Có thể nói rằng chúng ta đang ở trong một thời đại mới của lịch sử nhân loại mà hoàn cảnh xã hội và văn hóa đã và đang thay đổi rất nhiều. Con người hiện đại đang trên đường phát triển trọn vẹn nhân cách của mình và xác định quyền lợi của mình cách rõ rệt hơn, càng ngày càng gia tăng ý thức tự trị cũng như trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng đang có nhiều sự rạn nứt giữa cá nhân, gia đình, chủng tộc, và các quốc gia. Một trong những sai lầm nghiêm trọng hơn cả của thời đại chúng ta là người ta tách rời đức tin ra khỏi đời sống hằng ngày của họ.[1] Sống trong một thế giới đầy biến động và xáo trộn như thế, con người rơi vào tình trạng khủng hoảng và vô vọng. Nhiều người đánh mất niềm tin và trở nên dè dặt, xa cách người khác, sống ảo. Bên cạnh đó còn có những tiếng kêu cứu của những người nghèo khổ, những người không nơi nương tựa và bị bỏ rơi, cô lập về cả thể lý lẫn tinh thần. Trước thực trạng đó, người tu sĩ hơn bao giờ hết càng cần trở nên cầu nối hiệp thông: hiệp thông với Chúa, với các thánh, và với dân Chúa trong Giáo hội hiệp hành.
1. Người tu sĩ sống hiệp thông với Thiên Chúa: Vì sao và bằng cách nào? 2. Người tu sĩ sống hiệp thông với các thánh 3. Người tu sĩ sống hiệp thông với dân Chúa trong Giáo hội hiệp hành |
1. Người tu sĩ sống hiệp thông với Thiên Chúa: Vì sao và bằng cách nào?
Mỗi người và tất cả chúng ta được dựng nên từ tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Từ muôn thuở, trong cung lòng Thiên Chúa, đã diễn ra sự đối thoại và trao ban giữa Cha, Con và Thánh Thần. Chính từ sự sung mãn của nguồn tình yêu đó, mà Thiên Chúa đã thông ban sự hiện hữu cho mọi loài thọ tạo qua công cuộc tạo dựng, và mời gọi nhân loại chia sẻ tình yêu với Ngài. Toàn thể công trình cứu chuộc (việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, sứ mạng của Hội thánh đều nhằm thực hiện mục tiêu cánh chung là dẫn đưa con người tới sự thông hiệp hạnh phúc với Thiên Chúa.[2] Nói cách khác, hiệp thông với Thiên Chúa chính là cùng đích sự tạo dựng của mỗi chúng ta vì sau quãng đời dương thế, chúng ta cũng sẽ trở về với Ngài.
Được kêu gọi và chọn lựa từ bỏ mọi sự để theo Đức Kitô trong ơn gọi thánh hiến, người tu sĩ càng phải thể hiện rõ hơn sự hiệp thông với Thiên Chúa qua việc theo sát Đức Kitô, Đấng là đối tượng mà người thánh hiến yêu mến trên hết mọi sự và Đấng mà tâm trí người thánh hiến luôn luôn nghĩ tới. Một trong những khía cạnh của sự hiệp thông với Thiên Chúa là mỗi tu sĩ chúng ta đi vào tương quan sâu xa hơn qua đời sống cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta về một đời sống cầu nguyện liên lỉ với Chúa Cha. Ngài cầu nguyện lúc sáng sớm, lúc chiều về sau một ngày rao giảng mệt nhọc, có khi Ngài cầu nguyện suốt đêm trước một biến cố hay quyết định quan trọng.
Cầu nguyện giúp các tu sĩ nuôi dưỡng và phát triển đời sống thiêng liêng, nghĩa là sống hiệp thông với Chúa, không ngừng đổi mới nội tâm. Hãy tưởng tượng một tình bạn không chia sẻ hiệp thông và không dành thời gian cho nhau thì tình bạn đó sẽ thế nào? Cũng vậy, cầu nguyện là dành thời giờ cho Chúa, nói với Chúa và lắng nghe Chúa nói với mình. Chính Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở các tu sĩ: phải lấy Chúa Giêsu làm trung tâm đời sống và luôn kết hợp mật thiết với Người bằng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa hằng ngày, cũng như sốt sắng cử hành phụng vụ các giờ kinh và Thánh Thể: Nếu các con đầy Chúa, các con sẽ là những tông đồ đích thực của công cuộc truyền giáo mới, vì không ai có thể cho cái mà họ không có trong tâm hồn.[3]
Nhờ cầu nguyện, người tu sĩ dần dần uốn nắn trái tim nên giống trái tim của Chúa, một trái tim luôn chạnh lòng trước những con người nghèo khổ, một trái tim mang đầy thương tích vì yêu thương con người và vạn vật. Gặp gỡ Chúa trong nguyện gẫm và cảm nghiệm về một Thiên Chúa nhân từ, chính trực và thành tín (x. Tv 116,5), người tu sĩ cũng để cho mình được biến đổi nên dễ thương dễ mến với mọi người.
Noi gương Đức Giêsu, Đấng bày tỏ lòng nhân hậu của Chúa Cha qua việc gần gũi những thành phần bị coi là ô uế (chẳng hạn người thu thuế, người tội lỗi); Ngài ưa thích lòng khoan nhân hơn là lễ tế; Ngài không ngại vất vả đi tìm những con chiên lạc, người tu sĩ cũng phải có lòng yêu thương đặc biệt đối với những kẻ bé nhỏ và người nghèo khổ. Đồng thời người tu sĩ trở nên cánh tay nối dài của chúa Giêsu để thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho tha nhân vì ai không yêu thì không biết Thiên Chúa (1 Ga 4,8) và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa (1 Ga 4,16).[4]
Để có được trái tim giống Chúa Giêsu và chia sẻ những thao thức của trái tim Ngài, người tu sĩ tự nguyện khấn giữ 3 lời khuyên phúc âm. Và trong Tông huấn Vita consecrata, bằng việc tuân giữ những lời khuyên ấy, người được thánh hiến sống với một cường độ đặc biệt mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và hoạ lại hình ảnh Đức Kitô trong toàn thể đời sống Kitô hữu. Do đó đời thánh hiến được kêu gọi không ngừng đào sâu ân huệ các lời khuyên Phúc âm nhờ một tình yêu ngày càng chân thành hơn và mạnh mẽ hơn trong chiều kích hiệp thông.[5]
Ngài ra, người tu sĩ thể hiện sự hiệp thông với Thiên Chúa qua việc không ngừng tìm kiếm thánh ý Ngài và thường xuyên hoán cải. Thật vậy, vâng phục thánh ý là nguồn mạch đưa tới tự do đích thực, khiết tịnh diễn tả niềm thao thức của một con tim mà không một tình yêu hữu hạn nào thỏa mãn được, nghèo khó nuôi dưỡng cơn đói khát công lý mà Thiên Chúa hứa làm no đầy. Trong viễn tượng này, người thánh hiến được thúc bách thuộc trọn về Thiên Chúa, được mời gọi duy trì một sự hiệp thông với Đức Kitô trong cuộc sống thân tình và phục vụ anh chị em. Người thánh hiến cũng để cho Thánh Thần hướng dẫn và nâng đỡ trên con đường thiêng liêng cũng như trong đời sống hiệp thông và hoạt động tông đồ, ngõ hầu sống trong thái độ phục vụ trong tin yêu”.[6]
Mặt khác, hiệp thông với Chúa tức là để cho lời Chúa thấm nhuần, hoạt động trong tâm hồn, trí óc và sinh hoa trái thiêng liêng như hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-35)
Trong một bài báo, Jonathan Parnell có viết: hiệp thông chính là việc Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho chúng ta và chúng ta đáp lại với lòng hân hoan, phấn khởi trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của Ngài và vui mừng vì tình bằng hữu Ngài ban cho chúng ta. Đôi khi Ngài cũng dùng “cây roi” mà sửa dạy chúng ta. Nhưng ngay cả trong nước mắt, chúng ta vẫn có thể vui mừng trong sự sửa phạt đầy yêu thương của Cha (Hr 12,6-11). Hiệp thông với Thiên Chúa có thể đòi hỏi người tu sĩ dám tự hiến nhưng nó không bao giờ phá hủy niềm vui của chúng ta. (Tv 43,3).[7]
Hiệp thông với Chúa còn là chạnh lòng thương những người mà Chúa gửi đến cho ta trong cuộc đời. Quả thật, Chúa luôn đồng hành và hiện diện với chúng ta. Điều quan trọng là trong mỗi ngày sống, mỗi giờ sống của mình, chúng ta có ý thức đủ về điều đó không? Chúng ta có mời Chúa tham dự, cho ý kiến và xin Ngài giúp đỡ về mỗi kế hoạch, dự tính và sứ vụ chúng ta thực hiện hay không?
2. Người tu sĩ sống hiệp thông với các thánh
Mỗi Kitô hữu nói chung và mỗi tu sĩ nói riêng ngay từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội đã thiết lập một tương quan hiệp thông với các thánh trong gia đình Giáo hội và cụ thể hơn là qua thánh Bổn mạng của mình. Tên một vị thánh chúng ta nhận không phải để trang trí cho tên của mình nhưng là để ta được đặt dưới sự bảo trợ của vị thánh ấy. Ngoài ra, khi gia nhập một Dòng tu hay tu hội, chúng ta có thêm sự hiệp thông sâu xa hơn với vị thánh Tổ phụ và các thánh trong gia đình Dòng. Các ngài luôn hiện diện trước nhan Thiên Chúa và không ngừng chuyển cầu cho chúng ta.
Thật vậy, các thánh hiện đang sống trước nhan Thiên Chúa nhưng vẫn giữ mối liên kết yêu thương và tình hiệp thông với chúng ta. Mỗi chúng ta đều có thể nói mình “được các bạn hữu của Thiên Chúa bao quanh, dẫn dắt và định hướng… Tôi không phải một mình vác lấy điều mà thật ra, tôi chẳng bao giờ có thể vác nổi một mình. Đoàn ngũ các thánh của Thiên Chúa đang ở đó để bảo vệ, đỡ nâng và đưa tôi đi”.[8]
Thật thế, mỗi lần chúng ta chắp tay một cách thành kính và nâng tâm hồn lên tới Chúa là chúng ta đang hợp với muôn ngàn thần thánh cùng cầu nguyện với và cho chúng ta như các anh chị ra đi trước chúng ta trong cuộc lữ hành trần gian. Nỗi đau của một tín hữu hay của Giáo hội thì không phải chỉ mang tính cá nhân nhưng là của toàn thể Giáo hội hoàn vũ và khải hoàn vì mọi người cùng chung nhịp thở và cùng lãnh nhận một nguồn ân sủng.
Các thánh luôn ở gần chúng ta và sự hiện diện của các ngài trong Giáo hội như là những “đám mây nhân chứng” sống động bao quanh chúng ta (Hr 12,1). Chúng ta tôn kính và tưởng nhớ các thánh vì các ngài với muôn vàn cách thế đã đưa chúng ta lại gần Thiên Chúa và Chúa Kitô. Các thánh không phải từ khi sinh ra đã thánh thiện, hoàn hảo, nhưng các ngài là những nhân chứng cho việc gặp gỡ Chúa Giêsu, được biến đổi và kiên quyết theo Ngài. Như thế không bao giờ quá trễ cho một tội nhân biết hoán cải và trở về với Chúa là Đấng giàu lòng từ bi và tràn đầy tình yêu (x.Tv 103, 8).[9]
Đức Thánh Cha Phanxicô còn chỉ cho chúng ta một phương thế tuyệt vời để đối phó với những biến động và thách đố trong thời đại ngày nay: Đó là chúng ta hãy xin anh chị em của chúng ta, nhất là các thánh, cầu nguyện cho chúng ta. Nếu chúng ta gặp thử thách chưa quá sức chịu đựng; nếu chúng ta vẫn còn kiên trì cho đến hôm nay, nếu cuộc sống của chúng ta vẫn an lành, thì ngoài những nỗ lực của bản thân, chúng ta chắc chắn đã được hưởng nhờ sự chuyển cầu của tất cả các thánh, một số người đang ở trên Thiên đàng, những người khác là những người hành hương như chúng ta trên trái đất, những người đã bảo vệ và đồng hành với chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều tin nhận rằng có những người thánh thiện ở đây trên trái đất này.[10]
Như chúng ta thấy, cuộc đời mỗi vị thánh phản ánh một phẩm tính và vẻ đẹp phong phú của Thiên Chúa. Chúng ta hiệp thông với các thánh vì các ngài cùng chia sẻ thân phận là con người như chúng ta nhưng đã trở nên những mẫu gương sống động và thiết thực cho chúng ta, chỉ cho chúng ta những phương thế cụ thể và lối sống thánh thiện trong việc hiệp thông gắn kết với Thiên Chúa và con người. Qua đó, mỗi tu sĩ chiêm ngắm và tìm cho mình một hoặc nhiều mẫu gương các thánh mà chúng ta cảm thấy phù hợp với bậc sống, hoàn cảnh, tính tình, sứ vụ của mình để noi theo và từ đó mỗi tu sĩ chúng ta cũng tiếp tục phản ánh vẻ đẹp và lan tỏa tình yêu cùng sự tốt lành của Thiên Chúa trong môi trường chúng ta đang sống, cho những người chúng ta đang sống cùng và sống với.
Chẳng hạn như thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã trở thành mẫu gương thiết thực cho các tu sĩ Dòng kín và các tu sĩ hầu như sứ vụ chỉ ở trong một không gian nhỏ. Vị nữ tu này sống trong đan viện nhưng đã liên kết sâu xa với việc truyền giáo khắp nơi qua cầu nguyện và hy sinh để rồi trở thành Vị Thánh Quan Thầy các xứ sở truyền giáo. Như thế, một khi đạt được đỉnh cao của cuộc kết hợp với Đức Kitô và nên đồng hình đồng dạng với Người, tu sĩ không còn bị hạn chế bởi nội vi của tu viện nữa. Không có gì ngăn cản tâm hồn họ vươn tới một tình yêu dành cho tha nhân ở mọi nơi, cho sự hoàn thiện của Giáo hội hoàn vũ, và cho sự thăng tiến của cả thế giới. Trong Giáo hội, có những người nam và người nữ, cho dẫu không đi được xa, họ vẫn trở nên phúc lành cho thế giới, khi kinh nguyện của họ vươn đến mọi nhu cầu của Giáo hội và của con người.[11]
Bên cạnh đó, các tu sĩ Dòng giảng thuyết kế thừa và hiệp thông với thánh Tổ phụ và các thánh trong Dòng mình tinh thần và phương thế rao giảng: nhiệt tình hoạt động trong đường lối khổ hạnh và cầu nguyện, lấy khó nghèo và cầu nguyện làm gương sáng thu hút mọi người. Đâu đâu các ngài cũng tỏ ra là những con người của Tin Mừng. Cụ thể, thánh Đaminh luôn thúc giục các anh chị em trong Dòng, chỉ nói với Chúa khi suy niệm, hoặc nói về Chúa khi giảng dạy.[12] Nghĩa là chỉ rao giảng những điều Chúa muốn nói với dân Ngài sau khi chiêm niệm trong cầu nguyện tại một môi trường, sứ vụ cụ thể với những đối tượng cụ thể mà tu sĩ ấy tiếp xúc.
Cũng vậy, các tu sĩ Dòng Tên chia sẻ và hiệp thông với Thánh Inhaxiô và các thánh Dòng trong sứ vụ rao giảng một Thiên Chúa hiện diện ở mọi nơi mọi vật giúp những tín hữu nhận ra hình ảnh và dấu ấn của Thiên Chúa để yêu mến và tôn thờ Ngài. Ngoài ra cuốn linh thao của ngài cũng vạch ra những nguyên tắc giúp các tín hữu hướng đời sống mình trong việc ca tụng, tôn kính và phụng sự Chúa, chọn lựa làm những đều chỉ để vinh danh Chúa.[13]
Sự hiệp thông với các thánh Tử Đạo cũng là một ân huệ đặc biệt Thiên Chúa ban cho người tu sĩ. Chúng ta không bao giờ quên tinh thần kiên trung của các ngài, nhất là các thánh Tử Đạo trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, những người đã sống và đi trước chúng ta cách nay mấy trăm năm. Các ngài cùng sinh ra và lớn lên, cùng chung chia mảnh đất, chung tâm hồn, chung đức tin với chúng ta. Và sự hy sinh vì đức tin, vì Đức Kitô của các ngài đã giúp chúng ta giữ vững và không quản ngại khó khăn để loan truyền đức tin ấy cho người khác, ngay cả những vùng cao vùng sâu. Chúng ta không chỉ có một mình, nhưng các ngài vẫn luôn đồng hành, phù hộ và bầu cử cho cho chúng ta, cho Giáo hội Việt Nam và Giáo hội hoàn vũ.
