lẫm bước xuống từ trời như một thiên sứ giáng lâm, mà Ngài cần sự sống được chuyển thông từ dòng sữa mẹ, để hiện diện trong thế giới này bằng xác thân mỏng manh yếu đuối…
          Cuộc sống của Ngôi Lời quyền năng từ đây sẽ là cuộc hành trình mang theo tất cả buồn vui, âu lo, trăn trở; sẽ đong đầy nước mắt đoạn trường, sẽ dập dìu những đau thương khổ lụy. Cuộc sống của Ngài phản ảnh chính cuộc đời của Mẹ Ngài như lời tiên tri của ông già Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu cõi lòng bà” (Lc 2, 35). Và Người “Con Vua Đavít” đó, “Đấng Thánh” đó, Đấng được thiên sứ Gabriel xưng là “Con Thiên Chúa” đó, như Thánh Phaolô xác quyết và rao giảng ngay trong những ngày ngục tù ở Rôma, chính là Tin Mừng, một Tin Mừng “được thông tri cho các Dân Ngoại, để dẫn đưa họ về vâng phục đức tin”.
          Thế nhưng, chúng ta đang sống trong một thế giới mà rất nhiều người trong nhân loại chọn thái độ “khước từ” và “đóng cửa” trước Tin Mừng của Thiên Chúa. Và cũng chính thái độ đó đã giam hãm thế giới trong bóng tối lầm lạc, trong chiến tranh hận thù, trong suy đồi băng hoại tội lỗi… Riêng mỗi người Kitô hữu, đã đến lúc cần gác lại mọi sự nhộn nhịp, lòe loẹt bên ngoài để chuẩn bị trang trí tâm hồn bằng tấm lòng tinh trong, bằng vẻ đẹp của ân sủng thứ tha và hòa giải, bằng những giọt sáng lung linh là mến Chúa yêu người.
          Như vậy, sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật áp sát đại Lễ Giáng Sinh muốn mách bảo chúng ta rằng: Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục “truyền tin” và Ngài vẫn luôn cần những địa chỉ như tấm lòng sắt son kính mến của Đavít, như trái tim thảo hiền thánh thiện khiêm nhu của Đức Mẹ Maria… để “biết thật Đức Kitô” và “đầy tràn ơn thánh”, như chính lời kinh Tổng Nguyện mà Hội Thánh ngỏ lời với Thiên Chúa hôm nay: “Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh”. Amen.

Tác giả bài viết: Trương Đình Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 25
  • Hôm nay 7,858
  • Tháng hiện tại 26,207
  • Tổng lượt truy cập 11,657,594
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây