Vào những ngày cuối năm 2014, những người sống đời thánh hiến vui mừng, hân hoan, đầy sốt mến và nhiệt huyết đón nhận lời công bố của Đức Thánh Cha Phanxico khai mở Năm Đời Sống Thánh Hiến. Đức Thánh Cha đã xác định rõ ràng mục đích cho hành trình sống này là: Nhìn lại quá khứ với tấm lòng biết ơn, sống hiện tại với một niềm say mê và ôm ấp tương lai với niềm hy vọng. Qua tông thư khai mở Năm Đời Sống Thánh Hiến, những nam nữ tu sĩ thấy rõ sự mong đợi và thao thức của Đức Thánh Cha Phanxico cách riêng và của Giáo Hội nói chung nơi chính mình, là hãy trở nên những ngôn sứ đích thực cho con người của thời đại hôm nay. «Tôi mong ước rằng “các bạn thức tỉnh thế giới”, bởi vì tính cách đặc trưng của đời sống thánh hiến là tiên tri»[1].
Đã bốn năm trôi qua, lời mời gọi ấy vẫn còn vang vọng cách khẩn thiết. Vậy những người sống đời thánh hiến có thể làm ngôn sứ cho con người hôm nay như thế nào? Phải chăng là sống tình yêu đến cùng của Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô đã sống. Và Ngài không ngừng mời gọi những môn đệ mới nam cũng như nữ, để nhờ việc tuôn đổ Thánh Thần mà thông ban cho họ tình yêu Agape của Ngài, để họ cũng sống và phục vụ cùng một cung cách yêu thương của Người[2].
1. Người tu sĩ trở nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa trong tình yêu
Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16) và Ngài đã thông ban tình yêu của Ngài cho chúng ta khi tạo dựng nên chúng ta là hình ảnh và giống Ngài (x. St 1, 26 – 27). Thiên Chúa yêu như thế nào, điều này bàn bạc trong trình thuật Kinh Thánh, trong dòng lịch sử nhân loại, trong chính kinh nghiệm và lịch sử của mỗi người, mỗi cộng đoàn và mỗi Hội Dòng.
Đặc tính tình yêu của Thiên Chúa được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: tình yêu bước trước, tình yêu nhưng không, tình yêu tự hủy, tình yêu trao ban… Tình yêu đến cùng như lời thánh Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Tình yêu ấy được thể hiện trong chính cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu Kitô mà đỉnh cao là con đường thập giá và cuộc tự hiến trên đỉnh đồi Calve.
Thiên Chúa là nhân vị yêu thương, căn tính và con đường của Ngài là tình yêu. Vì thế, chúng ta, nhân vị “giống Thiên Chúa” cũng đi con đường ấy là đi vào trong mối tương quan với Ngài và với người khác cùng một tình yêu như vậy. Giáo Hội qua lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã khuyên bảo những người sống đời thánh hiến rằng: «Tất cả những con người này, trong khi sống thân phận là môn đệ theo Phúc Âm, dấn thân thực thi “giới luật mới” của Thiên Chúa, bằng cách yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Tình yêu đã khiến Chúa Kitô hiến thân mình làm hy lễ tối cao trên thập giá. Giữa các môn đệ cũng vậy, sẽ không có hiệp nhất thật sự nếu không có tình yêu thương nhau vô điều kiện”[3].
Vì thế, những người sống đời thánh hiến khi chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi trở thành chứng nhân của Ngài qua việc trở nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa tình yêu trong sự dâng hiến phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân.
2. Tính ngôn sứ của đời thánh hiến
Trước hết, tính ngôn sứ của đời thánh hiến tham dự đặc biệt vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô, đã được Chúa Thánh Thần thông ban cho toàn thể con cái Ngài khi nhận lãnh bí tích Rửa Tội. Sự tham dự này làm cho mọi Kitô hữu ý thức trách nhiệm làm chứng cho Thiên Chúa và rao truyền tình yêu của Ngài bằng chính đời sống hằng ngày của mình.
Hơn thế nữa, Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến tính ngôn sứ của đời thánh hiến khi xác định rằng: “Việc tuyên khấn sống các lời khuyên Phúc Âm là một dấu chỉ có thể và phải lôi cuốn cách hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo Hội đến việc can đảm chu toàn các phận vụ của ơn gọi Kitô hữu” (LG, s. 44). Như thế, các tu sĩ nam nữ trước tiên là những người tiên phong và nên gương sáng cho anh chị em nơi đại gia đình Kitô hữu trong việc phụng sự Thiên Chúa. Bên cạnh đó, còn có khả năng lay động và thức tỉnh con người đang sống trong một thế giới mà những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xóa nhòa, hầu có thể sống hạnh phúc và sống xứng với nhân phẩm của mình. Quả vậy, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói: “Ở đâu Thiên Chúa không chiếm chỗ nhất, ở đó nhân phẩm con người rời vào khốn cùng. Vì thế, con người ngày nay cần khám phá khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa được mặc khải cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô”[4]. Vậy, ai sẽ là người giúp cho con người ngày hôm nay tái khám phá khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa nếu không phải là các tu sĩ?
Vì thế, những người sống đời thánh hiến nhờ đặc ân riêng của Chúa Thánh Thần, thi hành tác vụ ngôn sứ chân chính, lên tiếng nhân danh Thiên Chúa để nói về Chúa cho mọi người, để vào những lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện cản đảm công bố thiên ý, đấu tranh, bảo vệ và chăm sóc người nghèo khỏi quyền lực thế gian. Tuy nhiên, trong khi sống vai trò ngôn sứ đầy nhiệt huyết và hăng say, để giữ mình khỏi lạc hướng, người tu sĩ cũng cần ý thức cách sâu sắc rằng “lời ngôn sứ chân chính chỉ đến từ Thiên Chúa”[5]. Do đó, người tu sĩ cần sống thân tình với Chúa, chăm chú lắng nghe lời Ngài trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử, đón nhận lời Chúa trong đối thoại và cầu nguyện, liên lỉ và say sưa tìm ý Ngài, nhất là quảng đại hiệp thông với Giáo Hội, thực hành sự phân định thiêng liêng và yêu mến thật sự. Làm như thế, lời ngôn sứ của các nam nữ tu sĩ sẽ là lời tình yêu.
3. Đức ái – lời ngôn sứ của đời thánh hiến
Lời ngôn sứ của đời sống thánh hiến cốt yếu hệ tại ở sự quảng đại dâng hiến trong vui tươi. Tu sĩ là một người vui tươi để qua đó mọi người có thể cảm nghiệm được sống là một hồng ân và cuộc đời này đáng sống, đáng để hy sinh.
Tuy nhiên, niềm vui của người tu sĩ không được tạo ra từ những điệu nhạc, những tiếng cười và tiếng hoan hô nơi những cuộc vui thâu đêm suốt sáng nhưng từ “sự thúc bách của tình yêu Đức Kitô” (x. 2Cr 5,14). Là niềm vui của một tâm hồn khám phá ra ý nghĩa và cùng đích của đời mình trong việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Quả vậy, khả năng lay động trái tim con người hôm nay của đời sống thánh hiến tùy thuộc vào khả năng chúng ta có thể làm là “ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”. Niềm vui của chúng ta là hoa trái của việc để mình được tình yêu Thiên Chúa lấp đầy. Chính tình yêu ấy làm chúng ta hạnh phúc, khiến chúng ta can đảm đón nhận những bất trắc của cuộc sống trong nhẹ nhàng và an vui. Như bao người khác, chúng ta cũng gặp phải những khó khăn, đêm tối tinh thần, thất vọng, bệnh tật, sự suy tàn năng lực theo sự già nua, nhưng chính trong những điều ấy chúng ta phải tìm thấy niềm vui hoàn hảo, học để biết khuôn mặt của Chúa Kitô, Ngài đã làm người giống chúng ta và bởi vậy chúng ta chứng tỏ niềm vui biết rằng chúng ta giống Ngài, vì tình yêu đối với chúng ta Ngài đã không từ chối chấp nhận thập giá[6].
Cũng chính tình yêu ấy thúc đẩy chúng ta bảo vệ chân lý, trở nên người thân cận của nhau, chia sẻ và mang lấy những vất vả và đau khổ của người đồng loại ngay cả khi phải đổ máu và hy sinh tính mạng. Đời thánh hiến nhờ ngôn ngữ của các việc làm, chứng tỏ rằng tình yêu là nền tảng và là động lực của tình yêu nhưng không và tận tụy[7]. Tình yêu trong sự thuần khiết và vô tư là chứng cứ tốt nhất về Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta tin và thúc đẩy chúng ta yêu thương nhau[8].
Thật vậy, đối với thời đại hôm nay, đời sống thánh hiến, tự mình đã là một dấu chỉ, là lời ngôn sứ bằng chính sự tự nguyện sống ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục. Đặc biệt trong thời đại được mô tả với những từ ngữ như: tục hóa, hưởng thụ, vô cảm… thì hơn bao giờ hết những người đang mỗi ngày miệt mài sống đức ái hoàn hảo một cách cụ thể hơn trong môi trường sống của mình, gióng lên tiếng chuông yêu thương, yêu đến cùng trong thái độ sống: chấp nhận, từ bỏ và cho đi.
Nếu đời sống thánh hiến duy trì năng lực ngôn sứ là đặc tính của mình, thì sẽ trở nên, ngay bên trong một nền văn hóa vô cảm của con người ngày hôm nay, một thứ men Phúc Âm có thể tinh luyện nền văn hóa ấy và làm cho nó phát triển một nền văn minh tình thương. Để được như thế mỗi tu sĩ chúng ta cần phải can đảm sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta (x. 1Pr 3,15). Niềm hy vọng đó được thể hiện trong sự dâng hiến vui tươi và hạnh phúc, trong việc sống thật sự đúng đắn căn tính của người tu sĩ với thái độ nhẹ nhàng, thanh thoát. Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui.
[1] Đức Thánh Cha Phanxico, Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxico gởi cho các nam nữ tu sĩ nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến, II. 2. [2] X. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, Tông huấn đời thánh hiến, s. 75. [3] Như trên, s. 42. [4] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Kinh truyền tin Chúa Nhật ngày 28.08.2005. [5] Như trên, s. 84. [6]Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxico gởi cho các nam nữ tu sĩ nhân Năm Đời Sống Thánh Hiến, II. 2. [7] Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, Tông huấn đời thánh hiến, s. 75. [8] Như trên.