Dẫn nhập
Người ta vẫn thường nói: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Thật thế, sống giữa cảnh đời tranh đua xu nịnh, con người cố gắng bon chen, đề cao thực dụng, nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân và lấy những giá trị trần thế làm thước đo cho mọi chuẩn tắc của cuộc sống, thì đời tu trì lại trở nên một “dấu hỏi lớn” cho con người thời nay. Liệu đời tu với quan niệm và lối sống trái ngược hoàn toàn với tất cả hiểu biết và tìm kiếm theo lẽ thường tình có thật sự là “cõi phúc” như điều người đời vẫn nói không? Phải chăng tu là một lối thoát, một giải pháp cho những bế tắc, những ngõ cụt mà con người cố gắng loay hoay, vẫy vùng hòng thoát khỏi? hay là tu vì những hào nhoáng sẵn có dành cho những ai muốn được đời trọng vọng với mâm cao cỗ đầy, xe cộ đưa rước, bổn đạo cung kính, tiện nghi đầy đủ?
Xác định cho đúng động lực và mục đích đời tu quả là điều cần thiết và quan trọng. Bởi chưng nếu làm không tốt chuyện ấy thì tu chưa chắc là cõi phúc và tình không hẳn đã là dây oan.
Chúng ta dường như luôn có xu hướng phân lằn ranh rõ ràng giữa đời tu và thế tục. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, khi người ta càng đề cao đời tu thì đồng thời cũng có một thái độ “hạ giá” dành cho đời thế tục. Cách cụ thể trong đạo Công giáo của chúng ta, có lẽ không một tín hữu công giáo nào lại không quan niệm: đi tu là từ bỏ thế gian, là đánh đổi tất cả để bước theo Đức Kitô cách triệt để hơn, đồng thời kiến tạo một cuộc sống thanh thoát, tự do và hiệp nhất. Không chỉ thế, đi tu còn là cách để làm toát lên lời chứng hùng hồn rằng: thế gian này chưa phải là tất cả, còn có đó một hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa đang gọi mời. Hiếm có ai cho rằng ông cha, bà soeurs hay ông thầy đó vì bồ đá thất tình chán đời mà đi tu. Nhưng liệu rằng đó có phải là tất cả?
Lẽ dĩ nhiên, lý tưởng thì bao giờ cũng cao đẹp. Tuy vậy, khi nhìn vào thực tế cuộc sống, người tu sĩ vẫn không sao tránh khỏi những xao xuyến, khắc khoải thậm chí nhiều lúc tưởng chừng như buông mình rơi tự do trong vòng xoáy của danh, lợi, thú. Điều này xét cho cùng cũng không phải là vô lý, vì chưng tu là một tiến trình tiệm tiến từ thấp lên cao, từ dễ đến khó, chứ không phải là một phép thần thông biến hóa như trong truyện cổ tích được.
Đối diện với những thử thách ấy, người tu sĩ vẫn cố bám lấy lý tưởng của đời mình, vẫn không ngừng vươn lên để đạt đến sự thánh thiện. Vì lẽ sự thánh thiện hay còn gọi là nên thánh chính là ơn gọi cao cả nhất của các Kitô hữu, mà đặc biệt là của những ai tự nguyện dâng mình sống vì Nước Trời. Thật thế, có nhiều phương cách thực hành sự thánh thiện, nhưng ơn gọi thánh hiến với các lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục vẫn được xem như việc thực hành mang lại những bước tiến vững chắc và đúng đắn nhất trên con đường hướng đến sự trọn lành.
Vì lẽ ấy, bài viết xin được tìm hiểu về ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục dưới lăng kính của Thánh Kinh, Thần học, Giáo luật và Tu đức. Đồng thời, do bởi giới hạn của người viết nên có lẽ bài viết chỉ có thể coi như là “cưỡi ngựa xem hoa”, chứ không dám mơ mộng đến tính học thuật hay chuyên môn. Chỉ dám ước mơ khơi dậy chút gì nơi những ai đọc được bài viết này.
1. Tu là đời tận hiến vì Nước Trời
Trong nhà đạo, đời tu còn gọi là đời tận hiến. Lý do xem ra khá đơn giản, bởi đi tu là dâng mình cho Chúa, cho nên gọi là tận hiến. Tuy nhiên, xét một cách tường tận, chúng ta chẳng có dâng gì cho Chúa cả. Vì lẽ chính Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, chứ không phải ngược lại, cho nên một khi nhận thức được hồng ân ấy, bổn phận của chúng ta là phải cố gắng đáp trả lại cũng bằng tình yêu. Đây có thể coi như lời giải thích cho biết bao nam thanh, nữ tú dám từ bỏ cả tương lai đầy hứa hẹn rộng mở trên bước đường đời để rồi nép mình nơi nhà Chúa với bao đòi hỏi hy sinh từ bỏ cả về tinh thần lẫn vật chất.
Hơn nữa, không những ta biết được tình yêu Chúa dành cho ta, nhưng ta còn tìm thấy mẫu gương để đáp lại tình yêu ấy, Đức Kitô là chủ thể tận hiến nguyên khởi. Như thế, đời tu được cụ thể hóa hơn khi đi tu chính là tận hiến cho Đức Kitô, tức là theo sát Đức Kitô và bắt chước Ngài.
Ta chẳng thấy nơi đâu trong Thánh Kinh nói một cách rõ ràng về lời khấn. Trong tất cả các bài giảng của Đức Giêsu, chẳng có chỗ nào thấy Ngài chia sẻ cách minh nhiên về khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục như ba điều kiện cốt yếu để trở nên giống Ngài. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra điều này khi nhìn vào cuộc sống và sứ mạng của Ngài, như truyền thống Giáo hội vẫn xác tín. Là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, Đức Giêsu đã cho thấy những điều tốt đẹp hội tụ nơi mình. Qua việc chiêm ngắm Ngài không ngừng nghỉ, Giáo hội đã tóm lược tất cả những điều tinh túy nơi Đức Giêsu thành ba yếu tố giúp con người có thể noi theo mà trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Ba yếu tố này không tách rời nhau nhưng có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Sống trọn vẹn điều này thì cũng giúp sống tốt hai điều kia. Cả ba làm nên chiếc kiềng giúp cho đời tu được vững chãi.
2. Khía cạnh Thánh Kinh
Trong Tin Mừng, không phải chỉ có ba lời khuyên mà thôi, nhưng còn có rất nhiều lời khuyên và điều buộc. Tuy nhiên, những người khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm đã muốn chú trọng tới khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, vì thấy tầm quan trọng đặc biệt của chúng trong việc biểu lộ con đường bước theo Đức Kitô. Trước đây, để tìm hiểu nguồn gốc của các lời khuyên Phúc Âm, người ta thường cố gắng truy tìm những bản văn Thánh Kinh chứng minh trong đó Chúa chỉ khuyên chứ không buộc. Thế nhưng, ngày nay với khoa chú giải Thánh Kinh hiện đại, nhiều người không hoàn toàn đồng ý với cách thức trên. Trình thuật Mt 19,16-30 là tiêu biểu cho sự phân biệt giữa lệnh truyền và lời khuyên, khi anh thanh niên trong Tin Mừng trả lời Chúa Giêsu rằng anh ta đã giữ tất các điều răn, thì Chúa nói thêm, hãy đi bán tài sản của anh và đêm cho người nghèo anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Ngài. Theo cách hiểu tích cực, lời khuyên mà Chúa Giêsu nói với anh thanh niên: “nếu anh muốn...”, như một giao ước mới mời gọi con người tự nguyện tiến xa hơn những điều buộc (giao ước cũ), nghĩa là hãy yêu Chúa hết lòng, trọn tình, vượt lên trên của cải vật chất. Lời khuyên như là một lời mời gọi tình yêu, vượt lên trên và vượt xa những lệnh truyền. Đoạn Tin Mừng Mt 19,4-12 cho ta thấy rõ hơn về điều này: hôn nhân không phân ly (Mt 19,12) đều là ý định đời đời của Thiên Chúa, có khác chăng, độc thân vì Nước Trời (khiết tịnh) là một hồng ân hay một đặc ân mà Chúa ban cho người nào đó nhờ họ đáp lại tiếng Chúa gọi mời.
3. Khía cạnh Thần học
Theo suy tư thần học, việc giữ các lời khuyên Phúc Âm có tính cách khổ chế, từ bỏ, hiến dâng để theo Đức Kitô vì phần rỗi các linh hồn. Tất nhiên, những lời khuyên đó bắt nguồn từ Đức Kitô và vì Nước Trời, chứ không phải vì một lối sống trần thế nào. Các lời khuyên Phúc Âm nhằm giúp việc thực hành đức ái trọn hảo. Từ bỏ hay khổ chế trong đời tu không phải là vì chê ghét điều từ bỏ mà là để đạt đến điều thiện hảo hơn. Nói cách khác, tu sĩ khước từ những điều tự nó là tốt để chọn lấy điều tốt hơn, bởi họ bị thu hút đến điều thiện duy nhất là tình yêu Đức Kitô. Qua ba lời khuyên Phúc Âm, người tu sĩ dâng cho Chúa những giá trị cao quý nhất của đời người là: của cải, thân xác và tự do. Qua lời khuyên khiết tịnh, chúng ta dâng khả năng yêu thương và muốn được yêu, qua lời khuyên khó nghèo, chúng ta hiến dâng khả năng chiếm hữu, và sử dụng tài sản trên đời, qua lời khuyên vâng lời, chúng ta dâng khả năng tự do muốn làm chủ định đoạt cuộc đời.... Cũng theo suy tư thần học, các lời khuyên Phúc Âm là cách thức các tu sĩ họa lại cuộc sống và tình yêu của Đức Kitô. Vì yêu Đức Kitô nên các tu sĩ yêu và sống như Ngài, nghĩa là sống cho Chúa và cho tha nhân, thông hiệp vào hy lễ của Đức Kitô, chia sẻ công cuộc cứu rỗi thế giới và hưởng ơn cứu độ của Ngài.
4.Khía cạnh Giáo luật
Giáo luật xét đến những người sống theo ba lời khuyên Phúc Âm như một bậc sống trong Giáo hội, có tổ chức và có một lối sống đặc biệt dành riêng. Bậc sống tu trì được nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội thiết lập và phê chuẩn theo giáo luật (Đ.573, Đ.576) đó là một trong ba bậc sống tận hiến dựa trên việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm, và thuộc về sự thánh hiến trong Giáo hội. Bậc sống này có tính cố định và bền vững, để nhờ đó các tu sĩ theo sát Đức Kitô hơn nhằm tự hiến hoàn toàn cho Ngài và cho Giáo hội (Đ.573). Điều đặc biệt là việc sống các lời khuyên Phúc Âm cách bền vững trong Giáo hội liên hệ tới sự sống còn của toàn thể Giáo hội (Đ.574). Hơn nữa, Giáo hội nhận các lời khuyên Phúc Âm như là hồng ân Chúa ban cho chính người tận hiến và cho toàn thể Giáo hội (Đ.575).
Người khấn dòng cam kết tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm bằng lời khấn công khai trước mặt Giáo hội (Đ. 607, 654) với nội dung và phạm vi của sự cam kết phải được xác định trong hiến pháp của mỗi dòng và tu hội (Đ.598). Tuy nhiên việc tuyên khấn không chỉ mang tính pháp lý mà thôi, nhưng còn là giữ một tinh thần sống tận hiến thực sự bằng sự kết hiệp với Đức Kitô cách trọn vẹn và vĩnh viễn.
Cốt yếu của đời tu hệ tại ở sự tận hiến cho Thiên Chúa. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã chọn những người cụ thể dành riêng người đó ra để thi hành một sứ mạng Chúa trao. Tu sĩ là người đáp trả lại lời mời gọi tình yêu và đi theo Đức Kitô qua các lời khuyên của Tin Mừng như một xác tín sâu xa và bền vững, bằng đời sống kết hợp nên một với Ngài và làm chứng cho Ngài ngay trên trần thế này.
5. Khía cạnh Tu đức
Những gì đã nói trong phần thần học có thể coi như là một lý tưởng mà các tu sĩ nhắm tới. Tiếc rằng không phải ai ai sinh ra đều đạt ngay tới mức độ lý tưởng, nhưng phải qua một tiến trình lâu dài.
Chắc một điều là hiếm có ai muốn sống nghèo khổ thiếu thốn. Tuy vậy, để không bám víu vào của cải trần gian, người tu sĩ khấn hứa mình luôn chọn con đường nghèo khó Tin Mừng để sống trọn đời. Chính Chúa Giêsu đã đi trọn con đường nghèo khó này. Một cách tổng quát, chúng ta có thể nhận thấy hai ý thức mới trong việc sống khó nghèo của tu sĩ: thứ nhất, sống nghèo có nghĩa là sống đồng hóa với dân nghèo, chia sẻ cảnh bấp bên thiếu thốn của họ. Thứ hai, sống nghèo có nghĩa là dấn thân bênh vực người nghèo, cộng tác vào việc thăng tiến và giải phóng họ khỏi cảnh nghèo khó. Đây là cách người tu sĩ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đời sống khó nghèo luôn có những đòi buộc, họ phải nghèo trong thực tế và trong cả tinh thần để chỉ lo thu tích cho mình một kho tàng trên trời chứ không phải ở tại thế này.
Không dừng lại ở đó, người tu sĩ cũng luôn được mời gọi ý thức được rằng họ chỉ thuộc về Đức Giêsu, tức là trái tim người tu sĩ không được chia sẻ với ai ngoại trừ cho Thiên Chúa. Một cách tự nguyện, người tu sĩ phải xem khiết tịnh như là một món quà của Thiên Chúa, một ân huệ cao cả của ơn thánh, để hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Tuyệt vời biết bao khi trái tim người tu sĩ chỉ dành trọn vẹn cho Thiên Chúa. Nhưng qua đó, họ cũng liên đới với mọi người sâu xa hơn trong Chúa Kitô. Muốn thế, họ phải trung thành với lời tuyên giữ, tin vào Lời Chúa, trông cậy vào ơn Người, đừng tự phụ vào sức riêng mình, lại phải sống hãm mình và gìn giữ ngũ quan.
Chúng ta cũng không quên nói đến lời khấn vâng phục, vì có lẽ trong ba lời khấn tu trì, lời khấn vâng phục là nhân đức lớn nhất. Các sách tu đức cổ truyền đã nói nhiều tới việc thực hành nhân đức vâng lời. Tuy nhiên, khi mang áp dụng vào lời khấn tu trì, chúng ta cần phải biết lồng sự vâng lời vào trong những chiều kích khác nhau nữa, cách riêng trong bối cảnh của việc tìm hiểu ý Chúa và giữa khung cảnh của cộng đoàn. Phải nhìn nhận rằng sự vâng phục không phải là điều dễ dàng, xét vì đối với con người không có gì quý hơn độc lập tự do, chính vì thế, việc dâng hiến tự do qua sự vâng lời tình nguyện trở thành hiến lễ cao cả.
Sự vâng lời tự nguyện của các tu sĩ không nhằm biến họ thành người ấu trĩ, nhưng giúp họ trưởng thành để nhận lãnh trách nhiệm. Điều này có nghĩa là sự vâng lời cần phải đặt trong khuynh hướng của con người đi tìm về sự thật, và chỉ sự thật mới thu hút hoàn toàn con người, chứ không phải là vâng lời bề trên cách tối mặt. Trong chiều hướng ấy, sự vâng lời trở thành sự thực thi bác ái: khi sai bảo, bề trên muốn giúp cho bề dưới được tiến hơn trong đức ái toàn hảo; khi vâng phục, bề dưới tỏ tình yêu mến bề trên như một người anh em (chị em) mang trách nhiệm phải cáng đáng công ích cho cộng đoàn, chia sẻ gánh nặng với bề trên.
Tạm kết
Tất cả các Kitô hữu được mời gọi sống các lời khuyên Phúc Âm trong tinh thần, cho dù họ đang sống trong bậc sống nào. Những người được thánh hiến là được hiến thánh bằng những lời tuyên khấn và lời hứa mà họ cam kết sẽ thực hiện. Mỗi lời thề hứa thánh hiến một khía cạnh khác nhau của con người cho Thiên Chúa, vì thế, cả ba lời khuyên tập hợp nên việc thánh hiến toàn thể con người cho Thiên Chúa. Cùng một cách như thế, người ấy hoàn toàn được hiến dâng cho Thiên Chúa, nghĩa là sống các lời khuyên trong thực chất chứ không chỉ trong tinh thần.
Ngoài những giá trị tốt đẹp mà ba lời khấn mang lại, ta có thể nói rằng, người tu sĩ sống sự khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục là vì Đức Giêsu đã sống như vậy. Chỉ đơn giản là họ noi theo Đức Giêsu mà thôi. Ý nghĩa của ba cụm từ khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục luôn bị con người đặt vấn đề, đặc biệt là xã hội ngày nay, khi người ta luôn đề cao giàu có, khoái lạc và tự do cá nhân. Cũng có lúc do không hiểu rõ, người ta đặt trên hai trục đối lập để chê bai điều này, ủng hộ điều kia. Kỳ thực khó nghèo không có nghĩa là không sở hữu gì, sống khiết tịnh không phải một kiểu cố sức đè nén các xung động của thân xác, vâng phục cũng không hề đối nghịch với tự do cá nhân. Vì tu sĩ luôn lấy Chúa Giêsu làm mẫu mực cho mình, nên ba lời khuyên Phúc Âm cần được hiểu trong sự quy chiếu đến Ngài, chứ không chỉ nên được hiểu trên bình diện ngữ nghĩa của chính từ ngữ. Nói cách khác, khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục phải được đọc và được hiểu trong bối cảnh của một sự dâng hiến của sứ mạng, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Nước Trời.