Tôi cho rằng trong cuộc đời chỉ có 2 điều quan trọng mà thôi: biết Thiên Chúa và sống trong yêu thương. Thực vậy cả hai điều này chỉ là một và giống nhau. Biết Thiên Chúa là sống trong tình yêu, và qua việc sống trong yêu mến mà chúng ta biết được Thiên Chúa – bởi vì như Kinh thánh đã nói một cách dễ thương rằng: "Thiên Chúa là Tình Yêu". Những mối quan hệ nhân loại của chúng ta, nếu được đặt cơ sở trên tình yêu chân thành thì nhất thiết phải cột chặt với mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa Đấng là tình yêu.
Bản chất cuộc đời người Kitô hữu có thể coi là một cuộc tình đang diễn ra với Đức Giêsu Kitô Đấng kêu mời chúng ta bước vào chỗ thâm giao với Ngài. Đây là một đường đi dẫn tới thành toàn. Ngài là Đấng chúng ta khao khát mãnh liệt nhất và chỉ trong Thiên Chúa những khát vọng thâm sâu nhất của chúng ta mới được thỏa mãn. Bước đầu tiên để chúng ta nhìn thấy và chạm vào Thiên Chúa chính là qua những ai Ngài gởi đến cho ta. Nơi họ Ngài hóa thành xác phàm. Thiên Chúa là tình yêu đã làm tình yêu trở nên nền tảng của cuộc sống chúng ta. Chỉ trong yêu thương chúng ta mới nghiệm được cái sung mãn của cuộc đời bởi vì sự sung mãn chân thật chỉ phát xuất từ Thiên Chúa. Tình yêu mang lại cho kiếp người một ý nghĩa siêu phàm bởi vì tình yêu chính là Thiên Chúa. Tình yêu không thể được định nghĩa trong một phạm trù nào tách biệt khỏi Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, bao trùm lên tất cả - và tình yêu cũng như thế. Tình yêu không phải là một cái gì chúng ta làm ra; nó là một con người. Tình yêu không phải là ở đâu đó tách rời khỏi chúng ta. Nó ở trong ta và liên tục đổi mới, tăng lực, làm cho ta chạm đến cốt lõi của cuộc đời bằng cách chạm vào nhau.
Khả năng kinh ngạc của tình yêu trong việc hoán cải bản chất của cuộc đời chỉ có thể phát xuất từ một nguồn vượt lên trên cái hiện tại và cái trước mặt. Tình yêu Thiên Chúa vượt khỏi không gian và thời gian. Nó là một lòng mến phát xuất từ lòng nhân từ của Thiên Chúa, được ban tặng miễn phí không điều kiện. Trong lòng mến chúng ta yêu bởi vì người đó là như vậy, chúng ta yêu bởi vì cái như vậy của người đó.
Một khi chúng ta thực sự đón nhận Thiên Chúa vào trong cuộc đời, tình yêu của chúng ta trở nên lòng mến. Đó là tình yêu của Thiên Chúa chảy qua chúng ta. Tách biệt khỏi Thiên Chúa chúng ta chỉ có được tình dục mà thôi. Tình dục là "tình yêu" mưu cầu sự chiếm đoạt người khác, mục đích của nó là sự thỏa mãn ích kỷ cho riêng mình. Trái lại lòng mến thì quảng đại, nó bầy tỏ chính mình qua việc tự hiến hoàn toàn cho hạnh phúc của người yêu mà không quan tâm đến những mất mát của bản thân. Tất cả lòng mến đều phát xuất từ con tim Đức Giêsu. Thật tốt đẹp khi những con người nhân loại yêu nhau nhận biết Thiên Chúa như một Thiên Chúa mãnh liệt với một con tim yêu thương. Là những người yêu nhau chúng ta nên biết về bản chất con tim Đức Giêsu bởi vì đó là nguồn sống của con tim của chúng ta. Như là một biểu tượng căn bản, con tim chỉ ra phần thâm sâu nhất nơi một con người, đó là trung tâm yêu mến. Đó là nơi tình cảm cư trú, nơi dừng chân của ân sủng. Việc nhập thể mang đến cho Thiên Chúa một trái tim. Từ vô thủy vô chung Thiên Chúa có một ý định căn bản là đi vào cõi tình nghĩa với dân của Ngài, để kêu gọi họ nên thánh, nên một trong tình yêu và nên một với chính Ngài. Thiên Chúa có một chiến lược rõ ràng. Ngài tuôn đổ tình yêu của Ngài vào trong con tim của Con Một Ngài. Tình yêu này không phải để nằm đó, nơi con tim của Đức Kitô. Nó hướng tới việc tuôn ra cho những ai bước vào trung tâm yêu mến đó. Từ con tim của các môn đệ, tình yêu của Đức Kitô vẫn tiếp tục trào dâng. Và nó vẫn trào dâng cho đến tận hôm nay như thể có một sự lây lan của ân sủng. Đó là ân sủng tuôn ra từ suối nguồn con tim Đức Giêsu qua những ống dẫn là những con tim của nhân loại.
Tình yêu nhân loại của chúng ta chỉ có thể hiểu được bên trong phạm trù tình yêu của một Thiên Chúa yêu mến. Không những Ngài là một Thiên Chúa của một cá nhân trong sự gắn bó mật thiết tới đời sống của từng con người mà Ngài còn là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Ngài không chỉ hiện diện nơi tôi, nơi anh, mà còn hiện diện giữa chúng ta và trong quan hệ của chúng ta đối với những người khác. Tình yêu mà chúng ta san sẻ trong các mối tương quan nhân loại là một phần của sự vĩ đại của Thiên Chúa là Đấng bao phủ chúng ta dưới cánh tay yêu thương của Ngài. Khi nào tình yêu trong sáng quảng đại được trao ban khi đó chúng ta kinh nghiệm được Thiên Chúa.
Tất cả những gì chúng ta biết được về Thiên Chúa chỉ ra rằng Ngài hướng về dân của Ngài. Chúng ta được kêu gọi lưu lại trong sự thân mật sâu sa với Ngài. Đây thực sự là một vẻ đẹp sâu xa của linh đạo Do thái giáo vì nó bàng bạc khát vọng thiết lập và duy trì mối liên hệ giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Bởi vì Thiên Chúa mang tính tương quan, cuộc đời là một cuộc đối thoại không ngừng với Ngài. Thiên Chúa ban cho chúng ta thời gian, không gian và tha nhân như một phương thế duy trì và đào sâu cuộc đối thoại này. Việc nhập thể xác nhận điều trên. Nó nói cho ta con đường đến với Chúa thì đi qua tình trạng của con người và Ngài hiện diện nơi tất cả các xác phàm.
Mọi cảnh vực của tình trạng con người đều mang tính khải thị. Cuộc sống chứa đầy những khoảnh khắc nhận biết trong kinh ngạc sự hiện diện của Chúa nơi những kinh nghiệm nào đó. Có nhiều phen ta nói về sự trùng hợp kỳ lạ của một việc. Khi chúng ta gặp lại một người sau thời gian dài xa cách tại một nơi và một hoàn cảnh không thể ngờ, chúng ta gọi đó là một sự trùng hợp. Khi chúng ta đang nghĩ về một ai đó và thình lình chuông điện thoại reo và chính là người đó ở đầu dây bên kia, chúng ta gọi đó là một sự trùng hợp. Tôi không tin vào những điều trùng hợp. Thật ra không có những trùng hợp trong cuộc đời bởi vì Thiên Chúa hoạt động trong và qua tất cả những kinh nghiệm nhân loại. Ngài gieo vào một số biến cố đặc biệt trong đời ta những ngụ ý sâu sa và những tác động đến cốt lõi của đời ta. Những biến cố này luôn luôn gắn bó mật thiết đến những mối tương quan mà chúng là một phần trong kế hoạch mặc khải của Thiên Chúa.
Mỗi người chúng ta đều được tượng hình từ liên hệ sinh học giữa cha và mẹ của chúng ta. Rồi chúng ta tham dự vào sự kết hiệp máu thịt với mẹ chúng ta trong lòng của mẹ, sau đó là sự đau đớn khi mẹ sinh ra ta và cảm nghiệm đầu đời vui buồn lẫn lộn khi tách ra khỏi cơ thể mẹ. Nhưng tiếp đến là sự kết hợp qua việc nhận ra nhau. Nhận thức đầu tiên của chúng ta quả thật là một sự tái nhận thức. Đó là sự tái nhận thức về một mối liên hệ với mẹ hay là bất kỳ ai nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta nhận ra hơi ấm của những đôi tay ấp ủ chúng ta, mùi vị của vú mẹ cho ta bú và những nhịp điệu quen thuộc của hơi thở của người thường ẵm bồng ta. Cả cuộc đời còn lại là một chuỗi đoàn tụ, chia tay, tái hợp và thân thiết. Rất thường khi vào những lúc này chúng ta cảm thấy cái gì đó của con người Thiên Chúa. Cha William McNamara, tu sĩ dòng Cát Minh và là một tác giả nổi tiếng đã nói về điều này một cách tuyệt vời rằng : "Thiên Chúa không hành động trong chân không… Ngài hành động một cách nhập thể qua những chiều kích bát nháo mà phi thường của cái thế gian dơ bẩn mà tuyệt vời này." (1)
Đức tin của chúng ta mang tính nhập thể vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa hiện diện với chúng ta tại đây và vào ngay lúc này trong mọi ngóc ngách của cuộc sống hàng ngày. Bí quyết để sống trung tín với đức tin Kitô nằm ở chỗ hiểu rằng nhập thể là hành động của Thiên Chúa là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Thiên Chúa ở nơi chúng ta ở. Ngài không chỉ hiện diện nơi thế gian một cách chung chung, Ngài ở cùng chúng ta một cách nhân bản ở chỗ chúng ta ở, tại đây và vào lúc này. Sự hiện diện của Ngài không xa vời và lạnh lùng; nó hết sức thân thương: "Luôn luôn ở giữa các con, ta sẽ là Thiên Chúa của các con và các con sẽ là dân của ta" (Levi 26,12)
Như là con người chúng ta phải đối đầu với những nhu cầu của một thế giới nhiễu nhương mà không để nó khuất phục mình nhưng phải để cho Thiên Chúa chiếm hữu lấy chúng ta. Cách duy nhất để chúng ta có thể sống có ý nghĩa trong tất cả cái bát nháo của cuộc đời là nhận ra Thiên Chúa cách đặc biệt nơi từng khuôn mặt, từng ánh mắt, từng đôi tay giơ ra cho chúng ta trong tình nhân ái. Chính qua người khác mà chúng ta được nhắc nhở về sự hiện diện của Chúa và được tình yêu thần linh của Ngài đụng chạm đến.
Đối với nhau chúng ta làm cho lời Chúa được ứng nghiệm: "Ta sẽ luôn luôn ở cùng chúng con." Chúng ta là hiện thân của lời hứa đó bằng việc trở nên những bí tích sống động của sự hiện diện của Chúa cho người khác. Chúng ta biết rằng bí tích là biểu tượng mang lại cho chúng ta một kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa trong kiếp người bị không gian và thời gian chi phối. Một dấu hiệu nói về cái gì đó còn một biểu tượng lại làm đại diện cho cái nó nói về. Do đó biểu tượng có thể, nếu chúng ta cho phép, ảnh hưởng đến chúng ta một cách sâu sa bởi vì qua đó sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ tỏ rõ trong cuộc sống nhân loại và được cảm nghiệm một cách mãnh liệt. Các bí tích là một phần của kế hoạch của Thiên Chúa bởi vì Ngài rất khao khát chúng ta cho chính Ngài. Đây là ước muốn của Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đến với Ngài. Đức Kitô đã nói rõ về điều này trong Phúc Âm: "Khi nào ta được nhấc lên khỏi thế gian ta sẽ nhắc mọi người lên với ta" (Gioan 12:32). Đây chính là Thiên Chúa mà chúng ta kinh nghiệm thấy trong bí tích. Tình bạn chân thật là những bí tích vì chúng là hiện thân và bầy tỏ của tính xác thực nơi tình yêu Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta trong một giao ước liên tục và hoàn toàn trung tín. Như một bí tích, tình bạn mang chúng ta đi vào giao ước liên tục này tại đây và vào lúc này.
Điểm gặp gỡ của bí tích là điểm mà thần linh và con người gặp nhau. Nói đơn giản, Thiên Chúa dùng những mối liên hệ nhân loại của chúng ta để đến với chúng ta; chúng ta kinh nghiệm về Ngài bằng yêu thương và được người khác yêu thương. Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta qua sự hiện diện sống động thật sự của những người chung quanh. Thiên Chúa của lịch sử, của Abraham và Sarah, Thiên Chúa của Môisen, Thiên Chúa của David, Ba Ngôi Thiên Chúa đã hóa thân nơi xác phàm của những người chúng ta gọi là bạn hữu. Chân lý siêu việt làm chúng ta ngây ngất là toàn thể Thiên Chúa yêu thương thật sự hiện diện và hoạt động tại đây và vào lúc này trong những người mà chúng ta gặp gỡ trong tình bạn. Gerald O'Mahony trong một cuốn sách giáo lý độc đáo, Abba! Cha Ơi! nói về bí tích như một "dấu hiệu làm Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình." Ông còn bàn thêm về việc làm thế nào mà khi liên kết với nhau cả hai người cùng trở nên một bộc lộ của Thiên Chúa dành cho người kia:
Bạn và tôi, những môn đệ của Đức Kitô đều là những bí tích, bởi vì ơn gọi của chúng ta là làm cho người khác khi nhìn vào chúng ta phải nói rằng: "A, bây giờ tôi đã thấy được Thiên Chúa giống như thế nào." Chúng ta có thể cùng nhau là dấu chỉ về Thiên Chúa mà chúng ta có thể thấy qua Đức Kitô, Đấng thế gian không thấy được. (2)
Sứ mạng cơ bản của người tín hữu mang tính bí tích. Điều đó có nghĩa chúng ta được kêu gọi là Đức Kitô dịu dàng, yêu thương, và chữa lành trong thế gian. Chúng ta không được kêu gọi để cứu vớt các linh hồn. Đức Kitô đã làm điều đó một lần cho tất cả. Chúng ta được kêu gọi trở thành dấu chỉ chiến thắng phục sinh và sự hiện diện liên tục của Ngài trong thế gian. Chúng ta được kêu gọi trở thành Kitô của người khác. Nếu chúng ta mở lòng và tâm trí mình trong thành kính đối với Thánh Thần của Chúa, chúng ta sẽ được: "biến đổi ngày càng trở nên rực rỡ do bởi tác động của Chúa là Thần Khí" (2 Cor 3,18).
Trong tiến trình thay hình đổi dạng đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện mang tính bí tích của những người khác bên trong những kinh nghiệm sống. Một đàng những kinh nghiệm nhân loại mang tính bí tích có giá trị vượt lên cái hiện tại và trước mắt, đàng khác nó bao gồm sự hiện diện và hành động của những người chúng ta gọi là bạn hữu. Chúng không nhất thiết phải là những kinh nghiệm thần bí sâu thẳm. Thường có một chân lý nội tại sâu xa nơi cái đơn giản của một mối liên hệ: một cái ôm, một cái nhìn cảm thông, một lá thư, chia nhau một ly bia, cùng nhau đi dạo trên bãi biển, hay ngay cả đến một cuộc đối đầu cam go. Nhiều lúc chúng là những phương tiện vận chuyển để đưa chúng ta đến gần nhau hơn và nhờ thế biết được Thiên Chúa tường tận hơn. Ladislaus Boros, khi nhấn mạnh rằng chúng ta đến với Chúa qua tha nhân, đã nói một cách súc tích rằng : "Mọi người yêu nhau đều thấy trực tiếp được thực tại của Đức Kitô." (3) Trong tất cả sự kỳ diệu vô biên của Ngài, Thiên Chúa đã muốn tỏ mình ra qua những người khác.
Chúa muốn chúng ta lưu lại trong Ngài, trong tình yêu, và là những người yêu nhau. Từ ngữ "người yêu nhau" thường được dùng quá nhiều với một ý nghĩa hạn hẹp về những ai có những mối tình lãng mạn. Theo một nghĩa sâu xa nhất, nếu một người yêu nhau là một người sống một cuộc đời bình thường với những hồng ân phi thường, thì tất cả dân của Thiên Chúa được gọi là những người yêu nhau.
Ân sủng là chìa khóa của cuộc sống người yêu nhau. Ân sủng là tình yêu của Thiên Chúa được trao ban nhưng không. Nó bao gồm tất cả sự phong phú nơi những món quà Thiên Chúa ban cho ta. Ân sủng ngụ ý về một mối tương quan, một mối tương quan thân thiết nhất có được. Ân sủng là một mối tương quan với Thiên Chúa, một sự tương giao thân tình cùng cho đi và cùng nhận lãnh. Mối tương quan này khởi sự từ bí tích rửa tội và lớn lên cùng phát triển với thời gian.
Chúng ta nghe đi nghe lại rằng chúng ta được cứu rỗi bởi ân sủng, chỉ bởi ân sủng mà thôi. Không có gì khác có thể cứu vớt chúng ta, không phải là những việc lành, không phải là những thành đạt, không phải ngay cả lòng đạo đức của chúng ta. Chỉ có ân sủng có thể cứu vớt chúng ta. Ân sủng thật cao cả biết bao! Tình yêu hồng ân của Thiên Chúa có quyền lực vô biên cứu rỗi chúng ta. Món quà lớn nhất chúng ta có thể cho nhau là trở nên một biểu hiện của ân sủng đó. Món quà vĩ đại của ân sủng được cụ thể hóa trong tình yêu trao ban. Tôi đã có kinh nghiệm ngỡ ngàng về một người xuất sắc yêu tôi nhất là khi tôi không xứng đáng với tình yêu đó. Đó là một món quà cho không. Nó được ban mà không dựa vào những gì tôi đã làm. Đó chính là ân sủng!
Nhiều lúc tôi kinh ngạc qua việc người khác có sức mạnh biến đổi tôi. Một sự biến đổi nội tâm chỉ xẩy đến nhờ ân sủng. Chúng ta không bao giờ có thể thay đổi chính mình qua sức mạnh thuần ý chí. Chính là hồng ân của Thiên Chúa trào dâng đã thay đổi con người sâu thẳm bên trong và làm tôi nên thánh thiện.
Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nên thánh. Một người được đổi mới nhờ ân sủng thì thánh thiện. Một người thánh thiện đương đầu với thế gian bằng đức tin mãnh liệt, đức cậy vững vàng và đức mến liên lỉ. Những người thánh thiện luôn gặp gỡ một cách sắc bén với chính mình, với thế gian và với Thiên Chúa.
Ơn kêu gọi của người Kitô là bước vào cõi thâm giao với Thiên Chúa. Sự thánh thiện là hoàn toàn bước vào trong sự giao hảo thiết thân này với Thiên Chúa của tình yêu. Thánh thiện luôn luôn phát xuất từ Thiên Chúa. Như lời cầu nguyện Thánh thể thứ hai trong thánh lễ nói với chúng ta một cách duyên dáng rằng : "Chúa là suối nguồn của tất cả sự thánh thiện." Thánh thiện đến với chúng ta như một món quà từ tình yêu hồng ân của Thiên Chúa. Thánh thiện cũng là một dòng kênh để hồng ân Thiên Chúa chảy qua ta và hoán cải cuộc đời những người khác. Khi chúng ta đi qua cuộc đời này chúng ta phải mở con người mình ra để nhận lãnh tình yêu hồng ân của Thiên Chúa, vì khi chúng ta thực sự hoàn toàn đón nhận nó chúng ta bước vào cõi thánh thiện. Chúng ta không thể nhận lãnh nó trong đơn độc. Tha nhân làm cho việc nhận lãnh của chúng ta trở nên dễ dàng. Như vậy thánh thiện là một thực tại xuyên con người. Là thánh tức là ở trong Thiên Chúa và ở trong Tình Yêu.
Trong cuốn sách có tựa là ‘Thánh thiện’, Donald Nicholl nói về tầm quan trọng của những người bạn trong việc tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng lại ơn gọi nên thánh của chúng ta: "Mỗi người cần đến một người bạn tâm hồn, một ai đó yêu bạn nhiều đến nỗi không bao giờ để cho bạn rời xa con đường thánh thiện mà không qưở trách và khích lệ bạn." (4)
Sự thánh thiện mang tính xã hội một cách mạnh mẽ theo nhiều cách thức. Đó là sự có mặt của một Thiên Chúa yêu thương với cá nhân tôi trong những tương quan xuyên con người với dân của Ngài. Rất thường khi ý tưởng về thánh thiện gợi lên hình ảnh một lòng đạo đức nhạt nhẽo, nhàm chán và ù lì trong khi thực thế nó là một kinh nghiệm phong phú sinh động của lòng mến xuyên con người.
Nhìn ra chúng ta thánh thiện là nhận ra một tiềm năng vô tận vượt lên trên khả năng con người. Sự thánh thiện bao hàm sự hiện diện của lòng mến nơi trung tâm sống mà ở đó phát xuất tất cả những gì chúng ta là. Như vậy để được thánh thiện chúng ta phải ở trong một mối liên hệ với người khác.
Sự thánh thiện xuyên con người là tình yêu phát xuất từ con tim đức Giêsu và chảy qua một cách cho không vào bên trong và ở giữa những trái tim con người. Sự thánh thiện xuyên con người là một bí tích nhân bản. Nó là sự hiện diện của tất cả Thiên Chúa yêu thương vô cùng tại nơi đây và vào lúc này trong chúng ta và giữa chúng ta.
Là thánh tức là được bơm đầy hồng ân. Những con người thánh thiện tham gia vào việc truyền tải hồng ân. Tình yêu Thiên Chúa chảy qua chúng ta và qua chúng ta đến với tha nhân.
Có một niềm vui dịu dàng nơi hồng ân. Biết tình yêu hồng ân của Thiên Chúa là được Ngài sưởi ấm và được lột xác thành chính sự ấm áp đó của Thiên Chúa để rồi ta có thể mang nó đến cho tha nhân. Hồng ân Thiên Chúa thì vô tận; nếu chúng ta không nhận lãnh được nó thì chỉ vì sự vô tâm của chính chúng ta. Qua những mối quan hệ xuyên con người của tôi, tôi đã có được một sự hiểu biết mới mẻ về hồng ân. Tôi càng thấy rõ ràng hơn làm sao hồng ân đan dệt nên cuộc sống hàng ngày của tôi. Tôi đã đi đến chỗ cầu nguyện để cho hồng ân của tôi được nên hồng ân cho tha nhân.
Phần lớn sự duyên dáng của tình bằng hữu nằm ở chỗ chúng ta không tạo ra nó. Đó là một món quà của Thiên Chúa. Nhiều năm trước tôi tham dự một khóa huấn luyện 10 ngày tại Boston. Tôi đến đó với một cõi lòng nặng trĩu lo âu về những khó khăn khá quan trọng trong nghề nghiệp có ảnh hường tới nhiều lãnh vực khác của đời tôi. Tôi đến Boston với nhu cầu được chữa trị nhưng không mong rằng sẽ được chữa lành. Tôi chỉ đến tham dự khóa học mà không có một mục đích nào khác. Một cái gì đó rất đặc biệt đã xẩy ra cho tôi tại Boston vào mùa hè đó. Có vẻ như những gì tôi đã nghe và đọc trong Kinh thánh, những thao thức và cầu nguyện của tôi về tình yêu lân tuất, chữa lành của Thiên Chúa được phản ánh một cách mãnh liệt nơi một người tôi gặp trong thời gian đó. Chúng tôi mau chóng trở thành bạn hữu.
Từ cuộc tao ngộ đó tôi đi đến chỗ tin rằng mọi cuộc gặp gỡ, mọi tình bạn đều mang một ý nghĩa và nó luôn luôn là một món quà của Thiên Chúa. Nói khác đi, chúng ta không bao giờ kết bạn, chúng ta chỉ nhận ra những gì Thiên Chúa hoạch định cho chúng ta từ thưở ban đầu. Tôi đến Boston mà không hề nghĩ rằng cuộc đời của tôi sẽ được chạm đến bởi một người khác. Tôi không ngờ rằng tôi sẽ thấy một khuôn mặt rất Thiên Chúa ở đó.
Abraham Heschel, một thần học gia Do Thái lớn, đã nói làm thế nào mà một đứa trẻ tiếp thu câu chuyện hiến tế Isaac. Khi nghe tới đoạn Thiên thần ngăn không cho Abraham giết Isaac, em nhỏ bật khóc. Thầy rabbi kể câu truyện này rất bối rối trước những giọt nước mắt của em nên hỏi: "Tại sao em khóc, Isaac đã được cứu." Em trả lời: "Nhưng thưa thầy, điều gì sẽ xẩy ra khi Thiên thần đến trễ một giây?" Thầy rabbi trấn an em và nói rằng: 'Thiên thần không bao giờ đến trễ!" (5).
Câu chuyện nhắc với ta rằng vào đúng thời gian, Thiên Chúa luôn luôn gởi đến một ai đó làm cho tình yêu Ngài nhập thể vào đời ta. Thiên Chúa luôn luôn cứu vớt chúng ta và Ngài dùng những người khác, "những thiên thần," như dụng cụ cho việc can thiệp dịu dàng và chữa lành của Ngài. Thật thú vị, từ thiên thần trong tiếng Anh phát xuất từ một chữ thông thường Hy Lạp có nghĩa là sứ giả, người được sai đến.
Trước đây tôi có đề cập đến cuốn sách của Donald Nicholl, "Sự Thánh Thiện." Trích dẫn của tôi có bao gồm chữ ‘bạn tâm hồn’ mà ông dùng để mô tả những người Thiên Chúa gởi đến cho ta. Nicholl chỉ ra rằng một người bạn tâm hồn là "một người được Chúa sai đến bởi lẽ ta không thể đăng quảng cáo tuyển mộ cho mình một người bạn như vậy được. Chúa gởi đến cho ta một người bạn như thế dù ta có thích hay không thích người ấy, và tùy ta quyết định có chấp nhận liều thuốc chữa lành ấy không." (6) Chúng ta không thể hoạch định những mối tương quan của chúng ta. Chính Thiên Chúa là Đấng làm việc đúng lúc để cho chúng ta gặp gỡ. Chúng ta không thể tiên tri khi nào Chúa gởi người đó đến. Chúng ta chỉ có thể chờ đợi. Thông thường thì chúng ta không thể nào giải thích tại sao hai người như thế lại trở nên bạn được. Đó là một mầu nhiệm nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa cho mỗi người.
Mầu nhiệm về người bạn tâm hồn mà Chúa gởi đến có thể nhận ra rõ ràng nơi tình bạn giữa Gionathan và David trong Cựu Ước. Hai người không hề có chủ ý làm bạn với nhau. Thật vậy việc trở thành bạn của nhau hầu như bất khả vì Gionathan là người thừa kế ngai vàng còn David chỉ là một cậu bé chăn chiên nghèo trong một gia đình tầm thường. Tuy nhiên cả hai được lôi kéo đến với nhau: "Sau khi David nói xong với Saolê, Gionathan trở nên quý mến David như thể mạng sống anh được cột chặt với David, anh yêu quý David như bản thân mình" (một Samuel 18;1). Có một cái gì kỳ diệu và quyền năng vượt ra khỏi sự hiểu biết của con người đã kết nối hai người trong một tình bạn đặc biệt. Tình bằng hữu giữa Gionathan và David bao gồm một lôi cuốn tinh thần không dễ dàng giải thích theo lô-gích. Họ là những người bạn tâm hồn và tình bạn của họ là việc làm của Thiên Chúa. Chính vì có chung một tình yêu đối với Thiên Chúa mà hai tâm hồn này được hàn gắn với nhau.
Nếu chúng ta tin rằng không hề có những điều trùng hợp tình cờ trong cuộc sống, thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy rằng cuộc đời được đặt trên công việc của Chúa Quan Phòng. Quan phòng có nghĩa là mọi cái trên trần gian đều phục vụ một mục đích vượt lên trên thế gian: mục đích của Thiên Chúa yêu thương vô cùng.
Tin vào Chúa Quan Phòng là tin rằng có một tầm quan trọng đặc biệt nơi mọi cái xẩy ra, và rằng có một Thiên Chúa yêu thương cầm giữ sự tốt lành cho từng cá nhân. Trong ngôn ngữ của những mối tương quan xuyên con người, tin vào Chúa Quan Phòng là nhận ra rằng không có một mối liên hệ nào bởi tình cờ mà có, và tất cả chúng đều được hướng dẫn bởi một Thiên Chúa yêu thương. Nó hàm ý tin rằng trước khi chúng ta có được những cuộc gặp gỡ sâu xa thì chúng ta phải thao thức rất lâu mà chúng ta không thể biết được.
Sam Keen, trong tác phẩm quan trọng và xuất sắc, The Passionate Life, gợi ý rằng có một sự hòa hợp thần bí lôi kéo và cột chặt chúng ta với nhau trong những mối tương quan đầy ý nghĩa. Ông giải thích :
- … khái niệm về tình cờ, trùng hợp, hay ngay cả sự đồng bộ là những triết lý chắp vá được xây dựng một cách vội vã để che đậy sự lúng túng nơi lập luận của rất nhiều triết gia, những người muốn tỏ ra chín chắn và có lý bằng mọi giá. Suy cho cùng, tình cờ chỉ mang nghĩa hai điều cùng xảy ra vào một lúc, hay đến cùng với nhau. Và đến cùng với nhau có thể dễ dàng suy diễn như là một sự hòa hợp thần bí hay do một ngẫu nhiên của vũ trụ. Nếu chúng ta trân trọng những kinh nghiệm của mình, thì những cái tình cờ bất chợt có vẻ như là hậu quả của những ân sủng đặc biệt. (7)
Chính những ân sủng đặc biệt của một Thiên Chúa yêu thương làm cho tình yêu hiện diện giữa chúng ta. Thánh Thần được ban cho chúng ta cùng với nhau, một cách xuyên con người. Chỉ có một Thánh Thần liên kết chúng ta lại: "Thánh Thần Chúa đổ đầy thế giới và cầm giữ mọi sự" (Khôn ngoan 1,7). Thật vậy chính Đức Kitô đan kết chúng ta lại với nhau.
Sự nẩy sinh lòng mến trong các mối liên hệ xác nhận là Thánh Thần thực sự làm việc trong đời ta và đặc biệt trong các mối tương quan. Thánh Augustino viết rằng: "Trừ phi các bạn liên kết với nhau các bạn không thể có tình bằng hữu thực sự qua lòng mến mà Thánh Thần gieo vào lòng chúng ta." (8)
Thường chúng ta cảm thấy chính chúng ta lựa chọn đi vào vòng ân tình với người khác, dĩ nhiên không kể đến các người thân trong gia đình như cha mẹ, anh em, các người thân khác. Sự thật là cũng như chúng ta không lựa chọn cha mẹ, anh chị em cho mình, những tình bằng hữu chân tình cũng không phải là lựa chọn của ta. Tất cả những gì ta phải làm là công nhận sự lựa chọn của Thiên Chúa. Một lần nữa chính hồng ân đặc biệt của Chúa lôi kéo chúng ta lại với nhau. C.S. Lewis đã nói rất hay về nó:
Như một người điều khiển chương trình ở phía sau sân khấu đang làm việc Đức Kitô nói với các môn đệ "Chúng con không chọn thầy, mà thầy chọn chúng con," cũng đúng trong trường hợp các nhóm thân hữu Kitô "Các con không chọn nhau mà chính thầy đã chọn các con cho nhau." Tình bằng hữu không phải là một phần thưởng cho sự phân biệt và sở thích trong việc tìm kiếm người thích hợp. Đó chính là dụng cụ mà Chúa dùng để tỏ cho người này nhìn ra cái đẹp của người kia. (9)
Nhận ra công việc của Thiên Chúa trong các tình bạn sẽ đưa chúng ta đến chỗ nhận ra Thiên Chúa vẫn là một thành phần trong những mối tình chân thật. Ngài luôn luôn ở giữa chúng ta và những người chúng ta yêu thương, không phải để tách biệt chúng ta ra nhưng để gắn chặt chúng ta hơn.