Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Mùa Vọng, mùa đợi trông, mùa ân sủng tỉnh thức-đợi chờ-cầu nguyện.
Lời Chúa nhắn nhủ mỗi người chúng ta nhiều lần: “Anh em hãy tỉnh thức, bởi vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13, 33). Quả thật, người biết sống tinh thần tỉnh thức không ai khác hơn là người nhạy bén với sự hiện diện của Chúa nơi đời sống, nơi mọi trạng huống cuộc đời. Người sống tỉnh thức là người đơn sơ, vâng phục, làm theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh. Người sống tỉnh thức là người luôn sẵn sàng thực thi Thánh ý Chúa và quảng đại giúp đỡ anh chị em, cũng như sống giới răn yêu thương trọn vẹn. Vì chưng, Thánh Phao-lô Tông đồ khẳng định: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, anh (chị) em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Ngài” (1Cr 1, 5).
Lịch sử dân tộc Việt Nam kể lại biết bao biến cố diễn ra trong khi chờ đợi, hy vọng vào tương lai đầy ánh sáng, điển hình như Nguyễn Trãi đã quyết tâm tìm đường cứu quốc, và trở thành ‘Đệ nhất khai quốc công Thần’. Còn Cao Bá Quát chứng kiến cuộc đời này lắm cảnh phù vân, mong đợi, chờ trông đến nỗi ông kêu to: “Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ. Mảnh hình hài không có, có không”. Đời là thế! Chúng ta sống trong thế gian này, nhưng chúng ta không thuộc về thế gian này (x. Ga 15, 19). Chúng ta trông chờ Chúa đến trong vinh quang với tất cả niềm tin, lòng cậy trông và phó thác. Mặc khác, chúng ta đợi chờ ngày Chúa lại đến với tâm thế sẵn sàng, chuẩn bị tâm hồn, tỉnh thức, cầu nguyện và hướng tới việc thăng tiến trên con đường sống đạo.
Truyện kể rằng: Một bà lão kia, rất đạo đức, được Chúa hứa đến viếng thăm vào ngày bà khẩn xin. Sáng sớm hôm đó, trời vừa hừng đông, bà đã thức dậy dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng thật khang trang, rồi vừa ngồi chờ Chúa, vừa thầm thỉ lần chuỗi. Lát sau, nghe tiếng gõ cửa, bà tin là Chúa đến, vội vã hớn hở ra mở cửa; nhưng đó lại là người hành khất qua đường. Nét mặt bà buồn bã, rồi đóng sầm cửa lại. Trở lại ghế ngồi một lúc, thì có tiếng gõ cửa mạnh, bà vội mở cửa nhanh hơn vì nghĩ chắc là Chúa đến; nhưng hoá ra là một người khiếm thị. Và y như lần trước, cửa được đóng lại. Mấy giờ đồng hồ trôi qua, lại có ai đó gõ cửa. Bà nghĩ bụng lần này chắc chắn Chúa đến thăm mình, vả lại ‘nhất quá tam’, nên chạy nhanh mở cửa thì thấy một người ăn mặc rách rưới. Bà vừa buồn vừa giận mà nói: ‘Tôi bận đón Chúa rồi, tôi không giúp anh được đâu!’ Và cứ thế, ngày sắp khép lại, màn đêm dần buông mà bà vẫn chưa thấy Chúa đến thăm, bà rủ rượi than ôi: ‘Chẳng biết Chúa bận việc chi mà lại quên lời hứa với con’. Mòn mỏi đợi trông, bà ngủ thiếp đi và trong mơ thấy Chúa đến bên cạnh, thầm thỉ với bà: ‘Cha đã đến thăm con ba lần, nhưng cả ba lần đều bị con mời đi!’
Chúa đến với chúng ta với mọi hình hài, trong mọi trạng huống cuộc sống, nơi tất cả anh chị em. Chúa hiện thân trong sự đau khổ cũng như niềm vui hằng ngày. Chúa viếng thăm chúng ta ‘lúc chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết’ (x. Mt 25, 13); vì thế, mang lấy tâm tình tỉnh thức, mặc lấy lối sống chuẩn bị sẵn sàng, chúng ta cùng ngẫm suy lời khuyên nhủ của Thánh Charles de Foucault: “Bạn hãy sống như thể bạn sẽ chết vào tối nay”. Tuy nhiên, thái độ chủ động tỉnh thức, ‘tay cầm chong đèn rực sáng’ chưa đủ, mà tâm tình tỉnh thức phải dẫn đến việc cầu nguyện không ngừng. Thật vậy, tỉnh thức luôn luôn đi đôi với đời sống cầu nguyện, đời sống thiêng liêng, đời sống tu đức như Chúa Giê-su hằng kêu mời: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14, 38). Cuộc sống hiện đại thường ngày khiến chúng ta ngủ quên trong những thành tích hảo huyền, thành công hư ảo, khiến chúng ta ngủ vùi trên vô vàn tiện nghi dễ dãi, khiến ta say mê các thực tại trần thế chóng qua, mà quên đi ngày giờ Chúa lại đến và giây phút chúng ta lìa cõi đời này.
Noi gương lời Thánh Phan-xi-cô de Sales: “Sự chờ đợi đích thật nghĩa là đợi chờ mà lòng không lo lắng chi”. Lo liệu cho đời sống phần rỗi, lo toan cho đời sống thiêng liêng, hơn là lo lắng quá đỗi, mà quên đi tâm tình tỉnh thức-đợi chờ và cầu nguyện luôn.
Lạy Chúa, xin hãy đến, và đừng trì hoãn! Amen!