Nói đến sự hiệp thông, sẽ thật đáng tiếc và thiệt thòi nếu tu sĩ nào đó không gắn bó mật thiết với Thánh Mẫu Chúa Trời. Nhân gian có câu: không có tình nào sâu nặng bằng tình mẫu tử. Không những thế, một thánh giáo phụ trong kinh nghiệm thiêng liêng còn thốt lên rằng: Tất cả tình yêu của mọi người mẹ trên trần gian này cộng lại cũng không sánh bằng tình yêu Mẹ Maria dành cho mỗi người chúng ta... cho thấy Đức Mẹ quan tâm và nâng đỡ chúng ta dường nào. Thật vậy, Thiên Chúa vì yêu thương con người không những ban cho chúng ta một người Anh Cả, Người Bạn là Chúa Giêsu, Ngài còn ban cho chúng ta một người Mẹ tuyệt vời để khi chúng ta gặp khó khăn, đau khổ, chúng ta chạy đến với Mẹ, được Mẹ an ủi, chở che và thường không ai đến với Mẹ mà về tay trắng, không ai lòng thành kêu cầu Mẹ mà Mẹ không nhận lời!
Mẹ trổi vượt hơn mọi người nhờ ân sủng dồi dào như vực thẳm, nhưng Mẹ lại tuôn đổ thật rộng rãi xuống trên đoàn dân đang tin tưởng và khao khát. Thật vậy, Mẹ ban sức khoẻ cho thân xác và thần dược cho linh hồn, Mẹ có khả năng giúp thân xác và linh hồn được trỗi dậy từ cõi chết. Có ai từ biệt Mẹ ra về mà vẫn còn đau yếu, buồn phiền và dốt nát không hiểu các mầu nhiệm thiên quốc bao giờ? Có ai về tới nhà mà lại không hân hoan vui mừng, vì đã nhờ Đức Maria, Thân Mẫu của Chúa, mà được như lòng mong muốn?[14]
Có Mẹ là Sao Mai dẫn đường chỉ lối, người tu sĩ sẽ tiến về nhà Cha trong an bình và hoan lạc. Bản thân người viết cũng nhiều lần cảm nghiệm và lãnh nhận được nhiều ân ban khi chạy đến với Mẹ trong những lúc bản thân, gia đình, cộng đoàn gặp thử thách. Nếu có lúc nào đó chúng ta đứng một mình trước tượng Đức Mẹ, nhìn ngắm khuôn mặt khả ái của Mẹ, đôi mắt dịu dàng của Mẹ, chúng ta sẽ thấy trong lòng trào dâng những tâm tình yêu mến và hình bóng Mẹ trở nên sống động rất nhiều chứ không chỉ là những bức tượng vô hồn. Từ đó, khi chúng ta cất lên lời kinh Mân Côi hay chúng ta hát những bài thánh ca dâng Mẹ ngày thứ bảy, chúng ta như đang trò chuyện, giãi bày những tâm tư với Mẹ.
3. Người tu sĩ sống hiệp thông với dân Chúa trong Giáo hội hiệp hành
Từ mối hiệp thông sâu xa và gần gũi với Thiên Chúa cũng như với các thánh, người tu sĩ có đủ tình yêu và lòng quảng đại dấn thân bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, cộng đoàn, Hội dòng mình, để hiệp hành với những anh chị em trong đại gia đình đức tin.
Quả vậy, giữa một thế giới mà các giá trị về gia đình bị phá vỡ, tình trạng sống thử trước hôn nhân, phá thai, ly hôn và ly dị đang diễn ra đến mức báo động, thì người tu sĩ có vai trò khích lệ dân Chúa gìn giữ và đề cao lòng chung thủy trong hôn nhân và xây dựng mái ấm gia đình. Giữa một thế giới đề cao chủ nghĩa cá nhân, ai cũng chỉ lo vun vén cho những gì thuộc về mình, ít ai quan tâm đến lợi ích và hạnh phúc của người chung quanh, mấy ai sẵn sàng giúp đỡ người khác, thì người tu sĩ lại là cầu nối liên kết những anh chị em giáo dân thành tâm thiện chí cùng nhau thực thi bác ái. Giữa một thế giới mở, tràn ngập thông tin, người ta đọc nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều, nhưng dường chẳng phân định. Rất nhiều người, nhất là giới trẻ thích đu trend theo các thần tượng, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng nhưng lại dửng dưng vô cảm trước những con người đang đau khổ vì bệnh tật, chiến tranh, thiên tai, lũ lụt. Trong khi đó các tu sĩ vẫn miệt mài kêu gọi những tấm lòng quảng đại của các ân nhân, đến những vùng sâu vùng xa, để giúp đỡ và chia sẻ tình yêu thương với các anh chị em kém may mắn.[15]
Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tu sĩ hãy trở nên “những chuyên viên của tình hiệp thông”, “các chứng nhân và người làm nên dự án hiệp thông”, vậy người tu sĩ cũng có trách nhiệm và ơn gọi để làm cho các thành phần dân Chúa trở thành những người nam và người nữ của tình hiệp thông. Ở đâu có các khác biệt và căng thẳng, các tu sĩ hãy là những dấu chỉ đáng tin cậy của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng đổ vào trong các con tim sự khao khát để tất cả nên một mà thôi (Ga 17,21). Ngài cũng nhắc nhớ các tu sĩ: “Anh chị em hãy sống đời nhiệm hiệp của việc gặp gỡ bằng khả năng cảm thấy, lắng nghe người khác, khả năng cùng nhau đi tìm con đường, đi tìm phương pháp.”[16] Làm sao để cho mỗi thành viên trong gia đình đức tin cảm nhận được rằng: “Nỗi đau của một người là nỗi đau của mọi người. Và hạnh phúc của một người cũng lan tỏa tới một tâm hồn nào đó.”[17] Như vậy, các tu sĩ cần mặc lấy tâm tình liên đới mật thiết với gia đình nhân loại trong việc chia sẻ sứ mạng của Chúa Kitô: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất kỳ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô.”[18]
Ngoài ra, sự hiệp thông giữa các tu sĩ và dân Chúa còn thể hiện qua việc gặp gỡ, lắng nghe và phân định “hầu có thể nhận ra đâu là Thánh ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2); cùng nhau tiến bước và hoán cải không ngừng như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ: “Lắng nghe Thiên Chúa để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của dân Ngài; lắng nghe dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi ta đón nhận ý muốn đó.”[19] Do đó, hành động của các tu sĩ cần linh hoạt trước muôn vàn tình huống bất ngờ của thời đại với sự đánh giá thực tế về nhu cầu. Điều này có nghĩa là nhận biết những nỗi đau, niềm hy vọng, băn khoan và khao khát của những anh chị em đồng loại. Vì vậy tính hiệp hành là một sự thể hiện cụ thể sự thận trọng và khôn ngoan của người tu sĩ và giáo dân trong các công tác mục vụ, phục vụ và đức ái.[20]
Một trong những sứ mạng Thiên Chúa muốn mỗi người tu sĩ cũng như mỗi Kitô hữu là hãy nên thánh vì Ngài là Đấng thánh. Để thực thi điều Chúa muốn, người tu sĩ trong vai trò và môi trường của mình giúp anh chị em giáo dân hiểu rằng tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu.[21] Bạn là một phóng viên, một ca sĩ?… Bạn hãy sống cuộc sống của phóng viên, ca sĩ… thật gương mẫu để đồng bạn được cảm hóa theo như thánh Phaolô đã căn dặn: “Tôi trở nên mọi sự cho mọi người hầu cứu độ tất cả” (1Cr 9,22). “Và những gì bạn làm, hoặc lời nói hay việc làm, bạn hãy làm với danh nghĩa Chúa Giêsu, Chúa chúng ta” (Cl 3,17).[22] Bạn là công nhân ư, hãy nên thánh trong công ty qua việc chu toàn bổn phận của một công nhân trong tình liên đới với các công nhân khác. Bạn là giáo viên ư? Hãy nên thánh ở trường học, yêu thương và tận tụy với các học sinh, giúp đỡ các đồng nghiệp. Bạn là sinh viên ư? Hãy chăm chỉ học hành, trở thành những người con ngoan, tài đức để phục vụ gia đình, giáo hội và xã hội.
Không những thế, người tu sĩ còn hiệp thông với giáo dân trong việc tăng cường sức mạnh nội tâm qua việc gặp gỡ, lắng nghe, qua việc thiết lập những văn phòng tư vấn, đồng hành thiêng liêng để người tín hữu có được sự phân định khôn ngoan trước mọi vấn đề của cá nhân, cuộc sống và xã hội, .... để tránh khỏi bị cuốn theo bạo lực, hiện đang tràn ngập đời sống xã hội ngày nay, bởi vì ân sủng làm giảm bớt tính ham danh và giúp họ dễ trở nên hiền lành trong lòng.[23]
Chuyện kể như sau: tại một giáo xứ nọ, có một giáo dân đã bỏ đi lễ 6 năm. Khi Sơ Mary được Hội dòng sai tới cộng đoàn của nhà Dòng cũng khá gần nhà anh cùng trong giáo xứ, Sơ được các chị em chia sẻ về tình trạng của anh: 6 năm trước, anh còn là một giáo dân nhiệt tình và hăng say với việc nhà Chúa, siêng năng đi lễ và tích cực đóng góp công của xây dựng Giáo xứ. Một ngày nọ, chẳng may anh bị tai nạn giao thông và phải đi bệnh viện chữa trị trong nhiều tháng. Dù vậy, không thấy ban hành giáo đến thăm hỏi hay động viên anh. Cũng thời gian đó, con trai ông trùm bị bệnh thì thấy các ban ngành thay nhau tới động viên thăm hỏi... Anh này cảm thấy buồn và bị bỏ rơi, không nhận được tình yêu thương và quan tâm từ những anh chị em trong giáo xứ. Sau khi sức khỏe đã ổn định, anh cũng muốn đi tham dự Thánh lễ và muốn đến nhà Chúa, nhưng khi nghĩ tới việc nhìn thấy những khuôn mặt đã làm anh thất vọng thì anh lại quyết định không đi nữa. Sau khi nghe biết câu chuyện, Sơ Mary cầu nguyện với Chúa cho anh hằng ngày và đã đến gia đình thăm anh. Sơ kiên trì lắng nghe suốt hơn 2 giờ đồng hồ những tâm tư của anh và gia đình. Nhờ ơn Chúa soi sáng, Sơ Mary chia sẻ và bày tỏ sự đồng cảm với anh, mời anh ghé tham dự thánh lễ tại cộng đoàn nhà dòng vào đầu tháng cũng là dịp tĩnh tâm, gợi ý anh xưng tội cùng với cộng đoàn. Sơ cũng chia sẻ trước với cha giảng phòng để cha nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí cho anh. Và quả thật, sau khi tham dự 2 thánh lễ với các Sơ, anh được ơn hoán cải, cởi bỏ được những khúc mắc và trở lại đi lễ hằng ngày tại Giáo xứ.
Quả vậy, Chúa cần lắm đôi tay, đôi chân, đôi tai, đôi mắt, trái tim của các tu sĩ để Người đi đến với những con người bất hạnh, lắng nghe tiếng lòng họ thổn thức với trái tim dịu dàng yêu thương. Khẩu hiệu hiệp hành, hay đến những vùng ngoại biên sẽ chỉ dừng lại trên môi miệng, qua những điệu múa hay diễn tả qua các logo rực rỡ, chứ chưa đi vào thực hành triệt để trong cuộc sống nếu người tu sĩ chúng ta chưa biết dành thời gian đi đến thăm hỏi các gia đình, nhất là các bà con trong giáo xứ, giáo họ, hội đoàn mà chúng ta phục vụ hay những người sống xung quanh cộng đoàn chúng ta.
Ngoài ra, trong tinh thần hiệp thông với dân Chúa và cổ võ các tín hữu trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, người tu sĩ cần phát triển hương thơm nhân đức của việc sống chan hòa với mọi người. Truyền giáo vừa là một một niềm say mê Đức Giêsu, vừa là niềm say mê dân của Người. Càng yêu Chúa chúng ta càng mở lòng ra ôm ấp toàn thể anh chị em, ngày càng gần gũi hơn với những người xung quanh chúng ta, cùng nhau ca tụng Chúa, cùng tổ chức các phong trào tông đồ, nồi cháo tình thương...[24]
Một trong những tâm tư mà người tu sĩ cần thực hiện trong mối hiệp thông đó là đi đến với những anh chị em di dân. Vì một lý do nào đó họ phải sống xa nhà, xa quê hương, xa bà con thân thuộc, thường cảm thấy lạc lõng, không được quan tâm vì không thuộc một hội đoàn hay tổ chức nào. Tương tự, các đôi hôn phối đã ly dị và tái hôn cũng thấy mình như bên lề Giáo hội. Họ cần biết bao những con người, nhất là các tu sĩ biết chạnh lòng thương.
Như vậy, người tu sĩ cần mang trong mình tâm thức là đời thánh hiến không phải chỉ để được cứu rỗi; không phải chỉ để giải thoát con người nhưng là hiệp nhất với toàn thể dân Chúa trên khắp thế giới, hiệp nhất với đầu là Đức Kitô, và các thánh, để tiếp tục sự chết và sự Phục Sinh giải phóng nhân loại. Ngoài sự thông hiệp ấy, như cành nho đã lìa cây, chỉ còn là “công giáo” trong “hồ sơ lý lịch”.[25]
Tóm lại, ở đâu có dấu ấn của sự hiệp thông, ở đó đời thánh hiến, đời sống Kitô hữu được thăng tiến, cảm thức về gia đình Giáo hội được triển nở, và sự tham gia của tất cả mọi thành viên góp phần làm cho danh Cha cả sáng, nước Cha được mở rộng và Giáo hội luôn tràn trề một sức sống mới. Hy vọng rằng khi người tu sĩ ý thức sống ba chiều kích hiệp thông với Thiên Chúa, với các thánh và với dân Chúa trong Giáo hội hiệp hành, tất cả chúng ta cùng nhau sống và vun đắp ngày càng rõ nét hơn hình ảnh Hội thánh hiệp hành trong yêu thương.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 138 (Tháng 11 & 12 năm 2023)
Nguồn: https://hdgmvietnam.com
[1] X. https://catechesis.net/tom-luoc-hien-che-muc-vu-gaudium-et-spes/
[2] X. Sách Mầu Nhiệm Ba Ngôi
[3] X. Trần Minh Huy, Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện, 2020, tr.154-157.
[4] X. Sách Mầu Nhiệm Ba Ngôi, tr.123.
[5] X. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, Vita Consecrata
[6] X. Vita Consecrata, số 36.
[7] X. https://www.desiringgod.org/articles/communion-with-god-what-why-how
[8] X. BÊNÊĐICTÔ XVI, Bài giảng Mở Đầu Tác Vụ Phêrô (ngày 24 tháng 4, 2005): AAS 97 (2005), 708. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-hay-vui-mung-hoan-hi-gaudete-et-exsultate-ve-on-goi-nen-thanh-trong-the-gioi-ngay-nay-51169
[9] X. Pope Francis explains prayer and the communion of saints
[10] X. Pope Francis explains prayer and the communion of saints
[11] X. Phạm Văn Bình, OFM, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/net-dep-cua-tu-si-hiep-hanh-46506
[12] X. Phạm Đức Tuấn, Hạnh Tích Các Thánh, 2004, tr. 693-695.
[13] x. Phạm Đức Tuấn, Hạnh Tích Các Thánh, 2004, tr. 639.
[14] Bài đọc Kinh sách Lễ Mẹ Maria Trinh Nữ Vương 22/08, trích bài giảng của thánh A-mê-đê, giám mục Lô-dan.
[15] X. Bùi Thị Minh Thùy, Cùng với Các Thánh và Các Chân Phước Dòng Đa Minh Cầu Nguyện, Nxb Đồng Nai, 2021, tr.15.
[16] Tông Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô “Năm Đời Sống Thánh Hiến” ban hành ngày 21/11/2014. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-tat-ca-cac-nguoi-tan-hien-nhan-dip-nam-doi-song-thanh-hien-tiep-theo-17880
[17] X. https://www.americamagazine.org/faith/2021/04/07/pope-francis-explains-commmunion-saints-prayer-240398
[18] Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, Gaudium et Spes
[19] Hiệp Thông, Hoa trái của tiến trình Hiệp Hành, HĐGMVN số 131, 2022., tr.30.
[20] X. Hiệp Thông, Hoa trái của tiến trình Hiệp Hành, HĐGMVN số 131, 2022., tr.88.
[21] X. Bài Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 19 tháng 11, 2014: Insegnamenti II/2 (2014), 555. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-hay-vui-mung-hoan-hi-gaudete-et-exsultate-ve-on-goi-nen-thanh-trong-the-gioi-ngay-nay-51169
[22] X. Philip Trần Văn Hoài. https://suyniemhangngay.net/2016/08/26/duong-hy-vong-the-road-of-hope/
[23] X. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-hay-vui-mung-hoan-hi-gaudete-et-exsultate-ve-on-goi-nen-thanh-trong-the-gioi-ngay-nay-51169
[24] X. EG 268.
[25] X. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, số 258.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn