LÀM CHO CHÍNH TA VẬY

Thứ tư - 22/11/2023 19:10
LÀM CHO CHÍNH TA VẬY
Một số vị vua thời xưa, vì muốn biết đời sống thực tế của dân
nên đã vi hành, nghĩa là cải trang làm thường dân,
bí mật ra khỏi cung vua, không cho ai biết.
Vua cố tình che giấu thân phận thật sự của mình,
vì muốn mắt thấy tai nghe những gì đang diễn ra trong nước,
nhờ đó vua biết được dân tình, và lãnh đạo sao cho hợp ý dân.
Vi hành thường là hành vi của một vị minh quân.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta hình ảnh một vị vua.
Đây không phải là một vị vua trần thế,
mà là Vua Giêsu trong ngày Ngài trở lại
ngự trên ngai vinh hiển, bừng tỏa ánh vinh quang,
có tất cả thiên sứ của Ngài theo sau hầu cận.
Muôn dân thiên hạ đông vô kể được tập hợp trước nhan Ngài.
Vua Giêsu sẽ là Đấng tuyên bố về số phận đời đời của họ.
Ngài tách biệt mọi người thành hai nhóm, đứng hai bên tả hữu.
Nhóm bên hữu được gọi là “những kẻ được Cha Ta chúc phúc.”
Nhóm này được mời đến thừa hưởng Nước Trời.
Còn nhóm bên tả là “những kẻ bị nguyền rủa.”
Họ sẽ phải chịu cực hình muôn kiếp với Satan.
Bởi đâu có sự khác biệt kinh khủng này nơi hai nhóm?
Vua Giêsu lấy tiêu chuẩn nào để phân loại đôi bên?
Biết được tiêu chuẩn này, chúng ta hy vọng được ơn cứu độ.

Có sáu việc bác ái được Vua Giêsu kể tới bốn lần:
Cho người đói ăn, người khát uống, người trần trụi áo che thân,
tiếp khách lỡ đường, thăm nom bệnh nhân, đến với tù nhân.
Một người được thưởng hay bị luận phạt
tùy người ấy làm hay không làm các việc trên cho tha nhân.
Tha nhân ở đây là những kẻ thiếu thốn cả hồn lẫn xác.
Họ không chỉ cần cơm áo mà còn cần một mái nhà,
cần được an ủi, đỡ nâng, cần được lắng nghe, thăm hỏi.
Bất cứ ai dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm về mình,
đối xử với người khác như một phần của chính mình,
người ấy đã giữ được điều răn thứ hai mà Đức Giêsu nói đến.

Nhưng nét độc đáo và lý thú của bài Tin Mừng hôm nay
lại nằm ở chỗ Đức Giêsu đưa ra một khẳng định bất ngờ.
Đó là: những kẻ đói khát, rách rưới, vô gia cư, yếu đau,
thậm chí cả những kẻ xấu bị giam cầm tù tội,
đều là sự hiện diện của Ngài, là hiện thân của chính Ngài.
Ai giúp họ là giúp Ngài, ai từ chối họ là từ chối Ngài.
Mà ai từ chối Ngài, Cha Ngài sẽ không cho vào Vương quốc.
Chúng ta thường quen với hình ảnh một Thiên Chúa oai phong,
một Thiên Chúa giàu sang, luôn ban phát dư dật.
Chúng ta không quen với hình ảnh một Thiên Chúa ngửa tay xin,
Một Thiên Chúa xấu xí vì túng nghèo, vì bệnh tật, vì vấp váp.
Vua Giêsu nhận mình chính là đấng Emmanuel lạ lùng.
Ngài ở với chúng ta mãi cho đến tận thế,
nơi những anh chị em bất hạnh, thiếu may mắn.
Như thế Ngài vẫn ở quanh ta, ở gần ta
đến nỗi ta có thế chạm được.
Lúc nào ta cũng có thể tiếp xúc với Ngài:
nuôi sống Ngài qua ngày, cho Ngài tạm trú trong nhà,
thăm ngài ở trại giam hay bệnh viện.
Ngài không chỉ là Đấng ban ơn trong nhà thờ,
mà còn là Đấng đứng ngoài nhà thờ xin ta trợ giúp.

Vào ngày tận thế, mong chúng ta không bị sững sờ mà nói:
“Lạy Chúa, có bao giờ con thấy Chúa đói khát đâu…”
Vua Giêsu quyền năng đã đồng hóa mình với người yếu.
Ngài gọi họ là “những anh em bé mọn nhất này của Ta đây.”
Ngài không cần giả trang thường dân như các vua ngày xưa.
vì Ngài hiện diện thật sự nơi người bị xã hội coi thường.
Chúng ta phải có đức tin để thấy được sự hiện diện ấy.
Chúng ta sẽ bị xét xử không phải vì đã làm điều xấu xa,
nhưng vì tội thiếu sót, đã để cho Ngài
đi ngang đời mình nhiều lần mà không được chút vụn bánh…


LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa,
Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hàng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta.”

                                     Thánh Têrêsa Calcutta

 

Tác giả bài viết: Lm. Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 50
  • Hôm nay 6,723
  • Tháng hiện tại 119,896
  • Tổng lượt truy cập 10,864,157
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây