VINH QUANG ĐÍCH THẬT

Thứ bảy - 04/11/2023 03:50
VINH QUANG ĐÍCH THẬT

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Các bài đọc hôm nay có thể tóm tắt như sau:
 
Nơi bài đọc I, ngôn sứ Ma-la-khi rao giảng vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên khi Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã được tái thiết. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái bấy giờ chỉ quan tâm tổ chức các nghi lễ bề ngoài, mà chẳng để tâm hướng dẫn tinh thần cho dân chúng. Từ đó phát sinh nhiều tệ nạn như: lễ vật dâng tiến cho Chúa là những con vật đui mù què quặt, thậm chí đồ ăn cắp; hành vi dung túng cho việc li dị, hôn nhân với người ngoại, trốn thuế thập phân; các nhà lãnh đạo đối xử với dân chúng một cách quan liêu, chỉ nhằm tư lợi cá nhân…Vì vậy, Thiên Chúa sai ngôn sứ Ma-la-khi (x. Ml 2, 8-10) nhắc nhở họ về cung cách lãnh đạo, đó là: làm cho dân biết tôn vinh Thiên Chúa, trung thành với giao ước, và đối xử với mọi người trong tình anh chị em cùng một Cha.

Ở bài đọc II, chúng ta cảm nhận sâu sắc cung cách lãnh đạo của Thánh Phao-lô (x. 1Tx 2, 8-9): ngài trở thành kẻ bé mọn giữa anh em; đối xử với tín hữu như người vú nuôi nâng niu con cái mình; sẵn sàng hy sinh tất cả cho các tín hữu, ngay cả mạng sống mình; cố gắng tự lực cánh sinh để không trở thành gánh nặng cho giáo đoàn.

Còn trong bài Phúc Âm, Đức Giê-su nói về giới lãnh đạo tôn giáo Do thái (các luật sĩ và người Biệt phái) thời đó: một mặt, Ngài bảo mọi người tôn trọng chức vụ của họ, vì họ “ngồi trên toà Mô-sê giảng dạy” (x. Mt 23, 2), và hãy làm theo những gì họ dạy; nhưng mặt khác, đừng noi theo hành vi của họ, bởi lẽ hành động của họ lột tả những thói xấu như: chỉ tay năm ngón, hám lợi háo danh, kiêu căng, phô trương, v.v…

Chuyện kể rằng: một người đàn ông đi hành hương; mệt quá, ông bèn ngồi nghỉ trên một chiếc ghế đá, nhưng ông rất đỗi ngạc nhiên và dường như còn tỏ ra hãnh diện sung sướng vì thấy nhiều người qua lại trước mặt ông bỏ mũ cúi chào. Trong khi nghĩ ngợi thắc mắc, thì có một cụ bà cũng đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà nhìn lên và miệng thầm đọc nhiều lời gì đó mà ông không nghe rõ. Thế rồi bà cũng đi qua như bao người khác. Liền lúc ấy, ông chợt quay lưng lại, nhìn theo hướng cụ bà đã nhìn thì ông nhận ra có một cây Thánh giá sừng sửng đứng ở phía đằng xa. Nghĩ lại ông xấu hổ đứng lên tiếp tục cuộc hành hương!

Thật vậy, vinh quang đích thực không khởi đi từ danh vị, quyền thế, chức tước, nhưng được xác định qua những nỗ lực khiêm tốn phục vụ. Chuyện đáng tin đáng nể phục chẳng phải ở lời nói, hay quyền lực, mà chính ở nơi cuộc sống phản ảnh sự chân thực, khả năng cống hiến và mức độ dấn thân yêu thương, vị tha như Chúa dạy.

Dựa trên lời Đức Giê-su giáo huấn và gương lành của Ngài (x. Mt 20, 24-28; 23, 1-32; Mc 10, 43; Ga 13, 1-20, …), chúng ta thấy mô hình người lãnh đạo như lòng Chúa mong muốn là: tấm lòng của người lãnh đạo phải yêu thương hết mọi người mà mình được giao trọng trách hướng dẫn; phương châm của người lãnh đạo phải tự coi mình là đầy tớ, có bổn phận phục vụ những người mình được trao phó; và cung cách của người lãnh đạo phải hạ mình, hy sinh, làm gương tốt gương lành.

Mặc khác, thói xấu mà người lãnh đạo thường dễ mắc phải, đó là: lo tìm vinh dự cho bản thân, mà quên tìm lợi ích cho thuộc cấp; thái độ quan liêu, coi thường, xem nhẹ thuộc cấp; sai khiến người khác làm, còn mình thì đứng nhìn, chỉ tay năm ngón; quên phục vụ người khác, trái lại, bắt người khác phục vụ mình.

W. E. Biederwolf từng nói: ‘Có khi nào người ta dám bỏ những tờ giấy bạc không? Thưa có, lúc đó là tiền giả. Tương tự, nhiều người đã quăng bỏ Ki-tô giáo vì thấy những Ki-tô hữu giả hình’.

Để khép lại bài chia sẻ này, xin được mượn lời của Thánh Tê-rê-sa Cal-cút-ta (28/8/1919 - 5/9/1997). Mẹ là Đấng sáng lập Dòng Thừa sai Bác ái, đã đưa ra tôn chỉ sống phục vụ truyền giáo: “Yêu là cho đi đến khi cảm thấy đau”. Hơn ai hết, mẹ đã duy trì sự quân bình tuyệt hảo giữa tình yêu và lề luật, giữa ngôn từ và hành động khi đề cập đến việc thực hành tôn giáo hoặc việc sống đạo, mẹ nói: “Nhiệm vụ của mỗi người là một nhiệm vụ yêu thương…Hãy khởi sự ngay nơi bạn đang ở, với những người gần gũi với bạn nhất. Hãy biến gia đình bạn thành các trung tâm đầy lòng trắc ẩn và tha thứ liên lỉ. Đừng để ai sau khi đến với bạn mà không trở nên tốt hơn và vui tươi hơn…Vì vào giờ chết, lúc chúng ta đối diện với Thiên Chúa, chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên tình yêu; chẳng phải hệ tại số lượng công việc mà chúng ta đã làm, nhưng lệ thuộc vào bao nhiêu tình yêu thương mà chúng ta đã biến thành hành động”.

 

Tác giả bài viết: Lm. Xuân Hy Vọng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 160
  • Hôm nay 38,633
  • Tháng hiện tại 746,381
  • Tổng lượt truy cập 5,531,649
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây