CON THUỘC VỀ NGÀI

Thứ năm - 07/12/2023 09:06
Phút hồi tâm tháng 12.2023
Đón nhận Hiến Chương - Ảnh: MTGNT
Đón nhận Hiến Chương - Ảnh: MTGNT
Mở: Hát Lạy Chúa Thánh Thần
Lạy Chúa là Thiên Chúa của tình yêu, là Đấng nhân hậu và là Cha của chúng con, trong bầu khí thánh thiêng của ngày thứ Bảy đầu tháng cuối cùng năm Dương lịch hôm nay, chị em chúng con xin được cùng nhau quỳ trước trước tôn nhan Chúa, để thờ phượng, để cám ơn cũng như nghiệm lại tình thương của Chúa dành cho chúng con trong suốt những chuỗi ngày qua. Cám ơn Chúa đã luôn yêu thương, luôn gìn giữ ơn gọi thánh hiến của chúng con, dù chúng con còn nhiều yếu đuối, nhiều bất xứng với Chúa trong đời tu. Đặc biệt, cám ơn Chúa cho con trong nhiều năm tháng theo Chúa trong ơn gọi thánh hiến, vẫn luôn cảm nhận mình được Chúa yêu, cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc và bình an trong ơn gọi Chúa ban. Giờ đây, với niềm cảm mến tri ân con xin dâng lên Chúa tâm tình thờ lạy và yêu mến, tâm tình chúc tụng và tôn vinh vì biết bao hồng ân Chúa đã dành cho con.

*Kính mời cộng đoàn mở  sách  TT1 trang 33
Lạy Chúa, hôm nay cũng là ngày khắc cuối cùng của năm phụng vụ cũ, và đây, cũng là cơ hội để chúng con hồi tâm nhìn lại lộ trình thánh hiến đời chúng con, trong sự thuộc về Chúa như thế nào. Nguyện xin Chúa Thánh Thần trong phút giây hồi tâm ngắn ngủi này, khơi lên trong chúng con sự nhận biết, để chúng con nhận ra đời tu của chúng con đang thuộc về ai, thuộc về Chúa trọn vẹn hay chỉ là một sự thuộc về, mang tính tạm trú nửa vời mà thôi.

*Kính mời cộng đoàn đứng:
Tin mừng Đức Giesu Kito theo thánh Gioan 18, 33-36
*Kính mời cộng đoàn ngồi

Trong lời giới thiệu của một tác phẩm triết học có tư tưởng cho rằng: “nếu ai đó có biết hàng trăm thứ tiếng, biết xây dựng hàng trăm công trình vĩ đại/ mà không biết mình là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu, thì thật ra, người đó không biết gì.”
Quả thật, biết mình là ai, từ đâu đến và thuộc về đâu, cũng là điều rất quan trọng đối với những người sống đời thánh hiến. Biết mình thuộc về ai, chính là nền tảng hình thành nên dung mạo, cách sống của một người thuộc về Chúa trong thế giới hôm nay.
Đọc lại lịch sử cuộc đời của Chúa Giêsu trong những trang Tin mừng, ta thấy, đời sống của Chúa Giêsu là  mẫu mực cho một sự thuộc về đích thực. Đức Giesu là Con Một Thiên Chúa, là Đấng quyền năng, thế nhưng, khi nhập thế Ngài cũng mang bản tính nhân loại đầy yếu đuối của phận người, Ngài cũng phải đối diện với nhiều cám dỗ, nhiều thế lực ác thần. Tuy nhiên, xuyên suốt hành trình nơi dương thế, Đức Giesu luôn ý thức mình thuộc về Chúa Cha, thuộc về vương quốc Nước Trời. Ngài biết mình là ai, từ đâu đến, Ngài biết quê hương đích thực của Ngài thuộc về trời cao, chứ không phải đất thấp. Chính vì thế, cả cuộc đời của Đức Giesu là những chuỗi ngày nối kết với Cha. Mọi lời Ngài nói, mọi việc Ngài làm đều khởi đi từ Cha và qui hướng về Cha. Ngài đặt mình lệ thuộc vào Chúa Cha liên lỉ mỗi ngày, để rồi nhờ sự thuộc về ấy hướng dẫn, mà Chúa Giesu đã sống trọn vẹn mầu nhiệm tình yêu, cũng như sự trung tín đối với Cha và nhân loại. Biết mình thuộc về vương quốc Nước Trời, nên trong hoang địa, trong những năm thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu không để mình dính bén vào bất cứ một thụ tạo nào. Trước những cơ hội được tung hô, được ngưỡng mộ nơi trần thế, Chúa Giêsu luôn tìm cách khước từ và rút lui. Ngài không bao giờ tìm cơ hội xây dựng tượng đài cho mình giữa phàm nhân. Và, xác tín mình thuộc về ai, nên trong sự sợ hãi nơi vườn Dầu, Chúa Giêsu vẫn nói lên lời hiến dâng thuộc về Cha trong sự tự do của tình yêu và lòng mến “xin đừng theo ý con mà xin vâng theo ý Cha”. Chúa Giêsu trước cái chết gần kề trên cây thập tự, vẫn không tìm kiếm chính mình/ mà càng minh chứng sự thuộc về Chúa Cha hơn bao giờ hết “Con xin phó thác linh hồn Con trong tay Cha”.
Tâm tình sống thuộc về của Chúa Giêsu, luôn là điểm qui chiếu tuyệt vời cho những người được Chúa tuyển chọn. Quả thế, nhìn lại lịch sử Giáo Hội, ta thấy biết bao chứng nhân đã sống cho sự thuộc về này. Gợi nhớ lại hình ảnh của tổ phụ Apraham trong những trang đầu của Thánh Kinh, người một lần được Thiên Chúa kêu gọi là cả một đời ý thức mình thuộc về Thiên Chúa. Ý thức mình thuộc về Chúa nên dù đã an cư lạc nghiệp, nhưng tổ phụ Apraham vẫn lặng lẽ từ bỏ quê hương xứ sở đến nơi mà Chúa muốn. Ý thức mình thuộc về Chúa, nên tổ phụ Apraham đã sống mầu nhiệm tình yêu của Chúa trong đời, để rồi khi đứng trước miền đất phì nhiêu Chúa ban, Apraham dành sự ưu tiên, dành phần tốt hơn cho ông Lót với lòng quảng đại hy sinh “Nếu cháu đi về bên trái/ thì bác sẽ đi về bên phải, nếu cháu đi về bên phải thì bác sẽ đi về bên trái”. Cũng thế, sau khi cất tiếng “xin vâng” với Chúa, cuộc đời Đức Maria cũng bước sang một trang sử mới. Từ đây, Mẹ không tự ý chọn lối đi cho riêng mình mà đồng hành cùng với Chúa Giêsu trong mọi biến cố, Mẹ hiện diện, Mẹ cộng tác với Chúa Giêsu để hoàn tất công trình cứu chuộc mà Thiên Chúa đã khởi sự trong niềm tin yêu và phó thác. Thuộc về Chúa, Mẹ cũng hiện diện, đồng hành với Giáo Hội của Con Mẹ, trong những buổi đầu sơ khai đầy khó khăn và bách hại.
Hành trình Giáo Hội tiếp diễn, và Đức Cha Lambert - Đấng Sáng Lập Hội Dòng chúng ta, cũng từng ngày buông bỏ chính mình, để sống cho Chúa và thuộc về Chúa cách trọn vẹn trong đời sống thánh hiến của mình. Thuộc về Chúa, đã xây dựng nên chân dung của Đấng Sáng Lập. Ý thức mình thuộc về Chúa, ngài nỗ lực rèn luyện bản thân cả bên trong lẫn bên ngoài. Ngài nỗ lực xây dựng ngôi nhà nội tâm cho chính mình ngang qua đời sống cầu nguyện liên lỉ, cùng với nếp sống hy sinh khổ chế, để ngày càng thuộc và giống Chúa Kito Chịu Đóng Đinh. Ý thức mình thuộc về Chúa, dường như Đấng Sáng Lập cũng thấy được trách nhiệm của người thuộc về Chúa như thế nào, nên trong sứ vụ ngài luôn tận tâm, trung tín, thích ứng và đầy sáng tạo. Để rồi, dường như mỗi nơi Đức Cha Lambert hiện diện, ngài đều dùng hết khả năng để xây dựng những cơ sở vật chất phục vụ người đau, người nghèo. Ngài luôn dùng hết những gì Chúa ban, để đào tạo hàng giáo sĩ, tu sĩ và những hiệp hội tông đồ loan báo Tin mừng. Ngài đã tận dụng hết những nén bạc Chúa trao để sinh lời cho Giáo hội. Ngài chọn lối sống tiêu hao chính mình, để Thiên Chúa được tôn vinh.
Qua những trang dài của lịch sử của Giáo Hội, với biết bao biến cố thăng trầm, chúng ta thấy mỗi thời đại, mỗi giai đoạn, Thiên Chúa đều cần đến những con người nhiệt thành và trung tín, những người thuộc về Chúa trọn nghĩa và tận căn, để mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương cho nhân loại, mạc khải vương quốc Nước Trời vĩnh cửu mai sau. Nhìn vào đời sống, vào tâm tình sống thuộc về của tổ phụ Apraham, của Đức Maria và Đức Cha Lambert, gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Tuy ba con người, ba giai đoạn và ba sứ mạng khác nhau nhưng các ngài đều có chung một lý tưởng hiến dâng, là khi được Chúa chọn gọi, các ngài luôn hướng về Chúa và sống cho Chúa Thuộc về Chúa, các ngài lấy ý Chúa làm ý của mình, lấy điểm đến cho đời mình là hạnh phúc Nước Trời.
Chiêm ngắm tâm tình sống của Chúa Giêsu và hành trình nên thánh của các thánh nhân trong sự thuộc về/ trong ngày cuối cùng của năm phụng vụ, cũng như trong định hướng “Thuộc về Chúa Kito” của Hội Dòng, là cơ hội cho chị em chúng ta nhìn lại sự thuộc về Chúa của chính mình.
- Thuộc về Chúa qua lời khấn Dòng, nhưng đời sống của chúng ta có thật sự thuộc về Chúa hay còn thuộc về thế gian? Sống trong nhà của Chúa nhiều tháng, nhiều năm, nhưng chúng ta có nghe và thực hành những điều Chúa dạy không? Đọc, suy niệm Lời Chúa rất nhiều lần trong ngày, nhưng mọi điều ta suy, mọi lời ta nói và mọi việc ta làm có gì là quen thuộc, là của Chúa chưa? Thuộc về Chúa qua ơn gọi tu trì, nhưng chúng ta có kiên trì trong việc tập luyện nhân đức, có sống kỉ luật đời tu, hay vẫn buông mình tự do trong những ý muốn của riêng mình? 
- Thuộc về Chúa Kito trong ơn gọi MTG, nhưng chúng ta có sống mầu nhiệm thánh giá trong đời, để vui lòng đón nhận những khó khăn, những tổn thương, những khác biệt, những lời nhắc nhở, những hiểu lầm, những trái ý mà không đau khổ, không dằn vặt nhau, không dằn vặt Chúa không?
- Thuộc về Chúa Kito, Đấng Sáng Lập đã hiến dâng tất cả những gì mình có để xây dựng, để phục vụ, để khơi lên lòng tin yêu Chúa cho nhiều người. Là thành viên sống trong Hội dòng, chúng ta đã góp phần xây dựng Hội dòng như thế nào? Cách sống của ta có là động lực, là gương sáng, có làm cho chị em sống bên cạnh ta ngày càng yêu mến Chúa, yêu mến đời tu hay lại là rào cản, là nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi chán chường?
*Thinh lặng …

*Kính mời cộng đoàn quì
Lạy Chúa, giây phút hồi tâm gợi lên trong con nhiều câu hỏi, nhưng con không dám trả lời, bởi lẽ, câu trả lời nào con thấy mình cũng có lỗi với Chúa, với Hội dòng và với chính ơn gọi mà Chúa dành tặng cho con. Con xin lỗi Chúa, xin Chúa thương tha thứ và dẫn con về lối mà con thuộc về.

*Kính mời cộng đoàn mở sách hát TNCII bài 321        

Lạy Thiên Chúa là Đấng con yêu mến và tôn thờ, như lời Đức cố Giáo Hoàng Bêndicto XVI đã nói “Có bao nhiêu con người, là có bấy nhiêu con đường để nên thánh”. Cũng thế, khi bước vào đời sống thánh hiến con cũng dệt cho mình nhiều ước mơ, con muốn mình tu cho đến nơi đến chốn, con muốn là một người nữ tu vui tươi, đơn sơ và giản dị trong nếp sống tu trì, và con muốn mình được nên thánh trong đời tu. Khi chọn đời sống thánh hiến mà Chúa gọi mời, con thao thức được thuộc về Chúa trong nếp sống bao dung và quảng đại, trong bình an và thanh thoát, trong sự từ bỏ và hy sinh. Thế nhưng lạy Chúa, mặc dù tâm trí con có nhiều hoài bão, nhiều khát vọng được sống với Chúa và trong Chúa, nhưng con lại yếu đuối không nói được lời khước từ trước những tiếng gọi mời của thế gian, nên sự thuộc về Chúa của con nhiều khi rất lấp lửng nhạt nhoà. Nhà bác học lừng danh Louis Pasteur, sau nhiều công trình vĩ đại đã khám phá ra một chân lý để đời: “Khoa học tinh thông, giúp cho người ta gần Thiên Chúa, còn khoa học nửa vời, khiến cho người ta xa rời Thiên Chúa”, và có lẽ Chúa ơi, trong đời sống thánh hiến cũng thế, sự thuộc về Chúa trọn vẹn sẽ giúp con nên thánh, nhưng sự thuộc về Chúa nửa vời sẽ biến con thành kẻ bắt cá 2 tay, và là người phá vỡ hồng ân thánh hiến vô giá mà Chúa đã dành tặng cho con.
Nguyện xin Chúa thương chữa lành những yếu đuối bất toàn nơi con, vì con sống đời dâng hiến nhưng lại chưa quảng đại hiến dâng, chọn theo Chúa nhưng tâm trí con vẫn còn hướng về thế gian. Hồi tâm xét mình, con thấy rất nhiều lần trong đời, Chúa chưa phải là đối tượng duy nhất và quan trọng trong những chọn lựa của con. Ý Chúa đôi khi đã chẳng ưu tiên cho bằng ý con. Lạy Chúa, ngưỡng cửa của năm phụng vụ mới đang mở ra, xin Chúa đồng hành với con trong hành trình mới này, để con biết khôn ngoan trong những chọn lựa, biết chọn những gì thuộc về Chúa, cũng như can đảm buông bỏ những gì không phù hợp với đời tu. Xin cho con ý thức sự thuộc về Chúa tinh ròng, là tình yêu, là hiến dâng, là trách nhiệm, là phục vụ, chứ không phải thuộc về để ỷ lại, để đòi hỏi, để tìm cơ hội tích luỹ cho riêng mình. Xin cho con biết nỗ lực thanh luyện bản thân, thanh luyện tâm trí, để đến cuối chặng đường dâng hiến, miệng con hân hoan bài hát “Con thuộc về Ngài” với trọn niềm vui. Amen.

Tác giả bài viết: Ter. Hồng Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 285
  • Hôm nay 17,308
  • Tháng hiện tại 85,574
  • Tổng lượt truy cập 11,049,359
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây