Trong đời sống hằng ngày, một cách nào đó thách đố luôn diễn ra. Đặc biệt, tại những giai đoạn cột mốc, bước ngoặt cuộc đời, luôn có mặt của thách thức. Nó khiến chúng ta mạnh mẽ, quyết đoán, trưởng thành hơn; và ngược lại, nó cũng khiến chúng ta chùn bước, thất vọng với bản thân, có khi tự trách mình!
Đời sống đức tin cũng không nằm ngoài việc luôn có thử thách song hành. Nhiều người lớn tự mình muốn học đạo và theo đạo thường nghĩ: khi trở thành người Công giáo rồi, sẽ không có, hoặc ít đau khổ, gian nan hơn! Tuy nhiên trên thực tế, đôi lúc, họ lại gặp quá nhiều thử thách kể cả sầu khổ sau khi được gia nhập đạo. Một câu nói đâu đó khiến chúng ta cần suy nghĩ, và thật sự đánh động ‘con không xin Chúa cất hết khổ đau, thử thách, nhưng xin ban cho con sức mạnh vượt thắng’. Nếu là những người không có đức tin, họ sẽ không biết bám víu vào ai mỗi khi gặp khốn khó, có lẽ họ chạy đến ông thần này, bà bụt kia, vái lạy tứ phương tám hướng. Nhưng chúng ta tin thờ Chúa, thì chúng ta đã biết trông cậy vào ai và chạy đến với ai lúc gặp nguy nan, thử thách.
Trong Tin Mừng, hầu hết đức tin của những người không phải Do thái được Đức Giê-su khen ngợi, và một trưng dẫn điển hình được sử dụng như một lời tuyên xưng đức tin trước khi rước lễ, đó là lời tuyên tín của viên đại đội trưởng Rô-ma: “Lạy Thầy, con chẳng đáng rước Thầy vào nhà con, nhưng xin Thầy phán một lời thì tôi tớ tôi được lành mạnh” (x. Lc 7, 6-7). Đoạn Tin Mừng hôm nay vẫn nói tới đức tin của một người ngoại từ miền Ca-na-an (nghĩa là không phải người Do thái), tuy nhiên, thử thách cho bà dường như quá lớn. Lẽ nào Đức Giê-su thử thách quá sức chịu đựng của bà, với câu chữ đanh thét “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel” (Mt 15, 24), và có vẻ nặng nề “không nên lấy bánh dành cho con cái mà vứt cho lũ chó con” (Mt 15, 26). Ở đây, dân Do thái được ưu tuyển và được gọi là “con cái”, còn bà miền Ca-na-an, vốn là người không được ưu tiên như người Do thái, lại được ví như “lũ chó con” hoặc “cún con”. Nếu chúng ta thử đặt mình vào vị thế của bà ấy, có lẽ chúng ta khó lòng chấp nhận lời nói đầy ẩn ý thách thức của Đức Ki-tô. Như vậy, chúng ta sẽ bỏ cuộc, ra về với lời cầu xin chẳng được thành sự! Tuy nhiên, như đã tường thuật, bà ta không dễ dàng nản lòng nhục trí khi nghe lời có vẻ khó nghe của Đức Giê-su, bà đủ bình tĩnh, nhẫn nại và kiên định với lòng van xin Người ngay từ đầu. Sự kiên nhẫn này đã giúp bà đáp lời một cách khôn ngoan sáng suốt và không kém phần đơn sơ, khiêm hạ, tin tưởng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15, 27). Nói một cách rõ ràng hơn, lời bà ấy có thể được diễn giải chi tiết như: với thân phận không được ưu tuyển như con, mà cũng chẳng phải tôi tớ của ông chủ, đơn thuần chỉ là chú chó con thôi, thì dĩ nhiên sẽ không được ăn bánh nguyên phần dành cho con cái, nhưng chó con cũng được lượm lặt, ăn những mảnh vụn rơi từ bàn ông chủ một cách vô tình hay chủ ý.
Lời thưa của bà tuy ngắn ngủi, nhưng thiết nghĩ là một bài học lớn lao cho chúng ta - những người có đức tin và đang sống đức tin. Thật vậy, nếu đức tin chỉ tựa bằng hạt cải với kích cỡ nhỏ nhất trong các loại hạt, cũng trở nên cây cao lớn xum xuê rậm rạp, muôn chim đến làm tổ trú ngụ; nếu đức tin chỉ tựa bằng một đấu bột cũng làm dậy cả khối men. Vì lẽ, đức tin khiến chuyển núi dời non; đức tin chữa lành, làm cho người chết sống lại, trừ quỷ; đức tin sinh ra lòng kiên nhẫn, kiên định, hy sinh; đức tin đón nhận thử thách vui tươi, không hờn trách, đổ lỗi hay buông trôi cho dòng đời xô đẩy; đức tin chịu đựng, vượt thắng và cư xử khôn ngoan ngay cả khi cơ hàn, khốn khó.
Chúng ta có lẽ đôi lần thốt lên: thử thách dường như quá nặng, quá sức. Thánh giá của bản thân quá cỡ, quá lớn, quá mức chịu đựng…! Tuy nhiên, sự thật về những thử thách trong đời sống đạo của chúng ta không phải thế, mà được sáng tỏ hơn qua lời quả quyết của Thánh Phao-lô tông đồ trong thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người”; Ngài nói tiếp “Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (x. 1Cr 10, 13).
Nói như vậy, không có nghĩa Thiên Chúa là tác nhân của rủi ro, gian nan, đau khổ con người như chúng ta quen nói và tự hỏi: ‘Sao Chúa trao thánh giá cho tôi, cho gia đình tôi, cho vợ chồng tôi…nặng thế!’ Làm sao như vậy được? Vì lẽ thường tình, chẳng ông bố bà mẹ nào lại muốn con cái mình vất vả, gian nan, huống chi trao khổ đau cho chúng! Còn đây, Thiên Chúa không những yêu thương chúng ta mà còn thương yêu chúng ta hơn cả tình yêu cha mẹ dành cho con cái và vượt trên hẳn hành vi yêu thương chính bản thân của chúng ta nữa.
Theo thánh ý trọn hảo (perfect will) của Thiên Chúa, mọi điều, mọi sự, mọi việc mà Người ban cho chúng ta đều tốt lành, nhưng Người vẫn cho phép (permissive will) sự vật, sự thể xảy ra theo nguyên lý của nó vì Người đã đặt để chúng từ thuở ban đầu. Hơn nữa, Người hằng tôn trọng những gì đã trao ban cho con người như: tự do, ý chí, nhân vị, tình yêu, lòng khao khát liên lỉ…, và cho cả tạo vật như: định luật xoay vần, nguyên lý chuyển động,…Người cho phép chúng diễn ra vì lợi ích cho chúng ta “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (x. Rm 8, 28) và “vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc” (Rm 11, 29).
Như vậy, thử thách cần thiết cho đời sống đức tin chúng ta không? Mục đích của các thử thách trong đời sống đạo là gì? Lời giải đáp rõ ràng và đầy thuyết phục được tìm thấy trong thư thứ nhất của Thánh Phê-rô tông đồ: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội - vàng là của phù vân hay hư mất chóng quá mà còn phải chịu thử lửa…” (x. 1Pr 7). Vàng thật hay giả còn cần đến lửa, huống chi đức tin chúng ta quý giá hơn mọi châu báu, kim cương, vàng bạc phù hoa, chắc hẳn cần đến lửa thử thách tinh luyện.
Sau cùng, không gì xác đáng hơn lời Thánh Gia-cô-bê nhắn nhủ chúng ta: “Đức tin có vượt thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo (thực thi bác ái, tha thứ, trông cậy, hy sinh…), để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (x. Gc 1, 3) và “phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách (đặc biệt trong đời sống đức tin, đời sống đạo), vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (x. Gc 1, 12).
Chúa mời con nên Ki-tô hữu
Chẳng muốn con sống khác Ki-tô.
Muôn vàn ân sủng Ngài không tiếc
Nhưng cần thử luyện với lửa thiêng
Cho con một lòng luôn kiên định
Vượt qua thử thách với đức tin. Amen!