Mỗi năm đến mùa hè là khắp nơi trong các dòng tu diễn ra lễ khấn dòng, lễ tạ ơn, phong chức, và con số linh mục tu sĩ tăng lên đều đều; còn về “chất lượng” thì sao đây, bởi đâu đó vẫn nghe những tiếng than thầm trong các cộng đoàn tu trì rằng “sao lại phản ứng và hành động theo kiểu thế gian quá vậy? hay người tu sĩ hôm nay dễ thất vọng và sớm đầu hàng trước những thách đố”. Vậy, chắc không phải tự nhiên mà được nghe những lời nói nhẹ nhàng nhưng rất đau lòng đó, nhưng có lẽ là “tâm bệnh” đang len lỏi vào cộng đoàn đời tu, vậy ta cùng khám phá.
1. Người tu sĩ với đời sống tâm linh
Con người chúng ta ngày nay đang bị cuốn vào cơn lốc của toàn cầu hóa, của hậu khoa học công nghiệp, và trước tình cảnh đó người tu sĩ cũng không được loại trừ khỏi vòng xoáy. Hầu như phần lớn các tu sĩ trẻ than rằng họ quá bận rộn cho các công tác mục vụ, việc học hành, chuyện mục vụ, dạy học, các công tác xã hội, ngoại khóa… đặc biệt là các dòng nữ tất bật từ sáng tinh sương đến tối mịt, cả ngày “vật lộn” vói đám trẻ và nếu cộng đoàn nào nhận giữ nội trú thì coi như công việc càng bận rộn “tấp nập, nhộn nhịp hơn”. Phải lo cho các em đủ mọi thứ, từ việc ăn, ở, nề nếp, kỷ luật, ngủ nghỉ, đưa rước các em… hầu như cả ngày không có giờ nghỉ ngơi nhìn chung chung vì công việc mưu sinh của cộng đoàn. Thế nên, ngày lại ngày người tu sĩ đã và đang bị công việc bao vây, bọc kín. Chưa kể có những dòng tu đang cố gắng “cống hiến” cho đời những nguồn nhân lực, nên gửi các tu sĩ trẻ đi học khá đông trong và ngoài nước cái gì cũng học “học ngày không đủ tranh thủ học đêm”, có khi đến 22 giờ 00 mới về đến cổng nhà dòng. Và thử nhìn xem khi đó chỉ còn làm bạn với “anh giường” chứ làm sao còn đủ sức lực, thể lực, trí lực, tâm lực để trò chuyện, cầu nguyện với Chúa. Chẳng những vậy đến hẹn lại lên, mùa thi là mùa tất bật cùng với vô vàn công việc “không tên” trong cộng đoàn. Trường lớp và giáo xứ, bằng ngần ấy nỗi lo đã làm cho người tu sĩ “như người có xác mà không hồn, cây không có nhựa sống”.
Thực tế, nhiều khi người tu sĩ được thừa nhận đánh giá sự thành công hay thất bại qua thể hiện bên ngoài, nên công việc huấn luyện luôn cho rằng đã thành công. Cũng vậy, việc huấn luyện tri thức cho các tu sĩ rất cần thiết[1]. Nhưng chưa phải là đỉnh điểm bởi đời sống của người tu sĩ được xây trên hai trụ cột chính là tâm linh và tri thức[2]. Nếu không giữ thăng bằng và đào tạo lệch lạc một trong hai thì đời sống của người tu sĩ dễ rơi vào khủng hoảng khó chấp nhận “thánh giá”, thiếu trưởng thành, dễ buông xuôi lạc phương hướng, và mất bình an, gây đau khổ cho mình và cho người khác. Tệ hơn là vì những chuyện rất nhỏ nhưng do thiếu đời sống nội tâm, chểnh mảng với đời sống cầu nguyện, không gắn bó mật thiết với Đức Kitô Đối Tượng Duy Nhất, người tu sĩ sẽ dễ dàng bỏ lại ơn gọi ra đi tìm “khung trời” mới, mà nguyên nhân bình tâm xem xét rồi hãy làm, thì kết quả sẽ lạc quan hơn nhiều. Người tu sĩ sẽ không bị gãy ghánh giữa đường. Phải chăng đó là những thách đố và việc huấn luyện tâm linh là rất cần thiết, với mẫu gương đời sống tâm linh tuyệt vời là Đức Kitô.
2. Đức Kitô trong tâm linh Kitô giáo
“Trong đời sống tâm linh, nhiều người muốn bắt chước Chúa Kitô theo lý tưởng tử đạo, sống lời mời gọi của Đức Kitô, cố gắng trở nên giống như người kết hôn huyền nhiệm với Đức Kitô nhiệt tình sống theo nhân tính của Đức Kitô, thánh hiến cho Đức Kitô nhìn thấy Đức Kitô nơi người nghèo…”[3]. Đối với người Do Thái, Thiên Chúa trở nên rất gần gũi với họ, bởi Thiên Chúa đã đồng hành và giải thoát cha ông họ ra khỏi cảnh nô lệ. Thiên Chúa mà họ hoàn toàn đặt niềm tin tưởng, một Thiên Chúa rất gần gũi nhưng đồng thời cũng là một Thiên Chúa vô cùng cao cả, trổi vượt lên trên tất cả.
Toàn bộ Tin Mừng cho ta thấy rằng bất kể làm gì Chúa Giêsu đều cầu nguyện. Qua những giây phút cầu nguyện ta thấy có sự hòa hợp giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu, vậy không dễ dàng chút nào khi bày tỏ một sự kết hợp mà chính Đức Giêsu đã tự hủy mình ra không để làm vinh danh Chúa Cha và để công trình cứu độ được trọn vẹn nếu không có một đời sống tâm linh sâu sắc. Trong việc thực hành tâm linh, ta thấy có những việc đạo đức như: chiêm niệm dung nhan Đức Kitô, hay lời cầu nguyện của con tim. Như vậy Đức Kitô là lý tưởng của đời sống tâm linh vì thế người môn đệ được định nghĩa là người “theo Chúa Kitô”, “bắt chước Chúa Kitô” và nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”. Như vậy người tu sĩ và công tác huấn luyện tâm linh rất quan trọng, nó sẽ giúp người tu sĩ sống triển nở hơn trong đời sống tu trì.
3. Huấn luyện tâm linh, đặc biệt trên bình diện ba lời khấn
Thành ngữ Việt Nam có câu “văn ôn võ luyện” hay “thao trường mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” đó là những mệnh lệnh, khẩu hiệu không thể thiếu đối với những chiến binh, và là những tu sĩ không giới hạn tuổi đời thường và đời tu. Cũng vậy, người tu sĩ phải luôn rèn luyện, tự huấn đời sống tâm linh của cá nhân mình, bởi người tu sĩ có đời sống nội tâm thâm sâu sẽ sống tình bạn, tình yêu mật thiết với Đức Giêsu, đây là cốt lõi của ơn gọi tu sĩ. Một khi đã có tình bạn sâu xa với Đức Giêsu thì việc giữ lời khấn trở nên dễ dàng. Người tu sĩ thấy mình ngày càng thuộc về Chúa Giêsu hơn ý thức “thuộc về” này sẽ chi phối mọi quyết định và lựa chọn trong đời sống người tu sĩ. Và họ sẽ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu và sống trong Giêsu. Người tu sĩ có thể gặp được Chúa ngay trong mọi sinh hoạt nơi đời thường, sống chiêm niệm ngay trong mọi hoạt động của ngày sống.
Trong đời sống tu trì, các lời khấcn là những ràng buộc tự nguyện của người tu sĩ. Những ràng buộc này đòi hỏi họ vượt lên trên các khuynh hướng tự nhiên của con người. Lời khấn vâng phục đòi ta phải bỏ mình, bỏ ý riêng, phó thác hoàn toàn cho Chúa qua ý bề trên. Lời khấn vâng phục đòi ta phải bỏ mình, bỏ ý riêng, phó thác hoàn toàn cho Chúa qua ý bề trên. Lời khấn khiết tịnh đụng chạm đến khuynh hướng tự nhiên của thân xác và những thèm muốn tự nhiên về mặt tâm lý: từ tính dục, thân xác, đến nhu cầu diễn tả và đón nhận tình cảm, muốn yêu một người và muốn được yêu lại, để cùng nhau xây dựng một mái ấm gia đình. Lời khấn khó nghèo đòi người tu sĩ trở nên tay trắng, chẳng có gì làm của riêng, không sử dụng của cải như một người chủ. Ba lời khấn đụng chạm đến những khuynh hướng rất căn bản nơi con người. Hơn nữa sống ba lời khấn trong thế giới hôm nay nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng cũng là lội ngược dòng. Khi con người chạy theo quyền lực và đề cao tự do cá nhân, khi khoái lạc xác thịt được bày ra như một món hàng, có mặt khắp nơi và lôi kéo mọi người. Khi người ta lao mình vào làm giàu bằng mọi giá để tiêu thụ và hưởng thụ, thì đời sống người tu sĩ có vẻ lạc lỏng kỳ dị và đi ngược với văn hóa thời đại. Vậy người tu sĩ sống ba lời khấn có là một tấm gương phản chiếu Nước Trời mai hậu cho thế giới hôm nay không? Câu trả lời sẽ là cách sống của mỗi tu sĩ qua việc huấn luyện tâm linh để sống vui tươi, triển nở với ba lời khấn, dù điều đó có thể đi ngược với khuynh hướng tự nhiên hay với chính nền văn hóa mà con người đang sống.
Vâng phục là người tu sĩ được sai đi trong một sứ mạng, điều này chẳng những không làm ta mất tự do. Mà lại giải phóng khỏi những ý riêng tư, hẹp hòi, để hiến mình cho một sứ mạng phổ quát hơn. Ta thấy mình được lớn lên khi dốc toàn tâm trí, sức lực và năng lực để hoàn thành công việc được giao. Vâng phục tự nó chẳng có gì mâu thuẫn với đối thoại, sáng kiến và sáng tạo.
Đời sống độc thân khiết tịnh, đòi ta chấp nhận từ bỏ mái ấm gia đình, để đi vào mối tương quan gia đình nơi cộng đoàn. Chính khi trái tim của ta không dừng lại ở một người nào thì trái tim ấy có sức mạnh kinh khủng để yêu mọi người và khiến mỗi người cảm thấy như thể mình được yêu một cách duy nhất. Nó giúp ta rộng mở trái tim, vòng tay để yêu thương anh chị em theo khuôn mẫu tình yêu của Thiên Chúa. Đó là một tình yêu quảng đại, không chiếm hữu cho riêng mình, không thống trị hay lèo lái người khác.
Lời khấn khó ghèo làm người tu sĩ trở nên tay trắng, nhưng đồng thời cũng làm cho ta trở nên giàu có ở đời này. Nhờ những chia sẻ vật chất và tinh thần khi nhận được sự chia sẻ từ các tu sĩ khác. Ta phải lệ thuộc cộng đoàn trong việc chi tiêu, nhưng lại được giải thoát khỏi nhu cầu và sự quyến rũ của tiền bạc vật chất, giúp ta thanh thoát nhẹ nhàng kết hợp với Đức Kitô là cùng đích tối hậu của người Kitô hữu hướng đến cuộc sống trên thiên đàng. Sống ba lời khấn là sống lại tinh thần của Đức Giêsu, Đấng đã sống vâng phục - khó nghèo - độc thân - khiết tịnh. Chẳng ai lệ thuộc vào Cha bằng Ngài, nhưng cũng khôi ai tự do như Ngài. Chẳng ai dám chịu đau khổ vì yêu như Ngài, nhưng cũng chẳng ai hạnh phúc như Ngài. Vậy cần huấn luyện đời sống tâm linh để người tu sĩ có khả năng cho và nhận, khả năng lắng nghe và đối thoại, với những người có ý kiến đối nghịch trong việc hợp tác với nhau trong một công việc chung. Ganh tị, bè phái tranh dành quyền lực, khẳng định cái tôi, và những sự thế tục mà đời tu phải thắng vượt. Tình yêu thương trong cộng đoàn là dấu hiệu để mọi người nhận ra khuôn mặt người môn đệ Đức Giêsu, chính tình yêu thương này giúp người tu sĩ sống nghèo khó, khiết tịnh và vui tươi cách dễ dàng. Người tu sĩ cần nhạy bén trước những nhu cầu của anh chị em trong dòng và hồn nhiên phục vụ họ. Hơn nữa còn phải tập chịu đựng chấp nhận và đón nhận từng người trong cộng đoàn với những ưu khuyết điểm riêng. Người tu sĩ cần huấn luyện đời sống tâm linh sao cho càng lúc càng gắn bó hơn với thân thể của dòng và sự mạng của dòng mà mình được trao phó.
