CHẦU THÁNH THỂ
XIN ƠN HIỆP THÔNG
Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện trước mặt chúng con. Chúng con cũng ý thức rằng chúng con đang hiện diện trước Chúa. Xin cho mọi tư tưởng, suy nghĩ, cử chỉ, hành động của chúng con giờ này là những tâm tình và thái độ của lòng chúng con yêu mến và thờ phượng Chúa. Chúng con dâng lên Chúa lời chúc tụng và tôn vinh tình yêu Chúa dành cho chúng con qua mầu nhiệm tự hiến nơi bí tích Thánh Thể. Chúa đã dùng chính Thịt và Máu Chúa dưỡng nuôi chúng con và ở lại với chúng con. Xin cho những giây phút chúng con ở lại với Chúa giờ đây như của lễ tình yêu, chúng con dâng kính Ngài.
Tôn vinh Thánh Thể - Hát: TNA 133
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, ở lại bên Chúa trong giờ chầu thánh này chúng con muốn suy ngắm về tình hiệp thông là dấu chỉ của tình yêu đến cùng Chúa dành cho chúng con. Chúng con cũng dâng lên Chúa giờ chầu thánh này để cầu xin ơn hiệp thông trong Giáo Hội toàn cầu, trong Giáo Hội Việt Nam, trong Giáo phận; nhất là chúng con xin ơn hiệp thông trong từng cộng đoàn và Hội Dòng chúng con. Xin cho từng chị em chúng con đã được nên một trong ơn gọi Mến Thánh Giá thì cũng nên một trong ước muốn, ý chí và hành động để cùng nhau chúng con trung thành đi trọn đường tình thập giá.
Thinh lặng một chút, mời cộng đoàn đứng
Lời Chúa: Lc 24, 13 – 35
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dùng lại, vẻ mặt buồn rầu.
Một trong hai người tên là Cleobat trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. Đức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nazareth. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sơm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy”.
Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế , rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy giờ, Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”.
Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon”. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Đó là lời Chúa
Mời cộng đoàn ngồi
Suy niệm
Trong Tông thư năm Thánh Thể, Giáo Hội gọi Bí tích Thánh Thể là suối nguồn và dấu chỉ của tình hiệp thông. Bởi lẽ, qua mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Kitô đã hiệp thông, đã nên một với Chúa Cha trong sự vâng phục. Ngài đã nên một với Chúa Cha trong tình yêu. Bởi đó, Đấng Sáng Lập mới nhận thấy, nơi thập giá, Chúa Kitô đã biểu lộ tình yêu phi thường dành cho Chúa Cha và nhân loại. Đón nhận hành trình của mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Kitô đã hiệp thông với nhân loại mỏng dòn, tội lỗi. Nhờ đó, Giáo Hội được khai sinh và mỗi người chúng ta được cứu chuộc, được trở nên con người mới nhờ hy tế thập giá của Người. Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô đã quy tụ và liên kết các tông đồ, là những người đã bỏ cuộc, rời nhóm của họ, tản mác khắp nơi vì sợ hãi và thất vọng. Như hai môn đệ trên đường Emmaus, sau khi hiệp thông cùng Chúa chia sẻ Kinh Thánh và bữa ăn tối, họ đã bừng lửa yêu mến, vội vàng quay trở lại làm một với anh em. Từ đó, Giáo Hội bao gồm những người khác biệt nhau về tính tình, văn hóa hóa, lối sống, nếp suy nghĩ, cách hành động nhưng nên một cùng nhau và có Chúa Kitô là trung tâm. Sách Công Vụ Tông Đồ đã ghi lại cho chúng ta những hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội rằng: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”. Vì thế, khi con người hiệp thông với Chúa thì cũng hiệp thông với nhau. Sự hiệp thông này xuất phát từ hành trình thập giá của Chúa Kitô, từ mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh của Người, Người đã dâng hiến chính mình vì chúng ta.
Vài phút thinh lặng, mời cộng đoàn quỳ
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa đã quy tụ chúng con, đã làm cho chúng con nên một nhờ Mình và Máu Thánh Ngài. Chúng con xác tín rằng Hội Dòng chúng con là một cộng đoàn đích thực được quy tụ nhân danh Chúa Kitô khổ nạn và phục sinh. Xin cho con cũng biết duy trì và vun đắp tình hiệp thông, gắn bó với Chúa bằng đời sống kết hiệp với Ngài, bằng việc từ bỏ những quyến luyến trần thế để thuộc về Chúa mỗi ngày một hơn. Xin cho chúng con, như hai môn đệ trên đường Emmaus, nhớ đến Chúa, nói về Chúa ngay cả khi cuộc đời chúng con đầy những chán nản, thất vọng, để dẫu cho trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng con cũng được bền đỗ trong sự hiệp thông với Ngài.
Hát: TNC II 229
Mời cộng đoàn ngồi
Hiệp thông là bản chất và là sứ vụ của Hội Thánh. Chính Chúa Kitô đã cầu nguyện tha thiết cho sự hiệp thông này. “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17, 20 – 23). Vì thế, trong suốt dòng lịch sử của chính mình Giáo Hội không ngừng nỗ lực sống và kêu gọi xây dựng, bảo vệ tình hiệp thông trong Giáo Hội và cả nhân loại. Đặc biệt, Giáo Hội trao cho những người sống đời thánh hiến sứ vụ cao cả này. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã khẳng định trong Tông huấn đời sống thánh hiến rằng: Đời thánh hiến là dấu chỉ hiệp thông trong Giáo Hội. Sứ vụ này ngày càng trở nên khẩn thiết trong thời đại con người ngày hôm nay.
Vào ngày 03.10.2020, Đức Thánh Cha Phanxico đã công bố thông điệp Fratelli tutti – Tất cả là anh em, để cổ võ tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội. Trong thông điệp này, khi mô tả về đường hướng phát triển toàn cầu của thế giới ngày nay, Đức Thánh Cha viết: “Thứ văn hóa này hợp nhất thế giới, nhưng phân rẽ các cá nhân và các dân tộc, vì khi xã hội trở nên toàn cầu hơn, nó làm cho chúng ta trở thành những người hàng xóm, nhưng không làm cho chúng ta trở thành anh em. Chúng ta trở nên cô đơn hơn bao giờ hết trong một thế giới ngày càng đồng nhất đại trà cổ võ những ích lợi cá nhân và làm suy yếu chiều kích đời sống cộng đồng”.
Bối cảnh này của thế giới cho chúng ta thấy rõ điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định việc những người khác nhau về chủng tộc, văn hóa, lối sống, nếp suy nghĩ, cùng nhau trở nên anh chị em trong một gia đình thánh hiến mà một huyền nhiệm. Thật vậy, huyền nhiệm hiệp thông của cộng đoàn thánh hiến đặt nền tảng cốt yếu trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội là “đoàn dân được kết hiệp nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Chính Giáo Hội cũng đã khẳng định vai trò rất quan trọng của đời sống thánh hiến trong việc sống sự hiệp thông này. “Đời sống huynh đệ, hiểu như là một đời sống chia sẻ trong tình yêu, là một dấu chỉ hùng hồn về sự hiệp thông Giáo Hội. Nó được vun trồng kỹ càng trong các dòng tu và các tu đoàn tông đồ, những nơi mà đời sống cộng đoàn mang một ý nghĩa đặc biệt” .
Vài phút thinh lặng, mời cộng đoàn quỳ
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, quỳ trước Thánh Thể Chúa giờ này, chúng con muốn nhìn lại đời sống chúng con trong sứ mạng là dấu chỉ hiệp thông của tình yêu Chúa cho nhân loại hôm nay. Chúng con đã sống ý muốn của Chúa và sự trông mong của Giáo Hội như thế nào? Chúng con đang mỗi ngày xây dựng tình hiệp thông hay phá vỡ nó. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thật lòng xin lỗi Chúa vì đã rất nhiều lần chúng con phá vỡ sự hiệp thông huynh đệ bằng những toan tính ích kỷ của con người, bằng những đố kỵ, ganh ghét, bằng những đấu tranh không lành mạnh, bằng sự lười biếng và thờ ơ. Xin cho chúng con mỗi ngày cùng nhau chiêm ngắm tình yêu tự hủy của Chúa nơi Bí tích Thánh Thể, thì cũng cùng nhau sống mầu nhiệm vượt qua trong đời sống thường ngày: bằng việc đón nhận và vác đỡ gánh nặng cho nhau, gánh nặng của trách nhiệm và bổn phận, gánh nặng của tính khí thất thường, của đau đớn bệnh tật. Xin cho chúng con hằng ngày được đón rước Chúa vào lòng, cảm nghiệm sâu xa tình yêu đến cùng Chúa dành cho mỗi người chúng con, để chúng con được đồng hình đồng dạng với Chúa trong tình yêu: bằng việc không chỉ dâng hiến sức khỏe tài năng, mà còn cho đi cả danh dự, sĩ diện và lòng tự trọng của chúng con để xây dựng tình hiệp thông trong cộng đoàn và Hội Dòng.
Hát: TNC 76
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, suối nguồn hiệp thông, xin chữa lành mọi thương tích mà chúng con đã vô tình hoặc cố ý tạo ra cho nhau; xin cho chúng con cảm nghiệm sự dịu ngọt của những đau thương mà chúng con gặp phải trên đường đời, như phương thế hữu hiệu giúp con nên đồng hình đồng dạng với Chúa; để niềm vui của đời dâng hiến không chỉ là những lúc vui đùa bên nhau nhưng hoa trái của những từ bỏ, hy sinh vì Chúa và vì nhau. Lạy Chúa, xin giúp chúng con bắt đầu trở lại với những động lực và quyết tâm mới làm sáng danh Chúa bằng cuộc sống bác ái yêu thương huynh đệ, bằng sự nhẫn nại và kiên trì, bằng sự khoan dung và tha thứ để tình hiệp thông được lan tỏa và xây dựng nơi cộng đoàn chúng con.
Hát: CPS 212