Chẳng những vậy, trong đời sống chung có người tìm gặp hạnh phúc và niềm vui, có người cảm thấy buồn chán và xa lạ, lý do sâu xa là không đối thoại được với nhau nên thiếu hiểu biết và không thông cảm cho nhau. Vì đứng trước sự khác biệt quan niệm về nhiều mặt như thần học tu đức, kinh nghiệm sống đời tu, khác biệt giữa các thế hệ trong cộng đoàn. Thế nên, nếu người tu sĩ sống theo bản tính tự nhiên chỉ lo cho bản thân mình không nghĩ đến người khác, thiếu đời sống nội tâm, cạn kiệt tình huynh đệ thì sẽ dễ dàng nổi cáu, khó chịu, quát nát, mặt nặng mặt nhẹ, bằng mặt chứ không bằng lòng. Lúc ấy “tha nhân là hỏa ngục”. Vì thế, thiết tưởng việc huấn luyện luôn là phương pháp đào tạo những thợ lành nghề cho Giáo Hội. Do vậy, các tu sĩ phải ý thức mình là người được sai đi để tiếp nối công việc của Chúa Giêsu. Ta phải sống có tinh thần trách nhiệm, làm sao mà nơi nào có sự hiện diện của tu sĩ thì nơi đó có sự an tâm, tin tưởng tràn ngập bầu khí yêu thương, làm với trọn con tim, yêu thương quên mình, vô vị lợi không so đo tính toán, dám lãnh trách nhiệm trong công việc được giao, trôn trọng người khác trong các mối tương quan giữa người với người, và đừng để thú vui của thế trần lôi kéo, phải biết từ chối những cám dỗ ngọt ngào. Muốn như vậy người ta sĩ phải không ngừng huấn luyện đời sống tâm linh. Ta thấy rằng trong thực tế, nhiều lúc ta dễ dàng với chính mình và chiều theo cám dỗ của ma quỷ. Do đó để tránh khỏi những cám dỗ chúng ta phải đặt ra thời khóa biểu và trung thành với những gì đã quyết định.
4. Gắn bó với Đức Kitô, triển nở đời sống tâm linh a. Gắn bó với Đức Kitô trong đời sống kinh nguyện
Đức Kitô là trung gian ban phát mọi ân sủng. Tất cả con người của Đức Kitô chìm đắm trong kinh nguyện, Người lươn kết hợp mật thiết với Chúa Cha trong mọi việc làm. Thực vậy, khi đọc Tin Mừng ta thấy việc cầu nguyện của Chúa Giêsu gắn liền với sứ vụ của Người. Đối với Chúa Giêsu tình yêu Thiên Chúa và nhân loại không thể tách rời, đó là lý do cho dù ở đâu Người vẫn có thể cầu nguyện. Ngài đã khẳng định “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Ngài luôn luôn dành thời gian trong ngày để sống đối thoại với Cha. Cầu nguyện và sống đối với Đức Giêsu cũng như hơi thở và nhịp đập của trái tim. Con người không thể sống nếu tắt thở hay tim ngừng đập, người Kitô hữu không thể được coi là sống nếu không cầu nguyện và hành động, nhất là hành động vì lòng mến Chúa yêu người. “Chính thầy là con đường và sự thật và là sự sống không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 4,16). Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, khi con người đến với Ngài, con người được cảm thông nâng đỡ khuyến khích và Ngài đưa con người đến với Cha mình. Vậy để gia tăng đời sống thiêng liêng không có phương thế nào hữu hiệu bằng sự đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa và lòng trung thành với tác động của ân sủng Ngài. Đời sống thiêng liêng được cụ thể hóa bằng việc tập nhìn vào Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh với một tình yêu phi thường mang đặc tính tri thức, cảm ái và thực tiễn; vun trồng đời sống kinh nguyện nội tâm phong phú, như suy niệm, nguyện ngắm cảm ái, và chiêm ngưỡng bằng cái nhìn đơn sơ thuần khiết; cử hành phụng vụ và cung chiêm Thánh Thể với thái độ tôn thờ sâu thẳm, trang nghiêm xứng với sự cao cả của Thiên Chúa; đặt mình thường xuyên dưới tác động của Chúa Thánh Thần để trở nên con thảo của Chúa Cha và được ơn soi sáng cho từng sinh hoạt tông đồ.
Để gắn bó với Đức Kitô trong Lời của Người, hằng ngày người tu sĩ phải dành thời gian suy gẫm Lời Chúa, không nên bỏ hoặc cắt bớt giờ suy gẫm vì những lý do không chính đáng. Ngoài ra người tu sĩ phải trung thành với việc đọc, chia sẻ Lời Chúa, lắng nghe các bài đọc trong thánh lễ và đem Lời Chúa áp dụng trong cuộc sống.
Người tu sĩ phải trung thành với các giờ thiêng liêng chung của cộng đoàn như: Thánh Lễ, các giờ kinh phụng vụ, suy gẫm, chầu Thánh Thể, tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm, và hãy làm tất cả vì lòng yêu mến Chúa. Thực hiện chung với nhau đủ thời lượng và đạt chất lượng, nếu người tu sĩ bận đi học thì tìm giờ bù đắp cho xứng. Người tu sũ gắn bó với Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể bằng cách chầu Thánh Thể chung hoặc riêng để Chúa Kitô hiện diện cùng hoạt động và nuôi dưỡng tâm hồn ta, vì chỉ nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, người tu sĩ mới được tiếp thêm sức mạnh và tình yêu, trong hành trình nuỗi dưỡng ơn gọi vì đó là một chặng đường rất cam go.
b. Gắn bó với Đức Kitô trong tĩnh lặng nội tâm
Người tu sĩ cần tuân giữ sự thinh lặng bên trong và bên ngoài, để dễ kết hiệp mật thiết với Chúa. Trong từng công việc, hay bất cứ nơi đâu người tu sĩ cũng hướng về Chúa, nhớ đến Chúa qua việc dâng lời nguyện tắt và rước lễ thiêng liêng. Ngoài ra để làm phong phú cho đời sống tâm linh người tu sĩ năng đọc sách thiêng liêng, sách tu đức. Sự tĩnh lặng nội tâm nuôi dưỡng tâm linh, giúp người tu sĩ vượt qua được tình trạng trống rỗng của tâm hồn và có nghị lực để có thể vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Khi ném một hòn đá lớn xuống ao nước, chúng ta sẽ thấy điều gì? Mặt nước sẽ gợn sóng theo những vòng tròn đồng tâm và từ đáy sẽ sủi lên những bong bóng. Sự lay động và chao đảo của mặt nước làm chúng ta không thể nhìn thấy được lòng ao có những gì. Tất cả đã bị che khuất đi.
Tâm trí chúng ta cũng như mặt ao kia và những đợt sóng là loại tiếng ồn, là những tất bật của cuộc sống bên ngoài tác động vào. Với tác động đó, tâm trí chúng ta không còn đủ tỉnh táo để nhìn thấy suốt mọi vấn đề.
Những lúc ấy, chỉ có sự tĩnh lặng, sự kết hợp mật thiết với Đức Giêsu, chúng ta mới có thể lắng trong tâm hồn để nhìn xuyên tận tới đáy sâu lòng mình hầu có thể đi sâu vào bản chất mà không bị tác động bởi ngoại cảnh giống như việc tách hạt gạo ra khỏi lớp vỏ trầu. Hơn thế nữa, sự tĩnh lặng còn có thể giúp bạn tái khám phá nhịp điệu muôn đời của cuộc sống. c. Gắn bó với Đức Kitô trong việc hoán cải.
Hoán cải là công việc mỗi ngày của người Kitô hữu, đặc biệt là đối với người tu sĩ. Thực hiện phút hồi tâm, xét mình cách trung thực trước mặt Thiên Chúa những thiếu xót, lỗi lầm và năng lãnh nhận bí tích Hòa Giải là cách thế thăng tiến đời sống tâm linh của mình. Chính vì vậy, đời sống thiêng liêng là một tiến trình hoán cải không ngừng, tiến trình canh tân liên lỷ. Việc gắn bó với Đức Giêsu và việc hoán cải như hai thực tại gắn kết không thể tách rời, bởi vì càng gần Thiên Chúa, ta thấy mình càng bất xứng, và càng được mời gọi mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn.
Kết luận
Thực vậy, một khi đã quảng đại dấn thân theo Chúa, mỗi tu sĩ cho dù được huấn luyện hướng dẫn, được luật dòng chỉ bảo, nhưng nói cho cùng chính bản thân mới là yếu tốt quyết định trong việc tự huấn luyện. Chính người tu sĩ phải chịu trách nhiệm về sự thành toàn của bản thân mới là yếu tố quyết định trong việc tự huấn luyện. Chính người tu sĩ phải chịu trách nhiệm về sự thành toàn của bản thân. Nếu chấp nhận đi trên con đường Thầy Giêsu đã đi, thì dù con đường ấy là đường thánh giá có chật hẹp phủ đầy gia góc, cuối chặng đường sẽ là những hoa hồng, tỏa rạng hương thơm của lòng tin, cậy, mến. Nhờ đời sống cầu nguyện mà người tu sĩ có thể thăng tiến và gặt hái được hoa trái của việc tông đồ. Quả vậy, trong tác phẩm Đường Hy Vọng Đức Cố Hồng Y Thuận đã viết: “Muốn biết công việc tông đồ của ai, con hãy xem người ấy cầu nguyện thế nào, nếu con không phải là người cầu nguyện thì không ai tin con làm việc vì Chúa”.
[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh đào tạo, s. 8. [2] Trích bài nói chuyện của Lm. Vương Đình Khởi nhân ngày khai giảng năm học 2003 – 2004 với các tân sinh viên thần học. [3] Giuse Phạm Quốc Văn, OP, Thần Học Tâm Linh, 2010, tr. 29 – 30.
Trích trong Nội San Thần Học - Mục Vụ - Tu Đức của Liên Tu Sĩ Thành Phố số 63, tháng 8 năm 2011.